Trần Tuấn: Nắng Chăm

Mấy ngày trời, tôi hành hương vào xứ Nắng…

Nắng đã khởi động trên đồi tháng Tư
khởi động sớm hơn nhiều thế kỷ trước
khi biển còn chưa thức giấc
sớm hơn cả ký ức thầy chủ lễ già …

nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư Kaing
đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên sà nhà
…nắng vây bọc mái tóc đám thiếu nữ xuống sông lấy nước

(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư).

Học giả Lâm Gia Tịnh – một trí thức lớn người Chăm
Nắng Chăm mùa này dễ say, dìu dịu như men rượu nho. Rồi cũng buồn buồn như những câu thơ của chàng thi sĩ Chăm Inrasara, dịch ra có nghĩa là Thiên Thần. Chàng Thiên Thần giờ đang ngồi đâu đó giữa Sài thành nhớ nắng. Palei (làng) Chakleng nơi chàng sinh ra, lớn lên, trưa nay có con bò vàng Nandin bước ra khỏi tháp Po Klaung Garai kéo chiếc xe chở đầy nắng chạy ngút mắt cát gió. Tiếng thoi dệt trong làng cũng đã nghỉ trưa. Tôi ghé vào nhà thầy Lâm Gia Tịnh. Ông giáo Chăm bảy mươi sáu tuổi đang nghỉ trên chiếc ghế dựa bên khung dệt thổ cẩm, ngồi dậy ngước nhìn khách, đôi lông mi trắng suốt một màu nắng. Nghe khách giới thiệu vừa đến từ vùng Quảng Nam, ánh mắt ông giáo Chăm bừng dậy hân hoan. Hoài niệm về Kinh thành Simhapura, về đất thánh Mỹ Sơn, về dòng chữ Chăm cổ xưa bí ẩn lưu dấu trên vách đá chìm nổi sóng nước Thu Bồn, về những pho sách cổ chữ Phạn viết trên lá buông mà một đời ông mải mê tìm kiếm …
– Cậu đã tận mắt thấy dòng chữ trên vách đá ấy chứ ? Còn rõ nét không, có chụp ảnh được không ?
– Dạ, thưa đã. Nhưng mà hiếm hoi lắm mới gặp, bởi dòng chữ ấy chìm trong nước, mà nước nguồn Thu Bồn thì chẳng ai có thể biết bao sâu. Chỉ những khi nắng lên, nước cạn mới hiện ra. Người bảo là bùa chú, người nói là sấm truyền, nhưng chưa ai giải mã nổi. Nên Hòn Kẽm Đá Dừng vẫn luôn hấp dẫn và bí hiểm.
Ông giáo Chăm thừ người. Có lẽ ông đang ao ước thèm muốn được đòi lại hoặc vay mượn đâu đó vài năm tuổi trẻ để tiếp tục cuộc đi. Người trí thức nổi tiếng của cộng đồng Chăm, một trong những người Chăm đầu tiên cùng với người Pháp soạn ra Từ điển Chăm – Việt – Pháp, và cũng là người đầu tiên sau ngày giải phóng tham gia Ban biên soạn sách giáo khoa tiếng Chăm của Bộ Giáo dục. Một học giả về ngôn ngữ và văn hoá Chăm, chủ nhân của kho sách Chăm cổ, từng là khách mời dự sinh nhật Công chúa Thái Lan, và diễn thuyết về ngôn ngữ Chăm… Những trang huyền sử ghi trên lá buông người Chăm cất giấu bí ẩn truyền đời của dân tộc mình, ông giáo Tịnh một đời lang thang tìm kiếm như săn tìm định mệnh. Ai là người đầu tiên nghĩ cách viết sách lên lá buông, và khi nào thì chữ trên lá buông thất truyền, tịnh không ai nhớ. Với những pho sử lá buông gìn giữ được, ông giáo Tịnh biết kho tàng ấy chứa đựng mật mã về cách dựng tháp Chăm, nguyên tắc đào móng, và cả những câu sấm truyền bí hiểm… Chiếc lá buông nhỏ nhoi xoè rẻ quạt che miền nắng gió cực Nam, người Chăm lấy về rồi đem phơi nắng để có những đọt lá dẻo mềm, rồi cắt theo khuôn khổ. Để viết chữ lên lá buông, người ta dùng mũi nhọn của thanh sắt trên chiếc xa quay thổ cẩm (người Chăm cổ vẫn dùng để buộc chỉ). Những dòng huyền sử hiện dần theo từng mũi kim châm, mỗi lá chỉ ba đến bốn dòng chữ. Người Chăm dùng một loại bột mịn mà nay không còn ai biết để xoa lên hàng chữ, bột lặn vào nét lõm, rồi thổi cho lớp bụi bay đi. Trầm tích những dòng chữ Chăm như màu nắng nhạt trên ngọn đồi trắng Yang Patau. Bao nhiêu nắng từ thế kỷ nào còn nóng ran trên trang sách lá buông kia, trên trang sách ông giáo Chăm tóc mi bạc xoá đang đọc cho tôi nghe đây?
Một phụ nữ Chăm từ dãy nhà ngang bước lên: “Trưa hung rồi đấy, ông và cậu ăn cơm!”. Tôi ngạc nhiên. Mải mê chuyện, đồng hồ đã một rưỡi chiều. Tưởng là ông giáo đã xong bữa từ trước. Người đàn bà Chăm cao lớn, phong thái dung nhã phảng phất vẻ đẹp của Hoàng hậu xứ Chăm Bia Than Cih. “Vợ tôi đấy, bà Phú Thị Mỡ!”. Nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng bậc nhất cộng đồng Chăm Ninh Thuận và của làng Chakleng – Mỹ Nghiệp là đây, nghe báo chí viết nhiều nay mới được gặp, như bức ảnh bà chụp cùng Chủ tịch Trần Đức Lương cùng vô số bằng khen đang treo trên tường kia nói lên điều đó. Nhà ngang là xưởng dệt truyền thống Chăm do bà đảm trách, ngổn ngang khung dệt bằng gỗ, những búi chỉ màu rực rỡ, những khăn túi, váy áo …
Bữa cơm dọn ra bên khung dệt, chỉ có tôi và ông giáo già. Một đời bưng bát cơm lúa Chiêm Bắc bộ, giờ lần đầu tiên bên mâm cơm với người Chăm. Cũng những hạt lúa padai bidiên nóng hổi dẻo mềm ấy, cuộc hành trình tảo tần lam lũ của hạt lúa chớp mắt đã ngàn năm. Chao ơi cái hạt lúa Chiêm nhỏ xíu nổi nênh trong xứ nắng nôi mẫu hệ này thế nào, từ khi Thần mẹ Po Inư Nưgar ban phát xuống trần gian, rồi dạy cấy dạy cày, gieo vào mỗi đời lam lũ một linh hồn yang sri của lúa để biết kính quý hạt lúa như những giọt máu truyền đời ? Miền nắng gió cỏ cây cằn cỗi, hạt giống gieo dầm mình trong lửa, sơ sinh cùng tiếng hát trầm buồn của thầy Kadhar già kéo đàn Rabap, của thầy Mưduôn vỗ trống Baranưng, của thầy Kain cầm roi nhảy múa gọi mưa về… Nhọc nhằn thế nên chưa thấy nơi nào kính trọng hạt lúa như người Chăm, với tục thờ gạo (brah kran), hạt lúa gắn với 5 lễ nghi nông nghiệp : Lễ dựng chòi cày, Lễ cúng ruộng lúa mới gieo, Lễ cúng lúa làm đòng, Lễ mừng lúa thu hoạch, Lễ mừng lúa lên sân…

Rời bóng mát gian nhà ông giáo Chăm minh triết và hiếu khách, tôi lại bước vào minh mang gió cát tiếp tục cuộc hành hương trong xứ Nắng. Bên kia đường, là Palei Hamu Crok – làng gốm cổ Bàu Trúc, quê nhà của chàng hoạ sĩ Đàng Năng Thọ. Chàng hoạ sĩ cũng đã lang thang đâu đó, lâu lâu rồi chưa về lại làng. Bàu Trúc là làng nghề thuần tuý “mẹ truyền con nối” đầy lạ lùng của người Chăm, không hề giống với bất kỳ làng gốm nào khác. Đất ruộng, người Chăm lấy về phơi nhiều nắng, để dành. Khi muốn làm, họ lấy ra đập nhỏ từng cục, bỏ vào ụ đất rồi ngâm qua đêm, sáng hôm sau lấy ra nhào trộn với cát mịn phù sa của sông. Không dùng bàn xoay như mọi làng gốm khác, những người đàn bà Chăm đặt cục đất sét lên đáy chiếc lu úp ngược, rồi cứ thế khom lưng đi giật lùi, đôi tay khéo léo nặn dựng, vê vuốt thỏi đất đến khi thành hình những chiếc bình, những khạp, lu, nồi, trã, lò đất, và những vưu vật dùng trong cúng tế. Những người đàn bà Bàu Trúc cứ đi giật lùi, từ sớm mai tới xế chiều, từ thanh xuân tới chạng vạng đời người, những chiếc bình gốm đựng thời gian cho họ. Hiện dần lên dưới đôi tay chai nắng là những hoa văn, những đường sóng nước, vỏ sò… ấn tượng hơn cả là khi người đàn bà Chăm dùng móng tay của mình găm trên vỏ gốm những đường kỷ hà vô định, những dấu vết sững sờ hiện về trên mảnh gốm vỡ nơi hố sâu đất cát di chỉ văn hoá Sa Huỳnh hơn hai ngàn năm về trước. Dấu móng tay mang mật ngữ của Vô cùng, một loại bi ký kể về đời người đàn bà xứ Nắng… Gốm Bàu Trúc không bao giờ nung trong lò, mà đem phơi nắng. Khi sản phẩm đã khô, người ta xếp củi trên đường làng, lớp củi cao hơn gang tay, rồi úp ngược những sản phẩm lên trên, lần lượt lớn dưới, nhỏ trên thành một khối vuông. Củi tiếp tục được dựng xung quanh, bao bọc bằng rơm rạ, sau đó nổi lửa. Đốt từ chiều hôm trước, sáng hôm sau người Bàu Trúc mang sản phẩm về nhà. Sắc lửa đậm nhạt hiện trên mặt gốm. Âm thanh của lửa và nắng vang thanh thoát từ trong lòng gốm sau mỗi va chạm nhẹ.
Trong sân nhà hoạ sĩ Đàng Năng Thọ, những người đàn bà trùm khăn đang mải miết với những bước giật lùi. Nữ gia chủ Đàng Thị Đứng – người đàn bà Chăm phúc hậu, giờ cai quản bầy con đang tuổi ăn học. Cậu con trai nhỏ của hoạ sĩ đã khiến tôi ngẩn ngơ, sau khi xem những bức tượng ký dưới với cái tên Vijaya. Chưa một ngày học điêu khắc, kể cả học văn hoá cũng chểnh mảng, 25 tuổi đầu giờ mới đang bổ túc lớp 11, thế mà từ khi cha vắng nhà, gánh nặng đồn lên vai, chàng thanh niên Chăm đen đúa thoắt trở thành nghệ sĩ có tiếng. Ngoài việc giúp mẹ tạo mẫu sản phẩm và hoa văn gốm mới lạ, Vijaya dồn sức tạc tượng. Tôi lặng lẽ bên “Người trầm tư” đất nung của Vijaya – Đàng Lưu Năng Phụng. Người đàn bà Chăm bầu vú tràn trề, đôi môi dầy, cánh mũi nở, đuôi mắt kéo dài như dòng kraung praung đang ngồi xa xăm, với chiếc bình gốm đựng tro than ngày tháng trên tay, với sắc lửa âm ỉ cháy lan từ mỗi đường cong cơ thể. Nhiều bức tượng của Vijaya đã được giới mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, và đưa đi trưng bày triển lãm. Con trai lớn của người hoạ sĩ hàng đầu cộng đồng Chăm giờ đang học Đại học mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh. Đến lượt cậu em Vijaya cũng đang mơ một chỗ trên giảng đường mỹ thuật. Cô bé út Đàng Lưu Ariya mới lớp 8, ngồi chơi nhìn cha vẽ tranh, nhặt nhạnh những ống màu thừa cũng cho ra những bức sơn dầu, màu nước đầy kinh ngạc. Dòng máu của thần Shiva muôn đời vẫn cuộn chảy trong cơ thể người Chăm.
*
Nắng vẫn chưa chịu lui trên cây rơm cao ngất góc sân nhà tu sĩ Bàlamôn – Phó cả sư Trượng Định. Vị tu sĩ Bàlamôn ngước nhìn: “Năm nay nắng sẽ hung lắm đây!”
Thấp thoáng người đàn bà đội nước đi trong đường chiều Phước Thái. Tháp Po Klaung Garai mờ xa.
Ơi bò Thần Nandin, kẻ trung thành của thần Sáng Tạo Shiva, làm sao kéo về cho tôi một chiếc xe đầy nắng …

*
Chúng tôi giữ nguyên văn của tác giả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *