Giải trí giữa tuần. NHỮNG CÚ ÔM NHỚ ĐỜI

Cham có lối chào riêng, nét văn hóa tưởng đã thất truyền, nhưng không. Nó vẫn tồn tại trong lễ hội và văn chương. ‘Xalam’, ‘talabat’, ‘jabat xalam’, ‘kakuh’, khôi kakuh’… chứ không có vụ bắt tay, nói chi đến ôm hôn.

Vậy mà tôi đã phải xài tới món này, mới chết!

Mùa đông 1991, tôi khi ấy đang thủ quán tạp hóa nhà quê, chả là cái thá gì vậy mà nổi tiếng đáo để. Vị tiến sĩ Sài thành xuống xe đò ở Phú Quý [lúc đó chưa có xe ôm, điện thoại càng không] nhắn tôi lên đón. Tôi nhờ chú Đạt Chữ chạy xe lên…

Xuống xe, ông trờ tới ôm tôi, hôn chụt chụt hai má ba lần đủ đầy. Trời biển! Tôi cứ muốn phá lên cười. Tôi nghĩ ông phải chuẩn bị chu đáo lắm.

Tôi cho đó là cái ôm hôn giả mạo.

Chớ bạn thân tôi nhà thơ Trần Anh Thái thì khác. Chúng tôi quý nhau, và bạn ôm hôn thiệt. Tiếc là tôi không được trang bị văn hóa ấy, nên cứ hẫng. Tôi dặn lòng là kì sau phải đáp ứng trúng điệu mới được, nhưng rồi lại quên. Và hẫng!

Với cô ca sĩ trẻ ở Hà Nội thì khác. Chúng tôi hẹn nhau cà-phê nói chuyện trên trời dưới đất. 9 giờ, nàng đưa trả tôi khách sạn. Ngay trước sảnh, nàng nói:

– Anh cho em ôm hôn anh nhé.

Ui, sướng rơn đi. Thế là tôi “ừa”, nhiệt tình chả thua kém giáo sư Vũ Khiêu năm ấy.

Với người Việt là vậy, còn mấy vụ này có “yếu tố nước ngoài”.

Tại Fukushima, chia tay ở bến tàu điện để qua Tokyo, tôi đã ôm ông nông dân Nghị sĩ Baba thật chặt. Trước đó, ngay trong chuồng bò rỗng ruột nhà ông, tôi đặt tay lên vai ông. Cái “đặt tay” gợi cho phóng viên Kyodo câu hỏi độc, và gợi hứng anh viết bài báo dài!

Ở Đài Loan, cà-phê chiều ở cái đảo bé tí Orchid Island Taiwan. Sau buổi phỏng vấn nữ đại biểu tuổi tứ thập, biết tin chị đang bị chứng tiền ung thư do rác hạt nhân, chia tay lên xe – chúng tôi ôm nhau. Không bố trí chuẩn bị [như ông tiến sĩ năm xưa] – và không lời, hai vòng tay của hai sinh linh xa lạ đột ngột tìm đến nhau. Rất nhanh, và buông ra cũng rất nhanh. Nhanh đến hai nhà báo có nghề ở đó không kịp bấm máy.

Lần nữa với nhà thơ Nhật lão thành cũng ở Fukushima. Ông không bỏ “đất chết” để đi, mà quyết ở lại với đất. Đoàn chúng tôi ghé thăm ông, hàn huyên. Ở đó hai tôi không ôm hôn nhau, mà nắm tay. Cái nắm tay tôi không thể diễn tả, và cả đời tôi không quên được.

Ở cả ba lần ấy, tôi như chạm vào đáy khổ đau của con người. Một sinh linh thì, mất tất cả gia sản và tương lai trong nháy mắt. Môt nữa, đang đứng trước lưỡi hái của thứ định mệnh ngu ngốc. Và một: CHỊU ĐỰNG.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *