Inrasara: GIẾNG BÁ LỄ – HỘI AN, NÉT SON CÓ CẦN PHI TANG?

[hay Từ Okinawa đến Hội An]

  1. Lâu đài Shuri – Okinawa, một Di sản thế giới.

Shimoji Teruaki, hướng dẫn viên du lịch hòa bình kể, thế chiến II, các trận đánh ác liệt nhất diễn ra trên ngọn đồi phía bắc đảo. Có ngày bốn lần màu cờ thay nhau kéo lên hạ xuống. Cuối cùng Nhật thua, chuyển quân xuống phía nam. Lại diễn ra các trận đánh khác, ác liệt không kém. Chính từ các trận đánh này khiến 1.300 lính Mỹ sau đó bị tâm thần. Còn người dân Okinawa chết như rạ. Con số tăng vọt, từ 3.081 người vào tháng 3-1945 lên 46.826 trong tháng 6-1945.

– Nếu ngưng chiến sớm thì đâu đến nỗi! – Giọng ông Shimoji đượm buồn. Ông dẫn chúng tôi qua khu vực phía bắc lâu đài, nơi dựng bảng di tích tưởng niệm.

– Họ giấu nhẹm sự thật, – ông chuyển giọng, khá cứng – Hai vết nhơ lịch sử không được ghi. Riêng khu vực lâu đài, 90% dân đảo bị chết, trong đó không ít sinh linh bị oan; rồi vô số cô gái Hàn bị bắt về phục dịch tình dục nữa, bảng di tích bỏ quên hai vết thương kia, hỏi có đau không?

– Như thể một phi tang lịch sử. – Ông tiếp.

– Chủ tịch tỉnh Okinawa mới nhậm chức hứa sẽ cho dựng lại bảng mới, mà vẫn giữ cái cũ để đối chứng về sự cố tình phi tang này.

  1. Vết nhơ thì vây, Chính phủ nào cũng cố giấu; chứ ở ta, điểm son – tại sao lại phi tang? Cố tình hay thiếu hiểu biết?

Bảng nhỏ trước giếng vuông ở Cù Lao Chàm chẳng có lấy một từ “Cham” nào làm tin, khi Kiều Maily thấy và lên tiếng, Ban quản lí di tích biết điều, nhanh tay sửa lỗi. Không đáng tuyên dương sao!

Giếng Bá Lễ – Hội An, nhận được tiếng kêu của nữ thi sĩ này, Ban quản lí có rút được bài học kinh nghiệm?! Khi phố cổ Hội An cũng là một Di sản thế giới.

Giếng hiện nằm trong khu đất vườn nhà ông Bá hộ Lễ, nên gọi là Giếng Bá Lễ. Chứ chủ sở hữu chính của giếng là người Cham, có mặt từ thế kỉ IX. Thành giếng vuông, xây bằng gạch không vữa – rất đặc trưng Cham. Dưới đáy là 4 tấm gỗ lim to bản vừa tránh sụt lở vừa thanh lọc nước. Thô sơ là vậy, mà trải qua ngàn năm vẫn vững chắc kì lạ. Nước thì ngọt và trong vắt như thuở nào!

Như mọi giếng Cham tồn tại suốt giải đất miền Trung Việt Nam, trong đó cặp giếng Đực-giếng Cái ở palei Cham Thành Tín, tỉnh Ninh Thuận, là rất điển hình. Hiện nay nguồn nước giếng Cham được dùng trong sinh hoạt hàng ngày, cả tưới ruộng, chứ xưa người Cham xây giếng để bán nước ngọt cho tàu thuyền viễn dương đi qua biển Champa.

Thời hiện đại, ích dụng của giếng giảm nhiều, riêng về bản sắc truyền thống thì vô giá. Giếng Vuông Cham là chứng tích hải sử Champa, bổ khuyết để làm đầy lịch sử Việt Nam đa dân tộc. Vậy mà bảng di tích hai thứ tiếng Anh Việt bề thế lại không có lấy một từ về nguồn gốc CHAM của giếng, là sao? – Không thể hiểu!

Ghi “GIẾNG VUÔNG CHAM”, vừa tỏ lòng biết ơn tiền nhân vừa làm tăng giá trị cho khu di tích. Ai lại dại đi phi tang nó, uổng phí lắm thay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *