Đối thoại Cham-18. DANH DỰ & HI VỌNG

[3 cấp độ: Quần chúng, Trí thức & Lãnh đạo – từ Cham đến Việt Nam]

Quần chúng, làm sao để “đói cho sạch, rách cho thơm”?

Sạch – tiếp nhận truyền thống ông bà, ta từng “sạch”, “thơm”, dù ta có “đói” và “rách” tới đâu đi nữa. Không đâu xa, ở thập niên 60 của thế kỉ trước… trích trường ca “Quê hương” (Inrasara, Tháp nắng, 1982):

– Người làng gốm Bàu Trúc:

Ai đang đi kia?

Băng cánh đồng khô chân trần hối hả

Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ

Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

– Dân làng Thổ cẩm Chakleng:

Ai đang đi kia?

Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng

Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu

Nhưng đã đi thì phải quến nhau

Có kịp không, với vòng xoay công nợ?

– Và bà con làng Thuốc nam Cham Pabblap:

Và ai đi kia?

‘Ciêt gha harơk’ lên vai đổ xô đất lạ

Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ

Mình cầu hên còn ai phải gặp xui?

Sẽ có kịp không, cho lương tri hóa thể?

Nửa thế kỉ vụt qua đời người nhanh như thổi, khi Bàu Trúc với Chakleng đã ngưng cuộc đi, thì Pabblap vẫn còn lang thang. Lang thang, để ít nhiều chịu mang tiếng. “Chị Thám Tử 7” của YEAH-1 mới đây xem thường ta, bị ta đưa ra tòa án công luận, và họ đã nhận lỗi. Dẫu sao ta cũng cần nhìn lại mình, thật lòng tự hỏi:

– Ta đã thực sự “sạch” và “thơm” chưa?

Câu trả lời thật nhất là ở các thầy thuốc tay nghề cao thuộc thế hệ ông bà, chính họ đã trách vài lứa con cháu làm ăn ở hôm nay. Dù rất nhẹ, nhưng ẩn trong đáy mắt kia là nỗi buồn sâu.

Làm gì? Làm ăn “sạch”, ta vừa bảo vệ nghề, tức bảo vệ chính mình, vừa giữ uy tín ‘palei’, và danh dự cho cộng đồng Cham.

“Làm gì để Pabblap Birau ổn định?”, từ đó làm giàu, – tôi đã có tít cho ba bài viết như thế, năm 2017.

Trí thức, trước “tam nan”, làm gì để đứng vững?

Câu chuyện về Pô Riyak hay Glang Anak, về Poh Catôi hay Huyện Phát đủ chỉ dấu cho hào khí Đấng trượng phu [Cham] xưa theo tinh thần Mạnh Tử:

“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Hiểu một cách đơn giản: Giàu mà không sanh tâm ỉ lại thành hành động vô phép tắc; nghèo mà không yếu hèn để bị mua chuộc mà thay lòng đổi dạ; trước cường quyền mà không cúi đầu khuất nhục – là bậc trượng phu.

Rộng ra…

Có tiền, ta ăn chơi hoang phí là dâm nhỏ dễ thấy; còn được học hành rồi có tiền, ta không bảo vệ danh dự dân tộc, nghĩ cách đưa dân tộc phát triển mà lo sắm xe sang, xây nhà to, thể hiện quyền chức nhằm thỏa mãn cái tôi trước bao sinh phận bé nhỏ, mới là thứ tà dâm trá hình.

Nghèo, bạn không phải quỵ lụy và nịnh bợ. Có cần thiết làm thế để thăng tiến, hay câm lặng sống chết mặc bây không?

Bà con xóm giềng bạn bị nạn, bạn xem như mình vô can; đồng nghiệp bạn bị xử bất công, bạn quay mặt đi không chút ray rứt; dân tộc bạn bị ức hiếp, bạn im lặng, là bạn đã bị khuất phục trước uy vũ rồi.

Thương không!

Trí thức làm thế nào “đối phó” với lãnh đạo?

Lãnh đạo chuyên dụng trí thức tà dâm

[khi giàu]

, dễ thay lòng [lúc nghèo], và ươn hèn [khi hữu sự] – đất nước sẽ về đâu?

Chẳng về đâu cả! Vì đa phần lãnh đạo cũng chỉ là “bầy sâu lúc nhúc” “ăn không chừa thứ gì” để hôm nay cả đống bị cho “vào lò”. Lò có đủ rộng, và có thể cho vào hết không?

“Việt Nam giàu, đẹp, và… tanh bành”.

Tành bành bạt ngàn rừng ngàn năm, tanh bành lòng đất triệu năm trầm tích; tanh bành biển: lãnh hải lẫn môi sinh. Để cuối cùng lòng dân cũng tanh bành.

Ta bất cần nhân phẩm cá nhân, bất cần danh dự dân tộc.

Sống, ta chăm chăm bỏ xứ ra đi, từ đỉnh đến đáy. Đi đến đâu ta bỏ trốn đấy, ta ăn cắp đấy. Để quyền lực Hộ chiếu Việt Nam ngày càng xuống dốc, thê thảm. Năm 2019 xuống 15 bậc rơi tuột vào nằm top 10 passport yếu nhất thế giới (báo Thanh niên). Đến trí thức cầm nó trong tay cũng nghe tủi, khi bị an ninh cửa khẩu các nước dòm mình như dòm loài gì từ đâu không hiểu.

Tội không?

Trở lại Cham, làm gì?

Lãnh đạo, thì ta vô can rồi. Cham dẫu có chịu “bưng, bợ” tới đâu cũng chỉ có thể lết đến vai ‘phok’, là cùng.

Trí thức – dù nghèo chớ có hèn, giàu mà không dâm. Và dù cuộc thế có đảo điên vẫn không thay lòng đổi dạ. “Khik hatai tapak’ giữ tâm thành, như Glang Anak dạy.

Còn quần chúng, nếu không cơ hội vươn lên thì cứ “Ăn theo đường ngay, nói theo nẻo phước” ‘Đôm tui tapak, hawk tui haniim’.

Đại dịch hôm nay, Cham càng cần đến “tam bất” kia (bất năng dâm, bất năng di, bất năng khuất) hơn bao giờ.

Để còn có ngày mai, mà hi vọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *