7 KHOẢNH KHẮC INRASARA

Năm 2019, VTV9 đặt cho tôi câu hỏi: Đâu là khoảnh khắc làm thay đổi sống và viết của Inrasara? Theo thứ tự thời gian, tôi nêu ra 7, và họ chọn thứ [2]. Còn bạn thế nào? Và đâu là những “khoảnh khắc” của bạn? Thành hay bại không là vấn đề, chỉ cần nhớ và suy nghiệm thôi, cũng đủ làm cho đời ta nặng trĩu ý nghĩa.

[1] Làm bộ Văn học Cham 

Ở lớp Đệ Tứ trường Trung học Pô-Klong, tình cờ đọc một nhận định của nhà dân tộc học người Pháp, rằng Văn học Cham chả có gì đáng nói cả, bó gọn trong vài chục trang sách là cùng.

Một dân tộc làm nên nền kiến trúc điêu khắc lớn, có chữ viết sớm nhất Đông Nam Á mà văn học viết có thế sao? Từ tự ái tuổi trẻ, tôi quyết đi tìm để 24 năm sau trình làng bộ Văn học Cham ngon lành.

[2] Liên quan đến đời thường: bỏ Đại học 

Năm 1977, vào Đại học Sư phạm TPHCM khoa Văn, được một tuần, tôi thi qua khoa Anh. Ngồi giảng đường chưa hết năm, thấy chốn này chẳng có gì để học, tôi bỏ về quê cày thuê mua sách đọc.

Nó nói lên tinh thần độc lập, dám làm những gì mình thích, hay học và đọc những gì mình thực sự cần.  

Quyết định táo bạo đó đã bẻ ngoặt đời tôi.

[3] Diễn thuyết

Năm 1998, dự Trại Sáng tác Đà Lạt, tối giao lưu ở Trường PTTH Dân tộc. Một câu hỏi đơn giản học sinh đặt ra đã khiến nhà thơ Mai Liễu lúng túng.

Có riêng Mai Liễu đâu, đại bộ phận nhà văn ta cũng hệt. Tôi có tiểu luận “Nhà văn Việt Nam sợ đứng trước công chúng, tại sao?”

Tôi cũng chả khác. Năm 2006, Đại học Đà Lạt mời thuyết về thơ trước hội trường nghịt người, non 200 sinh viên chớ chẳng ít, ham quá để hỏng cả hai.

Từ đó tôi tập đứng trước công chúng, tùy thành phần hay số lượng mà ứng biến. Và rất… được.

[4] Phê bình thơ

Tôi vốn ghét nên không đọc thể loại phê bình. Tình cờ đọc bài điểm sách ca ngợi tập thơ của tác giả trẻ, tôi mua nó về, đọc để mà thất vọng.

Thử đọc các tập tiểu luận phê bình của vài nhà khác, hay thì có hay, nhưng thế nào rồi vẫn cứ cảm tính với cảm tình mà diễn nôm.

Tôi bày ra “Phê bình Lập biên bản”: Phê bình không tách rời văn bản, đòi hỏi tiên quyết là đảm bảo tính khoa học.

[5] Văn học ngoại vi

Từ dấn vào phê bình, tôi càng nhận ra rõ điều lạ ở đời sống văn học nước nhà: Phân biệt đối xử tệ với văn học ngoại vi. Văn học miền Nam trước 75, Văn học Việt hải ngoại, Văn học Dân tộc thiểu số, Tác phẩm in ngoài luồng, Sáng tác học của người viết bên ngoài Hội Nhà văn…

Ta xem thường, hất ra ngoài lề, thậm chí muốn triệt hạ chúng. Chẳng những độc giả thiệt thòi, mà còn thiệt cả cho nền văn học Việt Nam đa dân tộc và đa vùng miền.

[6] Hải sử & Văn hóa biển Cham

Champa giỏi nghề biển thì nhiều sách báo nói rồi, chớ Hải sử & Văn hóa biển Cham là chuyện khác. Sự thể bất ngờ được gợi ý qua ngôn ngữ. Người Việt nói: Trời đất ơi, còn Cham thì: Trời biển ơi. Tại sao thế?

Vậy là từ manh mối tiếng nói ngày thường, tôi phát kiến chủ đề quan trọng này. Đó là một trong ba đóng góp lớn nhất của Cham vào lịch sử và văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

[7] Văn hóa Cham nhìn từ Cham

Chakleng quê tôi nằm giữa hai làng Việt: Phú Quý và Từ Tâm. Tôi chơi thân với người Việt từ sớm, dẫu thân thương thế nào cũng có va chạm. Tuổi nhỏ dễ quên, mãi lớp 12 Nguyễn Trãi, lớp khoa Văn toàn Việt mỗi tôi Cham, một sự cố xảy ra làm tôi thức tỉnh.

Và tôi suy tư về xung đột văn hóa.

Đất linh Tháp, Kut, Ghur Cham quản bằng cách không rào; Cham không đốt nhang trong lòng Tháp… người Việt nghĩ khác và làm khác: xung đột.

Làm sao có thể hóa giải và hòa giải? Serie “Văn hóa Cham nhìn từ Cham” nẩy ra từ đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *