ĐỜI TÔI LÀ MỘT CHUỖI THẤT BẠI

[hay “Ảo tưởng đổ vỡ”]

 

Chuỗi thất bại, hô vậy dễ bị cho là khiêm tốn giả.

Bởi thực tế không nhiều nhà văn Việt Nam cùng thế hệ “thành công” như tôi, nhìn từ cả hai phía: đời và văn. Ngoài chuyện đời dễ thấy, khoản này – dù đẩy tôi rớt vào một gia đình nông dân vô sản ở một làng quê nghèo trong một tỉnh lị nghèo của một đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá – dường Bà Trời chiều tôi tất, nên tôi làm cái gì cũng được.

Còn chuyện văn

Nghiên cứu thành công: Giải thưởng CHCPI rồi Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, đó là chưa kể giải của Hội Văn nghệ Dân gian, hay Hội VHNT các DTTS Việt Nam.

Sáng tác hai lần đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN, sau đó là Giải SEA.Write cùng vài giải hàng năm/ tháng của tạp chí, website. Lạc qua đất phê bình, tôi cũng được nốt. Chỉ thời gian ngắn, tôi ẵm hai giải thưởng: Hội đồng LLPB VHNT Trung ương và Văn đoàn Độc lập, thêm hai Tặng thưởng dành cho tác phẩm hay nhất năm của tạp chí.

Ngay cả hoạt động xã hội, ngoài sáng lập và điều hành Tagalau – đặc san duy nhất chưa một DTTS nào ở Việt Nam làm được-, tôi còn làm nhiều việc cộng đồng được bà con “cảm ơn”, trong đó không ít vị nâng tầm tôi thành Nưbi!

Không phải không nguyên do, một nhà văn [khá danh giá] kêu rằng đời văn mà đạt được một nửa Inrasara thôi cũng đã toại nguyện!

 

  1. 1. Vậy mà tôi cứ là một sinh linh thất bại, thất bại mang tính định mệnh.

Nghiên cứu thành công, tôi viết đâu đó, chỉ là rủi ro.

Tôi vốn mê triết học, yêu văn chương ít hơn; còn văn hóa Cham thì ở thế khác.

Từ bé, tôi lang thang vào các palei Cham sưu tầm, chỉ để thỏa mãn ham biết, qua đó giải quyết một tự ái trẻ con. Xong nỗi ấy, năm 25 tuổi, PVH tốt nghiệp Đại học, tôi gợi ý biếu tư liệu ngôn ngữ Cham cho hắn. Cùng năm, khi bạn LVĐ ra tù, tôi muốn yut ấy ôm đi tất cả bản ghi chép tài liệu văn học, là tư liệu tôi chép tay và ghi chú suốt 10 năm.

Rủi cho tôi, cả hai từ chối. Thế buộc, tôi trở thành chuyên gia văn học và ngôn ngữ Cham lúc nào không hay. Nhìn quanh không thấy ai làm, tôi làm; còn thì tôi chưa nửa lần ý định làm nhà cụ non bàn giấy.

 

Nghiên cứu thì dễ, chịu khó xíu là được, sáng tạo mới khó. Dân tộc Cham sở hữu nhiều chuyện kể, vậy mà cộng đồng ấy chưa nẩy ra nhà văn của mình để kể chúng cho thế giới. Tôi nguyện làm một Cham storyteller! Thế là Chân dung Cát, Hàng mã kí ức, Huyền thoại Apsara trắng… lần lượt ra đời.

Riêng thơ, làm từ 13-14 tuổi, được bạn bè biết đến. Vài trăm bài cả thảy, tôi không đăng báo hay ý định in tập bao giờ. Mãi tuổi tứ thập, gặp Nông Quốc Chấn, thêm vài cơ duyên, tập thơ đầu tay Tháp nắng mới mở mắt chào đời.

 

Phê bình cũng hệt!

Văn chương ngoại biên nở rộ với bao nhiêu khuôn mặt và tác phẩm lạ lẫm, kì thú mà chả thấy đâu kẻ “lập hồ sơ”, tôi xắn tay áo lội xuống, làm. Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa năm 2007 cuốn hút văn nghệ sĩ dấn thân tạo nên cao trào sáng tác. Ở đó, tôi cũng góp bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo”. Bài thơ được Đài Úc đọc, phỏng vấn và bình. Cuộc ấy, non 300 đơn vị văn thơ xuất hiện trong thời gian ngắn, vậy mà chẳng có nhà nào làm tổng luận. Ở thế buộc, tôi viết bài: “Hai cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa” đăng BBCTienve.org. Đó là bài cộm cán đầu tiên [& dường duy nhất].

 

Hoạt động cộng đồng, mồ mả ông bà Ghur Darak Nek bị xâm hại, ngay từ cuối thế kỉ XX, tôi cảnh báo bà con và vài nhân vật Cham máu mặt. Ai cũng nghe đau, vậy mà nay lần mai lữa, phải đến 14 năm sau tôi mới dấn vào.

Mới nhất, vụ giấy CMND bà con Cham Bà-ni bị đổi thành “Hồi giáo”, xảy ra từ năm 2012, là điều khối người biết, và rên. Rên rồi im lặng cho qua. Để 5 năm sau khi hay tin, tôi mới vào cuộc thì nỗi trời ơi kia mới kết thúc.

Cả Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, và… cũng thế. Triệt buộc nhau là vậy.

 

Nỗi mơ làm nhà tư tưởng khi va đập thực tế đen, cứ vỡ vụn rồi trôi đi trôi đi. Rốt cùng, tôi đành từ bỏ giấc mơ kia, vĩnh viễn.

 

  1. 2. Bước qua tuổi tìm học không bao lâu, khi nhận biết mình là Cham, ý hướng Đi tìm Quê hương đã mất nảy sinh trong trái tim tuổi trẻ tôi.

Con của loài người không có đất gối đầu, Phúc Âm nói thế. Đây không là quê hương tôi, không là cái NHÀ của tôi – tôi ý thức thẳm sâu sự thể kinh hoàng đó. Tôi lạc lõng trên chính mảnh đất mình đang cư ngụ, hiểu cả nghĩa thực lẫn tầng nghĩa triết học.

Năm 1978, tuổi sinh viên nhiều hoài bão. Nhưng đâu là con đường? Tôi đọc, đọc, và đọc. Bỗng chốc bạn bè vượt biên, hụt và bị tù. Là các khuôn mặt của tương lai nhiều kì vọng; thế rồi sự nông nổi đẩy họ đến chỗ tự hủy, và cháy lan sang chòi ước mơ tôi.

Tiếp, người tôi yêu [lần đầu tiên tôi biết yêu thực, dù là yêu sau lưng] đi theo cái anh chàng Việt kém tôi mọi mặt, được cái hắn hơi có tiền cho nàng tiêu vặt, tôi thì không. Chán nản tột cùng. Bóng tối phủ tràn xung quanh. Tôi lang thang và lang thang. 22 tuổi tôi cạo đầu đi… tu, là chuyện xã hội Cham hiện đại chưa từng.

Giấc mơ Đi tìm Quê hương vỡ như bong bóng mưa mùa hạ. Bài thơ “Khi quê hương vắng mặt” diễn tả trọn vẹn tâm thế tôi ở năm tháng khủng hoảng kia.(*)

 

  1. 3. Tuổi tứ thập, với Cham, khi biết cuộc thế đang xuống dốc, tôi cho ước mơ xuống đời, chỉ hạn định lại ở: Dựng Nhà Trưng bày văn hóa Cham, tại Sài Gòn và Chakleng. Cho thế hệ Cham tương lai biết những gì ông bà Cham hay thế hệ tôi làm được. Ước mơ be bé thế thôi cũng bị hụt hẫng.

Năm 2010, ở Sài Gòn, NHÀ TRƯNG BÀY INRA được Kana làm khá điệu. Với không gian 10x5m, toàn bộ công trình của tôi và mẫu mã độc đáo thổ cẩm Hani cùng hình ảnh văn hóa Cham được trưng bày, rồi chả bao lâu bà xã biến nó thành kho chứa hàng!

Cùng năm, NHÀ TRƯNG BÀY VĂN HÓA CHAM tại Chakleng được dựng lên bề thế, như thể một bảo tàng mini, nhanh chóng tạo tiếng vang, thì ba năm sau Jaya tranh thủ một phần làm Studio, đồ đạc dần dần thất tán. Đoàn Nhật, Mỹ qua kêu rằng “nó có còn hồn vía Inrasara nữa đâu”.

Ở đây Jaya hứa sẽ phục hồi lại, chứ ở Sài Gòn thì tiêu rồi.

Còn đặc san TAGALAU, 4 năm sau cuộc bàn giao thế hệ, từ hai năm qua cánh trẻ cho nó ngưng trệ.

 

  1. 4. Trở lại cõi văn chương. 10 năm, từ 2002 đến 2012 là giai đoạn viết khỏe khoắn nhất của tôi. 3 tiểu thuyết, 4 tập thơ, 5 truyện vừa, cùng trăm bài lí luận phê bình các thứ; riêng báo thì mỗi năm lên tới 80-90 bài! Tôi viết từ trang mạng Cham hải ngoại: Chamyouth (2005), Ilimocham (2006) hay web riêng com (2007) cho đến mạng văn học Việt trong lẫn noài nước: Vanchuongviet.org, Tienve.org, Talawas.org, tạp chí Tia sáng, Hợp lưu, Thơ, vân vân…

Chủ biên đặc san Tagalau, chủ trì Bàn tròn Văn chương, tổ chức ra mắt sách, tham luận về văn hóa Cham các nơi hay thuyết trình về thơ Việt đương đại, hoặc nhảy ra tranh luận văn học cũng không chừa. Tôi hào hứng ứng dụng cái mới, phát kiến đề tài mới, bày ra cách làm mới. Tuổi 45-55, tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo, đang ngon trớn, thì sự kiện HS-TS xảy tới, tiếp đến là Formosa, Vĩnh Tân… Rồi là đàn áp, bắt bớ. Người thân hay kẻ lạ, người nổi tiếng và kẻ vô danh, giữa đường phố hay góc khuất quê nhà.

Làm văn chương giữa thời thổ tả ấy là một tội ác – ai nói thế? Văn chương Việt Nam tan rã từng mảng một, cuốn tôi lẫn đám văn nghệ sĩ vào cống thoát nước thối nữa của nó.

 

  1. 5. Cuối cùng, điều nữa không thể không tính đến. Đó chính là chương trình Cứu vãn tiếng Cham – là đề án tôi bỏ công sức nhiều, rất nhiều.

Tôi yêu tiếng Cham phải biết! Biết chữ Cham trước tuổi cắp sách đến trường, dạy tiếng Cham từ 18 tuổi, làm thơ, soạn từ điển, nghiên cứu, và nói. Thuở Pô-Klong, tôi không chịu nổi mấy anh sinh viên về quê độn tiếng Việt thời thượng học đòi. Thế là tôi quyết, từ nay phải nói tiếng Cham harat. Tôi ý thức, và làm. Sau này tôi còn lôi các con [trừ bà xã] vào làm, dù cả nhà đang sống giữa đất Sài Gòn xung quanh toàn Ywôn.

40 năm đi qua, ngoảnh lại, ngoài kia sinh linh Cham ngày càng nói độn.

Đích thị thất bại toàn phần!

Hiện tôi chỉ còn bám vào nhiệm vụ cuối, như thể mang 32 năm còn lại của đời mình đánh cược với định mệnh: Đặt nền tảng triết học để làm Hành trình tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr-Awal, hòng cứu Cham sống sót giữa xô bồ thế giới hiện đại.

Nhìn tới nhìn lui…

Dấn sâu thực tế xã hội Cham mới thấy nó nhiêu khê dường nào. Dẫu sao trong phần đời còn lại, tôi dành hết trí mòn & lực tàn cho . Và cầu Pô Yāng chịu khó đứng cạnh tôi, sinh linh Cham mà Ngài lỡ sai con Rồng xuống, liếm trúng đậm.

 

Kết.

Tôi con dân Chakleng, đất văn vật ngàn năm, palei Cham cổ nhất. Pô Klong Girai, vị vua anh minh sinh ở đất này. Ra đời, khắp châu thân chàng đầy ghẻ lác. Chàng Lác mang mặc cảm mãi tận tuổi trai tráng, rồi chỉ qua một cơn ngủ mơ giữa trưa ngày, Rồng xuống liếm sạch, xui chàng làm nên mênh mông kì tích.

Đám trẻ chúng tôi ra đời, thuộc nằm lòng huyền thoại ấy…

“Vậy là làng tôi chủ yếu sống bằng nghề mơ mộng. Chính thứ ghẻ lác mơ mộng này làm thành địa phương tính công dân làng khó chữa trị. Mọi người sinh ra, lớn lên và đợi… con rồng liếm. Qua tuổi hai mươi, ai cũng nghĩ mình được liếm một lần, không trúng khúc này cũng dính phần kia.

… Từ Sài Gòn về quê tôi bất ngờ nghe tin đồn – đồn về tôi, rằng tôi được/ bị rồng liếm, khá đậm, đậm nhất Chakleng, có lẽ. Như thể vào vòng xoay vô hình đến lượt tôi thì bộ máy trục trặc và ngưng. Con rồng không để ý, liếm tới. Và tôi bị dính nước miếng rồng nhiều chỗ, thấm đậm…” (Chân Dung Cát, 2006)

 

Hôm nay, cô độc kiểm lại đời mình, ngẫm chuyện cũ cũng nghe khuây khỏa đôi phần. Mơ mộng là một chuyện, được liếm trúng hay không hoặc liếm trúng mảnh nào là chuyện khác. Trúng, và mình có biết để đẩy “bẩm sinh” kia tới cùng không, là chuyện khác nữa. Thôi thì, vụ trượt dốc từ nhà tư tưởng sang nhà văn, từ văn chương qua nghiên cứu, từ nghiên cứu tụt xuống bảo tàng, cũng chả có gì nghiêm trọng.

Thế thôi, cũng đủ lãng quên đời.

_________

 

(*) KHI QUÊ HƯƠNG VẮNG MẶT (1985)

 

Khi Quê hương vắng mặt

người tình ta lang thang

ánh sầu soi tròng mắt

hoài vọng mờ rêu phong

 

Khi Quê hương vắng mặt

bạn bè tay sần chai

nỗi áo cơm tất bật

mang vợ con bên đời

 

Không còn ai còn ai

khi Quê hương vắng mặt

người đi làm hành khất

ngày tháng rồi nguôi ngoai

 

Nơi miền đất vong thân

ngữ ngôn em cóp nhặt

không ánh lửa bàn chân

hơi thơ ta lịm tắt

 

Khi hoài vọng mờ xa

người bạn bè mất lửa

hôm nay còn mình ta

ôm con đường, đóng cửa

 

Ơi Quê hương lang thang

cuốn đời ta rong ruỗi

hôm nay mi dừng chân

giữa lưng chừng bóng tối

 

Soi thầm khuôn mặt mi

ơi Quê hương câm lặng

ta đốt cháy đời ta

cho vỡ ra bóng sáng.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *