Văn chương & Tư tưởng II-129

Thiếu nền tảng triết học, thiếu tư duy về nghệ thuật dẫn đến sự thừa ảo tưởng về sáng tạo. Sáng tạo, ta vặn vẹo hoặc thay đổi vài câu chữ, ta vắt dòng, ngắt câu hay kéo dài câu thơ đến mất hút. Ta thơ con âm, thơ siêu hình với siêu thực… đủ cả.

Vặn vẹo câu chữ, thơ con âm, thơ siêu hình với siêu thực, ta khiến thơ thành thứ nghệ thuật bí hiểm, khó hiểu. Không phải khó hiểu của suy tư sâu thẳm, lạ biệt mà là khó hiểu của sự mù mờ, giả trá và bất lực. Kiểu thơ chỉ có thể đánh lừa độc giả nhẹ dạ cả tin.

Tân hình thức và vắt dòng với tính truyện, ta không đủ trải nghiệm để có chuyện, hoặc chuyện ta không đủ sâu có khả năng chuyên chở hiện thực, ta quay về kể mấy chuyện vụn vặt, hời hợt. Hiện thực đời sống vuột khỏi thơ lúc nào không biết.

Kéo dài câu thơ, dù đã hụt hơi thơ – hơi thở, nhưng ta cứ miệt mài kéo. Thơ trở thành lòng thòng với dông dài, không nói lên điều gì hơn, ngoài việc tố giác sự bất lực của người làm thơ không đủ bản lĩnh để điều khiển và điều tiết câu chữ.

Thơ không vần, nhịp chỏi với lối nhảy cóc về thi ảnh chẳng là nỗi sáng tạo mới mẻ chi chi, mà chỉ là một học lại từ phong trào thơ thuở 60 của thế kỉ trước. Cái hơn ở thế hệ sau này là nhảy cóc tùy tiện hơn, nhịp thơ chuyển vô tội vạ hơn, từ đó ý thơ tù mù hơn. Chúng khuấy đục mọi thứ nước để tạo cảm giác sâu thẳm – lại Nietzsche!

Thê thảm hơn cả, hôm nay khi hậu hiện đại đang thời thượng, không ít nhà thơ cách tân cũng lân la mò tới hậu hiện đại. Cũng giễu nhại, cũng cắt dán, cũng phi tâm hóa thể loại… Nhưng đó là thứ hậu hiện đại giả. Giả, nên cực kì nhảm.

Cái nhảm được đẩy lên đến tận cùng khi tất cả mớ mù mờ, lừa mị kia đang được đôn lên và định danh như là thơ cách tân. Các loại thơ cách tân giả hiệu được xiển dương bởi nhà phê bình đổi mới giả hiệu gây nên sự mù màu trong thưởng thức văn chương. Và ta tự huyễn với mấy nỗi sáng tạo đó. Chính sự tự huyễn nghênh ngang đến tội nghiệp của người làm thơ thế hệ mới đang làm vẩn đục không khí thơ hôm nay, chứ ít khi từ thái độ bảo thủ cứng đầu của thế hệ trước. Bởi dẫu sao, bảo thủ với lạc hậu vẫn có tiếng nói và dáng đứng riêng, không khó biện biệt.

Inrasara, 2012

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *