Nghĩ-14-15

Nghĩ-14. “Hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy ‘bản sắc tôi’”.

(Inrasara.com, 1-9-2016).

Con người là một văn bản. Trước khi ra đời, hắn được viết bởi gien cha mẹ. Sau đó hắn được tô vẽ bởi môi trường tự nhiên nơi hắn sinh ra, môi trường xã hội quê nhà hắn sống. Tiếp đến hắn được làm đậm bởi thầy cô và nền giáo dục hắn thụ hưởng, ý thức hệ tôn giáo và chính trị của đất nước hắn, những cuốn sách hắn đọc, vân vân. Không thể thoát!

Nhà văn là một văn bản. Vướng kẹt, nhà văn chỉ là kẻ giữ kho hay tô son cho quá khứ không hơn. Hắn phải thoát, thoát khỏi “văn bản” định mệnh kia. Nếu không thể, ít ra hắn cần tự thức, và mở to mắt trừng trừng nó.

Nữa, hắn tiến thêm một bước, đi xuống ba tầng cô đơn – để viết.

Nghĩa là, hắn cần phá hủy bản sắc hắn, mỗi ngày.

Cramoire Hotaru

Thưa Inrasara, phải chăng xa lạ với bản thân cũng giống việc thoát khỏi “văn bản”? Trở nên “xa lạ” với chính mình liệu có tốt hơn thay vì “phá hủy” chính mình, bởi phá hủy cho mất trắng hẳn thì làm sao ta có thể quay đầu trừng mắt nhìn chính mình?

Inrasara nghĩ thế nào về “lột xác” và “hủy diệt”? Phải chăng trong hành trình sáng tạo ta lột xác chứ không phải hủy diệt? Hay lột xác vốn là một hình thức hủy diệt?

Và một điều nữa, hơi ngoài lề chút, có những người cô đơn ngay cả khi trò chuyện với nhau, loại cô đơn đó có đưa ta đến sáng tạo không?

Câu hỏi của bạn hay lắm. Karun!

1. Tôi nói đâu đó, Sara mang tinh thần Shiva: Phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, và phá huỷ chính là sáng tạo. Thế nên, tôi không dùng từ “lột xác”, mà là phá hủy bản sắc, nó lạ hơn, và đúng tinh thần của tôi hơn.

Như khi tiếp nhận kiến trúc Ấn Độ, Cham phá hủy và sáng tạo nó để thành tháp Chàm vô cùng độc đáo. Phá hủy hiểu theo nghĩa đó, không phải làm mất tiêu bản sắc, mà biến tấu nó đầy sáng tạo.

2. Cô đơn cũng thế, tôi nói: Cô đơn là tự do là sáng tạo. Còn mấy cô đơn khác chỉ là sự ủy mị của tình cảm ở các sắc thái khác nhau.

Lần nữa, Karun!

Nghĩ-15. Khi Việt Nam khủng hoảng bản sắc, khi mất niềm tin đang tràn lan chưa có cơ may chấm dứt, làm gì? Là hai câu hỏi cốt tủy.

Tôi tin vào những “mạch nước ngầm”, “dòng sông ẩn”. Chúng có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung và đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.

Nhiệm vụ của nhà văn là đi tìm, và đánh thức nó.

 (Inrasara.com, 7-11-2019).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *