Inrasara-TV.14. GIẢI HUYỀN THOẠI LỤC BÁT

Lục bát là thể thơ được cho là “thuần Việt”. Nhiều người kêu thế, và cho dù non thế kỉ qua các nhà nghiên cứu đã mấy lần chấn chỉnh, ta vẫn cứ thế mà kêu.

Hãy xem sự thể thế nào.

1. Dư luận xung quanh lục bát

[1] Trước hết, năm 1973 ở tùy bút “Thơ lục bát Chàm” trong Đất nước quê hương (Nxb Lửa Thiêng), Võ Phiến đặt vấn đề “mối tương quan về nguồn gốc” của thể thơ này:

Một thể thơ phổ biến khắp hang cùng ngỏ hẻm, đã được mọi tầng lớp dân gian ngâm nga, đã làm cơ sở cho các điệu dân ca v.v…, một thể thơ như thế không thể được vay mượn, không thể du nhập từ ngoài vào. Nó phải bắt nguồn từ đầu ngay trong cuộc sống dân tộc. Do đó, giữa câu thơ Việt và câu thơ Chàm hẳn không phải có tương quan ảnh hưởng, mà có mối tương quan về nguồn gốc”.

Trên tạp chí Phổ Thông, Thời Nay ở Sài Gòn, nhà nghiên cứu Cham Lưu Quý Tân Jaya Panrang đưa ra không ít “dẫn chứng” ca dao Cham có thể thơ tương cận.

[2] Từ thập niên 1990, tôi đã cho đăng loạt bài bàn trực tiếp về lục bát.

Năm 1994, trong Văn học Cham khái luận, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc

Năm 2001, “So sánh lục bát Chăm – Việt, vài gợi ý bước đầu”, tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, và tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật

Tháng 10-2008, “Lục bát và các dòng thơ lục bát” đăng tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam

Mùa Xuân 2010, “Lục bát có phải là thơ thuần Việt?” được đặt lại trên báo Tiền phong cuối tuần

Tháng 9-2013, lần nữa tôi đưa thể thơ “thuần Việt” này ra bàn trên báo Bình Thuận cuối tuần: “Thế thơ lục bát trong dòng chảy chung Chăm – Việt”. Và nhiều trang mạng khác.

[3] Vậy mà ta cứ kêu nó thuần Việt đến tận thế kỉ XXI!

Phan Diễm Phương cho rằng lục bát Cham (nếu có thể gọi như thế) “chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thể thơ lục bát của người Việt”, bởi “dân tộc Việt có đủ mọi điều kiện để tạo nên hai thể thơ đó mà không cần phải vay mượn từ một dân tộc nào khác” (Lục bát và Song thất lục bát, Nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr.85-91). Khẳng định khơi khơi vậy thôi, còn chứng minh để chỉ ra nỗi “chịu ảnh hưởng trực tiếp” đó thì… không!

Trịnh Đạt nói chắc nịch: “lục bát, song thất lục bát… là bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta” (“Thơ có vần liệu đã lỗi thời?”, tạp chí Thơ, số 9, 2007).

“Dân tộc ta (mà có lẽ không chỉ riêng dân tộc ta) đã giao tiếp bằng lối nói có Vần. Đây có thể là phát minh vĩ đại về ngôn ngữ của dân tộc Việt… Lục bát, song thất lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”.

Trong khi ở phía ngược lại, Trần Ngọc Ninh, rằng lục bát Việt xuất phát từ Cham! (Một cõi tịnh mê, Viện Việt học California, Hoa Kỳ, 2015).

[4] Tương quan lục bát Việt – Cham đã được gợi mở từ thập niên 1960 và được đặt ra một cách khoa học từ khá lâu (1994), ít nhiều gây chú ý đến giới chuyên môn, trong đó không ít vị lên tiếng tán đồng, Trần Quốc Vượng là một (2002). Mãi khi Tiền phong cuối tuần số Xuân 2010 in bài Viết ngắn: “Lục bát có phải là thơ thuần Việt?”, nó mới đánh động dư luận.

Ở đây cần lưu ý, thứ nhất, bài viết của tôi chỉ mang tính gợi ý, thứ hai: Tôi không khẳng định ở đâu là Cham vay mượnViệt hay ngược lại, mà là tìm nét tương đồng giữa lục bát Việt và ariya Cham (mà tôi tạm dịch là lục bát Cham), với hi vọng mở ra vài khoảng sáng cho nghiên cứu khoa học chiều sâu.

[5]Thử làm vào đối chiếu so sánh

“Lục bát Cham” do tôi phỏng dịch từ chữ ariya Cam. Chữ ariya có ba nghĩa:

Trường ca. Ariya Cam – Bini (Trường ca Cham – Bà-ni);

Thơ, Sa kadha ariya (một bài thơ);

và Thể thơ, Cwak twei ariya (sáng tác theo thể thơ).

Cuối thế kỉ XVI – đầu thế kỉ XVII là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Cham đã có mặt. Và trước đó nữa, trong ca dao, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng.

2. Phân tích

[1] Ariya Cham gieo vần lưng. Chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát:

                     Thei mai mưng deh thei o

                     Drơh phik kơu lo yaum sa urang

                     Ai đến từ đằng kia xa

                     Giống người yêu ta riêng chỉ một người

Hiện tượng này chúng ta cũng thấy trong ca dao Việt:

                     Trèo lên cây bưởi hái hoa

                     Bước xuống vườn hái nụ tầm xuân

Ngày nay, thỉnh thoảng vẫn có một vài tác giả dùng. Thế nhưng trong khi đã ổn định, tuyệt đại đa số lục bát Việt hiệp vần ở chữ thứ sáu thì trong lục bát Chăm nó không hề thay đổi.

[2] Ariya gieo cả vần bằng lẫn vần trắc. Khía cạnh này, Cham không nhất thiết cứ một cặp bằng rồi đến một cặp trắc, bơi có khi cả đoạn dài tác giả chỉ sử dụng độc vần bằng, nhưng đột hứng chúng ta thấy vần trắc xuất hiện:

                     Mai baik dei brei pha crong

                     Tangin dei tapong kauk luk mưnhưk

                     Bbuk ai tarung yuw harơk

                     Tangin dei pơk nhjwơh yuw tathi

                     Về đi em cho đùi gác

                     Bàn tay em vuốt, đầu xức dầu thơm

                     Tóc anh bù rối như rơm

                     Tay em vuốt thì mượt như lược chải

Đây là loại vần dù hiếm nhưng cũng có xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:

                     Tò vò mà nuôi con nhện

                     Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi 

Khác với Việt, vần trắc tồn tại khá bình đẳng với vần bằng trong ariya Cham. Thậm chí trong một bài thơ dài, nó gần như đứng xen kẽ. Nghĩa là cứ một câu hiệp vần bằng tiếp liền một câu hiệp vần trắc.

[3] Tiếng Cham là thứ ngôn ngữ đa âm tiết nên khác với lục bát Việt, số lượng tiếng được đếm trong ariya Cham cũng khác. Có hai trường hợp xảy ra:

a. Dạng đếm theo âm tiết: dòng lục gồm sáu âm tiết và dòng bát tám âm tiết, không tùy thuộc vào lượng chữ. Dĩ nhiên bởi tiếng Cham đa âm tiết nên lượng chữ chắc chắc bằng hoặc ít hơn số âm tiết được tính trong câu thơ:

–         Cam saung  Bini  ke  kan

            1          2      3-4   5   6

          Mu  sa  karan  ia  sa  bilauk      

        1    2    3-4  5    6     7-8

–         Tabur  xanưng  twei  đơy

                     1-2     3-4     5    6

          Wak  Pauh  Catwai  twei  bauh  akhar            

            1          2       3-4    5      6       7-8

Lối này có mặt trong các sáng tác mang tính trữ tình hoặc mang phong cách châm ngôn và trong hầu hết các sáng tác bình dân.

b. Dạng đếm theo lượng trọng âm:

Hiện tượng đọc lướt, nén chữ (compression), hay nuốt âm (elision) là chuyện bình thường gần như là thuộc tính của ngôn ngữ đa âm tiết, nhất là trong sáng tác thơ ca. Tiếng Cham không là ngoại lệ.

Trong các sử thi như Akayet Dewa Mưno, Akayet Um Mưrup, Akayet Inra Patra hay các tác phẩm mang tính triết lí, thể ariya chỉ được tính theo lượng trọng âm của từ đa âm chứ không tính từng âm tiết như trường hợp thứ nhất. Cả một số hư từ cũng bị lược bớt.

–         Akayet  si  panưh  twơr  tabiak

          01-2     3        04       5     06

          Ppadơng  nưm  ka  ratwơk  Rija  Dewa  Mưno

            01           2     3        04      05   06      7-8

–         Glơng  anak  linhaiy  likuk  jang  o  hu

            1            02      03      04    5     0   6

          Bhian  drap  ngap  ralo  piơh  hapak  khing  ka  thraung

            1            2       3   04           5       06      7     0       8

Dấu vết của cách đếm này chúng ta cũng có thấy trong vài bài ca dao Việt xưa:

                     8        Mình nói dối ta mình hãy còn son

                     9        Ta đi qua ngõ ta thấy con mình bò

                     6        Con mình những trấu cùng tro

                     8        Ta đi xách nước tắm cho con mình

Nhưng khi lục bát Việt phát triển ổn định, nó dừng lại ở 6-8, thì lục bát Cham vẫn phát triển theo kiểu trương nở. Trong đoạn ariya sau, số lượng âm tiết trương nở thoải mái theo chiều mũi tên, cả chiều xuôi lẫn chiều ngược, mà âm tiết hiệp vần như là một trục cố định giữ nhịp cho cả đoạn thơ:

–         Limưn  tơl  Bal  Hanguw

          1-2           3    4      5-6

          Bal siam mưtwaw mưthrum tabbang car cơk

          1           2     3-4

                     Kraung riya padơng ia banơk

                                                            6

          Pabah lamngư mưkhơk ikan hadang raxa raxa

                                         4

Sự trương nở này phát triển ra theo một, hai hay cả ba chiều mũi tên. Từ đó trường hợp thứ ba xảy ra:

c. Lục bát biến thể: có mặt rải rác trong các sáng tác, đặc biệt là trong Ariya Bini – Cam. Ở đây dù lục bát Chăm vẫn ổn định ở cấu trúc hình thức nhưng rất tự do trong số lượng âm tiết:

8        Wơy ia tanưh lahơm lahơm

9        Mưng Bal Canar wơk nau Harơk Kah

8        Tanran riya glai glaung lawah

          10      Than ia rabbah ke tawak takai nai

[4] Về thanh điệu, như ở lục bát Việt xưa, ariya Cham phát triển khá thoải mái. Thoải mái cả khi thanh điệu của lục bát Việt ổn định ở:

                               Bằng Trắc Bằng

                               Bằng Trắc Bằng Bằng

–         Pathei đong dap karơm

           B          T     B

          Ni jơh hadơm bbơng gơp di thauh        

                     T        B              T       T

–         Caik tian mưng xit tơl praung

                      B             T         B

          Bbuk pauh di raung hu ka urang                     

                         T          B         B      B

–         Dom lac mưkrư siam bbiak

             T        B              T

Bboh mưh pariak ba gơp pahlap           

                     T        T        T      T

Như  đã nêu, lục bát Việt xưa có vần trắc. Và khi bài thơ hơn hai cặp lục bát có lối gieo cả vần bằng lẫn trắc thì chúng mang dáng dấp của thể song thất lục bát.

                     Tò vò mà nuôi con nhện

                     Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

                     Tò vò ngồi khóc tỉ ti

                     Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đàng nào

So sánh bài ca dao Việt trên với đoạn thơ trong Ariya Bini – Cam của Cham:

Trắc             Limưn tơl Bal Lai Bal Huh

Trắc             Bal glơh ginuh bhap ilimo                  Bằng

                               Bal đwa danuh khak bilo           Bằng

                               Xanak ginrơh ralo halei jang o bboh

Một tương đồng đến bất ngờ.

[5] Ngoài ra, Cham còn có thể pauh catwai (biến thể từ ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất qua giọng điệu, tư tưởng mà hình thức không khác mấy so với Choka (trường ca) của Nhật (Choka là Shika: 5-7 âm được kết nối liên hoàn). Các tác phẩm Pauh Catwai, Ar Bingu đều sử dụng thể này:

          Tabur xanưng twei đơy

          Wak pauh catwai twei bauh akhar

          Bathei đong dap karơm

          Ni jơh hadơm bbơng gơp di thauh

Suy tư theo dòng đời

          Viết Poh Chatôi qua lời thơ.

          Đá nổi mà vông chìm

          Là không dưng kiến ăn tươi kiến.

3. Tạm kết

Qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, chúng ta thấy lục bát Việt và ariya Cham có rất nhiều điểm giống nhau, trong đó cái giống nhất chính là nhịp điệu (rhythm) của chúng.

Thời gian qua, cây bút thơ Cham cũng có sáng tác theo thể lục bát thuần Việt: ổn định, chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát.

          Bia harei dauk ngauk bbon jwa

          1          02    3      4       5      6      (7/6: 7 âm tiết, 6 chữ hay trọng âm)

          Maung hala kayuw jruh, pahwai paha tian drei

             1            02     03    4       05       06    7     8 (12/8)

Các luận điểm và phân tích trên cho thấy có sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa Cham và Việt, nhất là khi hai dân tộc khi xưa trong thời gian dài “núi liền núi sông liền sông”.

Hô rằng lục bát, song thất lục bát là “bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”, là một phát ngôn cảm tính, nói cho có! Vậy mà tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cứ đăng, như chưa hề có gì xảy ra. Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc cấu trúc mỗi khác từ đó lục bát có lối phát triển khác nhau, thế thôi.

Đối chiếu sự tương đồng và dị biệt giữa lục bát Việt và ariya Cham là nỗ lực đi tìm cấu trúc nội tại (hay một quy luật phát triển – nếu có thể nói thế) của hai thể thơ trên, từ đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác, không những đóng khung ở phạm vi Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.

Còn trong học thuật, mặc cảm cả tự ti lẫn tự tôn “độc sáng” thì chẳng giải quyết được gì cả!

Xem Inrasara-TV ở đây: 14. Giải huyền thoại lục bát. – YouTube

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *