CẤP TAPAH AHIÊR, TỪ LÍ TƯỞNG ĐẾN THỰC TIỄN

[hay: “Luận sư” Inrasara qua lăng kính Tapah]

Có thể phân cuộc đời một đạo sĩ Bà-la-môn làm 5 giai đoạn:

Từ ra đời đến 15 tuổi, là đứa con được đùm bọc trong gia đình;

Từ 15-30 tuổi: theo Guru học đạo, sống “dưới chơn thầy”;

Từ 30-60 tuổi: sắm vai chủ hộ, gánh vác công tác xã hội, cộng đồng;

Sau 60 tuổi, rời bỏ tất cả để “đi vào rừng”, và “phong phanh giữa trời đất”.

Lí thuyết và lí tưởng là vậy, còn thực tế, có ai trong các Halau janưng Cham Ahiêr sau tuổi 60 có thể “rời bỏ gia đình” để thực hiện giai đoạn 4 và 5? – Hoàn toàn không.

Sau 60, Halau janưng ta vẫn còn sống trong gia đinh, lo cho con cháu. Thế nên việc thực hiện nghiêm hay một phần 5 điều CẤM, nhất là từ bỏ dục vọng, dứt tuyệt tham lam, và ý thức thường trực về vị thế của mình để hành động tuân theo trí tuệ và lẽ Đạo, là bất khả.

Chính điều đó tạo nan đề của và cho cộng đồng Cham hôm nay. Làm gì?

2. Khổng Tử: “Ta 15 tuổi để chí vào sự học, 30 tuổi thì trụ vững, 40 tuổi là hết ngờ, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi nghe thuận tai…”

Tình cờ hay do sắp đặt, tôi đã hướng đời tôi theo dấu chân cụ Khổng. Và vì là một đứa con Bà-la-môn, tôi kết hợp cả hai:

– Từ 15-30, “tuổi tìm học”. Tôi tự học, và chọn bậc thầy tư tưởng cho mình. Long Thọ, Vivekananda, Krishnamurti, Heidegger, Camus, Derrida…

Sau đó tôi thử nghiệm nhiều lĩnh vực, lối đi.

– Đến 40 thì “hết ngờ”, tôi tự tin nhập cuộc chữ nghĩa: in sách, thuyết trình…

– Sau 55 là chuẩn bị rồi quyết ở tuổi 60 – khi thằng Út đã xong Đại học, tôi phủi tay trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Tuy thế thay vì “đi vào rừng”, tôi “về quê” và VÔ VI không làm gì cả:

Kiếm sống: không. Văn chương chữ nghĩa: không, non 40 bản thảo hoàn chỉnh tôi không quan tâm đến chuyện in chúng. Lo chuyện sống chết của mình, càng không.    

Tôi làm LUẬN SƯ luận giải kinh sách và “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal (*).

3. Ở tuổi 55-60, làm sao Halau janưng Cham có thể buông bỏ, rời bỏ, cắt đứt, từ biệt tất cả, để HÀNH ĐẠO? Trả lời được câu hỏi cốt tủy này là điều vô cùng khó, nếu Ông không làm tròn bổn phận của 2 giai đoạn trọng yếu trước đó, là:

– 15 năm cho HỌC, và…

– 30 năm thực hiện “TAM CHÚNG”: Dưỡng mình (tu thân), nuôi gia đình (tề gia) và gánh vác việc xã hội (trị quốc)?

Đâu là nguyên do? Và, làm gì?!

______

(*) Tôi xem việc làm ruộng, kinh doanh nuôi vợ con, nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương Cham, sáng lập và chủ biên Tagalau, phê bình văn chương Việt hay thuyết trình gì gì đều thuộc phạm vi “tam chúng”.

Chỉ khi dấn vào luận giải kinh sách và “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, tôi mới HÀNH ĐẠO. Tôi làm không “tại sao”, mà BỞI VÌ tôi làm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *