Bí mật của thất bại-15. QUYẾT SỐNG ĐỜI… THỪA

Biết là thừa, nhưng đã lỡ rồi, ta cứ sống tới, cho đời nó… khộ.

Bỏ tiền mua trái dưa hấu, đang ngon thì nhận ra nửa kia có vẻ không được lắm. Thôi thì đã tốn tiền, ăn cho hết dù cái bụng đã đầy. Từ tham, ta làm hại sức khỏe.

Tốn tiền mua vé vào sân, dù hai đội đá chán chết đi được, ta vẫn cứ ngồi lại cho hết trận. Ngồi thêm, tiền thì đã mất, còn mất thêm thời gian. Đó là chưa tính đến mất cái vô hình: năng lượng.

Tâm lí tiếc rẻ khiến không ít người sống hơi bị… khờ. Còn đỡ!

Kẻ có chữ nghĩa thì sao?

Mài đũng quần 4 năm Đại học, ra trường đứng lớp Phổ thông Trung học, chương trình đáng chán, dù sách giáo khoa không thể nuốt trôi mà ta cứ phải dạy, phải ôn, và đủ thứ phải khác. Bỏ quách đi không? Thôi thì đã lỡ rồi, cắn răng rán thêm mươi năm nữa về vườn lãnh lương hưu.

Lấy chồng dăm năm được hai mặt con. Bạn với chồng cùng đi làm, cuối tuần bạn lao nhanh xuống bếp làm mồi nhậu, anh chồng hú chiến hữu. Bạn lo cơm nước cho con, tiếp tục chương trình phục dịch bạn nhậu. Có ngưng ở đó đâu! Tiếng chê bai mồi dở, rồi mấy lệnh trên ban xuống như thể bạn là con ở. Đã lỡ rồi, bạn nghĩ, khéo chị em cười. Thế là cắn răng chung chăn gối đến hết đời thừa. 

Còn cái đời khác nào nữa không? Hỏi chớ bạn có bao nhiêu đời để sống?

Tôi thì khác. Tút “Sara & 11+3 trận ra đi… lớn”, tạm kê ra 4:

[1] Với gia đình Cham nghèo khi ấy, đã vào Đại học mà bỏ, là chuyện to. Tôi đã làm chuyện to ấy. Hà cớ phải ngồi lại, khi ở đó tôi không có gì để học?

[2] Đang làm việc ở Ban Biên soạn của Tỉnh, thấy Ban thu mình trong phạm vi quá hẹp, tôi hỏi: Sao phải bám biên chế, thế là tôi bỏ về quê, dù khi ấy tương lai quê mù mịt toàn phần.

[3] 6 năm làm việc ở Đại học Tổng hợp, dù được gợi ý ở lại lấy Cử nhân, Thạc sĩ và… đời ổn định là cái chắc. Tôi nghĩ khác, muốn làm nhà văn tự do, tôi rời bỏ không thương tiếc.

[4] Cty Thổ cẩm Cham đang ngon lành. Nhưng lẽ nào tôi cứ bám lấy rồi chết chìm trong nó. Nghĩ và làm luôn: Bàn giao cho bà xã, tôi dán hàng chữ to trước bàn viết: MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA, để dồn mọi nguồn lực cho chữ nghĩa.

Thế mới có Inrasara của hôm nay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *