Cười-08-09. CHUYỆN CỦA THIÊN TÀI

[hay. Kẻ chữ nghĩa, nỗi người & tâm thế đồ cổ của nhà thơ hôm nay]

Kẻ chữ nghĩa thuở mới tập làm thơ, suốt ngày trời mây mơ giấc mơ nỗi thiên tài; khi đã thành nhà thơ, rớt ngay trở về mặt đất, toan tính so đo cò kè thêm hai bớt một; đến lúc đã đắc đạo thơ, cùng thơ thõng tay đi vào chợ đời, sự sự vô ngại.

“Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”.

Nguyễn Bảo Sinh vẫn còn xem thơ là loài cao trọng, phiền là nơi cõi sang cả ấy lòi ra thứ hạ cấp [thằng ấy] chen chân vào.

Nguyễn Huy Thiệp thì khác, ông cào bằng mọi mọi kẻ làm thơ là chập cheng, nhố ngăng, thất học…

Cả hai chả có gì nghiêm trọng, nó vui. Đáng nói chính là văn hóa thơ: Cách người Việt nhìn nhà thơ, và kẻ làm thơ tự nhìn nhận mình.

Năm 1945, có đến 95% người Việt mù chữ. Trước, kẻ biết chữ là biết làm thơ, đa phần thi đỗ ra làm quan, một phần được coi là kẻ sĩ, hay nói theo ngôn từ hiện đại: trí thức – đáng trọng vọng.

Nay đã khác rồi, khác xa lắm.

Chỉ tội là người làm thơ hôm nay vẫn còn ở lại tâm lí người thời xửa thời xưa. Thế nên, kẻ mới tập tò ráp vần mà đã nghĩ mình hơn thiên hạ, còn xin vợ [hay lừa người] được mớ tiền in 1-2 tập thơ, là đã lên hàng thiên tài, coi kẻ xung quanh bằng con nhái. 

Nỗi ấy khiến nhiều nhà thơ “thứ thiệt” chạnh lòng, lại là một chạnh lòng… sai!

Đa phần nhà thơ Việt Nam sai từ… gốc: bám vào TÂM THẾ đồ cổ.

Inrasara: Thời đại thay đổi, thơ và cách đọc thay đổi, cả lối nhìn nhận tư thế của nhà thơ cũng phải thay đổi.

P.S. Ôn lại Ngụ ngôn hậu hiện đại:

– Báo cáo ông, ba cháu giỏi nhất Cham.

– Cham có 50 tiến sĩ, ba học cao tận đâu nhỉ?

– Dạ ba tú tài.

– Tú tài vẫn có thể giỏi, thế tháng ba kiếm được nhiêu?

– Ba chưa có việc làm.

– Vậy ba có giúp ích được gì cho Cham không?

– Dạ không.

– Ba cháu giói nhứt Cham là đúng rồi đó.

Cười-9. DỄ HIỂU MỘT CÁCH KHÓ HIỂU

[Kết mùa Katê, kính chúc bà con, anh chị em, các bạn fb an lành!]

Chiều mồng một Katê, 3 bạn cũ ghé tôi, ngồi lai rai hơn tiếng – là một biệt lệ.

– Hôm nay nghe Sara nói, mình dễ nắm bắt vấn đề, tụi này thấy vững tâm hơn – bạn kêu thế.

Nghĩa là tôi vừa pháp thí vừa vô úy thí cùng lúc.

Tôi mang tiếng là loài cao cấp [như bột giặt cao cấp, rau muống cao cấp một thời], khó gần vì khó hiểu. Cham mà được VTV3 bình bầu Nhân vật Văn hóa của năm, rồi Phi chánh thống chọn 1@300 Nhân vật Việt Nam thế kỉ, thêm: Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội nhà văn Việt Nam – chả cao cấp là gì!

Thế là anh em, bà con và cả người thân thuộc cứ thế mà… né.

Chớ tôi có ưỡn ngực chơi trò cao cấp ở đâu với ai bao giờ?

Ta cứ ham nói cho cao xa, không biết người biết ta, hỏng ngay từ đầu.

Anh bạn ở Ban Biên soạn, được mời nói chuyện với lớp bổ túc giáo viên tiếng Cham. Thay vì đơn giản với ngôn từ giản đơn nhất về ngôn ngữ học căn bản, anh mở máy “cao cấp”. Xong buổi, hỏi – chả mống nào hiểu thầy ấy vừa nói gì luôn!

Bạn thơ Việt kiều cũng không khác. Katê 2009, các bạn thơ Sài Gòn ghé tôi, có cả nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ấn. Biết tôi hậu hiện đại, ông đòi “Sara có thể nói về hậu hiện đại ngắn nhất có thể cho tôi hiểu không?” Anh bạn thơ nhanh miệng cướp diễn đàn, diễn trước.

– Không hiểu gì cả – kẻ người Ấn lắc.

– Bạn tôi giải thích điều khó hiểu theo thể cách khó hiểu hơn, – tôi đùa.

Đến phiên tôi, tiếng Anh dĩ nhiên thua xa bạn ấy, vậy mà ông kêu: “great!”

Chiều tối, nhà cháu có tiệc, tôi ghé qua chúc Katê. Ở đó có mươi anh em, thêm một “nhà thơ nhỏ” từ Cao Nguyên xuống. Chàng nổ:

– Anh Trạm nhà thơ lớn, thơ anh ấy phải đọc và nghĩ 30 lần mới hiểu.

– Chú nó nói thế oan cho thơ tôi rồi đó, tôi nói.

Này nhé:

[1]

Một ánh nhìn của cha

nửa nụ cười của mẹ

và hai bàn tay diệu vợi của em

giữa mênh mông màu nắng quê hương

hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?

– Hay, và rất dễ hiểu.

[2]

Không vỗ ngực, không tranh hơn

không trốn chạy trước phận đời thất bát

câu thơ buồn

luôn có mặt nơi khổ đau có mặt

– Đau, cũng không khó hiểu.

[3]

Sinh nhật cây xương rồng

có ngọn gió nồm reo đồi trọc

có loài côn trùng đùa bãi cát

có tháp Chàm giữa nắng đơn ca.

– Hơi khó hiểu tí. Sao lại sinh nhật cây xương rồng?

– Thằng Klu con đầu chú nó có giấy khai sinh. Cái Chạng trâu chủ chuồng dì Mơi đẻ, dượng Dọng ghi ngày tháng để còn biết đến tháng tập nó kéo cày. Cha tôi chặt cây xương rồng rào Rẫy Nhỏ chuẩn bị cho mùa bắp mới…

Người, thú nuôi có ngày sinh, cây xương rồng không có, là sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *