Inrasara: Phong trào văn học nào bất kì cũng cần đến sự tổng kết, đánh giá

Thu Huyền thực hiện

Văn nghệ trẻ, 29-9-2013

 

Gần đây nhất tôi đọc một tiêu đề bài báo Hội thảo thơ tân hình thức Việt lần đầu tiên trên thế giới. Thực sự cảm xúc đầu tiên của tôi là mấy chữ lần đầu tiên, nghe rất mới mẻ, nhưng đáng tiếc lại cho một thể loại đã cũ trên thế giới. Anh nghĩ gì về điều này?

Inrasara: Tân hình thức là “thể loại đã cũ trên thế giới”, đúng lắm. Chẳng phải chúng ta từng luôn luôn muộn so với thế giới sao? Thơ Mới với hệ mĩ học lãng mạn và hiện thực chẳng phải đã đi sau thơ lãng mạn, hiện thực Pháp đến 80 năm là gì! Hậu hiện đại Việt khởi động, khi hậu hiện đại ngoài kia đã qua 20 năm, trong lúc tân hình thức chỉ mới 10 năm thôi. Cho nên với tôi, “cũ người mới ta” – cái mệnh đề nghe quá nhàm tai này không có gì đáng phàn nàn cả. Điều quan trọng là chúng ta tiếp nhận nó thế nào. Tân hình thức hay hậu hiện đại Việt có làm nên cuộc cách mạng, hay ít ra, cuộc chuyển động lớn trong thơ Việt không, mới là điều đáng bàn.

 

Thơ tân hình thức (new formalism poetry) xuất hiện tại Mỹ vào giữa thập niên 1980, ngay cuối thập niên 1990, qua tạp chí Thơ tại Mỹ, các nhà thơ Việt (đến nay có khoảng 150 người) đã “nghinh đón” phong trào này một cách nhiệt thành. Từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 15 tập thơ tân hình thức Việt (và cả song ngữ Việt-Anh) và lý thuyết được xuất bản trên khắp thế giới. Nghe có vẻ quy mô nhưng thơ tân hình thức để lại trong bạn đọc đến đâu, và ảnh hưởng của nó như thế nào còn hơi ít, anh có nghĩ vậy không?

Inrasara: Ngay khi thơ tân hình thức Việt khởi động ở Mỹ qua tạp chí Thơ vào đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ – đã thành danh hay mới viết – đã hào hứng nhập cuộc. Nhập cuộc, rất ồ ạt – nhưng vẫn cứ thân phận ngoài lề. Ngoài tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (Inrasara, NXB Hội Nhà văn, 2006), Poetry NarratesThơ kể (tập thơ song ngữ Anh – Việt của nhiều tác giả, NXB Lao động, 2010), tập tiểu luận Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác (Khế Iêm, NXB Văn học, 2011), và mới đây: Biển Bắc cho in tập thơ Thúy liên khúc ngoài (NXB Văn học, 2012), còn lại hầu hết sáng tác tân hình thức chỉ đăng ở tạp chí Thơ nói trên, post lên mạng, hay in ấn qua hình thức photocopy. Cho nên, nói nó ảnh hưởng “hơi ít” đến độc giả chính thống, thì còn đỡ. Dẫu sao, tân hình thức qua bốn năm (2000-2004) hình thành và phát triển, đã tạo nên một phong trào, lôi kéo hàng trăm người làm thơ (chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam, nhất là TPHCM) nhập cuộc, viết và đọc. Đó là điểm đáng ghi nhận. Sau kì gian trầm lắng ngắn, đến năm 2008, tân hình thức lại gượng dậy, nhưng chưa có chuyển biến mới đáng kể.

 

Thực ra dù thể loại thơ nào, sáng tác theo phương pháp nào thì điều cần nhất chính là ở chạm tới cảm xúc. Khái niệm này liệu có quá cũ trong một thế giới thay đổi từng ngày khi người ta cần ở thơ ca hay văn học nghệ thuật chính là những ý tưởng mới mẻ, sự cách tân?

Inrasara: Thời đại thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Thời hiện tại, không ai còn có thể xúc động với những vần thơ kiểu TTKh nữa rồi, trong khi thời chưa xa ấy, các bài thơ kia đã lấy được bao nhiêu là nước mắt của người cùng thế hệ. Cách tân thơ luôn dẫn tới sự làm mới cảm xúc. Ngay cả chuyện thời sự nóng hổi, gây xúc động mạnh đến một tập thể rộng lớn, khi thể hiện qua phương tiện nghệ thuật,  sự kiện đó cũng cần đến thủ pháp nghệ thuật mới và thích hợp hơn. Thơ tân hình thức hay hậu hiện đại thời gian qua đã nỗ lực làm điều đó, còn họ làm được hay không là chuyện khác rồi.

 

Quay trở lại với sự đao to búa lớn, thích nói những điều hoa mĩ, không chỉ trong thơ, trong văn học, và cũng chẳng phải trong giới văn nghệ sĩ đâu, mà căn bệnh đó đã trở thành một sự thật hiển nhiên ở đất nước nhỏ bé này. Ông đã bao giờ nghĩ tại sao chúng ta có tâm lí đó?

Inrasara: Hoa mĩ thì có, phát ngôn đao to búa lớn cũng có nữa, nhưng chắc chắn văn giới chúng ta vẫn chưa biết tuyên ngôn. Trong khi điều không phải không cần thiết trong sáng tạo văn học, là biết tuyên ngôn, thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Tôi thích những người biết tuyên ngôn, dám tuyên ngôn, và theo đuổi tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó. Tham vọng lớn lao trong sáng tạo văn chương là điều đáng mong đợi, dù nó xuất phát từ một đất nước nhỏ bé, một dân tộc thiểu số, một vùng hẻo lánh nào đó trên thế giới. Phát biểu Italo Calvino – nhà văn hậu hiện đại Ý, diễn đạt rõ hơn tinh thần này:

“Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hi vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì văn chương mới đạt được tác dụng của nó…” (Hoàng Ngọc-Tuấn dịch).

 

Chúng ta đang đánh đổi những điều nhỏ bé, giản dị, những điều góp nhặt trong cuộc sống hàng ngày để tìm kiếm những sự viển vông. Tôi không hề tin một cuộc hội thảo khoe trương nào đó lại hơn một công trình nghiên cứu khoa học. Đơn giản, anh đã biết có quá nhiều cuộc hội thảo kết thúc và không ai biết tổ chức ra để làm gì. Anh có thích tham dự các cuộc hội thảo không? Và thường anh tham dự với tâm thế gì?

Inrasara: Đã có quá nhiều hội thảo không biết tổ chức để làm gì. Không ít hội thảo dựng lên chỉ để tôn vinh cái không đáng tôn vinh. Mới đây, cũng đã xuất hiện vài hội thảo, bàn tròn được tổ chức không mục đích nào khác ngoài một chiều tự ca tụng nhau hay tụng ca người cùng phe cánh. Thậm vô ích. Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc hội thảo vô bổ như thế. Và tôi đã làm khác. Chủ trì 8 cuộc Bàn tròn Văn chương (của Hội Nhà văn Việt Nam), ở đó tất cả đều mới mẻ. Tác giả mới: Ngô Thị Hạnh, Lê Vĩnh Tài, Cát Du… trào lưu mới: văn chương hậu hiện đại Việt, hình thức xuất bản mới: văn chương mạng… Cả cách thảo luận cũng mới: không ai định hướng ai, tất cả đều nêu ý kiến của mình một cách bình đẳng để thảo luận trong tinh thần tương tác tối đa của hậu hiện đại. Một tác giả còn vô danh, một tập thơ trung bình, Bàn tròn Văn chương vẫn có thể làm hay. Không phải nó biến tập thơ trung bình thành hay, mà là – thảo luận rất chuyên nghiệp về tập thơ trung bình đó. Nó trung bình thế nào? Tại sao trung bình? Và làm thế nào cắt đuôi cái trung bình đó…

 

Điều tôi muốn anh khẳng định, thơ tân hình thức có còn mới ở Việt Nam không, và chúng ta có cần phải tổ chức một cuộc hội thảo với cả Tây lẫn ta quy mô như vậy không?

Inrasara:  Thơ tân hình thức không còn mới ở Việt Nam, đó là điều người quan tâm không thể không biết. Dẫu sao, 12 năm hành trình, nó cần được tổng kết, đánh giá. Vấn đề đặt ra là: hội thảo gồm những ai, và cách thảo luận như thế nào? Tân hình thức hay trào lưu văn chương nào bất kì, luôn cần đến sự đánh giá ngay thời điểm nó sắp kết thúc, là hay hơn cả. Hoài Thanh đã tổng kết phong trào Thơ Mới như thế, tại sao hôm nay ta thì không?

Do đó, một hay vài hội thảo về tân hình thức ở thời điểm này là rất cần. Ngày 28-9-2013 tới, “Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy” tại TP Hồ Chí Minh sắp tổ chức bàn tròn văn học với chủ đề: Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam, ở đó tôi là diễn giả, và Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Từ Huy chủ trì.

Hãy đợi xem!

 

 

5 thoughts on “Inrasara: Phong trào văn học nào bất kì cũng cần đến sự tổng kết, đánh giá

  1. “Trong khi điều không phải không cần thiết trong sáng tạo văn học, là biết tuyên ngôn, thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Tôi thích những người biết tuyên ngôn, dám tuyên ngôn, và theo đuổi tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó.” Hội thảo nhưng kô tuyên ngôn bởi tuyên ngôn thế nào đây? Bao giờ thì người ta, những người “chính lề” ấy mới chịu tuyên ngôn đây?

  2. Anh ngập sâu đề tài này mà làm gì, hiểu tâm hồn, ý thức, trách nhiệm của A ko nhiều người đâu. Việc của A với xã hội và dân tộc mình đã là giai phẩm toàn bích rồi INRASARA ơi. Tôi ko tiêu cực xã hội bây gìờ cần tích lũy kiến thức thôi…

  3. Anh Thắng nhầm rồi. Hiểu thế giới bên ngoài mới hiểu đúng dân tộc mình. Tôi biết có vài người làm nghiên cứu văn hóa Chăm nhưng do không hiểu bên ngoài nên có nhiều lổ hổng. Nhà thơ Inrasara cần phải biết văn học Việt Nam, văn học Mỹ – Pháp, rồi về nghiên cứu văn học Chăm, nó mới sâu và có cơ sở so sánh.
    Thứ hai nữa là, Inrasara vừa là nhà thơ và nhà phê bình, anh phải hiểu văn học hiện đại, anh mới có thể biết mình đứng ở đâu để rồi từ đó mới sáng tác. Không biết, thì sẽ ú ớ thôi. Tôi cũng có biết rất nhiều nhà văn nhà thơ Việt (cả Chăm) đã viết mù mờ, tự kiêu hãnh mà không biết mình đang ở đâu.

  4. Bó hẹp trong phạm vi dân tộc thì chỉ có thể khấy bão trong vũng nước ao làng thôi. Nhà thơ Inrasara có cái nhìn rộng hơn. Theo tôi được biết, Bàn tròn tân hình thức ở Salon Cà phê thứ 7 vừa rồi chỉ là bước chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế về tân hình thức diễn ra ở Huế, do nhà phê bình Ph Xuân Nguyên và nhà thơ Inrasara chủ trì điều hành. Hãy đợi xem.

  5. Cảm ơn các góp ý phản hồi. Thực tâm tôi muốn thể hiện quan điểm của mình về Thi Ca trong xã hội hiện tại thôi. Có thể tôi vẫn mê thế giới cũ trong nghệ thuật. Lý do – Phải hay, thuận nhĩ cái đã, mới cũng được, cách tân càng tôt – Nhưng phải lắng lại trong độc giả, trong đó có tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *