Nghĩ gì? – 02. Sáng tạo và khoa bảng, các nghịch lí

 

* Bé Chăm nghĩ gì? – Photo Inrajaya.

1. Thống kê cho biết hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 là 945 người (Hà Nội: 458, TP Hồ Chí Minh: 160), còn giới khoa bảng, tính riêng Hà Nội, năm 2010, tiến sĩ lên tới con số 10.000 “còn sống”. Nghĩa là số lượng tiến sĩ gấp 20 lần nhà văn.

Ít thì quý, thì có giá hơn? Không phải không lí do khi [nghe đồn] “chạy” vào Hội Nhà văn thì khó chục lần chạy bằng tiến sĩ (Lưu ý: Việt Nam có văn hóa chạy).

Ít thì quý hơn? – Chưa chắc! Xã hội thiếu nhà văn thì không chết ai, nhưng không có các nhà khoa bảng thì tất cả trường Đại học phải đóng cửa, đàn em đàn cháu về nhà chăn trâu hay vào xưởng may hết sao!

 

2. Trong văn giới, về thể loại – thơ thì nhiều và có thể nói – dễ ăn hơn văn xuôi, văn xuôi ngon xơi hơn lí luận – phê bình. Rất dễ hiểu, trong số 945 hội viên Hội Nhà văn, con số nhà thơ chính ngạch lên đến 600 người, sau đó là nhà văn, rồi nhà phê bình, riêng nhà mĩ học thì Việt Nam hoàn toàn vẫn số không to tướng. Còn giới khoa bảng, tiến sĩ về khoa học xã hội chiếm số lượng áp đảo.

Xã hội Chăm, quá nhiều người viết thơ là vậy, một, hai người viết văn xuôi, còn phê bình thì chưa ai bén mảng tới. Bên khoa bảng, Chăm chưa có thạc sĩ khoa học tự nhiên [đúng nghĩa], chứ đừng mơ tiến sĩ. Bao giờ Chăm có được tiến sĩ kinh tế hay toán học?

Viết văn xuôi thì đầu tư nhiều công sức hơn, viết phê bình càng nhiều hơn nữa; nhưng nghịch lí là nâng tầm thành nhà thơ lớn mới là khó nhất. Một cuốn văn xuôi dở có thể còn lại thông tin, một tập thơ dở… không còn gì cả.

 

3. Trong giới học thuật, sống lâu thì lên lão làng. Giảng viên Đại học tranh thủ giờ đứng lớp nhiều, hướng dẫn luận văn nhiều thì lên chức phó giáo sư, nhiều hơn nữa thì lên giáo sư. Không ít trường hợp “chạy” chức phó giáo sư hay giáo sư bằng cách mua khống giờ; cũng không hiếm vị mang tiếng hướng dẫn nhưng cứ phó mặc cho nghiên cứu sinh bươn chải. Nếu “hướng dẫn” thiệt thì cực và không được nhiều, chậm được phong chức. Một anh bạn tiến sĩ văn học của tôi than phiền làm nghề “hướng dẫn” cực quá, không được “sướng” như Sara, mỗi năm là mỗi có cái mới.

Nhưng dù cực hay không cực, cuối cùng cũng lên lão làng.

Lĩnh vực sáng tạo thì chưa chắc. “Chữ bầu lên nhà thơ”, Lê Đạt nói thế. Nghĩa là bạn phải nỗ lực qua từng con chữ, từng tác phẩm. Tác phẩm trước hay, nhưng tác phẩm sau khựng lại, bạn rớt đài là cái chắc. Luôn luôn ưu tiên cho khai phá, chinh phục cái mới. Mỗi tác phẩm là một khám phá chinh phục. Nhà văn lão làng là thứ nhà văn vứt đi.

 

4. Quá dễ, để làm nên vài tập thơ đọc được. Dễ không kém, làm luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ về khoa học xã hội đạt yêu cầu. Viết dăm cuốn sách nghiên cứu trong lĩnh vực này tạm đọc được, cũng vậy.

Chăm có nhiều người làm thơ, nhiều người làm “nghiên cứu”. Nghiên cứu khoa học xã hội, ta chỉ quanh quẩn đề tài Chăm. Đó không phải là điều không cần thiết, nhưng tại sao ta không vươn ra ngoài để cạnh tranh với thế giới ngoài kia? Đây là điều đáng suy ngẫm nhất.

Nghiên cứu văn hóa Chăm, khi nó có nguy cơ mất mát, thất truyền, là điều cấp thiết – không ai phản bác cả. Thế các lĩnh vực khác có vai trò sống còn liên quan trực tiếp đến đời sống Chăm hiện tại, không là vấn đề cốt tử sao?

Trong khi lúc này ta đang thiếu nhạc sĩ (tầm cao hơn Amư Nhân), thiếu ca sĩ (ít ra cũng ngang cựa Siu Black); ta chưa có đạo diễn điện ảnh, chưa có nhà báo, thậm chí còn chưa có nhà nhiếp ảnh…

 

Thể loại ít chữ và ít dụng công như thơ thì dễ, ta thi nhau làm; còn văn xuôi hay phê bình cần nhiều công sức đầu tư hơn, ta tránh.

Quay lưng nhìn lui (nghiên cứu văn hóa dân tộc) thì dễ, ta đổ xô vào; hướng tới tương lai (nhà khoa học, nhà sáng tạo, nhà báo có tầm…) mới khó, ta lãng đi.

 

Ở đây tôi cũng xin mở ngoặc là khi đề cập vấn đề này, hãy bỏ qua khía cạnh cá nhân. Bởi nhiều người hoạt động trong hai lĩnh vực trên là bạn bè tôi, thậm chí là con cháu tôi; mà hãy chú ý đến suy tư về tầm nhìn bao quát vấn đề xã hội rộng lớn.

 

Các bạn nghĩ gì?

 

 

12 thoughts on “Nghĩ gì? – 02. Sáng tạo và khoa bảng, các nghịch lí

  1. Salam Cei.
    Javy cập nhập với Cei một vài thạc sĩ khoa học tự nhiện (Những ai Javy đã biết)
    _THS.Báo Văn Tuy_ Palei Ram ( hiện là Phó Khoa CNTT_Cao Đẳng TNMT Tp.HCM)
    _THS.Đàng Hữu Thọ: Palei Cauk ( MBA _ ĐH BK Tp.HCM)
    _THS. Đàng Năng Khai_ Palei Cauk (ĐH KHTN Tp.HCM_ Hiện là giáo viên truờng Nguyễn Khuyến)
    _Thầy Bá Văn Khôi- Palei Hamutanran _ đang học Thạc Sĩ vật Lý_Chuyên ngành vật lý hạt nhân ( Tháng 9 hay 10 sẽ bảo vệ). Cuối tháng 8/2011 sẽ báo cáo (báo cáo poster) tại chuơng trình hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc tại Ninh Thuận)link: http://www.vaec.gov.vn/TabId/672/ArticleId/3214/PreTabId/672/Default.aspx
    _Quảng Dương Đại Vương_ Palei Cauk( Đang chuẩn bị báo cáo_ ĐH KHTN)
    Và một vài người nữa.
    Hiện tại Chăm mình cũng rất nhiều đang học học Master bên lĩnh vực KHTN.Cũng rât đáng mừng.
    Hi vọng Chăm chúng ta sẽ có nhiều nhân tài hơn về các lĩnh vực khoa học.
    Ranem abih.

  2. Hoan hô Javy!
    Javy nêu ra đúng lắm, cần lắm.
    Theo mình, chỉ nêu những người đã có Thạc sĩ thôi, chớ người đang làm thì chưa cần.
    Theo mình, ý chú Sara là như vậy:
    – Thạc sĩ (đích thực), nghĩa là sau thạc sĩ phải có công trình KHTN nữa.
    – Cũng nên chú ý thêm về tỉ lệ KHTN và KHXH của Chăm mình, quá chênh lệch
    – Mình thấy Chăm ra nước ngoài dường như chưa ai theo Cao học bên KHTN. Chú Sara nói theo chiều hướng khuyến khích.
    – Chú Sara còn nhấn mạnh (và ước mơ) bao giờ Chăm có tiến sĩ kinh tế hay toán học?

    Nit yut
    H

  3. Hay lắm, các bạn trẻ à.
    Các bạn chú ý thêm:
    “Thế các lĩnh vực khác có vai trò sống còn liên quan trực tiếp đến đời sống Chăm hiện tại, không là vấn đề cốt tử sao?
    Trong khi lúc này ta đang thiếu nhạc sĩ (tầm cao hơn Amư Nhân), thiếu ca sĩ (ít ra cũng ngang cựa Siu Black); ta chưa có đạo diễn điện ảnh, chưa có nhà báo, thậm chí còn chưa có nhà nhiếp ảnh…”
    Karun Javy, Hưởng…
    Cei Sara

  4. Ông Inrasara đang ngủ mơ đấy. Viết vài dòng đơn giản vậy trong cộng đồng mà không chịu cập nhật thông tin. Sáng – Palei Parik – ThS công nghệ thông tin tốt nghiệp từ Thái Lan, nay là giảng viên Đại học Tây Nguyên, đã có công trình Tự điển điện tử cho Tây Nguyên không phải là KHTN sao? TS Y khoa miêu Văn Chong nữa không tính á Các bạn trẻ ơi đừng có ngây thơ. Ông Inrasra viết dzậy nhưng không phải dzậy Bài trên kia ý nói nhà thơ, nhà văn như Inrasara đây là khó, có giá trị hơn Tiến sĩ và Phó giáo sư đây. Thế mà các bạn không hiểu. Trời ạ!

  5. Đwa karun Ja Kli
    đã giúp tôi nhìn lại các thống kê.

    – Tôi có sơ sót về thống kê. Ngay bạn Sáng mới ghé nhà tôi nói chuyện mùa hè vừa rồi mà tôi quên béng đi. Cả Miểu Chong là người cùng học Pô-Klong với tôi cũng thế. Có lẽ còn sót vài người nữa…
    Cũng xin lưu ý: nêu con số, tôi nhấn đến tỉ lệ là chính.

    – Về văn chương, tôi nói chung chứ ko riêng Chăm. Bởi ngay bản thân Sara cũng viết cả thơ, văn, nghiên cứu, lí luận phê bình mà. Câu “nâng tầm thành nhà thơ lớn mới là khó nhất” là dùng trong giới sáng tác văn chương chữ nghĩa. Đây là điều văn giới thế giới khẳng định.
    Bản thân Sara lúc này cũng ko muốn làm thơ nữa, vì nó QUÁ KHÓ. Cố gắng mình sẽ lặp lại mùnh, và dở đi. Nên có kế hoạch viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết nếu viết dở còn lại thông tin.
    Bạn lưu ý xíu.

    – Cuối cùng, là phần kết luận là quan trọng nhất.

    Bạn cẩn thận về dùng chữ để viết phản hồi thì có lẽ hay hơn. Dù sao cũng rất cám ơn bạn.

    Thuk siam
    Sara

  6. Ja Kli không có sinh hoạt trong giới văn học Việt Nam nên bạn ấy không hiểu ý hướng của nhà thơ Inrasara.
    Thứ nhất Inrasara là nhà phê bình “nóng” nhất hiện nay, anh phê phán rất nặng lời các loại thơ nhảm, anh còn phê chính thơ anh. Anh nói nhiều lần ở bài trả lời phỏng vấn là không làm thơ nữa, vì không thể làm hay nữa. Còn với các bạn trẻ Chăm, bên cạnh khích lệ họ, nhà thơ Inrasara khuyên họ bớt làm thơ đi mà hãy viết văn xuôi. Viết văn xuôi có lợi cho dân tộc Chăm hơn.
    Ý này rất rõ trong bài viết.

    Thứ hai là tầm vóc như Inrasara mà còn đi khoe với bà con hay anh em Chăm thì làm gì có chuyện đó. Bạn Ja Kli suy luận như thế thì sai rồi đó.

    Thứ ba tôi nghĩ đọc bài viết của Inrasara hay của tác giả khác, nên tập trung vào ý chính để bàn luận. Chứ không nên tập trụng vào vài sơ suất hay cái sai tiểu tiết. Sai hay sơ suất chỉ cần nhắc nhở nhau là đủ rồi.

    Theo tôi anh Inrasara không nên đăng các phản hổi mang tính không hay như vậy. Còn nếu đăng thì cần biên tập, như anh đã biên tập các phản hồi trước đó. Để nguyên văn như vậy thì tác hại đến cách viết của các bạn trẻ Chăm.

    Thân mến

  7. Có chứ, tôi tìm hiểu văn chương và cũng hay đi nghe mấy nhà văn thơ đọc thơ ở công viên, cau lạc bộ bệnh binh, hội bô lão. Ở đó hay hơn. Thấy bô lão ngổi dưới ngáp miệng ra, ông nhà thơ, nhà văn mặc áo vest ngồi chễm chệ nhắm mắt mũi đọc thơ. Ơ đó yên lặng lạ thường. Còn ở Hội thảo về văn thơ tôi không thích dự lắm, vì ở đó cánh nhà thơ văn hay chõi nhau (đánh nhau đó) chỉ vì ai cũng giành là thơ ai hay hơn. Bạn đã đọc bài” muôn nẻo liều chết vào hội nhà văn chưa?”, bạn đã đọc bài “uống một ly rượu ra thơ chưa?”, bạn đã chứng kiến nhà văn chữi nhau trong mỗi dịp Đại hội nhà văn chưa? Tìm hiểu thêm trước khi bạn đọc văn chương nhé.

    Trao đổi thông tin nên hai chiều không nên khuyên Inrara cắt bỏ uổng lắm. Nếu bạn đọc bài mà phát biểu như thế là bạn không phải là độc giả chân chính mà là adua theo Inrasara. Như vậy là hại cho Inrasara nhà ta đấy. Nhà văn chứ đâu phải thánh đâu mà tốt hết. Bản thân họ có khi có khối việc tiêu cực để bàn đấy. Cứ hỏi nhà văn Inrasara mà xem.

    Chúc bạn trở thành nhà văn

  8. Ja Kli khoe la mình có theo dõi văn học VN. Không có đâu! Viết ra thì biết ngay. Người ta nói một đằng ông hiểu một nẻo, rồi viết một nẻo.
    Ông suy luận sai mà không biết hối cải nữa.
    Lời thật mất lòng, xin lỗi.

  9. Viết vậy mà nói không hiểu văn chương là sao. Thế nào mới hiểu văn chương?
    Bạn nên đọc Tafalau đi. Đọc tieu thuyet Chân dung cát của Inrasara, biết nhân vật Hà Vân trong tiểu thuyết đó chưa. Nhà văn xây dựng nhân vật gái Chăm đấy. Cứ đọc mà biết mùi văn chương của Inrasara bạn ạ.

  10. Ồ, mới mở mắt xui ghê lại gặp ông Ja Kli.
    Khả năng đọc văn chương của ông thì tui quá biết rùi. Kẻ tà dâm thì đọc đâu cũng thấy tà dâm.
    Ngoài ra ông có mắt mắt mà như đui nữa (xin BBT đừng bỏ chữ này) vì đúng: ĐUI.
    Ông viết “Hà Vân, cô gái Chăm” Đọc ông, tui nửa tin nửa ngờ chạy ra lục Chân dung Cát đọc. Ngay trang 82, tác giả viết:
    “Có tiếng gõ cửa: Hà Vân. Cô gái Kinh mê ngôn ngữ Chăm này qua thực tập khi anh lỡ nhận kèm nàng trong cơn ngẫu hứng qua cầu tại quán bia hơi đường Hai Bà Trưng”.
    Đề nghị BBT không nên đưa phản hồi kiểu này lên nữa, mất độc giả thôi.

  11. Có lẽ Ja Kli ghét nhà văn Inrasara nên đã trông gà hóa cuốc. Không ưa thì dưa có dòi.
    Tôi ước hơi lạ như vầy: ước gì Ja Kli dự các buổi thảo luận văn học do nhà văn Inrasara chủ trì nhỉ? Rôi anh này chất vấn, rồi nhà văn Inrasara biến anh ta thành trò cười!
    Bởi nhà văn Inrasara ngoài đời hiền khô, vui tính nữa chứ lị, nhưng trên diễn đàn thì ôi thôi, khỏi biết luôn đó.
    Tôi đồng ý với chị maichi rằng web này bàn chuyện cao cả đi, đừng có cãi vã nhau lặt vặt nữa, người ta bỏ đi hết.

  12. Phải có phản hồi mới kích thích đọc giả theo dõi, chủ đề mới nóng, không thì chán chết, nhưng là chúng ta trao đổi, đừng dùng lời lẽ gắt gao khó nghe là được, nhờ mà Maichi nói rõ hơn về Hà Vân – cô gái Chăm. ha ha . . . Hoan hô tất cả. Nếu ai vào đây đọc mà không cho ý kiến của mình thì khác nào web hoang, Sara đã bỏ công sức, thời gian quý báo, tiền bạc. .. để duy trì cái trang này đã là quý lắm rồi. Hãy thử nghĩ một ngày nào đó, không có inrasara.com, không có gilaipraung.com, champanew . . . thì tất cả chúng ta cũng giống như Yuoon thôi, chúng ta trở thành thứ yuon ko ra yuon Cham ko ra chăm, nếu muốn biết thì các bạn hãy thử làm một trang như thế này và xem pageview như thế nào sẽ biết.
    Và Tagalau cũng thế, bạn hãy mua, đừng photo hay mượn đọc rồi trả lại, những hành động nhỏ đó thôi là bạn đang đóng góp cho Chamwpa được thoi thóp, được sống. Bạn đang tiếp sức cho các tác giả thêm hăng say, suy tưởng để có vần thơ tuyệt tác cho Chăm, cho nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *