Tết Chăm, têt mở

Bên cạnh Ramưwan (tức Ramadan) của người Chăm Bàni, thường được gọi là Hồi giáo cũ, Katê, được xem là Tết chung của cộng đồng Chăm, được tổ chức vào đầu tháng Bảy Chăm lịch, khoảng giữa tháng Mười Dương lịch. Nhưng từ xưa đến nay, người Chăm vẫn cứ xem tất cả Tết, cả Ramưwan, Nguyên Đán,… đều là Tết của mình, không chút phân biệt. Đây là một nét rất đặc trưng trong xã hội Chăm.
Lạ, tôn giáo Chăm: Bàlamôn giáo, một tôn giáo rất cổ, tưởng khép kín, không ngờ nó mở rất lạ. Văn hoá dân tộc Chăm cũng thế. Hãy tưởng tượng dân tộc cư trú dọc miền duyên hải Trung bộ nhìn mở ra biển Đông, suốt mười mấy thế kỉ.

Thử bàn chuyện thờ cúng: Trước tiên ngay thế kỉ thứ II, Chăm xem Ppo Inư Nưgar – Bà Thiên-Y-Ana là người tạo lập xứ sở. Vị trí thờ phượng luôn được đặt ở hàng đầu. Sau đó, thế kỉ XIV, khi Hồi giáo nhập địa Champa, vị trí này được nhường lại cho Allah. Chăm coi Ngài là đấng sáng tạo vũ trụ, trong khi Ppo Nưgar chỉ được xem như người tạo lập xứ sở. Ai nhất thì tôi thứ nhì!
Trong các cuộc lễ, tôn giáo Bàlamôn Chăm mở ngõ cúng bái các vị thánh có trong Kura-ưn (Koran). Rồi khi có xung đột ý hệ tôn giáo Hồi – Bàlamôn trong sinh hoạt, Chăm sẵn sàng sáng tạo ra một giáo phái mới: Mưdwơn, phục vụ cho cả hai tôn giáo: Chăm Bàlamôn và cả Chăm Bàni.
Trong lễ lớn của Hồi giáo cũ (Chăm Bàni) là Ramưwan (tháng 9 chay tịnh), hình ảnh mở đẹp nhất của tôn giáo-tín ngưỡng Chăm có lẽ là từng đoàn cô gái Chăm Bàlamôn đội ciet bánh trái cúng dường nhà Chùa Hồi giáo (sang mưgik) rất thành kính và trân trọng. Các dịp lễ gia tộc khác cũng thế, Chăm Bàlamôn luôn mời các vị Thầy Acar về tận nhà hành lễ. Lạ!
Lạ mà đẹp.

Với người Kinh – xen cư hay cộng cư trong khu vực có cộng đồng Chăm sinh sống – cũng thế. Tết Nguyên đán gần như được người Chăm coi như tết của mình, dù lâu nay người dân quê Chăm chưa xem nó là Tết chung cả dân tộc Việt Nam. Đây chỉ là hành xử rất ư tự phát, một tự phát có nguồn gốc từ ý thức (hay vô thức cộng đồng) rất mở của văn hóa Chăm suốt quá trình lịch sử, tồn tại mãi đến hôm nay.
Người Chăm đội giạ nếp, cặp gà qua ăn tết người Kinh cùng hay khác làng có quan hệ quen biết hoặc làm ăn buôn bán. Ăn Tết đã đời rồi còn có quà bánh mang về nữa. Hòa đồng và vui vẻ. Như là Tết của chính mình vậy. Nhất là sắp trẻ, cũng háo hức đón Tết. Mừng dựng nêu, đốt pháo – xưa; hoặc đạp xe xuống phố, qua khu vui chơi giải trí – nay. Tết như có thêm ngày hội. Còn với người lớn, mùa Tết nhằm ngày vụ vừa xong nên người ta cũng không tiếc nhau lời chúc, quà tặng.
Chúng tôi nói đùa nhau Chăm hân hạnh đón đến bốn cái Tết mỗi năm là vậy: Katê (nhằm tháng Bảy lịch Chăm) chung cho cộng đồng Chăm, không phân biệt tín ngưỡng-tôn giáo – Ramưwan, Tết của Chăm Hồi giáo vào tháng Chín Hồi lịch – Tết Tây – và sau cùng là Tết Nguyên đán.
Tinh thần mở ấy có lẽ được người Chăm thể hiện rất đẹp qua ứng xử hàng ngày, lộ bày rõ nhất trong các dịp lễ, tết của đồng bào khác tộc, khác tôn giáo – tín ngưỡng.
Nó chính là một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng trân trọng.

One thought on “Tết Chăm, têt mở

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *