THƠ NHƯ LÀ CON CẶC NỨNG

Đó là bắt chước Nguyễn Quốc Chánh trích dẫn Derrida: “Nghệ thuật là một con cặc nứng”. Không chơi cũng chẳng đùa, mà thật. Với sáng tạo nghệ thuật, “một ngày 33 bài thơ” (Bùi Chát) hay “nhị cú tam niên đắc” (Giả Đảo) là chuyện thường. Không nứng thì chịu, nằn nì sao nó cũng không thể cựa quậy, còn xài tới Viagra thì đó đã là thứ thơ nhân [giả] tạo mất rồi.

Thơ trẻ hôm nay thiếu gì? Thiếu trường, nhóm thơ, thiếu ý niệm thơ mang tính “tàn phá”, từ đó thiếu chùm khuôn mặt khả thể tạo nên cuộc cách mạng.

1. Thiếu trường, nhóm thơ

Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ Loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); tiếp tới: họ biết lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba, nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần lớp độc giả có tinh thần và tri thức sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.

Xét cả bốn yếu tố, nền thi ca Việt Nam hôm nay đang thiếu, thiếu lớn!

Cuối năm 2005, từ dòng thơ nữ đột ngột bật ra nhóm Ngựa Trời gồm năm thi sĩ: Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Khương Hà, ra mắt tập thơ in chung. Tập thơ gây ồn ào bằng nỗi bị tuyên bố thu hồi, với lí do ngoài văn chương khá… lãng. Gọi là nhóm, có tên khai sinh hẳn hoi nhưng không ai [biết] lập thuyết nên, không thể xảy ra cuộc cách mạng thơ nào ở đó.

Có lẽ nhóm thơ này chẳng ý đồ làm cách mạng, hoặc nếu có, cũng không thể. Văn chương, thiếu một suy tư nền tảng, kẻ sáng tạo dễ rơi vào vùng viết cảm tính, cảm tính nên mơ hồ. Muôn năm mơ hồ rồi… hụt hơi!

Nhóm Mở Miệng thì khác. Với bốn khuôn mặt gồm Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán [ở đây có thể kể luôn Phan Bá Thọ] sáng tác trong cảm quan và thuộc tinh thần hậu hiện đại.

Cả bốn vừa bước ra khỏi cổng Đại học, đã quyết định sinh hoạt văn chương [vỉa hè] chung. Họ cùng quan điểm sáng tác, lập ngôn để nói lên quan điểm viết của nhóm mình. Dù bị mọi diễn đàn chính thống kì thị, từ chối, nhưng may khi xuất hiện, Mở Miệng đã có internet với vô số mạng văn học có mặt. Và nhất là, họ mở nhà xuất bản Giấy Vụn để truyền bá sản phẩm của mình.

Mở Miệng sống, và thọ qua mười năm cuộc chơi!

Sau Mở Miệng, thơ Việt không có nhóm nào gọi là. Dù Hậu hiện đại và Tân hình thức khởi động ngay đầu thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, các nhà thơ trẻ Việt Nam đã tiếp nhận, qua đó nẩy ra vài tên tuổi, ở đó vẫn chưa có nổi “nhóm”, “trường”.

Tại sao thơ vẫn cần đến trường, nhóm?

Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, thì việc đề cập đến các chủ nghĩa là cần. Cần không kém là “trường”, “nhóm”, “phong trào” thơ.

Thời đại thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Các loại thơ như của Đặng Đình Hưng, Thanh Tâm Tuyền, hay gần hơn – Nguyễn Quang Thiều không thể tồn tại vào thời văn chương truyền khẩu.

Nghệ thuật, ở đây là thơ, luôn hướng về chuyển động. Ở phương Tây, chưa đầy hai thế kỉ, nhân loại chứng kiến bao nhiêu là trào lưu ra đời, phát triển và suy thoái. Những trường Lãng mạn – romantisme, Hiện thực – réalisme, Tượng trưng – symbolisme, Siêu thực – surréalime, thơ Tân hình thức – new Formalism, Thơ mở rộng – expansive poetry, Thơ tân truyện kể – new narrative poetry, vân vân nẩy nở và phát triển, trùng điệp. Chúng không chết hay bị chôn vùi trong nghĩa trang chữ nghĩa, như lâu nay ta dè bỉu. Cần xem chúng như là cuộn sóng, các xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại. Chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Làm giàu sang biển cả thơ ca nhân loại.

Chủ nghĩa, trường phái, hội, nhóm kích thích sáng tạo. Từ quan điểm khác biệt, chúng cạnh tranh nhau tạo nên không khí sôi động của văn đàn. Trường, nhóm không làm cho tác giả lớn, mà sự có mặt của chúng là thiết yếu cho sự phát triển của một giai đoạn văn học(1).

Và rồi qua và từ sôi động của sáng tạo, nhà phê bình sẽ nứng lên, nhảy vào cuộc. Năm, sáu nhà ấy – đứng ở góc nhìn hệ mĩ học của các nhà thơ của mình – đấu, kéo độc giả văn chương cùng tham dự. Những trận “đấu” chắc chắn sẽ đốt cháy văn đàn, kẻ sáng tạo thêm chất kích thích, nền văn học được đẩy tới(2).

2. Thiếu ý niệm mang tính “tàn phá”

Tuyên bố “Chúng tôi không… làm thơ”, Mở Miệng vẫn sản xuất thơ đều đặn. Một thứ thơ-phản thơ: thơ rác; chính xác: thơ-hàng tiêu dùng. Nó đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Kéo thơ từ bệ thờ xuống lòng cuộc đời. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thủy hơn: nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố; và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Đồng thời hòa nhập tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại.

Về ngôn ngữ, nhóm Mở Miệng từ bỏ hệ thống ngôn từ đẹp đầy tính “văn chương”, dồn cơ man lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội, vào thơ. Lượm nhặt chúng, ngẫu hứng bất ngờ. Không có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/ vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng so với chuẩn.

“Đâm ja” (Xáo chộn chong ngày, Nxb Giấy Vụn, 2003)

Tôi lém lước bọt nên tường

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè

xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật

tôi nhìn tôi bay chên chời

tôi hành hạ tôi ba bữa

tôi đâm ja

tôi cêu đòi chữ ngĩa

tôi tổ chức chiến chanh

tôi lam mô vị chúa chời

tôi đánh jăng vào buổi xáng

tôi đâm ja

tôi cải tạo âm hộ

tôi một tờ jấy ni hôn

Trong khí quyển văn chương Việt Nam hôm nay, một hành xử với thơ như thế dễ tạo sốc lớn trong dư luận người đọc. Đó là ý niệm thể hiện qua các tuyên bố mang tính “tàn phá”. Như cách phá trinh ngôn ngữ, phá trinh quan niệm thơ, và phá trinh chính thơ ca.

3. Chỉ có những khuôn mặt riêng lẻ

Sau Mở Miệng, vài khuôn mặt thơ nổi lên.

Vi Thùy Linh có đôi ba câu thơ đầy “nứng tính”. “Khỏa thân trong chăn/ thèm chồng” là một. Sự thèm yêu cháy bỏng chánh đáng của người nữ tuổi 17-18, là điều tự nhiên như nhiên, không ai không thấy. Linh là thi sĩ đầu tiên nói lên điều ấy, trắng phớ, mạnh mẽ, trúng phóc và đủ đầy. Kẹt nỗi, thi sĩ này tự ngộ nhận, ham giải thích thơ mình, càng giải thích càng hỏng. Bị công phá, Linh lại càng. Rằng…

“Ý của tôi muốn nói là: khỏa thân để trở về sự bình yên, sự nguyên thủy nhất của mình. Tình yêu sẽ làm lắng lại tất cả mọi bạo động của mặt đất này. Nó cứu rỗi và nó thanh tẩy mình, vỗ về mình, nó giữ lại mình” (3) – Nhảm!

Nghĩa là Linh đã hết còn bản năng như đã, tự thiến – và tắt đài.

Du Nguyên (sinh năm 1988) qua hai tập thơ xuất bản: Mục: Xó xỉnh. Cười (Nxb Hội Nhà văn, 2011) và Khúc lêu hêu mùa hè (Nxb Hội Nhà văn, 2014) và Lưu Mêlan (sinh 1989) cho thơ xuất hiện ồ ạt trên Damau.org, Tienve.org, là hai khuôn mặt nét nhất, có lẽ. Mới, và sáng giá hơn: Nguyễn Thị Thúy Hạnh (sinh năm 1987) với tư duy thơ và thơ khác lạ:

tôi nôn ra của mình – cái bóng – người kể chuyện, khi câu chuyện hoàn thành, tôi nuốt lại anh ta vào bụng

nuốt vào một đại dương nhả ra một cánh bướm nuốt vào một ngả đường nhả ra một đêm trắng nuốt vào một mùa xuân nhả ra một bạc tóc nuốt vào một Sartre nhả ra một Camus nuốt vào một điên rồ nhả ra một truyền thống nuốt vào một déjà nhả ra một lột xác nuốt vào một tự ngã nhả ra một thú nhận

nhả ra một lịch sử nuốt vào một hối hận

một tự sự im lặng.

(Văn học vết thâm, Nxb Hội Nhà văn, 2020)

Ở ngoài kia, đất nước chuột túi Australia:

Phan Quỳnh Trâm có loạt bài thơ “Metapoem”, có thể dịch là “siêu thơ”. Siêu thơ không phải là siêu hình hay thơ vượt lên thơ, mà là cái hiện hữu “phía sau” thơ, hay thơ về thơ, suy niệm về thơ. Quan niệm về thơ như thế đi chệch khỏi quỹ đạo thơ Việt, như lâu nay ta thường hiểu: thơ nói chí, thuyết đạo, hay diễn tình. Phan Quỳnh Trâm nghĩ khác. Bài thơ đầu tiên đăng Tienve.org: “Chân dung một bài vè chưa thành”

K.

B. (lại) muốn làm thơ

thơ B.,

tuyệt, không có chỗ cho Nguyễn Du,

đương nhiên, không phảng phất mùi Thuý Kiều

(hay tất cả những điều gì tương tự!)

thơ B.,

sẽ không có cổ cồn, cà-vạt

không Sartre không Kant

không Descartes không Leibniz

(hay rất nhiều những triết gia già mồm, lý sự.)

thơ B.,

sẽ không có nước mắt đàn bà

nồng nặc mùi nước hoa, son phấn (dù đắt tiền.)

thơ B., sẽ vô cùng dễ hiểu

nhưng không phải thứ mì ăn liền

thơ B.,

sẽ không phải năm chữ, lục bát

(bởi B. chẳng biết gieo vần.)

sẽ chỉ được đọc bằng mắt

để không thể tra tấn lỗ tai kẻ khác, khi cần.

thơ B.,

sẽ không có phượng hồng, áo tím

cũng sẽ không ẩn ức, dục tình

(chẳng phải B. không muốn)

chỉ sợ mẹ B. đọc được

diễn/suy/tra/khảo: tổ cực hình!

thơ B.,

sẽ không có thiền sư xuống núi

(ngủ một giấc)

chống gậy lên rừng.

không sát na, vô thường.

lạm phát!

thơ B.

đã vi phạm những điều ở trên.

làm thơ quá khó

tốt hơn hết

B. sẽ làm vè

“chi chi chành chành”

sao không?

Đùa nghịch thì hẳn rồi, ý muốn cắt đứt với truyền thống thơ Việt, cũng dễ nhận ra. Thi sĩ quyết bái bai sướt mướt cải lương, ẻo lả thục nữ con nhà, chối bỏ trịnh trọng đóng thùng, triết lí ba xu, siêu thực giả bộ, đắc đạo vờ vịt… Vậy, thơ như thế có còn là thơ không? Và thơ phải thế nào mới nên… thơ?(4)

4. Đó là phía nữ, đâu là người nam trẻ?

Các bạn đã gẫy hết rồi sao? [lại Nguyễn Quốc Chánh: “Sài Gòn gẫy cặc”, tên một bài thơ!] Nguyễn Quang Thiều viết đâu đó đại ý: Cách tân thơ Việt hiện nay chỉ có thể trông vào các cây bút trẻ. Stephen Spender quyết liệt hơn:

“Những phong trào văn nghệ duy nhất đáng tôn trọng là phong trào được điều động bởi những người trẻ tuổi tự nhận mình là thiên tài vĩ đại nhất xuất hiện trên đời, và tin chắc rằng tất cả tác phẩm khác của người đương thời và hầu hết tác phẩm của văn hóa nhân loại chỉ đáng vứt vào sọt rác”(5).

Nhắc lại, người thơ nam trẻ tuổi đang ở đâu?

Pháp Hoan và Trần Quốc Toàn đều sinh năm 1992, một Bình Thuận và một Bình Định. Tuổi 30! Nếu Tô Thùy Yên qua bao suy tư “sáng tạo”:

Ba mươi tuổi tôi còn chưa viết được

một câu thơ tóm tắt cả đời người

một câu thơ dùng khắc trên mộ bia

Sau trận dài chịu tù tội, anh ra tù, giải sân hận, lần nữai đắm mình vào suy tư thẳm sâu và sâu thẳm hơn nữa mới làm nên một Tô Thùy Yên với những đỉnh cao vòi vọi, thì hai khuôn mặt thơ trẻ này vẫn còn đẹp quá, chưa thật gồ ghề, gân guốc, ở đó ý hướng thơ chưa mang tính “tàn phá” lớn. Đợi thời gian chăng?

Cũng có thể lắm!

Lê Vĩnh Tài chẳng hạn, khởi đầu với vài tập thơ sến [Hoài niệm chiều mưa, Nxb Thanh Niên 1991, Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió, Nxb Văn nghệ TPHCM, 2004], Tài đã phản tỉnh và biết cách mạng mình, để mỗi bước đường thơ là mỗi tự “tàn phá”, ngày càng chín đầy, vỡ bờ, vỡ đê. Thơ đến tự nhiên, như mặc áo, ăn cơm. Lê Vĩnh Tài hệt một Bùi Giáng của thời kì đương đại.

Đó là sự phát triển nghệ thuật ở cấp độ thượng thừa, khác đi: Trường lực sáng tạo không bị dấu vết thời gian bào mòn, teo tóp mà ngược lại. Tác phẩm lớn nhất là tác phẩm được viết cuối đời. Lịch sử nghệ thuật nhân loại, rất hiếm nghệ sĩ chiếm lĩnh sự thể này. Rembrandt và Dostoievski là một.   

Như thể trái nứng [tiếng Cham: ‘aboh gong’] muốn phát triển đều đặn và bền lâu, tuổi thọ cuộc đi dài hơi và dài hạn, thơ ca cũng hệt. Tránh rơi vào định mệnh nhà thơ một bài, một tập rồi mệnh yểu, bạn cần hiểu để điều khiển bản năng. Nghĩa là nứng đầy lí tính. Bên cạnh cảm tính thuộc bản năng (Svabhava), bạn học phát huy nội lực, trải đời thơ qua mấy bậc tôi luyện: Carana: cảm tính hướng thượng, sau đó là Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ, Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế, và Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp, cuối cùng là Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường(6).

Và ai nữa, những khuôn mặt thơ người nam trẻ tuổi của ngày hôm nay?

Hay bạn đang ẩn thân chịu làm như Inrasara, “giú mình trong bóng tối vô danh” đợi mùa hè tới? Làm thơ từ cấp Hai, phải đến tuổi tứ thập tôi mới cho thơ ló mặt với đời: Tháp nắng (1996), để sau đó mỗi thi tập là mỗi lật đổ: Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức (2006), Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2009), Đánh thức lãng quên (2021).

Lật đổ cái lật đổ sự lật đổ cuộc lật đổ trước đó.

Khi tất cả bị lật đổ, còn lại gì? Không phải tác phẩm hay sự nghiệp, mà là tinh thần – Tinh thần tự do phiêu lưu khai phá, không ngưng nghỉ. Chính điều này làm giàu sang nền văn hóa-văn minh nhân loại, qua đó góp phần đẩy loài người xa dần thú tính, để được trở thành CON NGƯỜI viết hoa.

Chakleng, 29-5-2022

____________

Chú thích

(1) Xem thêm: Inrasara, Song thoại với cái mới, Nxb Hội Nhà văn, 2008.

(2) “Ở mỗi nhà phê bình hình thành nên một nhóm tác giả của mình, nhưng không được dưới 100. Nếu bạn dừng lại ở con số 5, bạn không phải là nhà phê bình. Mỗi nhà phê bình cần phải có đội “bách quân” của mình. Lúc bấy giờ 10 nhà phê bình chủ chốt có thể bao quát cả nền văn học. Và nếu họ có thể tranh luận, bút chiến với nhau, thì có thể tạo ra một quá trình văn học thống nhất, và có thể xác định được một cách rõ ràng những đỉnh cao văn học” (“Bondarenlo: “Phê bình văn học là công việc của những người trẻ tuổi”, Trần Hậu dịch, nuocnga.net, 18-11-2008)

http://nuocnga.net/default.aspx?tabid=331&ID=2941&CateID=217

(3) báo Dân Trí, 12-12-2006.

(4) Xem thêm: Inrasara, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, Nxb Hội Nhà văn, 2015.

(5) tạp chí Encounter, số 2, 11-1953.

(6) S. Lienhard, A History of Classical Poetry: Sanskrit – Pâli – Prakit, Otto Harrassowitz, Wiesbaden, 1984; dẫn lại từ Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, tr. 213.

4 thoughts on “THƠ NHƯ LÀ CON CẶC NỨNG

  1. Vì muốn được tìm hiểu thêm, xin hỏi nhà thơ Inra Sara câu “Nghệ thuật là một con cặc nứng” là từ sách hay bài tiểu luận nào của Derrida.

    Xin cảm ơn nhà thơ!
    Bài viết rất ấn tượng!

  2. NẾU “THƠ NHƯ LÀ CON CẶC NỨNG ”
    LIỆT DƯƠNG RỒI HỎI CỨNG LÀM SAO?
    HUNG HĂNG CHỌC NGOÁY TỰA SÀO
    ĐỘC GIẢ ĐÃ NGÁN,BUỒN NÀO BUỒN HƠN!:))

    • 1. Liet roi thi thoi, het hung thi dung lam tho noi nua, nghi. Dung co gang lam, hai tho va hai ngon ngu. 2. Day la tieu luan khoa hoc, chi xet no dung/ sai, hay/ do, cho ko lien quan den dao duc. Karun ban.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *