Mai Văn Phấn: Khai mở sau tiếng kẹt cửa

MAI VĂN PHẤN
KHAI MỞ SAU TIẾNG ____ KẸT ____ CỬA

Con người luôn chịu tác động bởi hoàn cảnh: môi trường tự nhiên, gia đình và xã hội, nền giáo dục, tiếng nói, các cuốn sách đã đọc… Chúng như thứ lực vừa hữu hình vừa vô hình khuôn định ta, khó lòng trốn thoát. Rồi, chính ta trở thành một lực khuôn định lại mình. Hỉ nộ ái ố ta quẩn quanh giữa vùng xoáy đó, không thoát ra được. Như đời sống trong kho: ta vừa là kẻ cư trú, đồng thời là kẻ giữ kho. Dù của nả trong ấy không là bao, chưa là bao, ta cứ giữ rịt nó. Nhưng bản thân của sống là phiêu lưu, phiêu lưu tìm cái mới, lạ. Trong suốt lịch sử nhân loại, từ cộng đồng giữ kho ấy, không kể xiết con người xé rào vượt ra ngoài khuôn định. Khai vỡ vào miền vô định. Rồi từ trùng khơi xa lạ đầy bất trắc ấy, họ chở về quê hương bao của cải. Để nhập kho.
Trong các loài thường xuyên xé rào ấy, thi sĩ là một. Trong nền thơ chúng ta hôm nay, không ít kẻ đã xé rào ra đi như thế. Mai Văn Phấn là một.

Hiếm nhà thơ hôm nay dứt áo với quá khứ vừa đau đớn, nhọc nhằn vừa khó khăn như Mai Văn Phấn. Bỏ làm thơ trong thời gian dài, mãi sắp bước sang tuổi tứ thập anh mới xuất hiện trở lại. Các tập thơ: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), trường ca Người cùng thời (1999); các giải thưởng: Giải Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) liên tục từ năm 1991, 1993, 1994, 1995, Giải thơ báo Người Hà Nội 1994, Giải thơ báo Văn nghệ (1995),… đủ cho anh một tên tuổi, dọn cho anh một chỗ ngồi đường hoàng trên chiếu văn. Những tưởng anh “yên bề”, nhưng không!
Nhìn lùi lại, Mai Văn Phấn vỡ ra rằng còn có thiếu khuyết nào đó trong thơ anh, chúng vẫn chưa nói được tiếng nói của hôm nay. Rời bỏ chúng, anh muốn tìm giọng điệu khác của anh, của chính thế hệ anh.

Sau thành tựu của Thơ Mới, thơ Việt tiếp bước bằng nhóm Xuân thu nhã tập, thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa, thơ của nhóm Sáng Tạo ở miền Nam, Nhân Văn-Giai phẩm ở phía Bắc…(1). Còn hôm nay, và cả ngày mai nữa? Thi ca Việt Nam đang đứng ở đâu, và sẽ về đâu? Không nhà thơ sáng tác đầy ý thức nào không đặt ra câu hỏi đó với mình. Bằng bản năng thi sĩ, Mai Văn Phấn dự cảm “mùa thu” vừa rớt lại, mùa xuân đang tới, và “mùa hạ rất gần”:

Đừng hát nữa lời ca thành thán khí
(“Mùa hạ rất gần”)
Anh quyết lên đường ra đi.
Ngay ở trường ca Người cùng thời(2), chúng ta thấy anh đã khăn gói cho công cuộc khai mở nhọc nhằn kia. Bằng mày mò trộn lẫn nhiều thể thơ: thơ xuôi, tự do, lục bát và cả… vè nữa! Đậm nổi hơn khi bước qua Vách nước(3). Nhưng – cho dù đã nỗ lực thổi tinh thần mới vào chúng – ngôn ngữ thơ anh vẫn còn loay hoay bao lấm láp màu đất đồng quê, rơm rạ: lưỡi cày, sá cày, mùi ruộng ải, tiếng cuốc, chiếc sừng trâu, phận hoa bìm, dấu chân liềm hái, mắt rạ rơm, lưỡi cỏ, thớ đất,… Mai Văn Phấn như kẻ ra đi mà vẫn còn ngoái lại, như thể nuối tiếc cái quen thân. Nó là một phần máu thịt anh, một góc đời anh. Không dễ gì bứt ra một sớm một chiều.
“Cuộc chiến tinh thần cũng tàn khốc như trận đánh của bọn đàn ông với nhau” – A. Rimbaud(4). Mai Văn Phấn cũng đã trải nghiệm cuộc chiến như thế, có lẽ. Đó là cuộc tương tranh giữa quán tính và “không quán tính”, giữa tù đọng và chuyển dịch, đóng và mở, trì níu mặt đất và phiêu lãng bầu trời… Giáp mặt “sự ù đặc hôm nay”, anh biết tư tưởng, tâm hồn, thi ca chúng ta đang “ướp đông”, “đông cứng”, không hoặc có rất ít dấu hiệu chuyển động. Nhìn đâu cũng thấy:

Bức tường và cánh cửa vẫn đóng
(“Dấu vết”)
Ừ, thì có “mở”, nhưng mở hờ, hay giả vờ mở. Hoặc đã mở, nhưng tư duy thơ chúng ta vẫn đóng. Nữa: nó mới he hé thôi mà ta cứ ngỡ/yên tâm là đã mở to lắm rồi. Hệ quả là thơ hôm nay mới cục cựa chứ chưa chuyển động, mới rón rén tam cấp cách tân chứ chưa dám bước những bước vạm vỡ về phía trước! Nỗi cục cựa, rón rén có mặt khắp, ở tôi, ở anh, ở tất cả chúng ta. Nhất là ở chính Mai Văn Phấn. Một tự cảnh tỉnh đầy tính trí thức:

Trong hốc lặng
tôi
im trôi với bao người
.
(“Im trôi”)
Im trôi với tư duy thơ cũ, thi pháp mòn cũ. Đồng lõa mà im trôi.
Nhà thơ sinh nơi một làng quê nghèo ven biển, đang sống và làm việc trong một thành phố hãy còn phẳng lặng này mãi loay hoay giữa quán tính. Thứ quán tính làm thành định phận của thơ anh. Anh mơ một lần được nghe rền vang tiếng kẹt cửa! Tập thơ bắt đầu bằng bài “TIẾNG ___ KẸT ___ CỬA”.

tiếng kẹt cửa réo vang
mở con đường
.
Thế hệ anh, giữa bao kẻ dừng lại với vòng hoa cũ, Mai Văn Phấn dám tìm/đối mặt thách thức: “được quyền nghĩ những điều đã ước”, vạch “nhịp điệu vẽ lối đi”, “đợi mùa”, cả “ước phục sinh”. Đây, kia đã thấy thơ anh vặn mình khởi động trước TIẾNG ¬___ KẸT ___ CỬA.
Không phải vô cớ, MỞ xuất hiện rậm rạp trong Vách nước: cánh cửa bật mở, mở cổng, mở vòm ngực rộng, ngực ai mở lớn, mở toang ngực, mở con đường, đất mở, đất hoang vừa mở, dấu giày mở, mở cơn lốc, cờ phướn mở, gói bọc được mở ra, tay mở những bờ mùa, trẻ con mở viện bảo tàng, lời vô nghĩa mở ra tưởng tượng,… Cả các hạn từ hàm nghĩa tương đương: nở bung, bật tung, bung rã, cửa phá bung, vỡ, bùng vỡ,…
Mỗi nhà thơ luôn bị ám ảnh, dằn vặt bởi một số từ, có khi chỉ vài từ. Lặp đi lặp lại, từ bài này sang bài khác, tập này qua tập khác. Ở Mai Văn Phấn, là: cửa, mở, vỡ,… Có CỬA (cửa, khe cửa, kẹt cửa, cánh cửa,… ), có đóng mới có mở. Mai Văn Phấn đã nhọc mệt lên đường. Và anh liên tục gõ.
Với thái độ của vị cao tăng mà thiền sư Lâm Tế đã nhạo báng, Mai Văn Phấn miệt mài gõ từng nhà một, cả “gõ cửa căn nhà một hành khất khác đi xa”(5): những hiện thực và hiện thực huyền ảo, siêu thực hay tượng trưng, cả trường thơ trương nở hay hậu hiện đại,… Tội cho anh (và cả cho tôi), luôn thân phận hành khất trong cuộc đời, trong tích luỹ tiệm tiến tri thức, trải nghiệm lại con đường mòn thiên hạ đã qua. Đó là định mệnh của nền thơ chúng ta, xưa nay. Mỉa rằng đó là thứ đám mây mù của bạt ngàn trào lưu văn chương Tây phương đã chết đuối tận chân trời nào xưa lắm, thì không gì dễ hơn. Ở góc nhìn nào đó, những đám mây kia vẫn làm nên phù sa cần thiết cho dòng sông thi ca chúng ta. Làm như chúng ta chưa từng học Đường luật trễ gần 300 năm, học Trường lãng mạn và hiện thực Pháp muộn đến gần thế kỉ!
Thi ca chúng ta phải thế.
Có thể xem “Nhịp điệu vẽ lối đi” (phần 1, “Vách nước”) vừa là di chứng một tiếng nói mê sảng của kẻ còn mắc kẹt dưới những đổ vỡ và thất vọng của/với xung quanh, đồng thời ghi nhận một cựa mình quẫy đạp giữa đống gạch vụn. Sau cuộc chiến, người ta thấy la liệt những: phong kín, mê sảng, tái sinh, phục sinh, vong linh, kí ức, trí nhớ, huyệt mộ, u mê, hốc mắt, oan khiên, sám hối, mặt trời mù, thác loạn, quánh đặc, nỗi kiếp côn trùng,… Ở đó loáng thoáng dấu chân của vài kẻ đồng hành vừa đi qua. Nhưng, không sao cả. Để đi hết cuộc hành trình, anh đã không thể khác!

Khác với thế hệ nhà thơ khuynh hướng cách tân cùng thời: nếu Trần Tiến Dũng rời Khối động, Hiện để hành hương về miền sông nước Tây Nam bộ, tái khám phá kí ức tuổi thơ trong Bầu trời lông gà lông vịt(6), một kí ức khả năng cứu vớt linh hồn thi sĩ giữa sôi động rậm rịt của thường nhật Sài Gòn hôm nay; hay Nguyễn Quang Thiều “trốn lo âu về lại cánh đồng”, cày xới tiềm thức và liên tục vỡ hoang trên mảnh đất quê hương để tìm Nhịp điệu châu thổ mới(7); Mai Văn Phấn không chạy trốn nữa, anh đóng cửa tự nhốt mình trong thành phố lặng (lần đầu đến Hải Phòng vào mùa xuân năm 2003, ấn tượng đậm nhất của tôi về nó: kém náo nhiệt và thiếu sôi động). Và như vị cao tăng kia, anh bắt đầu thực hành công án do chính anh tự tạo. “Mười bài tập mùa xuân” ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi ấy.
Anh thực hiện công án-thơ trong bao lâu? Mười tháng? Mười năm hay mười kiếp? Hoặc chỉ trong sát-na? Ở đây thời gian không còn là tiêu chuẩn đo lường. Mười bài tập (Tập viết trước tờ giấy trắng? Tập bập bẹ A – B – C hay tập nói lại ngôn ngữ thiêng liêng ban đầu?) không dấu phẩy dấu chấm, không xuống dòng viết hoa. Mười bài như mười hơi thở, thở vào nội tâm ta và thở ra vô cùng. Tất cả im bặt chỉ còn lại hơi thở có mặt, hơi thơ và hơi thở. Mai Văn Phấn có chứng ngộ được gì không?
Với tôi, ở một mức độ nào đó – có.

Đất rùng mình.
Sông chảy.
Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung
.
(“Anh anh em em”)
Đẹp hơn tưởng tượng
nơi đỉnh đầu thế giới
tiếng nổ gọn
bắt đầu vết nứt
ló rạng những tượng đài
câm lặng
đâu đó vang lên từng ý nghĩ
.
(“Không quán tính”)

Sau tiếng ¬___ kẹt ___ cửa, Mai Văn Phấn bất chợt bắt gặp hơi thơ-hơi thở của mình: “Biến tấu con quạ” đã đổi giọng toàn triệt. Không mảy may dấu vết cử chỉ hay dáng điệu ở đây. Nhịp thơ đi nhanh, gấp, dứt khoát. Hơi thơ khoẻ khoắn. Biến tấu giúp nhà thơ quyết toán phận hành khất: anh vừa tìm được bản lai diện mục-thơ của/cho mình.

*
Nhưng không phải tìm thấy để ngưng nghỉ, như thể một về hưu non trong sáng tạo hay quay lại gặm nhắm thành tựu bé mọn của mình, Mai Văn Phấn lại tiếp tục thử nghiệm nữa! Là sự dũng mãnh cần thiết. Dù đôi lúc anh chưa đạt được ý nguyện. Bởi, vài thử nghiệm đó đã rất khó đến với độc giả. Sự có mặt đậm đặc các ẩn dụ khiến thơ anh trở nên tối nghĩa. Trên phương diện lí thuyết, ẩn dụ là lối cấu trúc ngôn ngữ:
– biến danh từ từ chức năng định danh sang chức năng định hình.
– vay mượn ngôn ngữ để làm giàu ngôn ngữ
– khỏa lấp những thiếu sót ngữ nghĩa trong ngôn ngữ bình thường
– mang vào ngôn ngữ yếu tố lạ, làm mới ngôn ngữ
– tăng cường độ so sánh tạo bất ngờ để gây cảm xúc
– làm nhòe nghĩa và đa nghĩa câu thơ(8)
Còn siêu thực? Chúng ta tạm trích dẫn ý kiến của hai tổ sư khai sáng Trào lưu văn chương này:
“Hình ảnh là một sáng tạo thuần túy tâm linh. Nó không thể sinh ra từ so sánh, mà từ sự sáp vào nhau của hai thực tại ít hay nhiều xa nhau. Những quan hệ của hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng, thì hình ảnh sẽ càng mạnh mẽ – nó sẽ càng có sức mạnh xúc cảm và sức mạnh về thực tại thơ…”(9). “Đối với tôi, hình ảnh mạnh nhất là khi nó trình bày cấp độ tự do (le dégré d’arbitraire) cao nhất” (A. Breton).
Quan điểm về hình ảnh như thế không lạ với các người làm thơ, xưa nay. “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” (Kiều) hay “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt / Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây (Chinh phụ ngâm). Nhưng khi các nhà thơ Pháp đầu thế kỉ XX nâng cấp yếu tố đó thành lí thuyết sáng tác thì nó mới có sức lan tỏa rộng lớn, ảnh hưởng mạnh đến nền thơ thế giới gần thế kỉ qua. Các nhà thơ siêu thực ý thức chống lại sự xơ cứng, mèm cũ của ngôn từ, tìm nghĩa mới cho từ bằng ý thức lao động trên những hình ảnh thực hay tưởng tượng, rất chuyên nghiệp. Vận dụng vài thủ pháp của mĩ học này trong sáng tác, thơ Miền Nam thập niên 60 đã có thành tựu quan trọng.

Tôi buồn khóc như buồn nô
ngoài phố
nắng thủy tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao nở vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa con linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu

tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền…

tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật
.(10)
Thanh Tâm Tuyền ẩn dụ, Thanh Tâm Tuyền siêu thực đã tạo nhịp đi mới, lạ cho “Phục sinh”. Không khí bài thơ với cái ngột ngạt của tội ác và hình phạt, sự cô đơn của con người trong khoảng tối của vắng mặt và có mặt, nỗi khẩn thiết của cầu nguyện và chờ đợi và, ước mơ thánh thiện được phục sinh, đã cảm hóa người đọc khi nó vừa xuất hiện, cuốn hút họ ở lại với bài thơ. Cả mấy thế hệ tiếp nối. “Đối thoại với thời gian” của Mai Văn Phấn, vắng bóng điều đó:

Không gọi được ai, lạc vào ai
Rượu hút cạn
Ngón tay rỗng buốt
Nín thở nghe nước xiết
Phơi khô ươn ái sông dài
Chảy qua thân
Nặng chĩu bờ vai rậm rịch
Bước chân hóc mắt đi tìm
Oan khiên con đò tự vẫn

Cánh đồng dâng ngang ngực
Nước mắt lửa kéo cày
Hoàng hôn chất ngất hạt giống
Sương giăng dài cơn mơ

(“Đối thoại với thời gian”)
Chưa nói nhịp thơ trúc trắc, riêng các hình ảnh đối chọi được đặt gần nhau san sát, ẩn dụ dày đặc khiến bài thơ rơi vào vũng tối của sự hiểu. Người đọc, mới qua đoạn hai đã bị lạc, không biết nhà thơ muốn nói, gợi gì! Trước, không phải các thi sĩ tiền bối đã không để câu/đoạn thơ sa đà vào trường hợp như thế (ví dụ Nguyễn Du với: “Làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” đã làm cho nhà thơ Mĩ gốc Việt Đinh Linh không hiểu ông bà ta nói gì cả!(11)), nhưng bằng ước lệ cũ, hình ảnh và ẩn dụ quen thuộc rất truyền thống thể hiện qua vần điệu du dương, lâu nay độc giả Việt cảm tưởng rằng mình đã “hiểu” nó. Mà đấy đâu phải là câu thơ hay của Truyện Kiều!
Trong khi Mai Văn Phấn, ngoài thủ pháp hiện đại: lược bỏ từ, tạo nhiều khoảng rỗng trên trang giấy bằng lối viết nhảy cóc: thời gian, không gian, ý tưởng; rồi những hình ảnh và ẩn dụ mới lạ trùng lớp, khiến người đọc hình dung nó như là ngôi nhà bị đóng bằng nhiều trái khóa với mã số bí hiểm. Bị đặt trước gút Gordien, người đọc hôm nay sẵn mang tâm lý dị ứng với cái mới, hoặc bỏ đi hoặc nắm lấy cây rựa chặt đứt một lần cho mọi lần! Họ không có thời gian và lòng kiên nhẫn để giải mã nó. Nếu có, họ cũng không cần giải mã nữa, bởi một giải mã sẽ dẫn đến bao mã khác, mới hơn cần giải. Cho đến vô cùng!
Với tôi, “Đối thoại với thời gian” là một thử nghiệm không thể nói là thành công của Mai Văn Phấn. Nhìn từ chính chân trời thẩm mĩ thơ của anh. Nhưng, từ hơn thập niên qua, lối viết co cụm trong mĩ học tu từ ấy đã bị tinh thần hậu hiện đại bỏ lại rồi.

*
Dẫu sao cũng mừng cho Mai Văn Phấn: miệt mài hành khất, tu tập, tìm gõ, trong nỗi he hé kia, thơ anh đã vỡ tiếng, và anh đạp cửa bước ra ngoài! Vách nước đánh dấu sự đạp và vỡ oanh liệt ấy. Còn sau đó? Anh có dũng mãnh thõng tay đi vào chợ [thơ], thong dong giữa miền cuộc đời [thơ] hay không, thì chúng ta không biết được(*). Hi vọng rằng, sau bao nhọc nhằn cơ khổ, anh không còn vướng víu triền phược bởi những ẩn dụ, mấy lớp sơn tu từ tế vi hay to tát. Để thơ có thể đạt đến độ trong suốt của tư duy, trực tiếp của hành ngôn, giản đơn của lời.
Bao giờ?…

dòng sông vừa chảy
vừa sinh nở
.
(“Đất mở”)

Sài Gòn, mùa Xuân 2004.

________________________
(*) Bài phê bình được viết vào mùa Xuân 2004, nghĩa là bốn năm đi qua; bốn năm ấy, thơ Mai Văn Phấn đã có bước chuyển mạnh mẽ với nhiều nỗ lực khai phá đáng ghi nhận.

Chú thích
Mai Văn Phấn, sinh ngày 16.01.1955 tại Ninh Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hải Phòng. 1997: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã xuất bản 7 tập thơ và một trường ca.

(1) Riêng về các thi pháp có đóng góp cách tân trong thơ Việt, nói khái quát thế. Bởi ở mỗi khuynh hướng có vài giọng thơ khác nhau, đóng góp mức độ nhiều ít khác nhau.
(2) Người cùng thời, NXB Hải Phòng, 1999.
(3) Vách nước, tập thơ của Mai Văn Phấn, NXB Hải Phòng, 2003.
(4) A. Rimbaud, Một mùa địa ngục, Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn học, H.,1997, tr.88.
(5) Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997.
(6) Tên các tập thơ của Trần Tiến Dũng.
(7) Tên một tập thơ của Nguyễn Quang Thiều.
(8) Xem thêm: Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, 1995.
(9) Pierre Reverdy, trích lại theo Phụ san Thơ, số 11. tháng 05.2004.
(10) Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, NXB Người Việt, Sài Gòn, 1956.
(11) Đinh Linh, Trả lời phỏng vấn, Tạp chí Việt, số 08. 2002.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *