VĂN HỌC NGOẠI VI VIỆT NAM, TẠI SAO?

Năm 2018, được tạp chí nghiên cứu của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương mời viết bài, tôi gửi tiểu luận: “Văn học ngoại vi của Việt Nam ở đâu?” Bài viết bị trả lại kèm câu cảm thán khó hiểu của bạn thơ phụ trách tạp chí: Sao cứ là văn học ngoại vi!

Câu hỏi có thể được đặt ngược lại: Tại sao không là văn học ngoại vi?

1. Việt Nam là đất nước đa dân tộc với nhiều ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, trong đó có văn học – các nền văn học sáng giá nhưng chưa được biết đến nhiều. Cham chẳng hạn, văn học cổ điển của dân tộc này còn chưa có lấy một chương trong văn học sử Việt Nam. Hỏi có lạ không!  

Thêm, hoàn cảnh lịch sử đặc thù, từ chia cắt đến đóng cửa, từ vượt biên đến thu gom văn hóa phẩm đồi trụy và phản động, nền văn học Việt Nam hiện đại càng bị xé lẻ. Ở đó không ít bộ phận bị xem nhẹ, bị phân biệt đối xử, và cả bị loại trừ.

Thảm trạng này vừa thiệt thòi cho độc giả hôm nay không được tiếp cận các dòng văn học kia, mà thiệt cho cả nền văn học một đất nước đa dân tộc và đa vùng miền. Hòa giải hòa hợp dân tộc trong văn học cần được khởi từ suy nghĩ, thái độ và hành động thực lòng.

Michel Alexander trong công trình Lịch sử văn học Anh quốc, đã rất hối tiếc về tình trạng buộc phải “loại trừ các tác giả viết bằng tiếng Anh không có quốc tịch Anh”. Vậy đó, ông “rất hối tiếc” bởi không gom vào được, thì ta chơi trò ngược đời – đẩy ra, trong khi mãi than thở văn học Việt Nam nhỏ và yếu. Quái lạ! 

2. Đâu là các dòng văn học ngoại vi?

Tạm nêu các dòng chính: Văn học miền Nam trước 1975, văn học Việt hải ngoại, các tác phẩm in ngoài luồng, tác giả chưa là [hay không muốn vào] Hội Nhà văn Việt Nam, sáng tác của tác giả dân tộc thiểu số và các cây bút vùng sâu vùng xa, văn chương mạng, và cả nhà văn gốc Việt sáng tác ngoại ngữ.

Tại sao các dòng văn học [bị cho là] ngoại vi không thể bị loại trừ? – Chính, bởi nó tự do. Tự do từ suy nghĩ đến biểu hiện, từ in ấn đến phát hành, từ đọc đến thảo luận. Mà văn học ơn ích gì, nếu nó không khởi sinh từ tự do, và hướng con người về phía tự do?

Ngược quá khứ nhìn về lịch sử văn học Việt, chính sáng tác ngoại vi với Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương… mới đáng gọi là sáng tạo. Chứ Nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông, hay Mặc Vân Thi xã của Tự Đức đã làm được gì!

Ngán thay cái mũi vô duyên

Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An

3. Tại sao không là văn học ngoại vi?

Hiện tại, văn học miền Nam với các tên tuổi: Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác… sau đó là văn học Việt hải ngoại, với các tác phẩm như Tháng Ba gẫy súng của Cao Xuân Huy, Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng của Ngô Thế Vinh(1); các tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Hoàng Nam, cũng như các tạp chỉ: Thơ, Việt, Hợp Lưu(2), các cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện, vân vân thì không thể bị loại bỏ rồi.

Ngay sáng tác của người Việt viết bằng tiếng nước ngoài như: Đinh Linh, Mộng Lan,  Nguyễn Thanh Việt (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp), hoặc tác phẩm của các tác giả trong nước chịu phận bị ruồng bỏ như: Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn(3), hay thái độ văn chương của Nhóm Mở Miệng(4),… cũng có một thế đứng riêng không thể bàn cãi.

Cuối cùng là các tác phẩm văn học xuất hiện trên các trang mạng lớn như Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Vanviet(5)hoặc thậm chí chỉ là Blog cá nhân vẫn có tiếng nói nhất định.

4. Mươi năm qua, nỗ lực “hội nhập” từ hai phía.

Từ ngoài vào, qua phong trào Tân hình thức do nhà thơ Khế Iêm khởi xướng được tiếp nhận rộng rãi từ Sài Gòn ra tận Huế, cùng các tác phẩm, bàn tròn, hay số chuyên đề ít nhiều tạo được tiếng nói chung(6).

Nữa, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từ Canada qua Thơ đến từ đâu?(7), một phỏng vấn trường kì các tác giả thơ nổi bật từ trong nước đến hải ngoại. Các bài lẻ từng xuất hiện trước đó trên mạng Talawas, sau được in và phát hành trong nước, đã thổi luồng khí mới, dù nhẹ nhưng có còn hơn không.

Ở trong ra, ngoài miệt mài không mệt mỏi của các nhà văn tự do, mạng Vanviet(8)  đã liên tục giới thiệu loạt tác giả và tác phẩm miền Nam trước 1975, nhất là đăng các sáng tác của tác giả ngoại vi vô phân biệt, là nỗ lực khác cho việc nhận diện và hiểu biết.

Tất cả góp phần mình làm giàu sang và phong phú nền văn học Việt Nam, sẵn sàng đưa văn học tiếng Việt hòa nhập vào dòng chảy của văn học thế giới, để không bị rớt lại ở phía sau.

Nhập cuộc về hướng mở(9), là vậy.

Trung Tiến, 1-2-2024

_____

Chú thích

(1) Tháng Ba gẫy súng hồi ký chiến tranh của Cao Xuân Huy, in năm 1985 ở Mỹ, tôi đọc văn bản trên Damau.org.

Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng, Dữ liệu tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh, viết xong tháng 11-1999, Nhà xuất bản Văn nghệ, California, Hoa Kỳ in năm 2000, 2001; Nhà xuất bản Giấy Vụn Sài Gòn in lần 3 vào năm 2014 tại Sài Gòn.

(2) Tạp chí Thơ, Khế Iêm chủ trương, xuất bản tại Hoa Kỳ; Tạp chí Việt, Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc chủ trương, xuất bản tại Úc; Tạp chí Hợp lưu, Khánh Trường chủ biên, xuất bản tại Hoa Kỳ, cả ba đã đình bản.

(3) Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Nhà xuất bản Thanh niên in năm 2000 sau đó bị thu hồi và tiêu hủy.

(4) Nhóm Mở Miệng gồm 4 thành viên đầu xanh tuổi trẻ vừa bược khỏi Đại học, gồm Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Họ lập Nhà xuất bản Giấy Vụn in tác phẩm của mình và các tác giả đồng chi hướng.

Bùi Chát, người sáng lập và điều hành Nhà xuất bản nhận được Giải thưởng Tự do Xuất bản do International Publishers Association (IPA) Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế trao tặng, tại Buenos Aires ngày 25-4-.2011. Đây là một vinh dự lớn cho Mở Miệng đồng thời là niềm khích lệ đối với văn nghệ sĩ tự do khác.

(5) Talawas, Tiền Vệ, Da Màu là các trang mạng ở hải ngoại đăng nhiều tác phẩm văn học với tinh thần vô phân biệt.

(6) Khế Iêm, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, bắt đầu từ số Mùa Xuân năm 2000, đều in các bài nghiên cứu-lí luận và sáng tác tân hình thức, sau đó phong trào thơ này được tổ chức thảo luận ở Cà-phê thứ Bảy Văn học của Trung Nguyên, Bàn tròn Văn chương, một tổ chức ngoại biên của Hội Nhà văn Việt Nam do Inrasara chủ trì, và vài hội thảo chuyên đề ở trong nước.

(7) Nguyễn Đức Tùng, Thơ đến từ đâu? là tác phẩm tập hợp các bài phỏng vấn/ trao đổi của Nguyễn Đức Tùng với 24 nhà thơ, từ nửa cuối năm 2006 và rải rác vài năm sau đó. Cuộc phỏng vấn/ trao đổi về thơ của một nhà thơ với các nhà thơ sáng tác bằng tiếng Việt. Không phân biệt trong nước/ hải ngoại, không phân biệt thế hệ hay vùng miền, vô phân biệt nhà thơ thành danh ở miền Nam “tự do” hay miền Bắc “xã hội chủ nghĩa”; vô phân biệt nam nữ, dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số..

(8) Vanviet từ năm 2014, do các nhà văn và thức giả trong nước lập lên, hiện vẫn còn hoạt động.

(9)  Nhập cuộc về hướng mở, tên tập tiểu luận của Inrasara, Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM, 2014.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *