“PHÁT HIỆN” BA LÀNG CHAM CỔ

Cham lưu vong, lang bạt. Không những châu Á mà ngay đất nước Việt Nam ta đang sống. Bàng bạc. Mà ta quên. Hay ta nhớ, mà ta dường làm quên. Không tìm đến. Và họ cũng không tìm về.

HÀ NAM

Làng Lam Cầu thuộc xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có đền thờ Mị Ê được tôn làm Thành Hoàng. Hiện dân làng vẫn còn quen gọi làng Chàm, bạn văn Châu Hồng Thủy cho biết và anh hứa, nếu có dịp, Sara ghé mình cùng đi.

Nhưng thời gian đời ngày càng eo hẹp, dịp lúc càng hiếm. Mà bạn cũng thế. Như ông anh Doan Nghiep gợi ý cùng tôi đi “phát hiện” mấy di tích Cham ở quê anh: Huế, tôi cũng chưa tìm ra cái dịp.

Tội không?!

Như năm ngoái bạn facebook [xin lỗi tôi quên nick] chat hỏi tôi về “làng Chàm” ở ngoài khơi Nha Trang…

KHÁNH HÒA

Vịnh Vân Phong nằm ở giữa hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa (Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang chừng 80km về hướng Bắc. Bãi biển Sơn Đừng đẹp, hiện có hơn 10 hộ dân Cham sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Mạch nước ngọt ngầm trong bờ cát là điều lạ.

Dân làng kể, họ là tộc di dân khi Champa mất, một số đông theo biển  qua Mã Lai, một số ở lại vịnh Vân Phong, ngày xưa mỗi năm còn tìm gặp nhau. Có nhiều gia đình treo ‘ciet’ sách lên sà nhà. Dân làng vẫn giữ được nét Chàm, vẫn bảo trì được vặn hóa cội nguồn, nhà cửa sạch sẽ khác hẳn dân quê như ta biết.

Tôi còn có dịp nào không?

NINH THUẬN

Làng Phú Thọ thuộc phường Đông Hải, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là “cố quận” Cham nguyên bản cách Chakleng quê tôi đường chim bay chưa tới mươi cây số, hồi bé một bận mẹ dẫn tôi mua mắm muối. Chuyến đò đưa qua cửa song Dinh mênh mông nước thi thoảng về ám giấc mơ tôi, vậy mà mãi Hè 2019 tôi mới ghé được. Ghé và tìm…

Phú Thọ được mệnh danh là cồn cát “bạch sa động”, là một ốc đảo hẻo lánh, đường cát lún, xe máy, xe đạp không đi được, dân Chàm phải di chuyển bằng đò, cửa biển Đông Hải mới đến làng. Mãi năm 2015, khi cầu An Đông nối liền bờ Bắc sông Dinh, Phú Thọ đã được kết nối với người phổ thị.

Hiện dân làng nhiều người vẫn còn mang họ Chế.

Ai trong các nhà nghiên cứu “mình” chịu tìm về “họ”. Không hay chưa, thì làm sao “họ” muốn tìm về “mình”. Rồi thế hệ cuối cùng này đi theo ông bà, kí ức lịch sử suy tàn…

Tội không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *