Ghi chép: Thư cho RN

Sài Gòn 13-1-2011
Bạn trẻ thân mến

Mình vừa từ Hà Nội về. Sáng nay viết xong “Ghi chép…”. Chiều khởi viết tham luận Hội thảo khoa học cho Đại học Đồng Tháp 15-1, dở chừng thì nhận được thư bạn. Trả lời ngay đây.
Tạm xưng chú nhé.
Về Phản hồi của cháu, nếu chú còn ở Sài Gòn thì cuộc trao đổi sẽ được lái sang chiều hướng có ích hơn, đằng này vì về muộn, nên đã có vài ý kiến qua lại khá lệch lạc.
Riêng phần cháu, chú nghĩ cháu lưu ý hơn về ngôn từ là được rồi. Vậy thôi, còn thì không vấn đề gì cả. Chú sống giữa xã hội Kinh từ 20 tuổi, luôn ở đầu sóng ngọn gió thời cuộc chữ nghĩa mà chú tồn tại được, đơn giản chỉ là do biết cẩn ngôn. Trên diễn đàn, chú là số dzách, quyết liệt và… vui vẻ. Nhưng ngược lại ngoài đời, chú luôn biết nhân nhượng, cháu hiểu được vậy là tốt.

Về từng đề mục, thì như vầy:
Các phần cháu nhận mình sai, thì hay rồi. Riêng vài điều cháu còn lấn cấn, chú xin giải minh như sau.
1. Chú trích dẫn bài viết trong đó nhận định cánh trẻ “lạc hậu”, là chú đang nói về việc phê bình thơ trẻ Việt Nam, chứ không nói về tuổi trẻ Chăm. Nêu ý này ra, chú chỉ muốn khuyến cáo bạn trẻ đồng tộc hôm nay rằng chớ nghĩ hễ trẻ là hay, là tiến bộ. Chú dùng chữ rất nhiều, vì chú mặc nhiên cho đã trẻ là mới và tiến bộ rồi, nhưng cạnh đó có bộ phận không nhỏ vẫn lạc hậu. Vì đã có rất nhiều người trẻ Việt làm thơ lạc hậu! Phần chú, luôn “bị” cho là một trong số rất ít người viết cấp tiến nhất hiện nay. Hậu hiện đại mà lị!
Trẻ Chăm có thành tích nổi bật, khi có thông tin, chú phải là người ca ngợi đầu tiên.

2. Không ít người trẻ Việt làm thơ lạc hậu, chú đã chỉ ra nhiều lần trong các bài nghiên cứu và phê bình, xin thôi nhắc lại.
Nêu ra vì mệnh đề này có liên quan đến vấn đề thơ khó hiểu và thơ dễ hiểu, chú Sara làm thơ dành riêng cho dân chuyên nghiệp hay sáng tác để phục vụ cho cả cộng đồng. Khía cạnh này chú suy tư rất nhiều. Trong bài “Thơ như là con đường 2” đăng tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010:

Có ba loại nhà thơ:
Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lac bộ thơ hưu trí, thơ báo tường,… Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ truyền.
Nhà thơ phục vụ cho một ý hệ, một tầng lớp nào đó bất kì. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của chính mình.
Kẻ sáng tạo đúng nghĩa. Luôn luôn trên đường khám phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo
“.

Chú không chọn, mà chính ông trời đẻ ra chú mang tố chất làm nhà thơ… loại ba! Khổ vậy đó. Nhưng chính thơ đó, chú nghĩ – là thơ của tương lai. Lịch sử thơ ca thế giới đã minh chứng rõ điều đó.
Về khía cạnh này, chú kê ra vài ví dụ:
Nietzsche viết xong tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế, ông ta in 25 bản, nhưng tìm khắp nước Đức, chỉ có 7 người xứng đáng để ông tặng. Còn lại ông vứt gầm giường. 30 năm sau, đó là tác phẩm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng nhân loại thế kỉ XX.
Stendhal viết Đỏ và Đen cũng vậy, 50 cuốn in ra không bán hết. Nhưng sau đó tiểu thuyết này được đánh giá ngang hàng với Những người khốn khổ của Hugo.
Thơ Whitman bị tẩy chay, bản thân ông cũng bị khốn đốn, nhưng chính ông được tôn vinh là nhà thơ tiêu biểu cho dân chủ Mỹ, sau khi… ông mất.
Sơ sơ vậy thôi. Còn nhiều lắm.

Chú có muốn thế đâu, chỉ vì tạng của chú nó thế. Chú cũng thèm khát được bà con Chăm từ già đến trẻ tung hô thơ mình lắm chứ. Mong muốn được như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đi đến trường Trung học nào cũng được khắp học sinh kêu vang cái tên!!!
Nhưng định mệnh chú buộc chú như thế. Chú hiểu rất rõ tình thế này, suy tư về nó, về quan hệ giữa nghệ sĩ sáng tạo và người tiếp nhận… Trích “Hành trình về nguồn của tôi (1998):

Tôi thường nói đùa các bạn rằng ví tôi là công dân Đức, hẳn tôi đã thành triết gia rồi, hay nếu làm người Raglai đi thì tôi chỉ chuyên làm thơ. Đằng này, là Chăm nên tôi phải gánh trách nhiệm“.

Trong Sổ ghi 1978, chú còn muốn từ bỏ tất cả để làm… triết gia nữa đấy.

Còn chuyện thơ [tiếng Việt] của chú nổi tiếng ngoài Chăm thế nào, không nói, cháu cũng biết rồi. Tất cả nơi ấy, người ấy, cơ quan hay tổ chức ấy chú hoàn toàn không quen biết, hay có biết nhưng không quen thân. Nói chi… chạy chọt!!!
Nhưng dù sao đi nữa, bù lại [hay nói khác đi là – để tạ lỗi với quê hương, cũng được], từ năm 17 tuổi, chú vừa dạy chữ Chăm vừa làm rất nhiều thơ tiếng Chăm dễ hiểu. Bạn bè bà con nhiều người thích và thuộc lòng (nổ đây: chú sắp in 2 tập dày đấy). Chú nghiên cứu ngôn ngữ và văn chương để làm ra bộ Văn học Chăm. Rồi chịu còng lưng ra mang vác món Tagalau để cho bạn trẻ và bà con Chăm tha hồ… la nữa.

Đáng thương [hại] lắm chứ, phải không?
Mến
Sara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *