Katê. CHUYỆN NỮ THI SĨ TƯƠNG LAI & NGỤ NGÔN CỦA “KHÔNG PHẢI LÀ TÔI”

Cả tuần qua, móng tay giữa [của] tôi sưng vù. Katê vừa xài thuốc vừa chơi bia nên tiến triển chậm. Tôi nói: Tay tôi không phải là tôi, chớ gì móng tay, nên cứ Katê thả cửa có gì tính sau.

Sáng hôm qua cùng thi sĩ Đồng Chuông Tử và Xuân Bào ghé nhà Chế Vy có thơ đăng Tagalau. Là ba khách đầu tiên khai lễ: 10g30. Vy có con gái xinh xắn, thông minh, yêu thơ và yêu ông Sara. Ông bố là thi sĩ hụt (failed poet) – qua facebook, lại xúi

[dại]

con gái:   

“Tự khi nào cháu hâm mộ ông, cứ đòi chụp chung mới chịu. Mong sau này con gái cũng thành nhà thơ.”

Tôi hỏi: Cháu có biết ông cháu mình họ hàng 5 đời không? Cháu bảo không, và cười xinh ơi là xinh…

*

Năm Đệ Tứ, chiều Chủ nhật tôi hay [có khi rủ cả Chế Đạt] qua dạo hiệu sách Tiếng Việt thị xã Phan Rang. Hiệu sách nhỏ, lại có nhiều sách lạ, quý, khác hẳn hiệu sách Quảng Thuận ở đường Thống nhất. Học sinh ít tiền, mua cuốn nào đáng đồng tiền cuốn nấy. Phần tôi, đọc qua hơn chục trang mới rờ đến cái túi.

Cầm trên tay cuốn Nho Giáo – “quyển thượng” của Trần Trọng Kim do Trung tâm Học liệu xuất bản, tôi đọc nhảy cóc, rồi dừng lại ở trang 259. Tại đó Tuân Tử phản bác Công Tôn Long, về mệnh đề “Ngựa trắng không phải là ngựa”. Không chút chần chừ, tôi mua ngay.

Trời đất, ngựa trắng chắc chắn không phải là ngựa rồi, – tôi toát mồ hôi hột.

“Đạo khả đạo phi thường đạo…” của Lão Tử, với tôi, chả nhằm nhò gì cả. Hay mệnh đề đinh của Kinh Kim Cang “Phật thuyết Bát nhã Ba-la-mật tức phi Bát nhã Ba-la-mật thị danh Bát nhã Ba-la-mật” mà Nguyễn Du tự nhận tụng đọc cả ngàn lần, siêu thì có siêu thiệt, nhưng nó không cụ thể và quyết đoán như: “Ngựa trắng không phải là ngựa”.

“Bạch mã phi mã” – theo cách nhìn của triết học Tây phương – đóng góp cho tiến trình tư duy của nhân loại còn trọng đại bội phần ngụ ngôn “Trang Châu hóa bướm” của Trang Tử – tôi nghĩ dại thế.

Inrasara cũng từng nói: Răng CỦA tôi không phải LÀ tôi.

Hai vụ khác nhau. Dẫu sao qua cái răng, tôi có thể diễn đủ đầy tinh thần đồng hóa spirit of assimilation theo cách nhìn của Krishnamurti. Thử đọc qua ngụ ngôn Thiền hiện đại.

Hắn chê đầu tôi hói, tóc tôi không phải là tôi: tôi hiểu hắn không chê tôi.

Hắn chê chân tôi ngắn, chân tôi không phải là tôi: nghĩa là hắn không chê tôi.

Hắn chê thơ tôi dở, thơ tôi không phải là tôi: đích thị không phải hắn chê tôi.

Hắn chê tác phẩm tôi kém, tác phẩm tôi không phải là tôi: chắc chắn hắn không chê tôi.

Áo quần tôi, đầu tóc tôi, chân cẳng tôi, giọng khàn khàn của tôi, thơ văn hay nghiên cứu phê bình của tôi tất tần tật chúng chẳng phải là tôi.

Tóm lại, […] của tôi không phải là tôi.

Thế nên, tôi dễ dàng pha khi chúng nó bị chê; ví tôi có nổi hứng nói lại, là nói giúp nói giùm nói vì hắn, chứ không phải vì tôi.

Còn nếu hắn chê […] của tôi mà ảnh hưởng đến kẻ khác, tác hại đến sự vụ chung, tôi sẽ cho hắn từ tẩu vi đến bị thương ngay.

Chớ bỡn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *