Inrasara: Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Cham 4: Tuệ Nguyên, bừa bộn cái tôi, bề bộn chữ nghĩa

2013-4.Dongnai.3

* Tagalau 14.

Chính vì bừa bộn và bề bộn kia, ta thử xét nhà thơ trẻ này qua vài điểm nhìn khác… Năm 2007, Tuệ Nguyên (bút danh Michelia) in photocopy tập thơ đầu tay Khúc tấu rối bù; năm sau, tập thơ in chung: Ch[tr]ào & Những vết bẩn vẫn xuất hiện dưới dạng này. Sau đó là ở trang website thanh niên Chăm.

 

Jaya Bahasa viết…

Inrasara.com, 23-1-2008 13:45

“Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều không phải ở chỗ tác giả là ai và ở đâu. Bởi tác giả này quá quen thuộc với bạn đọc Gilaipraung.com. Sinh ra ở làng Chakleng-Phanrang có nhiều truyền thống văn hoá, với nghề dệt thủ công khá nổi tiếng. Cứ tưởng rằng, Michelia sẽ theo học ngành kinh tế để phát ngành nghề quê hương hay học về nông nghiệp để giúp nông dân bớt cơ cực hơn trong việc đồng áng. Thế mà, sau 4 năm theo học khoa vật lí, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Michelia cởi bỏ luôn màu áo thư sinh và thăng hoa thành thi sĩ. Thật là nghịch lí và nghiệp chướng!

Michelia chất đầy nỗi khát khao, đang cố gắng khai phá và kiến tạo con đường sáng tạo nghệ thuật mới. Không hoài bão trở thành nhà thiện chí, thiên sứ, thiên thần, ma quỷ có nhiều phép thuật, Michelia chỉ muốn thật sự đời thường và tầm thường, làm sao giữ phong thái gần gũi với đời sống, vui vẻ cùng mọi người. Từ đó, giúp Michelia biết và nhận thấy rõ “Những vết bẩn”. Cuộc sống chỉ là một mớ hỗn độn nằm giữa làn ranh của phạm trù đối nghịch nhau. Nói cách khác, đó là những nghịch lí chỉ cần nhận thức là ổn thoả. Đấy là căn bệnh di truyền, người bệnh không cần đến bác sĩ, cách chữa trị rất đơn giản, rất gọn. Cái quan trọng là biết mình đã mang virus trong người. Khi đó, bệnh tình tất thuyên giảm, khoẻ mạnh trở lại”.

 

Rồi thơ Tuệ Nguyên có mặt trên Inrasara.com.

Inrasara nhận định…

Inrasara.com, 17-1-2008: “Hàng loạt bài thơ của Michelia xuất hiện trên Gilaipraung thời gian qua, là một “sự kiện” nhỏ nhưng đáng kể trong sinh hoạt văn học – nghệ thuật Chăm vốn bình lặng. Đây là giọng thơ khá khác so với nhiều giọng thơ đã từng xuất hiện trước đó trong đặc san Tagalau. Tuy đôi chỗ còn biểu hiện sự chông chênh, nhưng có thể nói, cùng với vài cây viết mà tài năng đã lộ [nhưng vẫn muốn giú mình trong bóng tối vô danh] như Jalau Anưk, hay còn nằm trong tiềm năng như Thạch Giáng Hạ… Michelia là khuôn mặt triển vọng.

 

H.T. có cái nhìn khác…

Vnexpress.net, 23-7-2009” “Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên là hình ảnh một thế giới thực, siêu thực về làng Chăm được viết với thứ ngôn ngữ thô tháp, gay gắt, trụi trần. Tác giả khai thác mảnh đất quê hương với dòng sông, đền tháp, những biểu tượng linga và yoni với khát vọng hoàn nguyên, phục dựng cái Đẹp từng va đập và vụn vỡ, cái “phông nền văn hóa” dần khuất vắng. Thơ Nguyên còn có những trích ngắn thể hiện sâu sắc cảm nhận của cái tôi cá nhân.

 

Văn Bẩy xét nét hơn…

Báo Thể thao & Văn hóa, 27-7-2009: “Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên là một khởi đầu của nghiệp cầm bút, với nhiều bộn bề về câu chữ và còn khá băn khoăn về hướng đi… Tuệ Nguyên có lối viết tự do với giọng kể chuyện của những năm 1990-1995, mà tiêu biểu thời đó về phong cách này là Trần Tiến Dũng, Inrasara…”.

 

Cuối cùng, Phùng Tấn Đông đánh giá tại buổi Ra mắt ba tập thơ vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt – 30-7-2009, TP Hồ Chí Minh.

“Xứ trú thơ thơ Nguyên là thế giới thực, thực đến cực thực, siêu thực của làng Chăm, cảnh vật và con người, sự chuyển động và ngưng đọng, kí ức và khát vong, những tình yêu “trổ nở”, cây lá, tháp đền “trổ nở và tận hiến”, tất thẩy, một dòng sống cứ cuồn cuộn, sục sôi với những biểu hiện song trùng… Ám ảnh nước đôi này dường vận vào từng câu, từng đoạn, từng bài trong suốt tập thơ. Có lẽ cũng vì quá yêu nguồn cội, thơ Nguyên thể hiện đến cùng mọi thái cực: vinh, nhục, hoan lạc và cay đắng… của đời sống thực tạ, kiểm kê từng được, mất của cả phần hữu thức lẫn vô thức để dự liệu một quy trình vượt thoát, để phơi bày một khát vọng hoàn nguyên, phục dựng cái Đẹp đã từng va đập và vụn vỡ, cái “phông nền văn hóa” dần khuất vắng, làm thế nào để phần bản nguyên cao nhã mãi tồn tại và tương thích với những biến đổi “dữ dằn” của dòng sống hôm nay…”

 

*

“Về tôi” là bài thơ khai lí lịch. Khai lí lịch và tự kiểm. Sống giữa các bạn Chăm cùng thế hệ, Tuệ Nguyên nhận ra sự khác biệt giữa “tôi” và “họ”. Một khác biệt lớn: “Tôi đang sống cùng thời đại với họ/ nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay(3)

Cho nên, dù bản lí lịch được khai rõ ràng, rành mạch: Tên: Thạch Trung Tuệ Nguyên quê: Caklaing; Gia đình:… Nhưng khi tự kiểm:

Tôi ít khi quan tâm đến tuổi tác theo thủ tục hành chính

vì lẽ tôi không đếm ngày sống của mình bao giờ

Ngôn lời của tôi là những cảm xúc nung sôi

có khối óc làm chất xúc tác

Và trái tim làm chất dính

(“Về tôi”, Những giấc mơ đa chiều)

Thì mọi thứ đã hết còn mang bộ mặt đơn nhất. Cái tôi Tuệ Nguyên trở thành xô lệch, bề bộn, bừa bộn, rối tung, loạn xà ngầu và hỗn độn đến không thể kiểm soát. “Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn/ mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu” (“Những đoạn trích”, Những giấc mơ đa chiều).

Cái tôi hỗn độn và chữ nghĩa bừa bộn. Những hỗn mang, hỗn độn, hoang tàn, đen tối, tối ẩm, nhơ nhám, mất trật tự, lang thang vô hồn… trở đi trở lại suốt tập thơ đầu tay của cây bút trẻ này. Chúng khiến sự mất trật tự càng mất trật tự hổ lốn hơn. Thơ Tuệ Nguyên, qua đó càng phát triển vô trật tự hơn nữa.

Sỏi đá và mảnh đất quê hương, ở nơi ấy chàng trai thấy em bé sứt môi, những phận đời trôi giạt, hồi chuông và những mảnh vỡ, nhất là đêm và những giấc mơ. Bao nhiêu giấc mơ đa chiều và vô lượng chiều. Hoang mang, thất thố, hụt hẫng, chán chường, mỏi mệt. Ngôn ngữ Chăm độn tiếng Việt, mấy đám trẻ học đòi, thế hệ già bảo thủ, những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị, những đứa con yêu cuồng dại tự do, chối từ và ghì níu, ôm ấp nâng niu hay khinh miệt. Tất cả.

Ở đó chúng ta có làng mạc và văn hóa

chúng ta có thế hệ nối tiếp nhau

chúng ta có ngôn ngữ chữ viết và những trang sách

nhưng chúng ta rất mù mờ…


Vì lẽ chúng ta có những cọng tóc xoăn da ngăm và đầu óc mù tịt

nên chúng ta dễ tổn thương

Vì màu da mà chúng ta phải tắm cho đến khi nhiễm bệnh cảm

chúng ta phải tô đủ thứ son phấn lên khuôn mặt

Vì mái tóc mà chúng ta luôn trùm lên đầu những tấm vải đen

chúng ta luôn lai vãng gần tiệm uốn xoáy duỗi tóc

Vì tiếng nói mà chúng ta phải ngoảnh mặt với nhau

(“Chúng ta là những kẻ đáng thương “, Những giấc mơ đa chiều)

Trong một xã hội nông thôn Chăm bề ngoài tưởng yên tĩnh và cố kết đó, ở bề sâu và mặt sau nó chất chứa bao nhiêu âm thanh và cuồng nộ, đầy biến động, chực đổ vỡ để phải chịu nhận nhiều mất mát sắp tới. Sự bừa bộn trong câu chữ của thơ Tuệ Nguyên rất thích hợp để diễn đạt nó. Không có bảng chỉ dẫn. Cũng không cần thứ bảng chỉ dẫn kia ở đó. Thơ chàng trai Chăm này phát lộ thoải mái, tự do. Tự do đến tùy tiện.

Ngôn ngữ thô ráp, sần sùi, trần trụi. Thi ảnh thực của một thế giới thực được phô diễn vô trật tự. Nhịp thơ thiếu nhất quán. Thiếu nhất quán không khác gì đời sống tinh thần thế hệ trẻ Chăm hôm nay. Nhưng chính hơi thơ của Tuệ Nguyên đã giữ lại tất cả. Nó tạo một sợi chỉ xuyên suốt, xâu mọi hỗn loạn và bừa bộn kia vào một chuỗi để làm nên giọng điệu thơ Tuệ Nguyên riêng biệt. Không thể lẫn.

Để đâu đó, giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi:

Tiếng hát em bay cao vút lên tận không trung làm bừng tỉnh ánh bình minh
tiếng hát em len vào song cửa sổ đánh thức giấc ngủ

Hỡi nghệ sĩ ban mai tôi xin cám ơn em
cùng em và các chú chim non
tôi sẽ hát khi bình minh thức giấc
về cuộc đời đau thương
và những phận đời bất hạnh.
(“Nghệ sĩ ban mai & bé gái sứt môi”, Những giấc mơ đa chiều)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *