Người Chăm có thông minh không?

Thông minh ứng xử 01.

 

Thông minh bao gồm:

Thông minh tiếp nhận & thể hiện

Thông minh ứng xử: để tồn tại, cho sự bình đẳng và thông minh trong khả năng lãnh đạo

Thông minh sáng tạo: trong văn học, khoa học, nghệ thuật

Thông minh tự tri, là thông minh siêu tuyệt nhất.

 

Người Chăm có thông minh không? Tôi nói: – Có. Có, nhưng chúng ta chưa biết chuẩn bị đón nhận cơ hội để thể hiện sự thông minh đó.

Qua các bài trước, tôi nghĩ mình đã khá vội vàng trong triển khai vấn đề. Tôi và các bạn đã đi quá nhanh, muốn đốt giai đoạn nên đã có vài ngộ nhận. Rút kinh nghiệm, chúng ta hãy tuần tự nhi tiến.

,

Câu chuyện.

Chuyện 1. Năm 2007, có ba nữ nhà văn trung niên gồm một Mỹ và hai Việt kiều Mỹ ghé và ở lại Ninh Thuận ba ngày. Họ cần biết về văn hóa và sinh hoạt xã hội Chăm. Họ nhờ Inrasara giới thiệu cho họ một người nữ Chăm tuổi 30-40 hướng dẫn. Tiêu chuẩn: khả năng giao tế (tiếng Việt) – rành chữ Chăm và hiểu biết đủ dùng về văn hóa dân tộc – có kiến thức trung bình về văn học Việt Nam. Đơn giản thế thôi, vậy mà tôi tìm suốt: KHÔNG CÓ.

Chuyện 2. Năm 2010, một Đại học Đức đề nghị tôi giới thiệu cho họ một cây bút trẻ để qua Đức dự khóa viết văn dài hạn. Tiêu chuẩn: rành tiếng Anh, sáng tác khá, tuổi dưới 30. Dĩ nhiên tôi nhìn vào cộng đồng Chăm đầu tiên: Vẫn KHÔNG CÓ.

 

Từ hai câu chuyện cụ thể trên, có thể đi đến kết luận: chúng ta chưa chuẩn bị gì cả.

Chỉ mới liên quan đến lãnh vực văn hóa và văn học thôi đã vậy, còn các lãnh vực khác thì tôi không rành nên xin miễn đề cập. Nếu thế hệ trẻ Chăm biết chuẩn bị cho mình để đón nhận cơ hội ở nhiều lãnh vực khác nhau thì hay biết bao. Giả dụ có được một người nữ Chăm như ở câu chuyện 1, cô ta sẽ “ba cùng”: đi, ăn, ngủ với ba nhà văn kia. Mình vừa có tiền tiêu, vừa học hỏi được ở họ nhiều điều. Bên cạnh, mình sẽ giúp họ hiểu biết về đời sống Chăm, văn hóa dân tộc mình, và biết đâu mang lại lợi ích thiết thực nào đó cho cộng đồng.

 

Tôi nói không ngoa đâu. Vi dụ đây. Chị Hồng Loan ở Tuy Phong, người đã liên hệ với tổ chức Terre des Hommes làm hệ thống nước sạch cho hai làng: Paplom – Chăm và Phan Dũng – Raglai. Vì đâu, nếu không phải phần nào nhờ khả năng giao tế và vốn hiểu biết về đời sống dân tộc của chị mang đến. Hay bà Hani, chỉ cần một lần tiếp xúc với người đại diện Tổng lãnh sự Canada ở TP Hồ Chí Minh, bà đã mang lại cho dân làng Caklaing hệ thống nước sạch và Nhà Mẫu giáo.

Nếu hai người nữ này thiếu thông minh ứng xử, hỏi họ có thể đạt được hiệu quả khiêm tốn đó không? Hỏi tức là đã trả lời rồi.

 

Dĩ nhiên muốn sở đắc trí thông minh trong ứng xử, người học cũng cần chuẩn bị một nền tảng kiến thức tối thiểu. Như ở câu chuyện 1, nếu người nữ Chăm đạt được một tiêu chuẩn là biết cách ứng xử, nhưng lại thiếu kiến thức về văn chương hay văn hóa dân tộc, chỉ cần một câu nói hớ thôi, cũng đủ tiêu.

Câu chuyện còn cho ta bài học, rằng nếu ta không rành chuyện gì đó, chớ dại dột lao vào nói. Nhớ một lần ở Hà Nội, có một tiến sĩ dân tộc học nọ, hoàn toàn chưa trang bị kiến thức về ngôn ngữ học, vậy mà vẫn cứ tranh nói. Hậu quả là, anh dùng thuật ngữ ngôn ngữ học tới đâu sai tới đó. Thiếu thông minh ứng xử là vậy. Không biết, tìm cột dựa là khôn ngoan nhất.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *