Nghĩ-81. THI SĨ DẠY CON LÀM GIÀU

Người Do Thái cho rằng, tài sản lớn nhất không ai lấy được của mình, chính là Tri thức. Tri thức để tồn tại [trong đó có giàu], để bản sắc, và để sáng tạo (Inrasara.com, 2015)

Không đùa đâu, mà là thật. Kabbon Muk Thruh Palei Gia huấn ca Bà Tổ Quê hương cũng nghĩ hệt: ‘Kathot roong reh gaup gan ra klao’: “Nghèo nát bét hàng xóm cười chê”. Rồi: ‘Drei hu piơh uraang mai dwah’: “Mình có để người tìm đến cậy nhờ”.

Chẳng phải thanh bần, mà là nghèo hèn. Ngửa tay xin: hèn; mắc nợ tìm né chủ nợ: hèn; chạy đôn chạy đáo mượn: hèn; đói đầu gối phải bò: hèn…

Giàu, để giúp mình và giúp đời khi đời cần đến, giàu để điều kiện phát triển bản thân và cộng đồng…

Mùa xuân 1991, đưa cả gia đình nát bét từ miền Tây quy hồi cố hương, bị đẩy vào thế buộc – tôi làm giàu và dạy vợ con làm giàu.

Tôi từng là kế toán xịn, vậy mà muốn làm giàu, tôi phải nhảy xe đò vào Sài Gòn sắm cả trăm cuốn sách về nghiền ngẫm, rồi tóm gọn trong trăm trang vở học sinh, để HỌC. Tiếc, mấy đứa con tôi chưa nhiều người nghĩ cần học làm giàu, hay muốn giàu thì cần phải học. Có quá muộn không?!

Một phần tư thế kỉ sau, tôi đúc kết kinh nghiệm làm BÀI HỌC, và hối thúc Cham làm giàu qua loạt bài đăng Inrasara.com, 2015: “Cham vẫn có thể làm giàu”.

Hani một thời cũng giàu, nhưng vẫn cứ không biết học làm giàu. Tôi hỏi:

– Mẹ nó biết, tại sao quán cà-phê, tiệm tạp hóa đang ăn nên làm ra, anh buông thì tiêu không? Và cớ gì Cty đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc, anh rời bỏ là xuống không phanh không? Chẳng tại, bởi, vì… chi chi cả, câu trả lời gói gọn trong 2 từ: KHÔNG HỌC.  

Tôi từng nói, làm thơ cũng phải nghiên cứu!

Không tiền, tôi không thể in loạt công trình về văn hóa Cham, để với Cham – tặng là chính. Không giàu, tôi không thể làm nổi Tagalau, hỗ trợ cây bút đinh và chịu lỗ mấy số liền.  

Không tiền, tôi không thể đi đây đó điều tra, điều nghiên để giúp đỡ bà con giải quyết nhiều vụ việc. Tôi biết vài anh chị em cũng muốn, nhưng rồi cả tiền tàu xe, tiền điện thoại thôi cũng không, thì lấy đâu mà “làm xã hội”.

[Ở đây, xin cho vào ngoặc kẻ làm xã hội để làm… tiền].

Đủ tiền, tôi mới có được “những ngày rỗng” để ngồi làm… thơ!

Có ai chống lại sự giàu [chánh đáng] không, giơ tay lên nào?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *