Jaya Bahasa: Tôi yêu tiếng nước tôi

 

* Bé Cham – Photo Inrajaya.

Có lẽ trong cuộc sống ai cũng có một thứ để yêu, được yêu và từng trải nghiệm trong tình yêu. Nói như lời của một tình khúc của nhạc sĩ Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi”– một thứ tình yêu linh thiêng và trong sáng, giản dị nhất trong những điều yêu thương của con người. Những hình ảnh gần gũi như con sông quê, lời mẹ ru con hay chân dung bác nông phu đang vất vả trên cánh đồng mãi mãi đồng hành cùng hành trang cho ai đó rời xa quê nhà. Trên thế giới này, có một dân tộc nào không có trường đại học, không có cơ sở giáo dục chính thống mà người dân không mù chữ, ngược lại sức sống của nền nghề thuật và thi ca luôn trào trong suốt tiến trình lịch sử phát triển. Đó là tộc người nào ? Phải chăng là tiếng Chăm và tộc người Chăm.

 

1. Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời.

Tôi chỉ có quyền lựa chọn nơi sinh sống và làm việc chứ không thể chọn nơi để ra đời. Thật vậy, tôi không thể đặt câu hỏi tại sao không sinh ra ở Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ở một nơi nào khác trên hành tinh xanh mà nở hoa tại vùng đất Panduranga làm đứa con của dân tộc Chăm. Tiếng khóc vỡ lòng đầu tiên của tôi khi bước vào thế giới này hẳn cũng giống như tiếng khóc của các dân tộc khác: Á Á Á hạnh phúc của tôi khi được làm người. Á Á Á tiếng nói và lời hứa danh dự của tôi khi chính thức gia nhập thành viên của một gia đình trước bao sự chứng giám của người thân yêu. À ơi ! Lời mẹ ru tôi khôn lớn từng ngày, mẹ cho tôi tiếng nói yêu thương, mẹ cho tôi tiếng nói thành người. Tôi không biết mình biết nói tiếng Chăm lúc nào nhưng có lẽ nó sẽ ở và sống cùng tôi đến thiên thu. Lạ thay ! Tôi nói tiếng Chăm hàng ngày với người đồng tộc nhưng chưa lần nào viết một lá thư bằng tiếng Chăm cho ai đó. Tôi không biết nữa, có phải tôi sợ người nhận thư không đọc được, không hiểu được những điều tôi viết hay tự chính tôi không viết nỗi tên của mình. Sự thật là tôi không thể viết nỗi tên mình.

Trong một lần, tôi nhìn thấy em gái vẽ lên tủ những đường nét ngoằn nghèo, cong cong tròn tròn. Em khoe với mẹ là đang viết tên mình. Tôi không quan tâm lắm về nét vẽ đó. Ngày qua ngày, em gái tôi vẽ đầy tường nhà, tủ, bàn, viết lên những thứ có thể viết được. Đến khi học bậc Trung học phổ thông, tìm đọc được tác phẩm Văn học Chăm khái luận (1994), Văn học dân gian Chăm (1995) của tác giả Inrasara, tôi không thể tin, trong thời điểm đó đã người tổng kết về đại cương văn học Chăm bằng tiếng Việt. Càng đọc càng thú vị và không ít sự khó chịu. Bởi rằng, tôi chỉ đọc và hiểu được phần văn bản tiếng Việt, những trích đoạn chữ Chăm Latinh tôi chẳng phát âm được chưa nói tới ngữ nghĩa. May mắn thay! Năm 2001, anh trai tôi từ Trường THPT Dân tộc Nội trú Phan Rang về nhà nghỉ hè bỏ quen trên bàn học của tôi cuốn sách Tiếng Chăm căn bản (1999) của tác giả Thuận Ngọc Liêm do Ban Biên soạn sách chữ Chăm và Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Ninh Thuận phát hành. Cuốn này, đã cho tôi hình dung ra bảng chữ cái tiếng Chăm và các hệ thống âm vần. Tuy nhiên, tôi chưa thể phát âm được.

Tôi nhờ ông của tôi đọc dùm để giúp tôi học tiếng Chăm. Nhưng mắt của ông chỉ quen đọc sách của ông, không nhìn rõ chữ viết trong sách khác mặc dù tôi đã vẽ lại chữ cái to gấp đôi lá bài. Thấy quá vất vả cho ông khi giúp tôi học tiếng Chăm, cô Tuyết đang dạy Tiểu học vừa học xong lớp tiếng Chăm do Ban Biên soạn sách chữ Chăm tổ chức đi ngang thường ghé vào hỗ trợ cho tôi. Sau đó, cô nhận  tôi làm học trò, cô tập tôi phát âm. Chỉ một thời gian cô không hướng dẫn được cho tôi nữa mà nhờ cô Mận ở gần nhà hướng dẫn thêm. Khi nắm được cách phát âm cho đúng và ráp vần được, tôi tiếp tục tự học dần dần làm chủ được tiếng tôi yêu. Tuy nhiên, do mục tiêu học tập của tôi là đọc và hiểu được tiếng Chăm nên  ít luyện kĩ năng viết, thành vậy tôi khá lúng túng khi cầm bút để viết một đoạn văn.

Khi đặt chân tới cổng trường đại học, tôi dường như không còn nói tiếng mẹ đẻ nhiều, đôi khi thèm được nói cho thỏa thích nhưng rất ít gặp người bạn đồng hương. Nghĩ lại cho tôi thật buồn cười. Người Chăm nói tiếng Việt, sống ở miền Nam nói giọng ngoài Bắc. Cho nên, trong lớp không ai tin tôi là người dân tộc thiểu số ở miền Trung. Để chứng minh cho nguồn gốc của mình ngoài giấy chứng minh tôi viết ra vài dòng chữ Chăm cho các bạn xem. Mấy đứa bạn truyền tay nhau xem mà bảo rằng, chữ viết gì mà ngồ ngộ làm sao, trông như giun bò, có người thì nói đẹp quá hen ! Giả sử, nếu tôi không viết được tiếng Chăm, không biết các bạn tôi có phán rằng: Tôi bị mất gốc rồi không?

 

2. Tiếng nước tôi ngàn năm ròng rã buồn vui.

Tiếng nói của một dân tộc là vỏ bọc để gói gém tất cả nhưng tinh hoa của các giá trị văn hóa do dân tộc đó sáng tạo ra. Những giá trị văn hóa của người Chăm được nuôi dưỡng trong tiếng nói và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác từ hàng năm qua. Nhìn lại lịch sử ra đời của chữ viết là do nhu cầu trao đổi thông tin và yêu cầu của các hoạt động hành chính, chính trị. Do vậy, chữ viết ra đời sau tiếng nói. Và chữ viết là tiếng nói vọng xa về thời gian và không gian. Người Chăm sớm tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Có thể nói rằng, văn hóa Chăm là một Ấn Độ thu nhỏ, một Ấn Độ ở ngoài Ấn Độ. Nhưng một điều khá kì lạ, những vốn từ vựng tiếng Ấn Độ rất hiếm thấy trong ngôn ngữ nói của người Chăm. Phải chăng sự tiếp xúc giữa văn hóa Ấn Độ để hình thành nên nền văn minh Champa là bằng chữ viết (kinh sách) hơn là sự tiếp xúc trực tiếp giữa người Ấn Độ với người Chăm ? Hơn 17 thế kỉ giao lưu, tiếp biến văn hóa Ấn Độ tiếng nói người Chăm vẫn mang đặc tính khu biệt rõ ràng. Tưởng rằng, những chữ viết được khắc trên bia đá ở Thánh địa Mỹ Sơn hay trên các đền tháp Champa là tiếng nói Ấn Độ. Nhưng không ! Đó là tiếng Chăm được gói trong vỏ bọc chữ Ấn theo quy định thánh luật rất chặt chẽ.

Năm 2011, tôi cùng một người bạn ở Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Tp. Hồ Chí Minh đi lên Tây Nguyên điền dã về tác động của quá trình đô thị hóa đến tộc người thiểu số ở Đaklak. Bạn tôi khá bất ngờ, vì tôi mới lên Tây Nguyên mà giao tiếp với người bản địa một cách thoải mái, trong khi bạn sinh ra và lớn lên trên miền đất huyền ảo mà chẳng nói được tiếng nào. Dù vui dù buồn tổ tiên của tôi cũng nói thứ tiếng của dân tộc mình, mấy ngàn năm nay người Êđê vẫn nói tiếng mẹ đẻ của họ. Nay tôi nói tiếng nagar của tôi trên nagar Êđê, Jarai, chúng tôi vẫn hiểu nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Malam hajan (Đêm mưa), ca sĩ Y Moan đã hát như vậy cho tôi nghe bên bếp lửa cháy hồng trên căn nhà sàn của anh trước khi anh qua đời một năm sau đó. Tôi về lại Saigon với bao nhiêu điều chưa biết nhưng rừng Tây Nguyên đang thưa dần và bụi hồng vẫn bay theo từng cơn mưa đổ. Những căn nhà sàn dài đang mất dần, tiếng cồng chiêng cùng nghi lễ khóc trâu, lễ cúng sức khỏe, lễ đặt tên, các sính lễ cưới như vòng đeo tay matin (tô đồng), aban (váy thổ cẩm) không còn phổ biến tất cả đã quy đổi thành tiền mặt, nhà gái trao đủ thì dắt tay chàng rể về nhà, bạn tôi nói là do tác động của quá trình đô thị hóa.

 

3. Tôi yêu tiếng ngang trời.

Những nhà giáo dục thường hay lập thuyết chăn dắt con người đến ­Chân-Thiện-Mỹ. Nền giáo dục là cái biểu hiện ra bên ngoài của bộ mặt đất nước. Một quốc gia có nền giáo dục phát triển không thể là một đất nước nghèo nàn. Nhưng chưa hẳn một dân tộc nghèo là thiếu giáo dục. Chưa thấy dân tộc nào lại chăm lo giáo dục cho con người sớm như người Chăm. Đi vào đám ma Chăm mới thấy được, ngay trong giai đoạn bào thai, sơ sinh người Chăm đã giáo dục cho tình yêu nghệ thuật. Mọi sinh linh trước khi đến với thế giới con người phải thấm nhuần về nghệ thuật trang trí, màu sắc, âm thanh. Nói rõ và chân xác hơn là đứa trẻ được giáo dục hướng nghiệp về kiến trúc, xây dựng, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, ẩm thực và ngôn ngữ.

Sau hơn 300 năm bị quen lãng, dân tộc Chăm dường như bị khép kín trước văn minh nhân loại để rồi từ trong bóng tối, dân tộc Chăm dân dần được hồi sinh trong thời kỳ Pháp thuộc. Một bộ phận nhỏ người Chăm tiếp cận được nền văn minh phương Tây phi Ấn hóa. Và rồi, từ nền văn minh phương Tây đến việc thành lập Trường Trung học Pô Klong là một chiếc cầu thời gian phục hưng văn hóa Chăm thông qua phương tiện hành chính pháp lý Việt Nam và sự nổ lực không ngừng của bản thể dân tộc Chăm không muốn bị tục hậu trước sự phát triển chung. Trong vòng 10 năm phát triển Trường Trung học Pô Klong (1965-1975) đã làm thay đổi nhiều trong nhận thức, tư duy của người Chăm về ý nghĩa và giá trị của giáo dục mang lại. Không phải hồ nghi, khi đưa ra nhận định thành quả giáo dục của  Trường Trung học Pô Klong đã góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ sự bất bình đẳng về giới, xóa đói giảm nghèo, sự trì trệ và lạc hậu đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị vùng người Chăm cư trú. Nhiều thế hệ học sinh Pô Klong đã trưởng thành và đang khẳng định vị thế, vai trò của mình trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực ở các cơ quan hành chính sự nghiệp trong thời kỳ Đổi Mới của Việt Nam ngày nay.

 

4. Tôi yêu đất nước tôi nằm phơi phới bên bờ biển xanh.

Sinh sống trên địa vực trải dài theo chiều Bắc Nam mở rộng ra biển ở hướng Đông, nên người Chăm sớm tiếp thu với thế giới bên ngoài. Sự tài tình và dũng cảm của người Chăm trước sóng to biển lớn, thành vậy người Chăm sớm làm chủ ở ngoài biển đông. Mặt khác, người Chăm còn giữ đầu mối quan trọng trong con đường thương mại hằng hải quốc tế, cung ứng lương thực, dược thảo, hương liệu và nước ngọt cho các tàu buồn thế giới. Không biết có phải vậy không mà thuật ngữ biển Champa xuất hiện trên bản đồ hằng hải thế giới ? Trong lịch sử, người Chăm đã chinh phục được cả một vùng biển rộng, khai thác nguồn lợi thủy hải sản rất lớn chế biến thành nước mắm và cá khô để dùng trong thời gian dài.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên khi nghiên cứu về điệu trống Gineng của người Chăm, ông rất chú trọng đến điệu trống đánh cho Pô Tang Ahaok. Qua lời hát của ông Maduen về vị thần này, ông đã khám phá ra cách đánh một trống là đang mô phỏng lại hình ảnh đoàn thuyền của người Chăm xưa đang vượt biển, lướt sóng lớn trong sự hối hả và phấn khích. Ông còn nhấn mạnh thêm, đó là hình ảnh hàng hàng lớp lớp chiến thuyền to lớn của vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga đang trên hải trình hành quân tấn công vào kinh thành Thăng Long của Đại Việt. Khác với người Việt xa rừng nhạt biển, người Chăm sinh sống hài hòa với rừng và biển. Và trong các vị thần, thánh của người Chăm đang tôn kính, thờ phượng đều có lý lịch từ vùng miền núi và biển đảo.

 

5. Tôi yêu những sông trường.

Tìm hiểu về lịch sử Champa các nhà khoa học thường quan tâm đến vị vua nào đã có công trạng cho xây dựng đền tháp và dâng đồ cúng lễ cho ngôi đền thiêng hoặc chú ý nhiều đến việc lên ngôi hay thoái vị mà ít đề cập việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, công tác phát triển hệ thống thủy lợi góp phần quan trọng vào bậc nhất. Khác với các triều đại phong kiến Trung Quốc hay Việt Nam lên ngôi vương thường bằng con đường thế tập, học vấn hoặc lật đổ giai cấp, dòng họ đang thống trị để hình thành nên vương triều thuộc dòng họ khác. Lịch sử Champa đã để nhiều dấu vết về việc lên ngôi vương một cách kì lạ và huyền bí, chưa hẳn là thuộc dòng dõi vương giả mà thường có tính chất siêu nhiên. Vua Pô Klaong Girai và Pô Rame là bằng chứng rõ nhất cho giả thuyết này. Từ một tầng lớp bình dân chỉ cần qua sự mầu nhiệm đã sớm trở thành vị tân vương cho một triều đại mới được khai sinh.

Tuy nhiên, nếu dừng lại ở yếu tố huyền bí thì những vị này cũng chỉ là nhân vật trong truyện kể dân gian. Điều lạ của xứ sở Panduranga ở chỗ các bậc đế vương đều là người có tố chất, biệt tài về xây dựng hệ thống thủy lợi giúp cho việc dẫn thủy nhập điền, điều phối nguồn nước tưới tiêu quanh năm. Công trình đập Nha Trinh gắn liền với tên tuổi Pô Klaong Girai (cuối thế kỉ XIII đầu XIV) đã gây không ít ngạc nhiên cho các chuyên gia Nhật Bản khi đến khảo sát thực địa. Nước Nhật đã xây dựng đập thủy lợi Đa Nhim đền bù án phí chiến tranh Đông Dương khi thất bại ở cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Để rồi, người dân được hưởng lợi từ nguồn nước này gọi bằng cái tên Mương Nhật. Vị quốc vương cuối cùng của Panduranga được lưu danh cùng đền tháp mang tên Pô Rame gắn liền với đập thủy lợi Maren mà đến ngày này người dân còn sử dụng thành quả lao động của ông. Ngoài ra, các con đập như Banek Pabang, Katéw, Caping, Kaya, Patuw, Kasa, Rabaong Kamei, Likei, Teng Yang vẫn còn đó những thành quả của lao động mệt nhọc để dòng suối chưa bao giờ cạn dòng.

 

6. Tôi yêu bác nông phu.

Chưa vào gia đình Chăm và chưa xem diễn thoại của các cụ bô lão ở các Ndam thì có lẽ chưa hiểu hết về người nông dân Chăm. Họ đến với Ndam trên danh nghĩa Daong Yang nhưng cùng với nó là cả một môi trường giao lưu, trao đổi mà ngày thường chưa chắc đã hội ngộ được. Có ai hiểu người nông dân mới hôm qua “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” hôm nay lại bình luận vấn đề thời sự, văn chương. Với sự chất phác, họ thường mang theo một vài quyển sách để khi cần lấy ra làm minh chứng và cùng nhau thảo luận cho đến khi giờ đãi cơm mới dứt. Ngày nay, chưa có công trình nào làm sáng tỏ người Chăm đã học được chữ viết từ Ấn Độ như thế nào để ghi lại tiếng nói và lưu trữ văn hóa Chăm qua chữ viết ? Thật tế cho thấy chữ Chăm không được truyền dạy ở trường lớp chính quy phổ biến cho đại chúng  học, nhưng sự mù chữ ở người nông dân là điều hiếm thấy.

Họ sở hữu những văn bản chép tay của tổ tiên để lại và khá thoải mái khi làm thơ hay diễn ngâm Ariya. Có phải Ndam chính là cơ hội để củng cố và test về khả năng hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Chăm nên ai cũng phải tự trang bị nguồn vốn trước khi đến Ndam. Phải chăng những người đến với Ndam dường như Daong thì ít nhưng Yaong  thì nhiều. Có người Yaong nghe, Yaong nói, Yaong để thêm khôn và số khác thì Yaong qua bữa. Kì thật, sự hấp dẫn của các nghi thức Ndam  quan trọng bao nhiêu thì sự lí thú từ câu chuyện của người mang danh nghĩa đi Daong cũng thú vị không kém. Bên cạnh sự thương tiếc của gia tang cũng có tiếng cười hay lời tranh luận gây gắt từ các vị khách đi Daong.

 

7. Tôi yêu biết bao người.

Những người làm chính trị thật khéo khi tổng kết về một số đặc tính của người Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam rằng: Người Mỹ thì hễ nói sẽ làm, còn anh Trung Quốc thì không nói mà cứ làm, riêng anh Việt Nam thì hay nói một đằng làm một nẻo khó mà lường hết được. Ở đây tôi không có bàn luận về đặc tính này đúng hay sai. Nhưng thật tế đã ghi lại những hình ảnh và thước phim sống động khó có thể phủ nhận được. Nền giáo dục đại học của Việt Nam đã phát triển khá lâu dài trong lịch sử qua Quốc Tử Giám, các phương tiện truyền thông và các nhà giáo dục phô trương ra không biết bao nhiêu lời lẽ tuyên chiến với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng rồi, camera vẫn ghi lại được hình ảnh tiêu cực trong thi cử rất bình thản và tư lự. Yêu cầu của xã hội cần phải đổi mới giáo dục để lấy lại niềm tin và danh dự cho nền học thuật nước nhà đã giáy lên nhiều hồi cồng chiêng nhưng rồi nó vẫn còn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.

Đi vào ngỏ hẻm nhỏ thôi, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Thuận tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 đạt dưới 50 % (40,98%). Từ năm 2008-2010, tỉ lệ tốt nghiệp THPT không vượt hơn 60 %. Đến năm học 2012 tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Điều gì làm nên kì tích này ? Chưa bao giờ tôi thấy người người đi thi nhà nhà ăn mừng như vừa qua. Liệu những thí sinh đã vượt kì thi THPT họ sẽ phải thử thách ra sao trước cổng trường đại học. Và nếu, họ đã trở thành ông cử, bà cử  (Cử nhân) giá trị của họ có được thị trường lao động chấp nhận không ? Xót xa cho niềm vui, ai gieo vào tâm trí trẻ học đường vét đen vét úa ! Lẽ ra phải dạy cho trẻ biết hạnh phúc khi vượt qua thử thách và biết vươn lên khi té ngã. Đằng này cào bằng.

Thời đại toàn cầu hóa, hôm nay ăn cơm Tàu, ngủ nhà Tây lấy vợ Nhật là chuyện rất bình thường. Nhưng cốt sao có thể gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc khi hội nhập vào thế giới. Một thanh niên Chăm có thể qua con đường học vấn khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong lòng xã hội Việt Nam, hay rộng lớn hơn trở thành công dân toàn cầu. Nhưng rồi sau đó, anh sẽ làm gì để giới thiệu hình ảnh dân tộc đã sản sinh và nuôi dưỡng tuổi thơ anh với bạn bè chung quanh, nơi công xưởng hay công sở. Nếu tự khép kín thi đồng nghĩa với mọi cánh tay rộng mở sẽ đóng lại. Còn đi theo ư ! Thôi thì nói như cư dân Đồng bằng sông Cửu Long hãy sống chung với lũ.

 

8. Vì yêu lòng tôi đã nở như là đóa hoa.

Tình yêu là gì nếu không phải là tấm lòng bao dung, vị tha và sự hy sinh thầm lặng. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ thuộc phần ai”. Vâng, gian khổ sẽ thuộc về những con người biết và dám hy sinh. Ai sẽ nói dùm anh tiếng nói anh yêu, ai sẽ yêu dùm anh tình yêu của anh ? Không ai, không một ai cả ngoài anh thôi. Đã yêu rồi còn than thở, khóc sầu chi ve ơi cho mùa hè thêm u sầu. Nếu như người Pháp xâu chuỗi được lịch sử Champa và giá trị nền nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc thì chính người Chăm đang làm sống lại những giá trị của nền văn minh Champa. Trong một năm có biết bao lễ hội nối tiếp nhau diễn tiến, và tại đó, người ta sẽ phô ra tất cả những loại hình nghệ thuật dâng cho thần yang đổi lại yang sẽ chứng giám cho lòng thành và ban những điều tốt đẹp đến mọi nhà. Khác với tộc người khác chú trọng về mặt lễ vật dâng cúng, với người Chăm dường như chú trọng nhiều vào nghi thức hành lễ sao cho thật trân trọng và dựa trên giáo lý, quy ước chặt chẽ. Vậy, sao cứ phải khen tổ tiên khéo bày biện ra nhiều nghi thức thế ? Đúng vậy, một hành trình của con người đi qua biết bao nhiêu thử thách, nay phải diễn tả, hồi cố lại thành một hệ thống vòng đời có tính chất biểu trưng thì có lẽ chẳng thể làm qua loa được. Nếu vậy thì, cứ như túi khôn ông bà ta truyền dạy xưa làm sao nay cứ thế mà làm theo. Tôn giáo do con người sinh ra chứ tôn giáo không sinh ra con người. Suy rộng ra, mọi thần thánh đều do con người sáng tạo. Cho nên, hãy cứ yêu đi đời sẽ cho ta mật ngọt trần gian./.

 

* Bị chú: Tên tựa đề và các tiểu mục là trich từ lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.

 

 

5 thoughts on “Jaya Bahasa: Tôi yêu tiếng nước tôi

  1. Trước tiên Kaka cảm ơn bài viết của anh Bahasa. Nếu anh nói tôi yêu tiếng mẹ đẻ và anh diễn giải như thế, theo kaka có đọc qua một số văn bản của bác Kaka 2 năm nay, trong văn bản có 2 tiếng, một là Chăm cổ, hai là tiếng latin, trong sách này viết một số vua Champa cũng qua học và truyền đạo từ Hy Lạp – La Mã, còn trong văn bản bằng Hán văn thì viết Champa có một số người Champa cũng được đào tào từ trường lớp của họ. Thế tại sao anh lại viết chỉ có Ấn Độ thì Champa mới ảnh hưởng về mặt chữ nghĩa, văn hóa…
    Vấn đề thứ hai: hai cô Tuyết và Mận chỉ học qua lớp tiếng Chăm của BBSSCC của tỉnh Ninh Thuận, có vài chỗ “chưa chuẩn” (lời các bô lão trong làng Hữu Đức). chữ Chăm được người Chăm tôn trọng, kaka còn biết trước kia nếu ai biết và viết được chữ Chăm thì nói là giỏi và có học thức.
    vấn đề thứ ba: tại sao lại không có đường biên văn hóa giữa Chăm – Thiên Trúc (Trung Hoa, Trung Quốc) ?
    Nếu anh nói sao các nhà nghiên cứu không đề cập đến “nông nghiệp” của Chăm, thì tài liệu nào đã chứng minh, theo kaka nghĩ có nhưng bị thiêu hủy đi, mới đây thì có sách “Lễ nghi nông nghiệp” có đề cập.
    Tiếng mẹ đẻ nên coi trọng và giữ gìn, thế hệ trẻ hôm nay đã đánh mất một cách vô trách nhiệm, không ý thức được: rất đau lòng khi thanh niên Chăm nói học chữ Chăm có lợi ích cho mày không ? nó có giúp mày kiếm được tiền không ? Mong thời gian gần Chăm mình xóa được mù chữ.

  2. Theo tôi đây là bút kí hay, đọc thú vị. Và ích lợi.
    Kaka chớ nên phê bình mấy cô giáo mà chỉ mới nghe nói. Mấy bô lão có chưa chắc đúng. Hai cô giáo này cũng không có mặt ở đây để biện luận cho mình. Bạn xem lại.

  3. Chào Jabeh không phải kaka phê bình cô giáo giỏi hay không giỏi, hai cô giáo này quá quen thuộc với kaka, vấn đề là trao đổi về tiếng Chăm. Theo kaka đoạn văn của anh Bahasa không phải bút kí, hay hay là dở, tác giả khơi gợi cho độc giả biết và trao đổi, không phải xem lại hay không xem lại, tránh đụng chạm “văn phong”. Bạn Jabeh đừng xài chữ mấy cô giáo (không ổn). Thế là bạn nhầm to sao các bô lão không đúng hay đúng, bạn biện minh xem.
    kaka xem độc giả hay tác giả lí giải chứ không có phê bình ở đây.
    Mến.

  4. Đây là một bài viết hay, thiên về tình cảm, tình yêu với tiếng mẹ đẻ, dân tộc không phải một tiểu luận khoa học nên mình thấy cũng không nên tranh luận chi li về nghiên cứu.

  5. Bất cứ ai trên đời, yêu quê hương, tiếng nói…của dân tộc mình cũng đều rất đáng quý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *