SỐNG MINH TRIẾT CHAM-6. Ai lên tiếng, và lên tiếng ở đâu?

Kẻ bị hại phải là người tri hô đầu tiên, vì anh/ chị ta ở trong cuộc, biết chuyện. Gặp trường hợp bị cắp, như cắp gà ở quê chẳng hạn, người nhà không biết, hàng xóm phát hiện, phải là người tri hô. Tiếp đến, người hiểu chuyện và có quan hệ [với báo chí, với cơ quan chính quyền…] lên tiếng.
Đó là chuyện của thời chưa xa, còn hiện tại với FB, ai cũng có thể tri hô và lên tiếng được. Riêng phân tích đúng sai thì cần đến người có học.
Nghĩa là từ tri hô, lên tiếng, và lên tiếng ở cấp “cao hơn” cần đến tất cả mọi người.

Chuyện kể.
Năm tôi lớp Tư, người đàn ông quê khác chuyên cắp gà vào các palei Cham hành sự. Sự vụ lặp đi lặp lại đến dân làng không thể làm ăn trong khi chính quyền thôn khá bất lực. Thế là nhóm thanh niên Chakleng tổ chức vây bắt, trói ngay đầu làng. Từ đó nạn này tịt.
Năm 2005, hai cha con người lạ chuyên vào chợ Chakleng lúc đó ngự giữa làng, đánh cắp xe đạp. Cứ nhè xe tốt mà dớt! Năm chiếc liên tục, lại giữa ban ngày ban mặt. Thế là mươi thanh niên bố trí vây bắt. Trong cơn giận dữ, họ đập cả hai đến ngất (tập thể mà!), phải nhập viện. Tỉnh ra, kẻ cắp bỏ trốn mất tiêu.
Xa hơn nữa, năm tôi 4 tuổi, nhà ông Định giữa làng bị cháy. Mùa hè nắng rang, nước thiếu, dụng cụ không có. Nửa đêm mõ làng kêu. Cha chạy trước, tiếp đến là mẹ, anh Đạm dắt tôi chạy đi xem. Cả trăm đàn ông, phụ nữ xúm quanh một căn nhà, chỉ với cây chà, gáo dừa, lu gốm, và không gì khác. Mà nước lại khan và xa. Khi lửa tắt thì ngôi nhà tranh kia cũng chỉ còn là đống tro.
Dù không thành, sự thể nói lên tinh thần hợp quần tối lửa tắt đèn có nhau của dân palei Cham xưa.

Trở lại câu chuyện Hiệu phó Trần Đình Toản, không cần phải “trí thức” mới có thể lên tiếng, mà là kẻ bị hại [giáo viên, công nhân viên], rồi đồng nghiệp trường khác hiểu chuyện. Lên tiếng bằng nhiều cách khác nhau. Trên website, FB, báo chí, thư lên Ban Dân tộc Huyện và Tỉnh, Trung ương…
Công dân “giúp đỡ Nhà nước” thực thi pháp luật là vậy. Đó cũng là cách làm sạch môi trường sống.
Nhưng hãy khôn ngoan: tránh bị phản pháo; và hãy công tâm, cần đủ nhân chứng vật chứng để tránh vu oan giá họa cho người.
Đồng loạt và “vây” quyết liệt mới xong chuyện. Thế mới là cộng đồng trách nhiệm. Hết còn cảnh Thei trun ia thei pathah: Ai xuống nước nấy ướt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *