Inrasara-TV. Suy tưởng-5. THƠ TÙ & GIẢI SÂN HẬN

Xuyên suốt thế kỉ XX, Việt Nam là đất nước của tù tội. Tù và tội. Tù thực dân, tù Cộng sản, tù Quốc gia, và cả tù Hòa bình. Muôn hình vạn trạng qua vô số nguyên do với bạt ngàn phận người, trong đó có không ít người làm thơ.

Nổi tiếng nhất phải kể đến Hồ Chí Minh với Nhật kí trong tù in năm 1960 và Nguyễn Chí Thiện với Hoa địa ngục xuất bản năm 1980. Hầu hết nhà thơ sử dụng thơ ca như phương tiện lột tả cuộc sống trong tù để tố cáo chế độ ngục tù, hay dùng thơ bày tỏ chí khí: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao”, hoặc như Tố Hữu: nói lên lòng căm thù, còn nếu có nhắc đến nỗi cô đơn: “Cô đơn thay là cảnh thân tù!” thì cô đơn ấy luôn vững niềm tin vào ngày mai tươi sáng: “Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin”.

Nghĩa là, hiếm có bài thơ nảy sinh ở “ngoại vi” nhà tù, hay hơn nữa – sau khi thi sĩ ra khỏi nhà tù. “Người về” của Hoàng Hưng viết năm 1992 xuất hiện như một ca lạ biệt, vô cùng độc đáo trong lịch sử thơ [tù] tiếng Việt.

Làm sao “người về từ cõi ấy” có thể hòa nhập vào cuộc sống đời thường, khi mọi nguyên do của nỗi bất an kia chưa được dứt tiệt? Là câu hỏi lớn gợi ra từ phần vô ngôn của “Người về”, điều chỉ có thơ mới có thể làm được.

Trước đó 5 năm là bài thơ “Đi về” của Tô Thùy Yên sáng tác năm 1987, in lại trong Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, tác giả xuất bản, Hoa Kì, 1995.

“Đi về” – mỗi câu thơ vọng như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.

Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.

Tô Thùy Yên – một thi tài lớn và nhân cách lớn đã “đi về”, bài thơ ở lại. Hòa giải và hòa hợp dân tộc như thể một nhiệm vụ ông ý định gửi lại cho chúng ta hôm nay. Có thể không, và ai có thể?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *