Bắc tiến-1. NGÀY 1-2-3

Suối Hai, Chiều 6-8-2022

Chiều 4-8-2022, sân bay Cam Ranh.

Tại phòng thủ tục, đứng trước tôi là một chị trung niên, phía sau là hai vợ chồng người Nhật với em bé. Chị vừa xong, thì cánh bên kia tạt ngang qua. Một, hai người, tưởng thôi ai dè thêm 5 mạng nữa xen vào trước.

Anh người Nhật đứng sau tôi chỉ chỏ bằng tiếng Anh, cô gái mặc áo nhân viên ngơ ngác, tôi nói: Cháu trách nhiệm làm trật tự chớ. Cô kêu, cháu tập sự chú à. Tôi nói với anh thanh niên là kẻ chủ trò kéo mọi người xen ngang:

– Cháu đứng vào hàng đi, có cả người nước ngoài kia kìa, họ khinh Việt Nam cho…

– Sắp xong rồi chú, – nó trả lời tỉnh bơ. Tôi đành chờ cho… qua.

Chuyến bay muộn 6 tiếng. Xuống Nội Bài, các bạn thơ và người nhà đánh xe ra đón. Thay vì bên Tuyên Quang, nhưng tôi nói miễn nhé, có các bạn văn đón rồi.

Vào trung tâm thủ đô thi đã 10g tối, rồi lai rai – 5 lon chớ chẳng ít, mãi đến 12g mới về tới khách sạn. Vẫn khách sạn quen từ 17 năm trước.

Sáng, tiếp ông anh bạn thơ, tán đến 1g.

Trưa về, mới ngả lưng xíu, hai ông bạn thơ khác lại réo. Đi Suối Hai huyện Ba Vì. Ừa thì đi. 7 nhà cả thảy. Đến nơi thi vừa kịp tiệc. Lại uống.

Tối văn nghệ giao lưu, Ban Tổ chức mời “Trưởng ban Hội đồng Thơ Tây Nguyên Ít-xa-ra” phát biểu. Tôi không phát chi cả, mà đọc bài thơ “Tạ ơn”.

Nhà khách Công đoàn đầy, qua khách sạn Sao Mai nghỉ. Vừa vào phòng là tôi lăn ra nằm như thóc, mặc cho mọi người réo ăn tối với dạo hồ.

Tổng kết Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng sáng tác thơ K10. Gọi là thơ câu lạc bộ nhưng tập hợp nhiều dân nổi tiếng đáo để. 85 học viên. Tôi lại được mời lên trao chứng nhận, và phát biểu. Bà con khen quá trời, kêu sao anh ấy nói ngắn thế. Hai phát biểu sau đó còn trích dẫn Sara nữa!

Sau tiệc là màn du thuyền.

3g chiều 6-8-2022, xe Hội Tuyên Quang đón lên.

Bắc tiến-2. GHI CHÚ CHO NGÀY 3

Bắc tiến kì này, tôi có chương trình với đề tài cụ thể hẳn hoi.

Dẫu sao, sẵn rạp hát luôn, bạn thơ rủ đi Suối Hai, là đi. Vừa xuống xe bước vào phòng, một bạn văn chạy đến ôm Sara, hôm trước tôi hiểu lầm chửi ông, tôi xóa nó ngay hôm sau rồi, ông cho qua nhé. Tôi nói:

– Ông anh biết mình sai là quý hóa rồi…

Chớ thật tôi có đọc đâu mà biết ông bạn thơ nói gì!

Ông bạn nữa hơn tôi chục tuổi, cơm tối – qua cụng li tôi miết, sáng tổng kết thấy bóng tôi vội chạy trờ tới, kéo tôi lên phòng: phải tặng ông cái này. Tưởng gì – tập thơ.

– Mười năm rồi, hôm ông thuyết giảng ở Ninh Bình, mấy anh chị kêu ông phản động! Tôi cũng nghĩ như họ, sau đó tôi ngẫm lại thấy ông đúng, rất lành mạnh nữa là đằng khác.

[Thuyết cho Hội đồng Lí luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, trước 300 sinh linh toàn nhà báo Đảng, giảng viên Đại học, ban Tuyên giáo tỉnh…, ông Sara có “mọc sừng” (hiểu theo nghĩa Cham) mới dám phản động.]

Nghĩa là tôi đã hóa giải được hai sinh linh. Cũng đáng lắm!

Thêm, tôi đi chuyến này chi tiền túi với thù lao bạn văn, chớ không “ăn tiền của nhân dân”, các bạn yêu Sara đừng lo. Còn cơ quan Nhà nước mời tôi nói, chung chi – thì đó là công sức tôi.

Hồi làm ngài Phó, anh Hữu Thỉnh sắp đặt tôi dẫn đoàn nhà văn đi Ấn Độ – với một nhà văn là đặc ân lớn, tôi còn từ chối mà:

– Sara đi nhiều rồi, dành phần cho ai khác đi, anh.

Thế là nhà thơ Trần Quang Quý mặc áo vào sân…

Bắc tiến-3: TÔI ĐÃ NÓI GÌ?

Chiều 7-8-2022

Đi, như là luận sư truyền đạo Thơ…

[1] Tại Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng sáng tác thơ K10, tôi nói [có diễn thêm]: Ở đây, tôi là kẻ lạ. Lạ hơn, tên tôi được hầu hết anh chị em đọc sai. Là một bất ngờ… vui.

Anh chị em tự nhận mình thơ phong trào, không chuyên. Không phải – đó là thơ thuộc khu vực khác.

Thơ Việt Nam không chỉ là thơ của Hội Nhà văn Việt Nam mà có mặt ở nhiều khu vực khác. Thơ miền Nam trước 1975, Thơ Việt hải ngoại, Thơ người Dân tộc thiểu số, Thơ người thơ ở tỉnh lẻ, Nhà thơ chưa hay không là Hội viên HNVNV, Thi sĩ ngoài luồng, Thơ trên mạng.

Mỗi khu vực đều có quan niệm viết riêng, lối thơ riêng. Chúng làm giàu sang nền thơ ca Việt Nam. Các bạn thuộc vào một trong những. Tôi tin giữa anh chị em ở đây, sẽ bật lên vài khuôn mặt độc đáo, nếu ta có đủ tài năng và nỗ lực lớn.

Tại sao không?

Tiếp lời tôi, nhà thơ Bùi Đăng Sinh nói:

– “Đây không phải là lời động viên, khích lệ mà là tiếng gan ruột của một nhà thơ đích thực.”

[2] Cùng nhóm bạn làm thơ lục bát, tôi nói:

– Các bạn chuyên trị thơ lục bát, cả đời làm mỗi thể thơ lục bát, tuy nhiên tôi biết các bạn chưa hiểu nhiều về lục bát.

Bạn thơ tôi ớ người ra, nghĩ tôi chủ quan, hay đùa. Tôi nói:

– Không. Có 4 điều cốt tủy:

[1] Làm lục bát mà các bạn không nghiên cứu kĩ các thể thơ khác, thì không thể nói là đã hiểu hết lục bát;

[2] Chưa đọc toàn cảnh lục bát Việt với những dòng khác nhau;

[3] Chưa biết đến lục bát ‘ariya’ Cham có nhiều tương quan với lục bát Việt;

[4] Qua đó, và nhất là – chưa tìm tòi và thử nghiệm các kĩ thuật mới cho lục bát.

Chẳng phải sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *