Nguyễn Thị Minh Huệ: DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG THƠ HOÀNG HƯNG & INRASARA

ĐH Huế – Trường ĐH Sư phạm
Nguyễn Thị Minh Huệ
Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn [theo định hướng nghiên cứu] – 2017
2017-MinhHue-02
Đây là Luận văn Thạc sĩ thứ 9 về Inrasara, và lần đầu tiên được/ bị ngồi chung [với nhà thơ Hoàng Hưng. Xin cut & paste như là lời cảm ơn dành cho tác giả nhân Thanksgiving Day.

*
Chúng ta nhắc đến ông với tư cách là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhất là về thơ Việt hiện đại, đặc biệt là thơ thời kỳ đổi mới. Nghiên cứu, phê bình thơ là lĩnh vực định hình phong cách Inrasara: mạnh mẽ, trung thực, có nhiều phản biện thẳng thắn, nhiều khi quyết liệt đúng với bản tính người Chăm, đặc biệt là rất nghiêm túc, tận tụy và luôn có những tìm tòi, phát hiện mới mẻ.
Hiện nay ông không chỉ làm thơ mà còn là nhà nghiên cứu phê bình hậu hiện đại sắc sảo được giới văn nghệ vô cùng kính nể.

VỀ THƠ
Sáng tác thơ là lĩnh vực đưa tên tuổi ông đi xa nhất. Tuy nhập cuộc vào làng thơ Việt khá muộn nhưng với tinh thần năng nỗ, nhạy bén với thời cuộc, Inrasara đã nhanh chóng hòa nhập để sớm thể hiện một bản thể đầy cá tính.
Inrasara thể hiện sự bắt nhịp nhanh nhạy với thời đại, một mặt vừa có ý thức giữ gìn các giá trị bản địa, mặt khác lại quyết liệt, xông xáo hướng ra thế giới bên ngoài để khám phá, đổi mới. Đó chính là kết quả của tinh thần và thái độ “nhập cuộc theo hướng mở” đầy mạnh mẽ và tự tin của tác giả. Chính vì vậy, Inrasara vừa có vị thế với thơ dân tộc thiểu số nói riêng vừa là gương mặt độc đáo và nổi bật giữa nền thơ Việt Nam đương đại.

Với thơ dân tộc thiểu số, Inrasara tạo được giọng riêng độc đáo, vượt qua khỏi sự ngô nghê, ngọng nghịu giả vờ nhưng vẫn giữ được bản sắc, không bị Kinh hoá. Đối với thơ Việt, Inrasara không những làm phong phú thêm hệ thống đề tài mà hơn hết còn góp phần mở ra một hướng mới trong quan niệm về thơ.
Thơ không đâu xa xôi mà hiện diện ngay ở cuộc sống xung quanh mình. Sara nhìn đâu cũng ra thơ, cũng nhặt được ý tưởng cho thơ, thơ xuất phát ngay từ cuộc sống xung quanh nếu anh sống đủ đầy với nó. Trên tinh thần cảm quan hậu hiện đại trong thơ sau đổi mới của Inrasara biểu hiện trên các phương diện tổ chức văn bản như: cấu trúc phân mảnh, giọng điệu giễu nhại, thủ pháp cắt dán sử dụng bút pháp của hội hoạ lập thể, hình thức vắt dòng, hình thức trình bày văn bản và cách sử dụng ngôn ngữ.

VỀ HẬU HIỆN ĐẠI
Đến với chủ nghĩa hậu hiện đại, không giống với các cây bút khác, Inrasara đã tìm hiểu sâu sắc, thấu đáo về nó. Trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây, ông đã giới thiệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu về tinh thần hậu hiện đại. Inrasara công phu hơn, giới thiệu đến bạn đọc lí thuyết này một cách có hệ thống.
Inrasara đã không còn nhốt mình trong tháp ngà nghệ thuật lung linh của cá nhân mình nữa mà ông đã xả mình lăn lóc giữa dòng đời để cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với mọi người, đó là một cách Inrasara góp thêm cái nhìn giải thiêng cho thơ.
Có thể nói trong làng văn chương đương đại Việt Nam, sự xuất hiện của Inrasara đã thực sự tạo thành một hiện tượng. Cùng với các nhà thơ cách tân, cái nhìn về thơ của Inrasara giúp thơ Việt thoát khỏi sự loay hoay trước đó vì bế tắc đề tài, tạo cơ hội mở rộng tầm nhìn để hoà nhập nhập vào dòng chung của thế giới. Hành trình sáng tác của Inrasara là một quá trình thể nghiệm những cái mới, cái hay, cái lạ.
Ông không phải là người đầu tiên đưa những lý thuyết mới vào sáng tác văn học Việt Nam, nhưng ông là người có công rất lớn trong việc cổ súy những cái mới trong nghệ thuật như: tân hình thức, hậu hiện đại. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, Inrasara là người luôn trăn trở suy tư một cách nghiêm túc về nghề nghiệp. Đặc biệt là nỗ lực tấn công vào hệ thống thi pháp cũ, đem đến cho người đọc một cái nhìn đa diện hơn về thơ và góp phần hình thành hệ thống thi pháp mới.

VỀ PHÊ BÌNH
Sáng tác thơ đã đổi mới, theo Inrasara, cũng rất cần một lối phê bình mở mà ông gọi là “phê bình hậu hiện đại” nhằm phá bỏ bức ngăn vô hình giữa “văn chương trung tâm” và “văn chương ngoại vi”.
Lối thơ hậu hiện đại đã gặp không ít phản ứng, thậm chí “dị ứng” từ không ít nhà thơ, người đọc và cả nhà phê bình, thì lối phê bình hậu hiện đại cũng gây sốc vì những nhận định thẳng thắn đến thẳng thừng. Ông là người khởi xướng cho lối phê bình mở nhưng không cảm tính, Inrasara xướng kiểu “Phê bình Lập biên bản”, ba hình thức phê bình lập biên bản trong lý thuyết và cả thực hành.
Sau lập thuyết phê bình lập biên bản, Inrasara triển khai Hồ sơ biên bản so sánh mà tính đến thời điểm này, ông đã hoàn thành 19 “biên bản” về tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu khác. Theo Lại Nguyên Ân: “Dù nhìn từ góc độ tư duy so sánh hay óc phê bình, tôi dám cá rằng những tiền bối sáng giá trong thẩm thơ bình thơ như Hoài Thanh hồi những năm 1940, Lê Đình Kỵ hồi những năm 1960-70 chưa chắc đã thực hiện được những thao tác nghề nghiệp như trên”.

KẾT
Inrasara lại thể hiện một thế giới quan đầy cởi mở và khá toàn diện về cuộc sống. Khả năng thâm nhập đời sống xã hội trong nước cũng như trên thế giới rất nhanh nhạy. Ông cho mọi người thấy một tư duy sắc bén và một năng lượng dồi dào trong sáng tác. Inrasara được xem là một hiện tượng của sự nỗ lực và bứt phá trong sáng tác nghệ thuật của nền thơ ca Việt Nam đương đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *