Nghĩ-87. THÀNH & KÍNH

[hay. Champa mất, Cham đã làm gì? & Cham chào như thế nào?]

Tháng chạy tịnh Ramưwan đã kết thúc, Rija Nưgar cũng vừa xong, kể chuyện thành & kính trong sinh hoạt tôn giáo Cham.

Ahiêr Awal – tôn giáo dân tộc, hòa bình và nhân văn, là một sáng tạo vô cùng độc đáo của đức vua Pô Rômê. Tư tưởng hóa giải và hòa giải của Ngài là cống hiến lớn nhất của Cham cho thế giới.

(Minh triết Cham, 2016)

Gặp nhau ngoài đường: ‘Kajap karô lei’? (mạnh khỏe không”), ‘mai mưng biên?’ (“đến hồi nào”), ‘nao hatao nan?’ (đi đâu đấy?), hay ngấc cái đầu… là xong. Bình dân thì vậy, giới quý tộc hay chốn trang trọng thế nào? Đâu phải cứ lớt phớt như trên, mà phải khác cơ!

Champa mất, Cham đã làm gì? Tạm kê mấy điều trọng yếu:

– Thủ đô, được dựng trên không trung [Ariya Glang Anak], đố ai mà công phá;

– Tháp, có thể thay bằng ‘Baganrac’, khi có biến Pô Adhya quẩy đi bất kì đâu, để hành lễ;

– Tinh hoa văn hóa, từ lịch sử đến phép tắc văn minh, văn chương hay ngôn ngữ… Cham dồn tất cả vào lễ nghi tôn giáo, là ổn.

– Phần cá nhân, buổi tối đám thiêu ‘Hatak kayau’ trước khi “về”, người ra đi hát trăn trối câu độc gửi con cháu và khách thập phương [đã kể]. Vân vân.

Cham là nòi sáng tạo. Đã có Ấn giáo, tiếp nhận Islam, ta biến thành Bà-ni. Đã có ‘orang’ [‘urang’] ngôn ngữ Nam Đảo, để làm giàu vốn từ, ta vay Sanskrit ‘manusia’ để thành ‘mưnux’. Ta mượn cụm từ Ả Rập rút gọn thành ‘xalam’, chả ngán!

Các bạn chịu QUAN SÁT rộng và sâu, là thấy tất cả, biết tất cả. Ở đây, các hạn từ Cham cao cấp dùng chào nhau thể hiện trong lễ Rija và thơ Ariya.

XALAM “chào”, mượn và rút gọn từ ‘As-salamu Alaykum’.

JABAAT xalam’ hay ‘jabat thuulam’ có trong 3 tác phẩm kinh điển: Akayêt Dêwa Mưno, Akayêt Inra Patra, Ariya Pô Riyak

KHÔI kakuh trong ADM, KAKUH da-a và ‘khôi’ trong AIP

Nay ít dùng, hiện chỉ còn 3 từ được sử dụng nhiều ở đời thường, là: ‘Talabaat’ (lạy nằm rạp xuống), ‘xalam’ (chào), ‘kakuh’ (lạy).

Còn “ngôn ngữ thân thể” thì sao? Tương tự Thái, Khmer hay Lào, ở Cham có vài biến thái. Với kẻ đồng trang lứa: hai tay chấp trước ngực, với người tôn kính: trước trán, còn trước đấng linh thiêng thì cần tới ‘jabaat xalam’.  

P.S.

Status hôm qua, bạn Nguyễn Trung Kiên còm:

“Cháu thấy người Cham qua những bức hình chú Sara đưa lên là những người rất thuần hậu và có niềm kính ngưỡng thần linh mãnh liệt. Trân trọng!”

Bạn Vincent Ngo trả lời rất độc:

“Biết hiểu, tôn trọng và thực hành triết lý chính trong tôn giáo bao giờ cũng đem đến nền tảng xã hội lành mạnh.

Hiểu chưa đủ, cực đoan, mượn tôn giáo cho những mục tiêu cá nhân và ngắn hạn mới thường là vấn đề trầm trọng.

Riêng cho xã hội người Việt, bệnh chung của chúng ta là hiểu qua loa, méo mó và thực hành lớt phớt.”

Lời bình gợi ý cho tôi diễn tút này sớm. Karun!

+ ‘As-salamu Alaykum’, câu chào tiếng Ả Rập có nghĩa: Bình an cho quý vị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *