Võ Thị Hạnh Thủy: Inrasara – Tận hiến và vô danh

Trích đoạn: Thế giới nghệ thuật thơ Inrasara, Luận văn Thạc sĩ – Chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại – 2008.

 

* Võ Thị Hạnh Thủy tại Không gian Văn hóa Chăm – Hà Nội 2010.

 

Nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ ở một mình. Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ mang đầy hoa trái (Kinh Phúc âm)

Đó là hai câu Phúc âm ám ảnh Inrasara trong một buổi chiều cuối thu mưa phùn, giá rét Hà Nội khi lòng anh đang “rỗng” để cho những nghiệm sinh tràn về/ thức dậy : “Những con người bình thường đến tầm thường, những con người làm việc cật lực trong nỗi vô danh của hạt thóc vãi rơi sau vụ gặt thịnh mùa, chịu ở lại với đám ruộng bỏ giá suốt những tháng hạn, với nắng gió, chim chóc… để bật lên cây lúa chắc nịch sau những ngày mưa đầu năm; những con người chịu nở trọn lòng mình trong bóng tối… luôn cuốn hút tâm hồn tôi một cách kì lạ… Chúng ta đến, chúng ta đi, và chúng ta bị quên lãng. Có thể những tên tuổi này cũng sớm bị lãng quên trong kí ức mọi người, như họ mong được thế. Như hạt giống chỉ muốn mình bị lãng quên để có được cây lúa xanh tươi trổ bông chĩu gié cho đời người và cho mùa sau”. (Tiểu luận “Nếu hạt lúa không chết đi…”/ Văn hoá – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại).

Và người viết, ám ảnh nỗi ám ảnh của anh.

Vì sao hai câu Phúc âm ấy ám ảnh Inrasara?

Có thể ví thế này chăng? Giống như sóng, sẵn có nước hồ, gặp gió thổi tới, sóng lăn. Câu Phúc Âm bao trọn một nhân sinh quan tốt đẹp ấy chỉ có thể làm xúc động, ám ảnh Inrasara chỉ khi trong anh cũng chứa mầm hạt giống ấy. Sâu xa hơn, lay động thẳm sâu hơn, khi tinh thần của câu Phúc âm kia gần gũi/ tồn chứa trong chiều sâu văn hoá Chăm – thứ tinh chất mà anh hút nhụy: Ấy là tận hiến và vô danh.

Chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng Ấn, Chăm, gần như không có sử. Con người, địa danh, những sự kiện lịch sử hoá thân/ tồn tại theo phương thức huyền thoại trong lòng đồng tộc. Những công trình kiến trúc chùa tháp Chăm vô danh, cô độc, kiêu hãnh giữa vũ trụ nhân gian, những nghệ nhân Chăm không tuổi tên, vô danh cùng trời đất. Nhưng là sự vô danh để cho sáng tạo hiện tồn/ trường tồn:

Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt

hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình

thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật

hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.

(“Ngụ ngôn viết cho mình”, Hành hương em)

Trong văn học Chăm, hầu như tất cả các tác phẩm đều vô danh hoặc khuyết danh, dù có không ít sáng tác đậm phong cách cá nhân. Đây là một hiện tượng lạ. Đọc các bản chép tay Chăm, điều ít người chú ý: tên tuổi người chép được ghi rất trang trọng, trong khi tác giả nó luôn bị bỏ qua. Hơp Ai là tác giả Ariya Ppo Parơng nhưng hiếm khi chịu ghi tên ông vào bản chép tay khi chép tác phẩm ông. Vô danh, được vô danh là tư tưởng rất quan trọng trong nhân sinh quan Chăm. J. Krishnamuti – Sư tổ Thông thiên học, hậu duệ sáng danh nhất của Bà-la-môn giáo đã phân tích thâm hậu tinh thần đồng hoá của con người ở tầng sâu vô thức. Cảm thức của triết học tâm linh Ấn: Con người khi biết mình không là gì cả, đã hãi sợ và chạy tìm bấu víu. (E. Fomm gọi là “chạy trốn tự do”). Đồng hoá với một học vị (tiến sĩ chẳng hạn), tước vị (tôn nữ), danh vị (nhà thơ, học giả), tự đồng hoá với một thần tượng, một quốc gia, một tổ chức (là cán bộ của cơ quan A, cơ quan B…) hay nhỏ hơn – một gia đình (sinh trong một gia đình trí thức), hoặc thậm chí, một thói tật. Bấu víu lấy nó, đồng hoá với nó, con người được là cái gì đó. Trong khi ở sâu thẳm tâm hồn họ không là cái gì cả. Chính sự sợ hãi căn nguyên (xao xuyến: angoisse) đã buộc con người chạy trốn như thế.

Vô danh, với Inrasara bắt nguồn từ những nghiền ngẫm của anh về lẽ đời, về hữu hạn và hư vô, về nỗi vô thường của con người, từ việc thấu hiểu định phận mong manh của con người, thấu nhận rõ cái đích hiện sinh, ý nghĩa hiện sinh của mỗi cá thể người:

Cái đích cuối cùng của cuộc hiện sinh không là gì cả

Nhưng lẽ nào chúng ta sống không làm gì cả

Để cho cuộc đời chúng ta không ra gì cả…

 

Người đời chọn: cái sướng, niềm vui

Nhưng chính vết thương, nỗi đau

Đã nâng chúng ta bay cao, khôn lớn

 

Là già cỗi

Khi trái tim đã khép kín

Khi linh hồn chưa tuôn trào

Khi hoài vọng hết bay cao

Khi đôi chân mãi kéo lê trong đầm lầy kí ức

 

Hãy sống như một bùng vỡ

Một bùng vỡ không cần đến tiếng động ồn ào.

(“Đoản thi thứ nhất dành cho con”, Sinh nhật cây xương rồng)

 

Cũng có thể lý giải vô danh bắt nguồn từ quan niệm vòng đời của Chăm. Chăm vẫn quan niệm, cõi trần là cõi tạm. Điều này, được phản ánh qua nhiều nghi lễ vòng đời Chăm, bài hát tang ca Dauh đam mưtai là một minh chứng: Sống trên đời là tạm bợ/ Coi như đi buôn bán về tinh thần/ Trời cho sống thử thách xem ai gian, ai ngay/ Sinh ra trần truồng hai bàn tay không/ Chết đi hai bàn tay trắng/ Sống có đức thì lên thiên đàng/ Sống không có đức thì xuống địa ngục… Cuộc đời là cõi tạm, nên con người nhẹ nhõm thênh thang trên cõi đời. Con người vô danh trên cõi đất. Đây chính là vẻ đẹp tâm hồn Chăm, giá trị thực của Chăm được đứa con Chăm nâng niu, thấu cảm:

Người Champa đã đến đất này

đào mương trồng lúa

đốt rừng làm rẫy

yêu nhau

sinh con đẻ cái

làm thơ rồi ra đi

gởi Mĩ Sơn ở lại

(“Những dấu chân ơn nghĩa”, Lễ Tẩy trần tháng Tư)

 

Tự hào, biết ơn truyền thống vô danh của dân tộc, Inrasara lặng lẽ uống nguồn dưỡng chất ông cha để lớn dậy. Nhưng, kẻ tận hiến trong Inrasara còn bắt nguồn từ một tình yêu và niềm kiêu hãnh, từ ý thức mình là đứa con Chăm:

Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay cháu đích tôn quốc vương Brunei

con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc

con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc

(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)

khi con cắm rễ nơi đây

hay khi con lang bạt tận cùng trời

con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.

 (Lễ Tẩy trần tháng Tư)

 

Từ ý thức mình là đứa con Chăm, từ niềm kiêu hãnh về dòng máu Chăm chảy trong cơ thể mình, Inrasara đi đến khẳng định một trách nhiệm thẳm sâu:

…Để nuôi ta, ta rút tinh chất từ cha ông

Thì phải cất cho đời sau dòng nhựa.

(Trường ca “Quê hương”, Tháp nắng)

Nhẹ nhàng mà sâu lắng, Inrasara gửi đến người đọc một tư tưởng/ ứng xử nhân sinh cao đẹp. Từ đây, anh lặng lẽ tận hiến cho quê hương:

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm/ có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?/ nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó/ dù chỉ dăm ba người/ dù chỉ còn một người/ hay ngay cả chẳng còn ai!/ Một câu tục ngữ – một dòng ca dao/ nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ/ tôi tìm và nhặt/ như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ (những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)/ để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở/ lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế! (“Ngụ ngôn của đất”, Tháp nắng)

Hơn ai hết, Inrasara ý thức được giá trị của những “dưỡng chất cha ông”, giá trị của trí tuệ, tâm hồn và tình cảm cha ông gửi gắm trong những dưỡng chất ấy, và anh thấu hiểu, những dưỡng chất ấy, chỉ dưỡng chất của cha ông mới có thể nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa con Chăm hôm nay. Chỉ mạch nguồn trí tuệ, tâm hồn tình yêu của cha ông mới đủ sức chở che những đứa con Chăm thoát khỏi nỗi gió mưa/ vấp ngã cuộc đời. Như vậy, sự tận hiến của Inrasara còn bắt nguồn từ chính tình yêu/ nỗi lo cuộc sống/ những mảnh đời Chăm hôm nay. Anh là người mang niềm vui trong trẻo của trẻ nhỏ, vô danh bắc nhịp cầu nối quá khứ/ truyền thống cha ông vào hiện tại đời, nối những phận đời Chăm quê anh vào cùng sống trong ngôi nhà đồng tộc bình yên. Anh như hoa xương rồng trên đồi cát cháy Phan Rang, giấu nỗi buồn phận, mang nỗi vất vả nhọc nhằn sa mạc để sẵn lòng cháy sáng cho quê hương:

Giấu buồn ngày qua vào đáy mắt

Mang vất vả hôm nay

Không chỉ một lần

Hoa xương rồng đồi trưa sẵn lòng cháy sáng

                       (“Anh”, Lễ Tẩy trần tháng Tư)

Anh như ngọn tháp Chàm “… làm việc trong vô danh, cày xới trên đám ruộng bỏ hoang vô chủ/ không hy vọng cơn mưa rào bất chợt/ bất kể nắng, gió, bão, chớp giật, lũ quét/ bất kể áp thấp, mắc cạn, tắc đường/ (mùa màng có thể trắng tay)/ Cho buổi tiệc mai đạm bạc/ (“Sầu ca trên đỉnh tháp”, Lễ Tẩy trần tháng Tư)

Vô danh và tận hiến đem đến cho anh niềm tin vẹn nguyên, trong trẻo:

Sẽ bật lên

tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng

hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực

sẽ bật lên

hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất

sau trận mưa tháng năm

rì rào cho đời khúc hát xanh.

(“Ngụ ngôn viết cho mình”, Hành hương em)

 

Từ ý thức tận hiến này mà tha hương, với Inrasara mới được khám phá ở bình diện mới mẻ, tha hương như là trách nhiệm, tha hương là để tận hiến với quê hương:

Ngày mai

còn ai tha hương bụi bặm

để mùa vàng trở về

lần nữa tôi xưa?

(“Sông Lu và tôi”, Hành hương em)

Inrasara như con sông Lu kiêu hãnh cô đơn chảy trôi ra biển rộng để mang chở về nguồn những hạt giống phù sa. Anh là Kẻ canh đêm ẩn sâu mình vào bóng tối để có thể nghe thấy tiếng nói của những đêm thiêng, tiếng nói của những bản thể cô đơn bị bị lãng quên trong bóng tối ngàn vạn năm, anh như cây xương rồng sẵn sàng cháy sáng giữa đồi cát Phan Rang khô khát…

Vui sướng được cày vỡ trên cánh đồng đêm tối phủ tràn

kẻ canh giữ phế tích văn minh một thời đã tắt

đám mây lãng tử đôi khi làm nặng hạt

lên đống gạch chỏng chơ.

 

Vui sướng với dư âm tù và đôi khi dội từ thẳm xa

qua tầng tầng trầm tích cỏ cây, trùng trùng cơn giận dữ hay dịu mềm sóng biển

lặng lẽ đậu trên lưỡi cày lấm lem kiên nhẫn.

Không canh giữ cho ai

chạm mặt hư vô qua từng hơi thở mảnh.

 

Vui sướng thổi tắt nến bất chợt mọc trong hồn

ngọn nến chỉ đủ sức nhập nhoạng lối mòn

lối mòn xộc vào trái tim ngồi mơ nhà yên ấm.

 

Vui sướng với hơi thơ bần hàn quyết thắp lên đêm sáng

không thắp lên vì đâu

bày ra cánh đồng nhẹ tênh sau vụ mùa ban tặng

bày ra lát đất vỡ phơi dưới sâu nặng bàn chân.

 

Rất xa rất dài lâu dẫu bóng tối vĩnh cữu phủ tràn

vui sướng được là hơi thở cho hạt mầm làm huyền nhiệm

(“Hoan ca giữa lòng cuộc đời II”,  Lễ Tẩy trần tháng Tư)

Dường như với Inrasara, tận hiến là hoan ca giữa lòng cuộc đời.

Tận hiến, ở một góc nhìn nào đó rất gần với tư tưởng Nho gia. Con người Nho gia sinh ra dấn thân lập danh, lập nghiệp, tận hiến cứu đời nhưng cũng là để lập thân, để khẳng định Tài – Tâm – Chí, để thân mình không bao giờ vô danh trong vũ trụ đất trời, trong lòng người. Nguyễn Công Trứ – đại biểu của Tư tưởng Nho gia trong khát vọng lập thân, lập danh trăn trở: Mà chữ danh liền với chữ thân/ Thân đã có ắt danh âu phải có… Hay: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông; Rồi: Không công danh thà nát với cỏ cây.

Ngược lại, với Chăm, con người trong tuyệt đỉnh tận hiến là được vô danh cùng với cỏ cây, vũ trụ:

Kazik

Lặn sâu vào đại đồng nỗi Chết

Đánh giặc với màu đêm

Vỡ lớp bụi ngày, tháng và năm

Cho lộ thiên Quá khứ.

 

Đánh thức Hội An, dựng dậy Mĩ Sơn

Sống lại một trời lẫm liệt.

 

Kazik

Lẩn vào miền Vô Danh

Ngày mai người về Nguồn

Bất chợt

Cảm nhận giữa đất đá cỏ cây

Kazik

(“Kazik”, Sinh nhật cây xương rồng)

Kazik – kiến trúc sư Ba Lan, người đã từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở quê nhà, chịu nằm gai nếm mật cùng Mỹ Sơn. Ông từng thoát chết khi đi cùng đội rà phá bom mìn còn sót lại, đã từng ăn ngủ cùng Mỹ Sơn trong những năm 1980 khi đất nước còn nhiều cơ cực để mong đánh thức Mỹ Sơn, tìm trả lại giá trị cho Mỹ Sơn. Và cuối cùng, công lao của ông đã được đền đáp, năm 1999 Mỹ Sơn đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới. Và trong cái nhìn tri ơn của đứa con Chăm, Kazik đã về Miền Vô danh, Kazik đã thực sự trở thành máu thịt của dân tộc Chăm.

Nếu như văn hoá, văn học Việt chúng ta chủ yếu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, tận hiến lập danh thì tư tưởng tận hiến vô danh của Chăm góp phần làm phong phú bản sắc văn học dân tộc. Với nhiều người đọc, tận hiến vô danh là một bình diện nhân sinh quan mới mẻ, đáng để nghiền ngẫm, suy tư.

Và như vậy, Inrasara qua thơ mình đã tải chở/ làm hiện thể lên chiều sâu văn hoá Chăm. Hơn thế, anh đã mở rộng chiều kích văn hoá ấy bằng tình yêu tha thiết của mình đối với quê hương. Anh đã làm được điều anh nói: “Văn hoá Chăm không phải là xác thối để diều bâu quạ rỉa… tôi ngụp lặn trong văn hoá Chăm, lớn dậy và làm giàu có cho nền văn hoá mình”.

Nếu diện mạo của thế giới nghệ thuật chính là bức chân dung tinh thần của người nghệ sỹ thì chân dung tinh thần của Inrasara được vẽ đậm nét qua ba phương diện cơ bản: Một đứa con của tâm thức Chăm; Một đỉnh thẳm cô đơn – tự tại của cư sỹ Bà-la-môn; Một đứa con Chăm tiếp nối truyền thống cha ông tận hiến vô danh cho quê hương. Cả ba phương diện đó đan bện vào nhau, làm hiện thể nhau mà lõi của nó chính tình yêu quê hương Chăm, sự thấu hiểu văn hoá Chăm, sự thấu nhận định phận người mong manh của Inrasara. Đó chính là cuộc hạnh ngộ của tình yêu – văn hoá – tư tưởng trên bước đường Inrasara hành hương tìm quê hương tâm linh của mình.

 

3 thoughts on “Võ Thị Hạnh Thủy: Inrasara – Tận hiến và vô danh

  1. Cảm ơn Võ Thị Hạnh Thủy đã diễn giải hết cái Đẹp của tinh thần văn hóa Chăm và chiều sâu tư tưởng nhà thơ Inrasara.

    Bài viết của bạn rất xuất sắc, mình rất xúc động và xin gởi lời cảm ơn bạn.

  2. World Poetrry Festival là sự kiện thơ lớn, dám từ chối nó là bản lĩnh.
    Tôi biết có không ít nhà thơ VN đi nước ngoài không biết làm gì. Đi rồi về thôi.
    Nhà thơ Inrasara bản lĩnh như vậy để chuẩn bị kĩ lưỡng hơn:
    – Có tập thơ tuyển tiếng Anh (tập trước song ngữ năm 2005 nghe nói đã hết) để giới thiệu thơ mình.
    – Văn minh Champa và Ấn Độ có liên quan mật thiết, chuẩn bị tác phẩm về văn hóa Champa bằng tiếng Anh là rất có lí.
    Anh đã kể như thế trong “Ghi chép” mới nhất.

    Hồi đi nhận giải ASEAN 2005, khi về anh làm chuyên đề về văn học Đông NAM Á trên tạp chí Tia Sáng, có nhà phê bình bảo trước anh Sara chưa có nhà văn nào ở ĐNA làm được như thế.

    Tính toán vậy là hay. Thông minh!
    Huệ Thi

  3. Khen thơ anh Inrasara khác gì khen phò mã tốt áo!
    Huệ Thi làm công việc hơi thừa. Thơ anh thay đổi hệ mĩ học sáng tác qua mỗi tập. Đó là điều đáng nói hơn cả ở Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *