Chuyện thơ-10. INRASARA ĐI DÂY GIỮA QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

[bài viết của Trần Anh Nguyễn, đăng Tiền Phong cuối tuần 2014, lâu rồi – dẫu sao có vài ý hay, xin trích ra đây bạn FB đọc vui]

… Tôi gặp anh Inrasara lần đầu tiên tại sân thơ Trẻ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám – Hà Nội trong Ngày thơ Việt Nam cách đây độ chục năm. Dù đọc nhiều bài viết của anh, nhưng lần đầu tiên gặp anh. Inrasara đến sân thơ trẻ với nhiều phần trưng bày thơ Hậu hiện đại với sự thích thú xen lẫn ngỡ ngàng. Anh Cham chú xem kỹ từng “gian” thơ của các tác giả khá trẻ. Sự tò mò của anh khiến tôi chú ý và tôi đã trò chuyện cùng anh, trước khi biết anh chính là Inrasara.

“Vì sao anh lại thích nghệ thuật hậu hiện đại và quan tâm đến các tác giả trẻ?” – tôi hỏi anh trong quán cà phê ở đường Vườn Lài, Sài Gòn. Tôi thường gặp không ít những người hoặc không quan tâm, hoặc dị ứng, hoặc không mấy tin tưởng vào nghệ thuật hiện đại. Inrasara nói:

– “Tôi quan niệm hơi khác về nghề phê bình. Nhà phê bình tìm thấy cái hay trong một tác phẩm sáng tác theo hệ mĩ học cũ thì dễ, tìm được cái mới trong và nói lên cái mới đó đến độc giả mới khó, khó và thú vị. Tôi thường tìm thấy trong các tác phẩm hiện đại những điều trước kia chưa từng có, điều đó hấp dẫn tôi”.

Sự ủng hộ các sáng tác hiện đại của Inrasara không đơn giản một chiều, người ta nhìn thấy phần đa nhận xét của anh với các tác giả trẻ là rất khắt khe, thậm chí đôi khi khá “phũ phàng”. Đằng sau sự nghiêm khắc ấy, người ta thấy rõ một học vấn sâu sắc về nghệ thuật hiện đại, những trăn trở đối với nghệ thuật hiện đại, những tìm kiếm và dĩ nhiên cả hy vọng. Chính tâm thế ấy khiến nhiều tác giả trẻ, mặc dù bị Inrasara “cạo đầu” không thương tiếc, vẫn nể trọng và lắng nghe những nhận xét “cay hơn ớt” của Inrasara.

Dường như Inrasara quan tâm nhiều đến tính hữu dụng của tri thức. Chỉ tri thức mới, hiện đại, giải quyết được các vấn đề của xã hội hiện đại mới thực sự là thứ tri thức mà loài người đang khát khao tìm kiếm. Những giá trị dù tốt đẹp, nhưng ngày nay không ai cần tới nữa thì chúng đã trở thành thừa. Anh dí dỏm nói:

– “Với một người trí thức, nếu hiểu biết và kinh nghiệm của bạn lạc hậu, bạn chết đi là vừa”. Dĩ nhiên, khái niệm “chết” ở đây nghĩa là người trí thức phải biết làm mới mình, tìm đến những kiến thức mới mẻ hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *