Bắc tiến-7. KẺ ÁM SÁT QUÊ HƯƠNG

Chiều hôm qua, gia đình [chị-] anh bạn thơ rủ tôi qua làng Lụa Hà Đông.

Hay quá! 24 năm trườn qua đời người, nay trở lại. Cảnh cũ không còn, hỏi thăm người xưa – chủ nhiệm HTX, người đã đi theo ông bà từ lâu lắm.

Chuyện đã kể, đã thành cổ tích…

Đó là mùa xuân năm 1998, ra thủ đô nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho thi phẩm đầu tay: Tháp nắng, tôi rủ bà xã qua Viện Đông Nam Á, hỏi thăm về làng lụa. Khi ấy, thổ cẩm Inrahani của Cham chiếm lĩnh thị trường, rền vang khắp nước, tiếng nổi cuồn cuộn.

Hai năm trước, sau thành công “cách mạng” hàng hóa Thái – Mai Châu, bà xã muốn làm cuộc cách mạng “kĩ thuật”, bán công nghiệp hóa khung dệt Cham. Bằng lai tạo khung Cham Chakleng với khung Việt nơi đất lụa nổi tiếng này.

Anh Ngô Văn Doanh, Trương Sĩ Hùng và chị [có chồng vừa đoạt giải thưởng HCM] hào hứng phải biết – đánh xe con đưa chúng tôi đi. Tiền giải thưởng ông Sara cứ mặc sức mà xài.

Đặt cọc hết cây vàng cho hai khung, chuyển cả vào Sài Gòn, tính tiếp. Khi ấy lụa Hà Đông đang ì ạch, “ngài” chủ nhiệm vồn vã khỏi nói. Nhưng đời…

Hai tháng qua đi, đột ngột ông xuất hiện trên VTV1 giới thiệu mặt hàng mới của HTX: Thổ cẩm Cham ra lò từ khung lai tạo. Mèng! Bà xã xem tivi mà muốn xỉu. Giống Cham đến 95% chớ chẳng đùa, thế nhưng đó là thứ thổ cẩm Cham mất hồn… Cham. Tôi nói:

– Hưỡn đã. Hãy đợi đấy.

Nó đã “đợi đấy” thiệt, và đợi hơi lâu. Để hơn tháng, khi thứ con lai “thổ cẩm Chàm” ấy chết ngất, hai chiếc máy lai giống Cham Việt mới được chuyển vào Sài Gòn.

Làng lụa lên đời nhanh như thổi, chỉ sau 24 năm. Từng đàn cửa hiệu với mênh mông hàng hóa, đủ màu đủ kiểu đủ loại. Chúng tôi lần từng bước vào, chầm chậm, sâu hơn và sâu hơn. [Chị] anh bạn thơ nhiệt tình lắng nghe tiếng thoi đưa, để còn chỉ lối cho chàng thi sỹ Cham ưa lang bạt tìm lại cảnh cũ. Một, hai, ba… tiếng máy đang chạy hàng. Tạt vào…

– Mỗi ngày được 6 thước, – chị thợ dệt có nụ cười đôn hậu trả lời tôi qua âm thanh tiếng máy.

– Tơ sợi mình lấy từ đâu?

– Bảo Lộc, anh à.

Ít thế. Chớ bạt ngàn hàng hóa kia từ đâu mà ra? Tôi không [cần] phát tiếp cái câu không nên hỏi tí nào ấy. Bởi từ lâu qua báo chí, tôi đã hình dung ra cái cảnh đau lòng này.

Chakleng của tôi thì khác.

Non trăm máy dệt [theo mẫu bà Hani], và thêm ngần ấy khung dệt tay cổ truyền hoạt động ngày đêm, để hàng thổ cẩm Cham từ đất văn vật tràn đi các nơi, chứ không ngược lại.

Năm 2010, cùng thời điểm ra đời của Làng Nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, khi dựng Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA ở Chakleng, tôi lệnh, đây không là chốn bán hàng. Hãy dành phần ấy cho người Làng nghề. Ta kiếm tiền từ thành phố về tiêu nông thôn, chứ không ngược lại. Bà xã vâng.

Làng Nghề Thổ cẩm Cham Mỹ Nghiệp, cũng hệt. Tôi nói, hãy tiêu trừ cái tâm tham, để không phải bán hàng độn. Bà con Cham đã thế: thuần Cham Pangdurangga, chỉ dành góc nhỏ cho hàng Cham Tây, ghi địa chỉ xuất xứ. Không tuyệt sao!

Ở buổi thuyết trình về Thổ cẩm Chakleng thuộc Dự án British Council, tôi còn gợi ý và khích bà con làm cuộc cách mạng thứ bảy nữa: Trở lại truyền thống xa xưa hơn, thổ cẩm Cham bằng tơ tằm tự nhiên [từ HTX Danofarm của Liên Tạ Thị chẳng hạn], chứ không phải tơ sợi công nghiệp hiện đại như ta đang.

Chakleng HAIY [ok], câu chuyện sẽ diễn ra ở những ngày tháng tới…

Chakleng có niềm tin, niềm tin xuất phát từ “sức mạnh tinh thần văn hóa Cham” nơi thẳm sâu tâm hồn con người Cham, con người Chakleng!

Họ không nỡ và không muốn ám sát quê hương!

+ “Kẻ ám sát quê hương”, nhại tên tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *