Ghi chép tháng 2-2012: Chế Mỹ Lan về Việt Nam, Jaka và Paxeh Lược đi Ấn Độ

* Halang bớt quậy đi nào, cho bác nói chuyện với mẹ… – Photo Jaya.

1. Tối  28-2-2012, Jaka và Paxeh Lược đi Ấn Độ.

18 giờ, Jaya và Jakha đưa tiễn hai người ra sân bay.

Vào đầu thế kỉ thứ V, Gangaraja con Phạm Hồ Đật đang trị vì vương quốc Champa đột ngột quyết định nhường ngôi cho cháu để sang Ấn Độ. Ở thời điểm đó, nếu ngài được xem là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng, thì cuộc này có lẽ là chuyến hành hương đầu tiên của “chức sắc” Chăm Bà-la-môn hiện đại về miền đất thánh, nơi con sông Hằng huyền ẩn chảy trong tâm linh dân tộc suốt mấy ngàn năm.

Ba tháng trước, vợ chồng người Ấn (chồng Ấn vợ Thụy Điển) ghé nhà tôi có gợi ý.

Cả chuyện mời tôi qua Ấn, để ông từ Thụy Điển sang, gặp nhau cho tiện đường nữa. Tôi bảo có gì hãy nói với Jaka – thuộc thế hệ tương lai của cộng đồng Chăm. Inrasara thì tùy hứng, và không quan trọng lắm. Có tin, Jaka nhắn cei giúp. Tôi phone đến yut Jaya Hamu Tanran và Trà Vigia.

Paxeh Lược dân Padra, trẻ trung, twah người và khiêm cung. Dù chuyến đi mang tính khởi động, tôi hi vọng họ mang được điều gì đó tốt lành, nên đã ngồi với vị chức sắc trẻ này nguyên một buổi để đàm đạo.

 

Tôi phone mời Chế Linh qua nhà gọi là động viên tinh thần chuyến xuất dương “tâm linh” đầu tiên trong đời của vị chức sắc của cộng đồng. Anh bảo bận. Chế Linh về Việt Nam kì này tôi không được tin trước. Bất ngờ tuần trước đó, anh điện cho tôi. Từ Hà Nội:

– Trạm có đó không? Anh đang Hà Nội đây. Thứ Ba anh vào Sài Gòn. Sáng thứ Sáu em chuẩn bị cùng anh về Ninh Thuận gặp Tỉnh bàn chuyện Đền Po Nưgar nhé. Anh sẽ cho xe đón em.

– Dạ, được.

Tôi dân tự do, dù lúc nào cũng ối việc, nhưng ông anh đã hú gọi, mình phải hú đáp lại mới phải phép. Tôi cấp tập viết thêm mấy bài trả nợ đời, thu xếp hành trang… Thứ Ba, thứ Tư, mãi chiều thứ Năm vẫn bặt tăm. Tôi nhắn tin: Anh đâu rồi, Sara đang chờ đây. Mãi 5 giờ hơn anh mới phone tới. Từ Phan Rang:

– Anh ở Tỉnh rồi đây, đang chuẩn bị tiếp chủ tịch….

– Dạ, anh siam mưkrư nhé… – Tôi nói.

Mèng! Năm ngoái, anh hẹn. Giữa trưa nắng, tôi đèo Hani sang khách sạn nơi anh ở tại quận Bình Thạnh. Phòng vắng hoe, cô tiếp viên nhoẻn cái cười dọn sẵn bảo anh chị ca sĩ vừa ra ngoài. Điện thoại cho anh cả 2 con số: lặng ngắt! Chờ cả tiếng đồng hồ: chả thấy tăm hơi ca sĩ họ Chế đâu mô! Tôi đành đền bà xã bằng bữa cơm chay rất oách ở quận Một.

Cảm thông thôi, chứ làm gì ông anh mình bây giờ…

* Paxeh Lược đang tư thế xuất dương – Photo Jaya.

2. Gọi Chế Linh xong, tôi phone cho Chế Mỹ Lan ghé nhà cơm trưa với cei Paxeh luôn thể.

– Em đang chuẩn bị qua anh đây…

– Hay quá, sớm em nhé.

OK. Chế Mỹ Lan về Việt Nam kì này tôi không biết. Biết, nhưng không rõ ngày giờ. Tôi đang Tây Ninh, em về tới Sài Gòn. Jaya nói cho CML hay: – Cei đang miền Tây. Ba hôm sau, CMLan phone mời tôi gặp, cùng vài Chăm ở thành phố nữa, tôi bảo:

– Em về quê đi. Khi nào thật rỗi thì cho anh biết, anh em gặp nhau tán chuyện…

Rồi em đi biền biệt luôn. Hôm nay mới ghé nhà tôi, thêm Halang liên tục “quậy” nên anh em cũng chẳng nói gì nhiều. Sáng mai bay về Mỹ, em hẹn chiều 5 giờ qua khu Văn Thánh em mời cơm: – Chỉ có anh Thành Phần với anh Hẳn nữa thôi, – Lan nói thòng vậy, bởi em biết tôi rất ngán anh em Chăm gặp nhau. Tôi ậm ừ, cuối cùng hôm sau tôi nhắn tin:

– Em vui nhé, anh không qua được.

 

Tuần trước yut Cẩn cũng mời chiều cuối cùng bạn về Mỹ, tôi đùn Jaka qua, tôi thì không. Tôi hiểu anh em và bà con phiền, nhưng chịu. Tính tôi trời sinh ra đã thế, từ nhỏ. Với Chăm cũng như với Việt, hay dân tộc nào khác. Với bà con hay với giới trí thức, văn nhân cũng vậy. Chỉ khi nào thật thoải mái và thật hứng thú tôi mới đi, chứ không vì cái gì cả. Tôi biết, rất bất lịch sự, nhưng chịu. Tôi sợ họp, nên tôi không thể chui vào bất kì cơ quan nào, không thể ngồi ỳ đó để bọn ngốc huyên thuyên cái này cái nọ vào lỗ tai. Có vị gợi ý tôi làm quan hơi to, tôi nói:

– OK, nhưng ở đó có bị họp không…

Bao nhiêu lần rồi tôi đã chịu đựng nhân loại, tôi không thể nữa. “Lòng nhân của tôi là sự chịu đựng của tôi đối với loài người” – Nietzsche nói thế!

Nhớ năm xưa, hội thảo về thơ đương đại tại Đại học nọ. Họ mời tôi chủ trì. Chủ trì, nhưng chỉ được giao 50% quyền hành. Một nhà phê bình nổi tiếng từ ngoại quốc về – là cái đinh của Hội thảo – đọc tham luận trước tiên. Dài và lạc đề, tôi cho qua. Giữa buổi, tôi mời ông phát biểu lần hai, nhắn: – Anh tập trung vào chủ đề. Ông lại tiếp tục lạc đề, tôi miễn cưỡng nhắc vở. Sau đó, giảng viên tổ chức trách tôi: – Đó là khách mời đặc biệt, anh Inrasara à. Tôi im lặng. Đến buổi tiệc trưa, chị lặp lại ra mòi ức lắm, tôi mới nói:

– Nhà phê bình này nói mà không biết ông ta đang nói cái gì, lạc đề là phải rồi. Chị thấy đó, bà con bỏ ra làm Hội trường trống đến phân nửa. Mà đúng ông ta có quá lạc đề không? Phải dám làm mất lòng ông ta để được lòng số còn lại chứ…

Vị giảng viên không thể cãi lại, nhưng vẫn áy náy với vị khách mời đầy long trọng kia.

 

Từ nhỏ, tôi đã rất ngán đụng đầu với tình trạng như thế. Ngày càng ngán hơn. Tôi từ chối vài hội nghị văn học, là thế. Vừa bỏ qua Festival Thơ Thế giới, từ chối Festival thơ châu Á,… chứ không riêng bà con Chăm.  Với Chăm, tôi túm tụ thoải mái cùng Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Báo Mang Xoài mà không hề hấn gì cả. Không ai bàn chuyện xã hội ở đó. Nếu có cũng vui vẻ. “Tập thể” là vậy. Còn lại, tốt nhất là song thoại – hai người. Tôi với đối tượng nào bất kì ở đâu bất cứ, tôi khoái hoạt. Thêm vài người là xảy ra chuyện ham nói. Mạnh ai nấy lo nổ và xù lông…

 

3. Bài viết trên BBC gây xôn xao dư luận. Sau Tết, nổi hứng viết hơn mươi bài báo, đăng liên tục các nơi. Viết báo, chứ không rặn được một sáng tạo nào ra hồn cả. Chán ơi là chán. Thế là đi nghe nhà văn Nhật Bản Ono nói chuyện để tìm hứng. Thèm dong về quê đóng cửa viết tiểu thuyết quá trời. Nhưng ông ta nói tiếp: cần giữ khoảng cách với “hiện trường”. Đúng! Nhà văn này còn trẻ mà già dặn lạ.

Các cuốn tiểu thuyết đang kêu réo mà tôi cứ viết báo, đó chính là bế tắc sáng tạo tệ hại nhất mà tôi biết.

 

4. Jaya cứu hai bạn thừa sống thiếu chết. Tánh nó thế, mấy lần cứu bạn rồi mắc nạn…

Bọn trẻ rủ nhau tắm bãi biển hoang ở Ninh Thuận. Jaya cảnh giác, nhưng hai bạn ỷ y cứ bơi ra xa. Cuối cùng là… đuối. Jaya cứu từng đứa một lên được bờ, nhưng chính nó bị sóng dữ cuốn ngược trở lại khi đã đuối sức, thiếu tơ tóc là đi đời nhà ma. May đám bạn trên bờ nghe nó kêu, chạy lại vớt được. Út Jakha hồi nhỏ suýt đuối nơi cống đen cạnh nhà ở Tân Phú, Sài Gòn. Rồi lên Tiểu học, lần nữa bị Hầm Mỹ, Caklaing hỏi thăm sức khỏe…

May trời phật còn thương nhà mình…

 

5. Gặp các bạn văn nghệ ở các huyện vùng ven – xôm. Lần nữa, lỡ hẹn với bạn thơ nữ CD ở Bình Dương, ẹ thiệt. Nói với K mình về quê, cũng bị hố, đành đền bữa trưa món Huế với nàng, nhớ đời. Các bạn Quỳnh, Minh Đan, Mai Khoa ghé nhà, tán thơ – vui. Chị Muốn nặng chuyển vào Chợ Rẫy mổ tim, tốn đến trăm triệu – tội.

Nhà thơ TTP mời cà phê nói: Sara có đôi mắt cực sáng… Anh đúng, có lẽ. Nhưng khi anh “mở sách” ra nghề phán như đinh đóng rằng tháng 12 Sara sẽ bán được đất thì rất… trật.

 

Sài Gòn, 2-3-2012

9 thoughts on “Ghi chép tháng 2-2012: Chế Mỹ Lan về Việt Nam, Jaka và Paxeh Lược đi Ấn Độ

  1. Ôi, bé Halang xinh ơi là xinh, dễ thương quá đi mất…
    Chúc anh Sara “đủ cô đơn” để sáng tạo.

  2. Ông Inrasara cao ngạo hôm nay bị tính hứa lèo của ca sĩ Chế Linh chơi một vố, rất… đáng!
    Lần đâu tiên chứng kiến ông Inrasara bị hố, vui chứ lị!
    Nói đi thì có nói lại: đồng ý với ông về vụ họp hành. Nhà thơ cộng sản Mai-a-côp-ski gọi chính các đồng chí mình là những kẻ loạn họp.

  3. Chuyện Jaya tôi biết và rất cảm kích tinh thần dũng cảm của bạn. Nhưng em cũng phải rất bình tĩnh và rất chuẩn nhé, tôi có nghe vừa qua có người cứu bạn rồi chết cả hai đó.
    Em ngó bộ khỏe đó, nhưng không nên ý lại…
    Hoan hô em. Cũng khen các hình chụp rất đẹp của em…

  4. Chú Sara kể chuyện tưng tửng vậy mà hấp dẫn, kể giọng gần như vô cảm mà có sức hấp dẫn kì lạ.
    Chú chấm phá vài nét mà nói được điều cần nói, đó mới tài tình.
    Cháu thấy vấn đề gặp mặt cũng không vấn đề gì to tát cả. Có người thích họp, có người không thích. Có người họp để làm việc có người không họp để làm việc, không trách cứ nhau là được…
    Cầu cho mọi người tốt đẹp với nhau

  5. Cái ông Sara ngó bộ vậy mà khôn.
    Chả cứ thong dong trên cái đời chó đẻ này. Con cái chả thằng lớn đi Ấn, thằng giữa thì vừa cứu 2 mạng người, thằng út hổng biết sao chắc cũng ngon. Vậy là cha đời rồi còn than cái nỗi! Thêm đứa cháu xinh xẻo để ẵm mà rung đùi cười nhe hai hàng răng.
    Chả khoe chả trốn họp hành gì đó, mà chả đi dữ ta.
    Ca sĩ Chế Linh hứa lèo thì nhằm nhò gì ba lẻ tẻ. Chả lại tiếp tục đi mấy tỉnh tán thơ thẩn với mấy cô xinh tươi hơn hớn. Sao kì này chả hổng đưa ảnh lên cho tui dòm cái. Giấu bài sao ấy.
    Làm lớn chi để thiên hạ lôi đầu ra chưởi cho thối. Chui đầu vào cơ quan nhà nước nhà non làm gì để hết bị kiểm điểm đến phê với tự phê cho khốn cái thân xác.
    Chả vậy mà khôn đáo để, sướng bằng tiên còn gì…

  6. Cho tui nói thêm: Lứa nhà văn cỡ 5X như ông Sara thì sụm bà chè hết trơn trọi rồi. Hết ông này chơi tuyển tập đến bà kia chuẩn bị viết hồi ký tới nơi. Vậy mà chả còn có hứng viết tiểu thuyết phải là ngon! Rét!!!

  7. Ca sỹ Chế Linh về quê nhà gọi mãi không có ai bắt máy nên không gặp được lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, lại có việc gấp nên phải đi Đà Lạt, chắc là ca sỹ hẹn lại lần sau.

  8. nhìn bề ngoài anh Sara bao giờ cũng có vẻ “theo phe” ca sĩ Chế Linh, ca sĩ về Việt Nam thế nào anh cũng viết báo giới thiệu, đến nỗi có người còn cho ca sĩ về được một phần cũng nhờ anh (nếu sai anh đính chính hộ).
    nhưng phải nói anh bản lĩnh: năm trước ca sĩ viết tâm thư mời anh dự bàn tròn để trí thức Chăm hàn gắn, anh viết thư từ chối ngay (có đăng trên blog này). tôi nhớ anh nói: “Sara không góp phần vào sự mất đoàn kết này, nên không bổn phận hàn gắn”, rất thẳng thắn.
    phải nói rằng như vậy đâu phải là bênh, mà là biết cách giúp nhau trong phạm vi của mình.

  9. Bác Inra ghi chép thật như trên có làm mếch lòng đàn anh không nhỉ? Rồi còn có người còm là ca sĩ Chế Linh hứa lèo nữa. Ca sĩ giận đó. Sự thật mất lòng bác ơi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *