Đối thoại Cham-37. NƯỚC MẮT CHẢY NGƯỢC

– Anh chị em hay thắc mắc, hà cớ ở đám tang người thân, có khi dù rất thân thiết – Sara hiếm khi có mặt? Trả lời câu hỏi này cần đến vài giải minh…

Tôi “vĩ đại” thì hẳn rồi(*). Tôi còn cảm nhận về vĩ đại của mình từ khá sớm. Thế nên, tôi chuẩn bị cho vĩ đại ấy đâu vào đấy, rất được.

Nhân gian nghĩ nhân vật vĩ đại thì phải hàng lập dị, người đời chiều hắn chớ không có chuyện ngược lại. Như Einstein chỉ lo nghĩ Thuyết tương đối rộng với hẹp, không cần biết đến vợ con học hành hay sống chết ra sao. Sartre còn ghê nữa, suốt ngày chăm sóc Chủ nghĩa hiện sinh chả thèm lấy vợ nữa là.

Tôi sinh ra làm Cham có khác. Sự thể như vầy…

Cộng đồng Cham nhiều loài đám, bạt ngàn đám. Tôi nhiều bạn bè Cham, mênh mông bạn, thì làm sao có thể kham nổi bao nhiêu loài đám kia của bấy nhiêu sinh linh ấy, mà không để bị kêu ca?

Nguyễn Bính:

Mẹ cha thì nhớ thương mình

Mình đi thương nhớ người tình xa xôi

Tâm lí này đúng với đại đa số nhân loại nói chung. “Nước mắt chảy xuôi”… Như các con tôi ít nhớ hay quan tâm tới tôi, cũng là lẽ thường tình. Tôi ngược lại, luôn nghĩ đến cha mẹ, và nguyện không làm cha mẹ buồn lòng. Cả dì dượng hay cô cậu bên nội ngoại cũng thế. Nghĩa là tôi nhớ cả “người tình” xa lẫn người tình gần.

Tôi phân Cham làm hai loại: F-1, F-2 & F-n.

F-1 gồm các đứa con tôi; thêm bên nội, ngoài mẹ, là các dì: Mơi, Sớm, Xế, Bề và chú Bững; bên ngoại ngoài cha, có: Dì Thạnh, chú Thời, dì Klặng, chú Su Vận, và chú Út Cẩn; anh chị em tôi: chị Hám, anh Đạm, em gái Những, em Ngòi và Út Lành.

Ở bộ phận F-1 này, ngoài Nhà mới, Đám cưới, Lễ mừng… thì tùy hứng, còn lại tôi đi tất. Nhất là khi họ già yếu hay hoạn nạn. Tôi còn kêu anh chị em tôi sâu sát nữa. Dì Klặng em ruột cha ở Palao vừa mất, bên ngoại tôi còn tồn mỗi chú Su Vận; bên nội tôi còn dì Bề và chú Út Bững, mỗi Katê anh chị em tôi đều qua viếng với quà cáp. Không được bỏ sót! 

Đó là hiếu. Hiếu với cha mẹ thì phải biết đến anh chị em cha và mẹ, mới đáo để.

Còn con cô con cậu – tôi xếp vào F-2, thích thì đi không thì miễn. Cá nhân tôi tự cho phép mình miễn từ rất sớm, 15 tuổi. Chớ bao xâu hết mấy vụ này thì đâu còn là “thằng Trạm mát” để có Chân dung Cát nữa! Tất cả họ hiểu thế, và cho qua cho tôi.

F-3 đến F-n gồm các bộ phận Cham còn lại. Tôi là đứa con của cộng đồng Cham, tôi yêu họ phải biết, và họ cần tôi khỏi nói. Yêu, ưu tư và chăm sóc. Họ gặp nạn hay khi họ có việc đòi hỏi, tôi kịp thời có mặt.

“Câu thơ buồn/ luôn có mặt nơi khổ đau có mặt” – thơ Inrasara.

Có mặt và hỗ trợ tùy khả năng. Hỗ trợ cho đến khi họ mất, tôi mới hết phận sự. Nghĩa là chấm và hết. Cho dù họ có thân đến đâu. Bởi ‘kaya amưh’ “của vàng” ấy đã thuộc về họ hàng sinh linh ấy. 

______

(*) Tôi được tặng 3 biệt danh: Thuở nhỏ dân Chakleng kêu tôi “Thằng Trạm mát”, Trung học đệ nhất cấp bạn học Đổng Ngọc Thương goi ‘Krat’, Lớp 12 Nguyễn Trãi bác sĩ Truyền kêu “Vĩ đại”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *