Viết ngắn 25: Nghệ thật như là liêu thuốc ngừa

Biện chứng pháp là phương pháp nhận thức hiện thực bằng suy luận của lí trí. Nó thuộc phạm trù triết học. Có biện chứng thuộc phạm trù đạo học, thiên về tinh thần. Như là thứ minh triết của tâm hồn. Ở đó, việc sở đắc thực tại không qua suy biện mà bằng trực cảm đặc thù.
– Trực cảm được con người là những sinh thể li ti yếu đuối dễ bị quét sạch khỏi mặt đất trần gian cũng rất bấp bênh và có thể bị nát bấy bất cứ lúc nào khi đụng phải một trong muôn ngàn hành tinh khác giữa vũ trụ: ta thấy sinh thể ấy mỏng manh biết bao!
– Trực cảm thế giới vô tình, tự nhiên vô tình sẵn sàng dẫm qua mọi nỗ lực của con người, mọi thành tựu của các nền văn minh: ta nghe chán nản, bất lực và, thấy cuộc sống phi lí biết bao!
Vậy mà ta cứ sống, làm việc, sáng tác, cứ hi vọng và tuyệt vọng… Mới lạ! Bi kịch xảy đến giữa tâm hồn chúng ta. Một bi kịch siêu hình vây bủa: nỗi cô đơn kinh hoàng ập đến.
“Cảm thức xao xuyến (l’angoisse), là một khám phá lớn của triết học thế kỉ XX. Các triết gia hiện sinh cho rằng: trong sâu thẳm tâm hồn con người chúng ta có nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào (…) Nỗi xao xuyến đó thình lình đến với chúng ta khi chúng ta đang mơ màng, tách lìa thế giới; chúng ta vùng thức giấc giữa đêm tối (…). Thường chúng ta cố tránh né kinh nghiệm này vì nó gây đau đớn và chia xé (…). Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, hạnh phúc trước khi chúng ta chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này…” (E.Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật).
Ta đứng một mình cô độc, chơi vơi không nơi nương tựa. Hoang mang cực độ. Ta thấy mình bỗng chốc rơi vào nơi chốn trống không, “vô sở trụ”: không nơi bấu víu. Điều mà Rilke gọi tên “không có quê hương trong thời gian”. Khi khám phá/cảm nhận sự thể này (rất hiếm hoi, chỉ con người có khuynh hướng trầm tư mới may mắn [hay rủi ro] giáp mặt được với nó), đột ngột người ta có những hành vi lạ lẫm khó lường. Rời bỏ ngai vàng, như Đức Thích Ca Mâu Ni; nhảy cầu sông Seine hay cầu cứu đến chai thuốc độc, ôm bom lao vào đám đông như bọn khủng bố, hoặc lang thang vô định như Bùi Giáng,…
Một số ít may mắn hơn hay, được trời phú cho tố chất nhất định, vượt qua thử thách tâm linh này để trở lại làm con người bình thường. Hắn thấy cuộc sống không ý nghĩa gì cả, nhưng hắn biến chúng trở thành đầy tràn ý nghĩa! Hắn thấy tội nghiệp cho những kẻ quan trọng hóa vài thành tích bé con hư phù nơi cõi người quá phù du này. Tội nghiệp nhưng không khinh thường. Dù xem nhẹ các thành quả, nhưng hắn vẫn tiếp tục làm việc. Vì đó là định mệnh của hắn. Hắn có thể đối thoại với những con ma mà không vấn đề gì cả, bởi hắn cũng chính là con ma!
Hoelderlin: Chúng ta là những con ma…
Heidegger: Con người vừa sinh ra đã đủ già để chết…

Trực cảm điều ấy, hắn trở về với cõi sống mà cái chết là chắc chắc, bất kì lúc nào. Hắn nhìn cuộc đời hoàn toàn bằng con mắt khác: thấy núi là núi, sông là sông… Hắn thấy cuộc sống đáng yêu làm sao, những khuôn mặt người đáng yêu làm sao, các công việc dẫu bé con cũng đáng gánh vác! Hắn không muốn buông xuôi, bỏ cuộc nữa. Hắn hiểu vạn sự đều có lí do tồn tại. Mỗi sinh thể có mặt đều có nguyên nhân. Mỗi tác phẩm, mỗi động thái, mỗi dòng chữ…
Và hắn cảm tạ cuộc sống:

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn
nằm ngoài chân trời đếm đo được/mất
tạ ơn làm cho ta lớn lên

(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)
Tạ ơn thì không so đo được/mất. Không hơn thua. Mỗi ngày mở mắt nhìn mặt trời là một ngày mới, linh thánh và đáng sống. Hãy biến mỗi ngày thành buổi thánh lễ tôn vinh cuộc đời.
Đó là hệ quả của tư tưởng chiêm nghiệm (la pensée méditante). Khác tư tưởng tính toán đo đếm (la pensée calculante – chữ dùng của Heidegger), là thứ đã từng biến con người ngày càng trở nên bé nhỏ, vụn vặt, lắt nhắt, sa đọa,… Mang tư tưởng tính toán, nghệ thuật không thể bay cao.

Bởi không thể sống mà không tạ ơn
tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết
… tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt

Dẫu không là cái đinh gì cả
tôi vẫn cần thiết có mặt.
vậy nhé
tôi xin tạ ơn tôi
.

Tạ ơn tôi, như tạ ơn anh em bạn bè, xa hơn – tạ ơn người đang sống và đã chết. Đó chính là ý nghĩa của vô nghĩa. Cũng là tiêu đích cuối cùng của nghệ thuật. Và, của thi ca.
Quan niệm bi kịch Hi Lạp, theo Nietzsche, như một liều thuốc ngừa. Con người phải được tiêm chủng trước ở bi kịch trên sân khấu, để sau đó đủ sức đối phó với bi kịch thật trong cuộc sống, khủng khiếp ngàn lần hơn. Nghệ thuật cứu con người thoát khỏi tinh thần cố chấp, hẹp hòi, thù vặt,… Nghệ thuật nâng tâm hồn con người lên khỏi ràng buộc của lo toan thường nhật. Sống hân hoan và, tin tưởng.

Vì, dù gì đi nữa, cũng phải làm việc và sáng tạo.
H.Miller: Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *