THỔ CẨM CHAM 13&14

Thổ cẩm Cham-13. TÔI DỒN SỨC CHO THỔ CẨM NHƯ THẾ NÀO?

Năm 1998,

đã xong bộ Văn học Cham, Từ điển Cham Việt và Việt Cham; Tháp nắng, Sinh nhật cây Xương rồng đã ra đời; tôi rời Đại học để dồn toàn lức cho Thổ cẩm.

Hội chợ Triển lãm Quang Trung mang về cho Cơ sở 4 Huy chương Vàng và huy hiệu Bàn tay Vàng cho bà chủ;

Quày Thương xá Tax đã mở rộng tối đa có thể, thêm hai đại lí Thổ cẩm Cham khai trương tại Hà Nội; và vài nơi khác…

Cơ sở may tại Sài Gòn chưa tới 20 thợ hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng kịp thời nhu cần khách hàng;

Hani đi Thụy Sĩ, rồi Đức, Nhật Bản… Ở Việt Nam, tôi giúp Nhung cô nhân viên đứng quày [thâm niên nhất, và có thể nói đáng tin cậy nhất mà chúng tôi có được]. Thổ cẩm Cham kết hợp thêm hàng dệt Thái Mai Châu [Hani công lớn trong quảng bá thổ cẩm dân tộc ở đây, giúp bà con Thái mang hàng hóa ra thị trường] bán chạy như tôm tươi, đến đỗi có ngày doanh số lên đến 3 cây vàng 9999. Người Việt nói, tiền vô như nước, là vậy.

Trong khi đó ở bà con Cham vẫn miệt mài gùi ‘jih dalah’ lên Tây Nguyên, rồi Đà Lạt. Ở đây quầy bà Ánh khách ra vào nườm nượp. Nườm nượp cho bà, chứ ít khi tăng thu nhập cho chị em Cham nghèo dưới quê.

“Nhưng đã đi thì phải quến nhau…” Quến nhau cả vào Sài Gòn theo bén gót chúng tôi. Lúc này mẫu mã hàng Cơ sở đã lên tới hàng trăm, được chúng tôi sáng tạo có, và do khách mang tới đặt làm cũng có luôn. Hàng ra thị trường dăm tháng, nửa năm là bị nhái. Do không học biết kinh doanh nên nhà nhà cạnh tranh theo kiểu bán hạ giá như thể “phá nhau”. Tôi nói, không vấn đề gì đâu, cho bà con mình học dần dần…

– Thì mình cũng nhái đó thôi, – tôi nói với bà xã.

Chuyện là, mang chuông Thổ cẩm Cham qua bảy thành phố lớn của Nhật đi đánh, tại một siêu thị nọ, tôi phát hiện một mẫu giỏ Ý bắt mắt có lẽ chưa có mặt tại Sài Gòn. Giá treo 2.000usd, làm sao Cham mua nổi. Tôi đưa máy ảnh lên tính chộp vài pô thì anh bảo vệ trờ tới, nhắc: no pictures! Không chịu thua, tôi đi qua đi lại, vào ra toilet vài lần là phác họa xong. Về, chúng tôi bố trí cho thợ may làm mẫu, rồi cho ra hàng loạt với vài cách điệu và ba kích cỡ khác nhau. Thắng lớn!

Cuối năm 1999, Hani đi Thụy Sĩ một tháng, tôi trụ lại Sài Gòn, vừa xây nhà ba tầng vừa coi thợ may vừa vô Thương xã Tẫ giúp bán, và viết… Chân dung Cát

Để qua năm 2000, Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani ra đời.

Thổ cẩm Cham-14. TỪ CƠ SỞ LÊN CÔNG TY, ĐƯỢC & MẤT

Đầu năm 2000, một Việt kiều Mỹ gặp bà xã tán chuyện, rằng chị nổi tiếng thế sao không thành lập công ty? Nữa: Đất nước mở cửa, nước ngoài vào tìm cơ hội làm ăn, có công ty danh chính ngôn thuận không hay hơn sao? Và, tại sao Cham không thể có công ty?

Nhớ, đó là đầu năm 2000.

Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani ra đời kiểu ngẫu nhĩ ra hoa ấy. Kẹt nỗi, từ cơ sở lên công ty, chúng tôi mất nhiều hơn được, lạ thế.

Hani được Bà Trời biếu cho năng khiếu giao thiệp thuộc cỡ ngoại hạng, thêm tính phiêu lưu. Hai thứ nhập lại, giàu như bỡn. Tục ngữ: Có chí làm quan, có gan làm giàu. Và giàu thiệt. Dẫu sao đó như thể huấn luyện viên chỉ biết công mà không biết thủ, cả không cần học thủ. Hệt Arsenal của tôi vậy! Có thể thắng nhiều bàn để rốt cùng thua cả trận.

Lên công ty rồi thì gì cũng làm. Thổ cẩm Cham đang phất, thêm thủ cái dấu tròn, thế là cứ dấn tới.

Bao nhiêu tổ chức, cơ quan muốn hợp tác làm ăn, mời mọc triển lãm. Trong lẫn ngoài nước. Hết báo đến đài ca tụng, như thể Inrahani là điển hình tiên tiến cần nhân rộng. Rồi, chuyện không thể tránh: Đàn ruồi đủ loại bâu đến.

Cà-phê trên Ban Mê 20k/ kg, trong khi dưới Sài Gòn một li 30k, ai mà chả ham! Tay sinh viên quê gốc Buôn Mê Thuột vừa ra trường liền chạy xe qua, bày. Hani quyết. Cũng mua máy móc cũng in mẫu mã cũng ra mẻ sản phẩm đầu, để rồi mọi mọi chịu phận lưu kho.

Rau hoa quả miền Nam ê hề là điều miễn bàn, một chị qua quận Tư tán với bà giám đốc, hè nhau chuyến này làm ăn to. Một lời một, không ham mới lạ. Tiền sẵn tay giao không cần đếm. Một, hai chuyến mở hàng để rồi mắc kẹt, nợ chồng nợ phải 15 năm sau mới trả hết. Cũng may!

Giáo sư tiếng Anh nọ nghe tiếng chạy qua hùn mở Trung tâm Anh ngữ. Đây là thời của ngoại ngữ, hốt bạc là cái chắc. Bà giám đốc thổ cẩm có vẻ xiêu xiêu. Theo thói quen kế toán xưa, tôi giúp cộng trừ nhân chia, thấy chẳng ăn thua. Thế là ông tuyên một câu xanh rờn: Chị tin tôi đi, học viên mà học hết khóa có mà sập tiệm (nghĩa là học dở rồi bỏ, rồi nộp tiền đăng kí học lại, cứ thế). Hãi quá, tôi kéo bà xã chạy.

Chị nữa ăn vận mô-đen hết cỡ thêm món xách samsonite đi taxi tạt vào Công ty: Tại sao không phát triển mở rộng? Có mặt bằng mặt tiền trưng bày Thổ cẩm Cham không là một chiến lược dài hạn sao? Chiến lược, dài hạn với mở rộng, bà giám đốc nghe bùi tai – tin luôn. Không còn tiền mặt thì thế chấp Sổ đỏ. Thế chấp, và dính đạn.

Phim bộ còn dài tập…

Nghĩa là phiêu vào chốn mình không hiểu biết, cũng chẳng cần học để biết. Nói như dân nhà quê xưa: Thấy người ăn khoai vác mai đi đào.

Phiền nỗi, đó lại là thời tôi buông Công ty, để quyết TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA. Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani đi xuống không ma nào níu lại được.

Đến tận… hôm nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *