Thạch Giáng Hạ01 – Nắng quê

Truyện ngắn.

Cơn mưa đầu hạ chợt rơi kéo tôi ra khỏi giấc mộng đẹp còn dang dở. Đó là cơn mưa hiếm hoi mùa nắng hạn; cơn mưa mà ai cũng chờ đợi. Nó đến trong niềm vui của mọi người, rửa trôi bao phiền muộn lo âu trên gương mặt rám nắng của những bác nông dân. Tiếng cánh quạt, tiếng than thở dường như đã bị tiếng mưa rơi lấn át; cái nóng đột ngột biến mất, trên gương mặt mọi người chợt hiện vẻ hân hoan khó tả. Người quê tôi có quan niệm rằng: những cơn mưa đầu mùa thường kéo theo bụi bặm, mang theo xui xẻo còn tồn đọng nên việc tắm mưa là không tốt. Nhưng ngoài trời, sao lũ trẻ con vẫn cứ tắm, chúng nó cởi trần chạy rong dưới mưa mới vui làm sao. Chắc chúng nó đã thèm từ rất lâu bởi mấy tháng nay làm gì có giọt mưa nào rơi, trời lại oi bức, gió cứ như thổi lửa vào mặt ấy.
Nhìn dáng trẻ reo hò vừa chạy vừa té nước vào nhau làm tôi nhớ về những ngày xa xưa khi mình còn bé bỏng, ngây thơ.
Tuổi thơ tôi gắn với cánh diều và những chiều ngồi dưới bóng keo râm mát. Có ai đã đi qua chưa cái bãi đất trống khô cằn, nơi mà bọn nhóc chúng tôi thường rong chơi mỗi chiều. Chúng tôi gồm bốn đứa chơi rất thân với nhau: Đứa lớn tuổi nhất trong bọn là anh trai tôi – Ba, anh ấy là người khéo tay nhất trong đám nên được cả nhóm giao nhiệm vụ làm diều. Những chiếc diều mà anh ấy làm ra đều rất đẹp và bay cao, cả bọn ai cũng thích thú nhìn theo chiếc diều mỗi lần được thả. Tuy là người lớn tuổi nhất nhưng anh Ba không phải là người cao to nhất, bởi thế mà tôi đã đặt cho anh ấy một biệt danh rất ngộ nghĩnh: “Ba Tíu”. Nếu nói đến to béo thì chỉ có anh Đồng, anh ta nhỏ tuổi hơn anh trai tôi nhưng lại là đứa to béo và cao to nhất đám. Tôi gọi anh ấy là “Đồng Ếch” vì bụng anh ấy rất to và phệ ra giống như bụng con ếch. Bởi cái bụng to và thân hình bự ấy mà “Đồng Ếch” được chúng tôi tôn làm “thủ lĩnh” chuyên bảo vệ cả bọn, điều ấy thì không có gì là lạ bởi mấy đứa khác nếu “sơ ý” ăn hiếp chúng tôi, chỉ cần nhìn thấy cái bụng của anh “Đồng Ếch” thì chỉ còn nước là chạy mất dép.
Sa là đứa có nhiều cái “nhất” nhất trong đám: người nhỏ tuổi nhất, gầy nhất, thấp nhất, hay bị ăn hiếp nhất và… dai nhất. Khác với ba chúng tôi, nó tự nhận công việc tìm nguyên liệu để làm diều mà không cần ai phân công. Để có được một chiếc diều, Sa phải tận dụng từng cái túi nilông, từng đoạn tre lỗ chỗ, gai góc… nên nó vất vả lắm. Nó bảo: “Sức em dai nên em làm là tốt nhất”. Nói thế thôi chứ thật ra nó nhận việc ấy là để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng nó không yếu đuối. Tôi biết vì tôi hiểu nó hơn cả, và bởi chúng tôi đều là con gái, đều lớn lên bên nhau. Nó tội nghiệp lắm – mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Bà tôi đã nhận nó về nuôi cho tới ngày hôm nay. Sa gọi bà tôi là bà, gọi mẹ tôi là mẹ, gọi ba tôi là ba nên chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Sa còi cọc ốm yếu vì từ nhỏ đã thiếu sữa mẹ nhưng sức nó dai lắm cơ, tôi đi đâu, làm gì nó đều bắt chước theo không biết mệt. Bởi cái đặc điểm này mà tôi đã không quên đặt cho nó một cái biệt danh: “Sa Xương”. Có lần nó hỏi tôi tại sao lại đặt cho nó cái biệt danh ấy. Tôi cố giải thích cho nó nghe dù không biết nói sao: “Sa là tên của em, còn Xương có nghĩa là Xương Rồng. Sức em dai như Xương Rồng, nắng mưa vẫn cố vươn lên, không chịu thua kém ai”. Nó tự hào về cái biệt danh ấy lắm.
Cả ba biệt danh trên đều do tôi đặt nhưng chính tôi lại không có cái biệt danh riêng, bởi tôi không thể nhận xét chính mình, tôi không thấy mình có điểm gì nổi bật cả. Mọi người ai cũng thế, không thể tự mình nhìn thấy mình, chỉ có thể nhìn qua gương để nó phản chiếu lại thế nào thì hay thế ấy.
Mùa hè chính là mùa quả keo sai cành. Và không biết từ lúc nào cái hình ảnh anh “Đông Ếch” vác cái móc dài ngoằng sau lưng, ba đứa chúng tôi lẽo đẽo bước theo sau đã trở nên quen thuộc dưới bóng keo tươi mát. Trời nắng gắt khiến anh Đồng phải nhíu mắt lại, nhưng anh vẫn cố khèo cho bằng được từng quả keo trên cành, còn chúng tôi chỉ cần căng áo ra để hứng. Hái xong vui nhất là được ăn, quả keo ngọt ngọt bùi bùi, vị ngon không thể tả được, chỉ những ai đã từng ăn qua mới biết. Chúng tôi thích nó lắm dù phải lặn lội dưới trời nắng để hái, dù bị gai đâm rách áo, có khi bị trầy da.
Anh Đồng ăn khỏe, chúng tôi mới ăn được một trái thì anh đã chén đến quả thứ ba rồi. Có lần ăn phải trái chát, cổ bị nghẹn nói không ra tiếng, chúng tôi phải vỗ mãi mới hết, thế là cả bọn được một trận cười lê lết.
Những kỷ niệm ấy hiện ra mồn một trong tâm trí tôi cứ như mới xảy ra vào hôm qua vậy. Nhưng kỷ niệm làm tôi nhớ nhất và sẽ không bao giờ quên là một câu chuyện ngốc nghếch mà bọn nhóc chúng tôi gọi là “bí mật”…
Năm đó trời cũng nóng nực, hạn hán như năm nay, tiếng gió thổi mạnh át đi bản nhạc ve rộn rã và trên bãi đất quen thuộc ấy, đàn cừu đói đang vất vả tìm kiếm từng cọng cỏ đâu chỉ thấy toàn là đất, đá và xương rồng gai góc. Thế là mỗi ngày cừu phải đi xa thêm một chút, vất vả thêm một chút để đi tìm những mảnh đất mới nhiều cỏ hơn. Kể từ ngày ấy, chúng tôi đã không còn những buổi cưỡi cừu đi rong chơi nữa.
Tôi nằm trong lòng mẹ, nghe mẹ kể câu chuyện “Cóc kiện trời”. Câu chuyện sắp hết thì bị tôi ngắt lời bởi một câu hỏi thật ngốc nghếch: “Mẹ ơi! Có phải chỉ cần cóc lên được trời và cầu xin thì ông trời sẽ cho mưa xuống phải không?” Không hiểu sao, mẹ tôi lại trả lời: “Ừ”. Thế là một sáng kiến chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi vùng dậy chạy thật nhanh ra sau nhà thử quan sát, chẳng có con cóc nào cả. Tôi thất vọng và đứng ngơ ngác, nhưng ô kìa một chú ếch con đang nhảy qua lu nước. Không chần chừ để con ếch chạy mất, tôi vội tóm ngay. Chợt có tiếng ai đó gọi tôi từ phía sau. Thì ra là anh “Ba Tíu”, “Đồng Ếch” và “Sa Xương”; họ đang cầm diều và chạy đến hình như là muốn rủ tôi đi thả diều. Tôi nói nhỏ với họ về kế hoạch của mình, cả bọn đều đồng ý…
Các bạn có biết sáng kiến ấy là gì không? Đến bây giờ khi nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngốc nghếch nhưng cũng có chút ngây thơ, ngộ nghĩnh. Chúng tôi giờ tuy đã lớn, ai cũng có ước mơ hoài bão của riêng mình nhưng mọi người vẫn thế không thay đổi gì cả: vẫn thích thả diều và rong chơi. Thỉnh thoảng bọn tôi lại tụ tập đi hái trái keo và kể cho nhau nghe những câu chuyện ngày xưa. Không hiểu sao dạo này bọn họ cứ trách tôi hoài vì cái “khiếu” đặt biệt danh lung tung. Thì ra lớn rồi nên sinh ngượng. May mà hồi ấy tôi không đặt biệt danh cho mình. Nhưng bọn họ cũng “nghễnh” chân tôi bằng câu chuyện “Ếch cưỡi diều” với “thương lượng” rằng: tôi không gọi họ bằng biệt danh nữa và họ sẽ không kể chuyện đó cho mọi người nghe (nếu kể thì tôi ngượng chết). Các bạn có biết câu chuyện “Ếch cưỡi diều” ấy như thế nào mà bọn họ có thể nghễnh được chân tôi không? Vậy thì chúng ta hãy cùng quay về tuổi thơ của tôi nhé!
… Buổi chiều hôm ấy trời hình như bớt nắng hơn và gió cũng thổi nhẹ hơn, một chiếc diều đặc biệt đang bay. Nó đặc biệt vì trên đó có cả … một chú ếch con. Vâng, kế hoạch của chúng tôi là… đưa ếch lên trời để cầu mưa. Chiếc diều bay vi vu một lát, anh Đông liền buông tay. Thật bất ngờ, đúng lúc ấy mây đen kéo đến làm cả khoảng không mờ tối, rồi những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống. Chúng tôi mừng quá cứ reo hò chạy quanh nên không ai để ý đến chiếc diều đang bay mỗi lúc một xa và có lẽ sẽ rơi xuống đâu đó. Trong tâm trí chúng tôi, chú ếch đã được bay lên trời và đang cùng ông trời ngắm mưa. Chúng tôi rất vui vì đã “làm” cho trời mưa và lấy làm tự hào cái chiến công ấy mà không biết đến sự “hi sinh” của chiếc diều và con ếch. Bọn tôi đã bàn với nhau là sẽ không kể cho ai nghe sự việc ấy và coi nó như một “chiến công thầm lặng”.
Quê tôi thế đấy – nắng gió nhưng hiền hòa, khô cằn nhưng dễ mến. Đó là nơi tôi sinh ra, lớn lên và sẽ nằm xuống. Ở nơi ấy có loài hoa Tagalau xinh đẹp, có kỉ niệm tuổi thơ tôi, cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Từ lâu lắm rồi, mảnh đất ấy đã được khắc sâu nơi góc nhỏ trái tim tôi và sẽ không bao giờ phai nhòa.
Văn Lâm, mùa hạn, tháng 7.2005.

*
Trong Tagalau6.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *