Phê bình-41. MIỀN NAM & HIỆN TƯỢNG CHỮ NGHĨA

Trịnh Công Sơn thiên tài, nhưng không là hiện tượng. Phạm Duy vĩ đại, cũng không là hiện tượng. Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, và sau này – Nguyễn Nhật Ánh, là hiện tượng.

Hiện tượng phải là con người với lối “sống” kì dị, tài năng và có sức cuốn hút lớn, xuất hiện như một bột phá và kéo dài, tạo ảnh hưởng về hướng mở, hướng tự do.

Nguyễn Hiến Lê – một hiện tượng học giả.

Là nhà văn, nhà ngôn ngữ, nhà khảo cứu, dịch giả. Ông hoạt động chữ nghĩa độc lập. Phạm vi viết của ông rất rộng: văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, chính trị, kinh tế, sách học làm người, gương danh nhân… Lĩnh vực nào ông cũng thành công.

Văn ông không cầu kì mà hấp dẫn. Hấp dẫn từ lớp người đọc tuổi mới lớn cho chí nhà nghiên cứu đầu bạc. Hấp dẫn kéo dài từ những năm đầu thập niên 60, đến hôm nay vẫn còn giữ được sức hấp dẫn.

Thế nên không lạ, hiện nay ở hầu hết tuần lễ sách, luôn có một Gian hàng Nguyễn Hiến Lê. Là điều hiếm “nhà” nào có được.

Nguyễn Nhật Ánh, tôi chưa một lần đọc hết 10 trang văn anh!

Dẫu sao, dòng văn chương chính thống hôm nay, Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng. Hiện tượng độc nhất vô nhị. Một hiện tượng kéo dài suốt 30 năm, thì không thể xem thường. Một nhà văn viết mà mấy lớp con cháu xếp hàng đợi mua sách, phải nói chỉ có một anh. Không nhà nào khác nữa.

Không phải phong trào, mà bọn trẻ chờ đợi thực sự.

Bùi Giáng thì miễn nói rồi, đó là một hiện tượng chữ nghĩa vô tiền khoáng hậu.

Ông điên, ông lang thang “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn”. Không thấy ông viết ở đâu cả, vậy mà tác phẩm ông ra đều đặn: thơ, triết, phê bình, dịch thuật… mà toàn ở nhà xuất bản thế giá.

Như Nguyễn Hiến Lê, Bùi Thy Sỹ vẫn có không gian riêng ở nhiều ngày hội sách. Lạ, đọc không ai hiểu ông nói gì cả, thích cứ thích.

Nhà phê bình tầm Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương mỉa mai “đó là thứ thơ của bệnh nhân tâm thần”, không gì lạ. Tôi ngược lại, mê ông, thuộc lòng ông, và mấy bận đứng lên bảo vệ ông. Tại một hội thảo mà tên tuổi ông bị đưa ra nhạo nhiếc, tôi nói: “Chỉ có nhà phê bình ngoại khổ mới thấy được cái độc đáo của loài thơ ngoại khổ!”

Phạm Công Thiện nữa, một thiên tài bạt mạng. Chữ nghĩa anh lôi cuốn như dòng lũ. Thế hệ sinh viên miền Nam cuối thập niên 1960 kẹp dưới nách Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học của Thiện, thì oách khỏi nói.

Bạn facebook có thể đọc: “Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện & tôi” ở đây:

Nêu lên 4 hiện tượng, tôi muốn nhấn vào 1 ý: Chỉ có đất Sài Gòn mới có thể tạo nên, dưỡng nuôi và chấp nhận hiện tượng. Thế nên, chỉ có đất đó mới bật lên HIỆN TƯỢNG.

Như đã. Và sắp tới, có lẽ!

MINH ĐỊNH VỀ HIỆN TƯỢNG

Tút về hiện tượng thu hút nhiều còm. Đại đa số đồng thuận, cạnh đó – từ góc nhìn, quan điểm, và cả hiểu biết với cảm tình hay gu riêng, mỗi người đưa ra hiện tượng “của” mình.

Bạn đề cử Cung Tiến; bạn: Trịnh Công Sơn rất xứng đáng; bạn cho 5 nhân vật nên có trong danh sách: Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh; bạn nữa: Nguyên Ngọc.

Nếu vậy thế kỉ XX, riêng trong giới chữ nghĩa Việt Nam, dễ đến con số ngàn.

Có lẽ các bạn không chú ý hai TIÊU CHÍ tôi đưa ra.

– Tiêu chí CON NGƯỜI, một hiện tượng phải là:

[1] con người với lối “sống” kì dị, bởi hết mình với con đường chọn lựa[2] tài năng và có sức cuốn hút lớn, [3] xuất hiện như một bột phá và kéo dài, [4] tạo ảnh hưởng về hướng mở, hướng tự do.

– Tiêu chí VÙNG MIỀN, tôi viết:

Nêu hiện tượng, tôi muốn nhấn vào một ý: Chỉ có đất Sài Gòn mới có thể: [1] tạo nên, [2] dưỡng nuôi và [3] chấp nhận hiện tượng.

Cứ cho vào khuôn hai tiêu chí trên, chắc chắn nhiều nhân vật không lọt chỗ này cũng sẩy mảnh khác.

Hiện tượng Bùi Giáng thì gần như 100% nhất trí – cho qua. Thử phân tích hai hiện tượng cụ thể:

Phạm Công Thiện sống lập dị đến kì dị, 19 tuổi cho ra đời tác phẩm triết học tạo sự cuốn hút lớn; anh không bột phát để rồi chết yểu như nhiều hiện tượng hay thần đồng khác, mà kéo dài; nhất là chữ nghĩa anh tạo ảnh hưởng lan rộng về phía tự do. Cho đến cuối đời. 

Nguyễn Hiến Lê lập dị theo kiểu học giả.

Ông viết như công chức, lập nhà xuất bản riêng in tác phẩm mình; từ chối dạy Đại học, từ chổi giải thưởng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau 1975, ông có đi họp Hội Trí thức Yêu nước, khi thấy ở đó vắng bóng trí thức, ông rời bỏ ngay. Tác phẩm ông thu hút nhiều thành phần, thế hệ để đến hôm nay chúng vẫn sở hữu quầy riêng tại các hội sách.

Trịnh Công Sơn là hiện tượng, nhưng Trịnh vẫn còn “nhìn trước ngó sau”, “dập dờn” nghĩa là không tới cùng.

Riêng về miền đất [môi trường], tầm như Văn Cao dễ thành hiện tượng, nhưng đất Bắc và chế độ đã không dung chứa ông. Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng, phiền nỗi cái “tuổi thọ” kia còn ngắn, về sau anh ưa nói nhảm, lại đi viết “tiểu thuyết ba xu”.

Sài Gòn thì khác. Đó là vùng đất mới, mở, có thể dung nạp mọi thứ tạp lí lù. Đất mở đó ít có chuyện lườm nguýt nhau, hay lo sợ giùm cho nhau.

Ngoài Nguyễn Nhật Ánh hiện tượng ai và đâu cũng chấp nhận được, Sài Gòn đầu thế kỉ XXI nẩy nòi Mở Miệng. Tút trước tôi không nêu ra, do bài đã dài, bàn thì bát ngát.

Với quan điểm thơ độc, thái độ văn chương lạ [độc, lạ về hướng mở], MM mở nhà xuất bản Giấy Vụn in toàn tác phẩm ngon lành, lại in rất đẹp… Tất cả tạo ảnh hưởng lan rộng với chục nhà kiểu ấy ra đời, in sách bỏ qua cơ chế xin-cho. Nhất là MM tồn tại cả thập kỉ giữa lòng xã hội kiểm duyệt chữ nghĩa gắt gao!

Hà Nội dễ gì nẩy nòi, chấp nhận và dung chứa hiện tượng này!

Chỉ đất Sài Gòn, và nó đã như thế!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *