LỜI CUỐI VỀ NOBEL CHO VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

[từ Hồ sơ đến đoạn kết cho Nguyễn Huy Thiệp]

Trump nói đại ý: Đã mơ, hà cớ không mơ cho lớn. Dân quê Cham không khác: ‘Cong gloong piơh lek di gap’: Mơ cao để rớt lại chỗ vừa.

Đề cập đến Nobel cho văn chương Việt Nam, có mấy tâm lí rất ư quần chúng, có thể tóm làm 3 loài như sau:

– Pha. Nobel là chuyện của phương Tây không liên quan đến ta, lo việc của mình đi;

– Sướng. Hồ hởi như sắp có Nobel tới nơi, liền đề cử người của mình hoặc chính mình, văn chương Việt Nam có thua kém ai đâu;

– Mặc cảm. Bĩu môi, kêu văn học quốc doanh, kẻ tí hon làm gì lên đàì đọ tài cao thấp với bao gã khổng lồ ngoài kia; vân vân.

Ba ba nhập một, gom lại thành thứ phức cảm nhược tiểu rất lạ.

Không gì thuộc về con người mà thoát khỏi quan tâm của nhà văn; không vấn đề gì của nhân loại mà không là của Việt Nam. Hiểu như vậy, thế nên tút “Ai là ứng viên Nobel?” là một gợi mở cần thiết. Gợi mở cho một HỒ SƠ, chứ không cảm tính với cảm tình đầy tùy tiện.

Từ 3 điểm:

[1] Nhìn ra ngoài, để biết mình biết ta.

Đặt Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh bên cạnh Remarque với mươi cuốn tiểu thuyết khủng về hai thế chiến, cả hai đều chưa có Nobel – xem hai nhà, ai “oan” hơn? Đó là chưa nói đến chuyện đặt nhà văn Việt Nam bên cạnh gã khổng lồ Mỹ: W. Faulkner. Không nắm vấn đề, thành ra ta cứ mặc cảm.. sai!

Đặt mấy trăm trang truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh Svetlana Alexievich (Nobel 2015) qua vài ngàn bút kí siêu đẳng của bà động cập đến vấn đề nóng, với cách nhìn mới lạ thể hiện bằng “lối viết phức điệu” vô cùng độc đáo [Lời cầu nguyện từ Chernobyl, Chiến tranh không mang khuôn mặt một người phụ nữ đã được dịch ra tiếng Việt]. Alexievich của Belarus đấy, nêu tên nhà văn thuộc khu vực ngoại vi để tránh cho ta mặc cảm Đông Lào. Xa hơn xíu, cũng là kẻ ngoại vi: Orhan Pamuk của Thổ Nhĩ Kỳ!

Tầm trung của Nobel đã vậy, chớ so đọ với Albert Camus hay J-P. Sartre thì ôi thôi.

[2] Hiểu quan điểm của Ủy ban Nobel kia, xem họ đã từng chấm gì, đâu là những điểm nhấn. Giả dụ Dostoievski hay Kafka còn sống, chắc chi hai nhà này đã được – đó là quan điểm của Ủy Ban ấy, ta muốn dự cuộc thì ta tôn trọng họ.

[3] Rồi quay lại nhìn ta, cần có cái nhìn toàn cục chứ không phải tác phẩm riêng lẻ, xem đâu là tác giả ra vẻ hơn cả; nêu vài điểm nổi bật, sáng giá từ đó mới đưa ra cái tên mình cho là xứng đáng.

Và ta lập HỒ SƠ, như tôi thử làm với 2 cái tên ngẫu nhĩ ra hoa ở tút trước.

Chỉ thế thôi, ta mới biết ta đang đứng ở đâu trong dòng chảy văn học nhân loại.

P.S.

Tiểu luận “Nguyễn Huy Thiệp chưa thể với tới Nobel, tại sao?” có 6.207 chữ, trích đoạn cuối:

“Ông thành công, một thành công lớn ở truyện ngắn, ngoài ra không gì khác. Tiểu luận và phê bình của ông không đáng kể, trong khi thành tựu ở một nhà văn chủ yếu được đánh giá qua tiểu thuyết. Thể loại này, ông có thử qua nhưng tất cả chỉ nằm ở hạng trung bình…

Với tư cách một cây bút toàn diện, Nguyễn Huy Thiệp chưa có gì gọi là tác động đến thời đại ông sống mang tính toàn cầu như Jean-Paul Sartre hay Albert Camus, được coi là kẻ mở màn phong trào hiện sinh lan tỏa khắp thế giới. Jean-Paul Sartre chẳng hạn, bên cạnh là một triết gia đình đám cùng các tác phẩm kịch và tiểu thuyết để thể hiện tư tưởng độc đáo kia, ông còn là một nhà trí thức hàng đầu. Cứ xem bộ Situations [Gallimard xuất bản 7 tập] cũng đủ thấy sức làm việc ghê gớm và tầm hoạt động bao quát của ông.    

Kẻ tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo và con người dấn thân hội tụ trong một cây bút xuất chúng, chưa một nhà văn Việt Nam nào đạt tới tầm đó. Xét từ góc độ nhà văn “thuần túy”, Nguyễn Huy Thiệp cũng chưa. Ông chưa phát kiến nghệ thuật độc đáo ảnh hưởng lan rộng như Faulkner, Márques. Hơn nữa, một nhà văn tầm Nobel – nếu ta lấy giải văn chương này làm mốc, đòi hỏi độ dày của trang sách, thậm chí rất dày. Đơn cử William Faulkner.

Không khác Nguyễn Huy Thiệp, ông là một thi sĩ hụt “failed poet”. Và còn hơn thế, bên cạnh viết kịch, ông còn là tác giả nhiều kịch bản phim. Tương cận khác, cả hai đều chuyên trị một vùng đất. Nếu ở Nguyễn Huy Thiệp là nông thôn miền Bắc Việt Nam, thì William Faulkner là miền Nam Hoa Kỳ. Thế nhưng thay vì bó gọn trong vài trăm trang truyện ngắn như nhà văn Việt Nam, văn hào Mỹ có đến 20 tiểu thuyết. Nghĩa là độ dày gấp chục lần hơn.

Nhìn từ góc độ nghệ thuật, W. Faulkner đã đẩy kĩ thuật dòng ý thức, và… lên cấp độ siêu đẳng, đến nhiều nhà văn lớn trên thế giới học tập và xài lại.

Cuối cùng, điều không thể không nói lên là Nguyễn Huy Thiệp không trường sức, thế nên thành tựu của ông vẫn còn khá mỏng. Ông “hưu” sớm, mà đỉnh cao nằm ở quãng 10 năm: 1986-1996, sau đó một phần tư thế kỉ ông không vượt qua chính mình.

Lược qua mấy điểm sơ yếu đó, ta đủ thấy Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn cách Giải Nobel Văn chương vài bậc. Còn nại đến vị thế yếu kém về kinh tế hay nhược tiểu ngôn ngữ Việt, không gì hơn là cách an ủi để tự xoa bóp mình không hơn không kém.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *