Minh triết Cham-40. CHA TÔI, NÔNG DÂN THUẦN THÀNH VÀ…

Tôi mê cha. Tôi không biết mấy đứa con tôi có “mê” cha nó không. Thường con trai không ưa cha mình, con lớn Tolstoi còn chuyên viết văn để chống ông bố vĩ đại của mình nữa là. Tôi thì ngược lại.

Tôi theo gien, thích và học ở mẹ hai thứ: Ngôn ngữ và tính xã hội, còn cha: tất. Cha cũng là dân có chữ nghĩa, nhưng do ít nói nên làng không ai biết cha sở hữu món ấy.

Mọi thứ ở cha đều tuyệt, từ phong thái, lời nói, hành vi đến việc làm. Từ cách ngồi ăn cho đến vận quần áo. Cha chết cũng đẹp luôn, sau một tuần “nhớ quê nằm bỏ cơm”, cha “về”: nhẹ nhõm, sạch sẽ. Cha là ông thánh của đời thường.

Nghề nông ở mọi công đoạn mọi khía cạnh, cha luôn chỉn chu, đẹp. Đẹp từ tạo dáng cái bừa, cây cuốc cho đến đường cày, từ cách be bờ cho đến thao tác gieo… Nhà bên mỗi mùa tiền thuê nhổ cỏ tốn cả chục công cho một đám nhỏ, ruộng cha chỉ cần vài giờ dạo mót cỏ sót là ổn.

Cha lành, lành đến nỗi kiến cắn cha phủi chứ không sát. Một cây roi ‘yong” mà đi theo cha suốt mùa cày, đến hai đầu roi thành láng coóng. Cha dùng roi khiển trâu chứ không phải để đánh. Trong khi chú Út mỗi ngày tiêu mất 3 chiếc. “Đánh chi đánh dữ” – cha kêu!

Cha nông dân thập thành, thế nên luật “Người cày có ruộng” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đời, cha được tặng ngay mẫu ruộng 10.000m2 hơn! Cha còn đại diện nông dân tiêu biểu Chakleng lên Quận nhận thưởng nữa.

Tóm, cha không có gì để… chê!

Mấy bận hồi tưởng kỉ niệm cha con, tôi cứ cười thầm. Làm sao trái đất có thể nẩy ra sinh linh như thế giữa đời thường cơ cực, khốn khổ này! Làm ruộng, anh em tôi cũng có hạng, so lại tôi chỉ ngang cựa cha về những gì liên quan đến cái… CUỐC.

Nhắc đến cuốc, mới nhớ chuyện ngôn ngữ.

Ông chú nông dân người Canh Cụ [Kinh cổ] thuở 1980 chê dân Bắc kỳ ngay trước mặt rằng mấy ông ham nói nhanh, có mấy chữ nhai mãi thành ra không có gì đáng nói mà cứ nói.

Các ông có mỗi cá quả, chứ trong này cá lóc, cá tràu, cả quả được tuốt; ông có mỗi bảnh đa, chứ ở đây thêm bánh tráng… Dân Bắc kì còn không biết dùng từ sao cho đúng nữa. Cái chà-leng dùng cuốc, chớ các ông cứ lấy cuốc cuốc đất là sao! Chống tó mới là cây để chống, các ông có mỗi đi “chống” nhau…

[Chú không phải dân ngôn ngữ nên thế. “Chà-leng” là do tiếng Cham ‘jaleng’ mà ra, được dùng làm danh từ; còn “cuốc” chuyên trị động từ. ‘Patok’ nói tắt là “tó” tiếng Cham là “chống”, dân ở đây ghép động từ Việt “chống” + động-danh từ ‘patok’ = danh từ “chống tó”, còn “chống” chuyển hẳn qua riêng động từ, chứ không cần đến “cái chống”. Thế thôi!]

Tôi cuốc giỏi. Be bờ hay phạt cỏ bờ cũng ngon. Gọn như cha, còn nhanh nữa!

Hồi 1978, bỏ cả năm cày thuê, nhận thêm công đoạn “làm bờ”. Cày 12.000đ, làm bờ 3.000đ, mỗi ngày tôi bỏ túi 15.000đ, một tháng nhảy xe đò vào Sài Gòn ôm sách về đọc. Cày, giờ giải lao tôi nằm mơ mộng về thơ, về “hữu thể và thời gian”. Làm bờ cũng hệt, làm công nhật mà cứ thấy thằng ấy nằm đọc sách, nhìn trời.

Một trưa nọ, ông chủ ruộng người Việt làng Long Bình hùng hổ đi tới tính bắt quả tang tay làm thuê lười biếng. Thấy bóng ông từ đầu cầu Hộ Tại, tôi bước xuống ruộng làm một hơi một thể. Ông tới nơi thì cỏ bờ chỉ vài bước là… xong. Ông đi loanh quanh hỏi tôi vài câu lấy lệ, rồi về. Sau này ông kể có kẻ méc “thằng Trạm chả làm gì, cả ngày chỉ nằm bóng cây keo”.

Ra thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *