Nghĩ-72-73. MẶC CHO CẢM XÚC DẪN DẮT, DÂN TỘC VỀ ĐÂU?

[từ thơ đến đời]

Thơ, đọc không lọt tai, ta la đó là thơ của người điên; còn khi thơ vượt quá sự hiểu của ta, ta… chửi! Tệ hơn nữa, la-chửi kia lại được khối kẻ ủng!

Thơ đã vậy, đời không khác. Cứ để cho cảm xúc dẫn dắt, dân tộc này về đâu?

[1] Tại hội thảo của Hội đồng Lí luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương – TPHCM 2015, bài thơ “Ngẫu hứng” của Bùi Giáng bị triệt hạ kiểu ấy. Mã Giang Lân, Mai Quốc Liên… Ở đó tôi nói, chỉ có nhà phê bình ngoại khổ mới có thể đón nhận được loài thơ của nhà thơ ngoại khổ.

Qua lối nhìn của Nguyễn Hưng Quốc [và tôi], 4 câu “Ngẫu hứng”(*) kia hàm chứa bao hiện thực thời chiến, hơn bất kì tập thơ hiện thực nào.

[2] Tháng 3-2023, nghiên cứu sinh làm luận văn Thạc sĩ về thơ tôi, nhờ tôi tìm cho anh bài “thơ vụt hiện” của Hoàng Hưng bổ sung hồ sơ. Rủi thay, tôi đụng ngay Trần Mạnh Hảo! Bài đăng Blog Từ Hoài Tấn 26-3-2019, anh viết:

“… ông giáo chủ nền thơ “Vụt hiện” Hoàng Hưng đang dẫn dắt nền thơ mất trí của “Văn đoàn độc lập” rằng thơ chúng tôi làm ra chỉ cốt Cảm, không cần Hiểu (hiểu = nhận = nhận thức = tư duy)… Một con người không có sự hiểu biết đi kèm, không còn khả năng nhận thức dù trong thơ, con người đó có còn là người không? Còn, nhưng là người mất trí, người điên.”

Ngày 8-4-2020, tiểu luận “Chú thích cho loài thơ vụt hiện hậu kì” đăng Inrasara.com, cả trước đó tôi đã bàn kĩ về loài thơ này, nay nhắc vài ý chính.

Biết Hoàng Hưng có chủ trương làm thơ “không cần Hiểu” hay không, chớ “thơ vụt hiện” chẳng có gì khó hiểu. Đó là cách nhìn nhận hiện thực mới, khác ngoài hiện thực có lớp lang thông thưởng như ta biết. Coi thử:

Họa phẩm “Mẹ và con”, đứa con trong vòng tay bà mẹ đâu chịu ngồi yên cho Picasso vẽ, thế nên mắt môi mũi cậu ta chạy nhảy tùm lum, họa sĩ phải chộp bắt liên tục mới ra… danh tác!

– Vivekananda chỉ ra rằng hoạt động của đầu óc con người hệt loài khỉ, trăm ý nghĩ chả ăn nhập gì nhau chạy nhảy, thế nên mới có thiền định. Nhớ, các ý nghĩ cũng là “hiện thực”.

– Hoàng Hưng ra phố, cảnh và vật đây kia vụt hiện vụt biến, kí ức xen vào, thêm ý nghĩ nhảy cóc… nhà thơ chộp bắt, đưa vào thơ, để thành bài thơ “Đường phố 1”:

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay!

Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc.

Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên tục địa sầm. Tìm, chết, đi.

Bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai.

Nhảy cóc, vụt hiện, chộp bắt… ta muốn dùng từ nào, tùy. Hãy đặt bài thơ bên cạnh chương đầu tiên The Sound and the Fury, những trang văn vô cùng độc đáo của W. Faulkner, sẽ hiểu. Tất cả chỉ có “âm thanh và cuồng nộ” dường vô nghĩa lại tràn đầy ý nghĩa.

Việt Nam thiếu truyền thống triết học, thế nên không lạ, khi chỉ những điều mắt thấy, tai nghe được lí trí can thiệp có logic để ý thức nắm được dễ dàng ta mới cho đó là hiện thực. Ngoài ra, không.

Miễn bàn đến loại thơ ở nước Đức xa xôi, thơ tiếng Việt thôi, nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt làm thơ toàn danh từ. Vẫn cứ dễ hiểu, nếu ta chịu dịch chuyển tâm trí sang một chiều kích khác của tư duy để tiếp nhận hiện thực khác.

(xem thêm: Inrasara, Thơ Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại, Lotus Media, Hoa Kỳ, 2019).

Nghĩ-73. NGÂY NGÔ TIN NGHE, DÂN TỘC VỀ ĐÂU?

[tiếp Nghĩ-72. hay: Sao gọi là lỗi ở nền Giáo dục?]

Việc Trần Mạnh Hảo tùy tiện gán cho Hoàng Hưng chủ trương thơ không cần Hiểu, rồi tùy tiện định cho HH là “người mất trí, người điên” – ta cho qua.

Thơ vượt quá sự hiểu của ta, ta chửi! Buồn là, ở đó có khối kẻ nghe theo. Ừa thì thơ ca, ta hay nói văn chương vô bằng – cho qua.

Hôm nay thử nói chuyện đời, THẬT như đếm, không thể tránh né.

Xin miễn nhắc tên Trần Mạnh Hảo, mà là Người Ấy cho tiện. Ở đây ta chỉ xét sự việc thay vì con người. Xét con người thì có yêu ghét, ta dễ bị định kiến hay cảm xúc lôi cuốn, dẫn dắt, còn sự việc thì không.

Câu chuyện.

Inrasara được bầu sắm vai Chủ tịch Hội đồng Thơ, Người Ấy tút, 3 ý chính:

Inrasara là “nhà Thiều học”; “ca tụng Thiều lên mây xanh”, để được “Thiều cho giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thơ”. Ta xét từng mục:

[1] “nhà Thiều học”.

Tôi viết về trăm nhà thơ, từ trong đến ngoài nước, DTTS lẫn đa số, chính lưu hay ngoài luồng… Thế hệ tôi, có: Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Trần Hữu Dũng… sau tôi: Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi… thậm chí có người được 2-3 bài.

Tôi tuyệt chưa có bài nào về thơ Nguyễn Quang Thiều.

Bảo tôi là “nhà Thiều học”: chuyện không nói có.

[2] “ca tụng Thiều lên mây xanh”

Người Ấy trưng ra 2 bài.

Bài “Việt Nam thơ, vùng trũng hay cường quốc?”, BBC, 18-2-2012; Tienve.org, 19-2-2012: tôi phê bình phát ngôn của NQT.

Bài “Inrasara trả lởi phỏng vấn RFA về ‘hiện tượng’ thơ Nguyễn Quang Thiều”, RFA, 6-8-2012: tôi phê bình Viện Văn học về cách tổ chức hội thảo.

Tôi đố tìm ra 1 chữ ca tụng thôi, tôi cho điểm 10 luôn. KHÔNG có!

[3] Mục đích ca tụng kia là để được “Thiều cho giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thơ”

là đoán mò.

Tôi làm việc 3 cơ quan khác nhau, ai thấy đơn xin việc của tôi, là giàu. 2 lần TƯ mời tôi giữ chức, 2 bận tôi từ chối. Thì làm gì có chuyện ham hố cái ghế nóng không lương bổng này!

Kết.

Người Ấy rất giỏi sáng tạo cụm từ như: “nhà Thiều học”, “thơ tân con cóc”, rất giỏi gán cho người ngôn từ to lớn, văn lại hấp dẫn, người đọc dễ bị cuốn hút, bị dẫn dắt.

Như Nguyễn Khải viết: Người Ấy “nói dối lem lẻm, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ!”

Nói dối ấy đã lôi kéo bao nhiêu người vào like, chửi tôi, xâm hại cá nhân tôi nữa. Tôi không tí ti trách!

Bởi chương trình giáo dục ta thiếu triết học, thể nên ta dễ tin nghe một chiều mà không tự thức để KIỂM TRA THÔNG TIN và đặt câu hỏi: có phải như vậy không?

Phân tích trên để làm BÀI HỌC cho Việt Nam hôm nay.

Tất cả lỗi ở Nhà trường, không đâu khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *