Thơ Bùi Nhựa

Bùi Nhựa, tức Bùi Hải Phong, sinh năm 1944. Ở đây tôi muốn ghi năm sinh một người thơ, không gì khác là để ghi nhận anh còn đầy nhựa thơ, dù tuổi sắp thất thập.

Inrasara.com xin giới thiệu 2 bài thơ mới.

MÙA HẠ ĐỒNG LÀNG
Theo em về mùa hạ tắm đồng sen
Gió mát đồng ta mát trong lồng lộng
Đồng làng thơm sen
nước dừng soi bóng
Sen đồng làng thơm đỏ má em sen

 

CHIẾC CẦU DÂY VĂNG
Chiếc cầu dây văng
Niềm tin đang bắc qua sông
Những nhịp cầu đôi bên chưa kịp nối
Dọc đôi bờ mỗi sớm chuyến đò sang…

Tìm về làng
Làng ngổn ngang việc đồng việc áng
Gió trưa bão sớm…
Em đến trường nhọc nhằn mang con chữ lằn hai vai

Tìm lên phố
Phố ngắn đường dài…xe cộ nghênh ngang
Tên đường tên nhà…quên nhớ tên nhớ số
Tìm bản đồ?
Bất quá hỏi bà bàn hàng rong ?

Thế giới có kẻ ngông cuồng muốn chiếm biển Đông
Đất nước có nhiều anh tham lam muồn đứng đầu: xăng, dầu, điện, nước…
(Hỏi sao không đứng đầu xông pha chống bão, chống mưa , chống ngập…
Lại đứng đầu đi mua ụ nổi tiền đô về bán ve chai tiền Việt?)

Đứng đầu mà chi ?
Sao không nghĩ đến việc sớm ngồi tù ?
Đất nước chọn nhầm anh
Lớp chân dài muốn anh ở lại
Để ăn lở núi non vung vãi.
Phang vào những người trai trẻ
Phang vào tương lai của họ…
Để họ bơ vơ.
Để họ buồn…
Vì mình sinh ra nhầm thời – Sinh ra không đúng chỗ…?
Hỏi làm chi ?
Đi đâu bây giờ ?
Và làm gì góp sức mình vào dựng xây Tổ quốc?
Đi đâu bây giờ khi Đất nước
Nỗi đau còn hơn ta?
Lắm kẻ giàu xa hoa
Nhiều người nghèo kiếm bữa ăn không đủ
Xót xa…
Mưa bão mùa nối mùa vùi dập quê nhà !

Nhiều khi ta tự vỗ về ta
Rồi thời tiết sẽ đi qua…?
Còn luống cày phơi nắng, phơi sương
Còn mùi thơm của rơm rạ đồng điền
Còn trái vườn thơm sông nước phù sa
Còn tóc em ngọt ngào hương quả hương cây…?

Hỏi ai nuôi sống cuộc đời ?
Lúa ơi nhiều khi ta muốn khóc
Hỏi em ơi…
Em bao giờ cũng đẹp
Mà thương trắng ngần hạt gạo lấm lem ?

Chiếc cầu dây văng
Niếm tin đang bắc qua sông
Nhip cầu chưa kịp nối
Đứng bên này sông nghe ầm ào gió thổi
Thương đôi bờ con nước mải rưng rưng…

29/11/ 13.
(Cảm nhận viết sau ngày có hội nghị” Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *