Nghĩ-53. ĐỂ LÀM GÌ, THI SĨ?

“Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc” (Minh triết Cham, 2015).

Tháng 5-2019, tôi đã nguyên văn thế với nhà thơ Nhật, khi gợi ý ông kể câu chuyện về vùng đất chết nơi ông tự nguyện ở lại với nó gần mươi năm qua.

Tiễn chân tôi, ông nói:

“Nhà thơ không chỉ lưu giữ kí ức dân tộc, mà còn sáng tạo ước mơ của dân tộc.”

Hai thế kỉ trước, nhà thơ Đức Hölderlin đặt câu hỏi thống thiết:

Và để làm gì, thi sĩ – trong thời đại bần nhược điêu linh?

Nguyễn Quang Thiều:

“Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ

Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi”.

Câu chuyện [trích “Đối thoại Fukushima”, 2019].

Wakamatsu Jotaro, nhà thơ tuổi quá bát thập, cô đơn trong ngôi nhà nhỏ cô độc cách nhà máy nơi xảy ra thảm họa Điện hạt nhân Fukushima chưa tới 2km. Ông đón đoàn 4 người chúng tôi với nụ cười lành đầy chịu đựng. Hôm qua giáo sư Michoko cho tôi đọc trước bài thơ đầu tiên trong tập thơ mới xuất bản của ông:

WHAT MAKES US

We humans, long ago, learned to grow crops,

learned to raise animals too.

The crops we grow, the animals we raise:

all living proof we’re human.

Along the way, though, things changed.

A field waiting to be planted,

but from now on, no crops must be grown.

A barn full of animals,

but raising them just adds to the damage.

Fish are there in the sea,

but the fisherman’s catch

is no longer fit to eat…

which is where we stand.

What makes us human?

Tôi nói: Nhà thơ là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, và:

Ông có thể ông kể câu chuyện đáng kể lại với thế giới bên ngoài nhất về vùng đất này? Và sự kiện hay câu chuyện nào găm vào tim ông sâu nhất từ trong và sau sự cố Fukushima?

Ông cho biết mình là dân “Nhật” từ phương xa theo vợ về đây, không biết nhiều về vùng đất này. Ông kể:

– … xưa Fukushima là đất dân tộc Emishi, năm 1200 người Nhật từ miền nam tràn lên Đông Bắc đánh đuổi và đồng hóa họ. Hiện không còn ai nhận mình là tộc Emishi nữa. Những kẻ chống Điện hạt nhân là người Emishi, có lẽ – ông thêm, và cười móm.

Tôi kể về Pangdurangga quê hương tôi, về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Và đọc cho ông nghe bài thơ của nhà thơ nữ Cham: Kiều Maily: “Khi nó xảy đến”.

Và lúc ấy gió sẽ làm gì?

thổi, vô tư như chẳng có gì vừa xảy ra

sông Dinh làm gì?

chảy, có vẻ hơi lưỡng lự

Và lúc ấy, nông dân làm gì?

ngưng tay cày nhìn trời      nhăn trán

kẻ có tiền làm gì?

hối hả gom của cải tháo chạy

thi sĩ làm gì?

làm thơ và buồn và phẫn nộ

nhà nghiên cứu làm gì?

háo hức khảo tả bức tượng vừa được khai quật

phó giáo sư làm gì?

miệt mài giảng                    bài giảng năm ngoái

Và lúc ấy biển…

biển làm gì?

giận dữ một hồi, rồi thôi

tiếp tục gầm gừ điệu nhạc muôn năm cũ.

Ông nắm chặt tay tôi, tay già mà rắn kì lạ – hỏi tôi về sự giống nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sau hơn tiếng hàn huyên, nhà thơ Wakamatsu Jataro tiễn tôi ra tận cửa bằng câu: “Nhà thơ không chỉ lưu giữ kí ức dân tộc, mà còn sáng tạo ước mơ của dân tộc.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *