Thơ & thơ Việt. KHỦNG HOẢNG, TỪ RIMBAUD ĐẾN… INRASARA

Ở tút hôm qua, tôi viết: “Tuổi 15, tôi rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng, và chạm tới đáy khổ đau”. Sự thể kéo dài suốt 5 năm, tôi mới vượt qua khủng hoảng tinh thần này, và thể hiện qua thơ: “Hờn quê hương-1977”.

Khủng hoảng, 16 tuổi – thi sĩ Pháp Rimbaud làm nên “Con tàu say” (Le Bateau ivre) đẫm chất phản kháng, rồi cho ra thi tập Une Saison en Enfer Một mùa Địa ngục làm nên cuộc cách mạng thi ca thế giới.

Tôi dân Việt Nam, dù không ý định in để sợ phải kiểm duyệt, đã viết những dòng thơ hiền lành đầy yên ả.

Mà có riêng tôi đâu, Tố Hữu-đời dẫu có ghê tới đâu, qua thơ cứ cùng thể điệu với giọng thơ người thế hệ. Như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… Tố chất của người Việt Nam, hay thói nhà hoặc nếp thơ của ta chăng?

Tôi không nghĩ thế. Chớ tại sao Mở Miệng hôm nay có thể làm khác được? Khác thế hệ trước, khác cả bạn thơ cùng thời. Đây chính là cái LỚN của nhóm thơ trẻ vừa bước khỏi giảng đường Đại học này…

Tôi, lành là vậy. Nếu tôi dám làm khác ngay khi ấy, thơ tôi sẽ về đâu, không biết. Điều chắc chắn nó sẽ khác rất nhiều.

Năm 2002 lần đầu tiên tôi viết phê bình gửi báo Văn nghệ Hội Nhà văn, bạn văn rất thân ở đó bảo:

– Không ai viết phê bình như thế đâu.

Và họ từ chối. Báo của Hội nơi tôi là Hội viên rồi vài nhiệm kì làm “quan văn” tuyệt không đăng phê bình và tiểu luận của tôi. May, thời đại thay đổi, tôi gửi báo mạng, trong và ngoài nước. Từ đó lối viết không giống ai kia mới có đất đứng.

Nếu tôi nghe bạn mà thay đổi để NHƯ mọi người, thì sao?

Tôi cố gắng giữ ngòi bút của mình THẬT, thật về mình, về xung quanh nhưng tuyệt tránh nặng lời, tránh xúc phạm cá nhân, mà chỉ PHÂN TÍCH. Bất kì đâu tôi luôn làm vai trò phản biện. Một lần BBT Văn nghệ biên tập sai lệch ý của tôi, tôi viết bài đính chính, bị từ chối, tôi mới gửi Tienve, bạn Nguyễn Lệ Quyên, Pháp (22-5-2007), bình luận:

“Về bài “Văn chương mạng” của Inrasara, theo tôi nghĩ đó cũng là vấn đề “nhân quyền”. Nó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng từ phía các biên tập viên và các tờ báo đối với đồng nghiệp của họ. Hiện tượng này có lẽ đã xảy ra từ lâu và với nhiều người nhưng nay Inrasara mới lên tiếng. Chúng ta có nên hy vọng là việc lên tiếng của ông sẽ ngăn chận hay giảm bớt việc vi phạm lên “nhân quyền” ấy không? Có lẽ còn phải chờ xem mới biết được”.

Các bạn trẻ hôm nay, thế nào?  

HỜN QUÊ HƯƠNG – 1977

Có hai chân tôi lang bạt dưới trời

Có hai tay tôi mang dở tay người

Có hai mắt tôi buồn sương với bóng

Mái tóc bâng khuâng bay chiều gió rộng

Trán một vầng chứa bao nỗi ưu tư

Viễn tượng tuổi thơ trôi nổi hư phù

Tôi run rẩy trên hai bờ môi dại

Ngày xa ngày xa

                          mây trời đang lại

Mơ màng tôi ngó gió thổi rung cây

Khoảng hồn tôi sao nắng dọi quá gầy

Cánh tay trẻ mà sao mong manh quá

Thao thiết sông xanh ngày đi thư thả

Thơ tôi thơm thơm cỏ lá dịu lành

Tim tôi rung rung nhịp nắng lung linh

Bước cái Nghé hồn nhiên

                                       hồn quê yên ả

Cái Ri nhỏ chuyền cành nghiêng nghiêng má

Là niềm vui tôi tắm ánh trăng suông

Là nỗi buồn tôi ngàn dế ca buồn

Với vạn nhái lên đường du viễn

Con mương bé xuôi dòng về biển

Cuốn hồn tôi xa xóm xa làng

Rồi bềnh bồng như một kẻ đi hoang

Ngày trôi mất trên dòng sông hấp hối

Bên bờ lúa mơ màng tôi đứng gọi

Mây trời trôi không lại mây trời xa

Con chim ri đã vỗ cánh quan hà

Bay hun hút vào chiều ngàn nghiêng ngả

Dòng xanh đã cạn rồi

                                 sương lổ đổ

Tuổi dại mất rồi ngày xa ngày xa

Tình yêu về như một tiếng chim qua

Sầu rớt lại hai dòng sau cánh mỏng

Lầm lũi bước trên đường trần gian rộng

Vực thẳm đen đâu nhớ nữa tôi là

Tuổi trẻ đang điên đảo bước can qua

Thơ nào gọi, chim di là vĩnh viễn

Bỏ đồng nội

                     tôi đi là vĩnh viễn

Buồn quê hương đi quên lãng quê hương

Hờn trần gian chân lạc lõng con đường…

[còn nữa, tôi quên mất]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *