Thằng Trạm mát

Xin cáo lỗi: Bài viết “Thằng Trạm mát” vừa được post lên chưa kịp chỉnh sửa thi Web bị trục này. Nay xin chỉnh lại để hầu bà con và bạn đọc.

Bút kí

Về…
Thái độ chính trị & Trình độ đời
Chuyện anh chị em Chăm & Nỗi Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ


* Với nhà thơ Tố Hữu tại Hà Nội – 1998.

Kì 1. Thằng Trạm mát & Thái độ chính trị

1. Tôi thì khác
“Thằng Trạm mát” – tôi đã lấy tên đó đặt cho tiểu thuyết tự thuật, sắp in. Tôi nghĩ nó hay và nhất là, trúng phóc. Gởi bản thảo cho mươi người thân đọc, tôi nghe lạ khi có kẻ phản ứng. Cả yut Đảo lẫn thầy Tỷ cho cái tên dễ tạo phản cảm, “bởi con cháu Sara còn đọc nó”.
Con với cháu! Chúng biết cha, ông của chúng “mát” đặc thù thế nào thì càng hay chớ sao đâu. Nghĩ thế, nhưng tôi vốn dễ bảo, đã thay tên đổi họ thành “Hàng mã kí ức”. Nghe cứ là nghiêm trọng dù nó có ra dáng hậu hiện đại tới đâu. Trong khi tôi ngán đến chóp tóc hajung bbuk mấy nỗi này. “Tôi, chẳng có gì trầm trọng lắm”, là tên một bài thơ trong Hành hương em (1999). Đích thị là tinh thần của tôi. Tất tần tật. Đầu tiên và cuối cùng.
Chẳng lạ khi tôi rất khoái cái tít “Inrasara: Tôi là kẻ cá biệt”(1) do Hồng Minh đặt cho bài phỏng vấn đăng báo Tây Ninh tháng Bảy năm nay, hơn bất kì tít nào khác. “Viết như là công dân thế giới”, “”Người canh giữ ngôn ngữ dân tộc” hay “Inrasara và khát vọng Chăm” gì gì nữa đều… nhảm. Chúng nghiêm trọng nên trầm trọng quá, tôi thì ngược lại. Thần hồn phi nghiêm cẩn unseriousness chảy rần rật trong máu tôi ngay thuở tôi còn xà lỏn nghịch đất.

Thằng Út đi “Kate – Ramưwan sinh viên Sài Gòn 2010” về, nói: Cei không dự người ta có nghĩ cei ít quan tâm đến xã hội không? Ngưng giây lâu, nó tiếp: Nhưng chắc không ai cho là vậy đâu. Năm nào cei chẳng tặng sách cho sinh viên. Với lại vấn đề gì của Chăm mà cei không can dự. Tôi có mâu thuẫn không? – Có, bởi tâm hồn con người đã sẵn vô vàn mâu thuẫn. Và không. Nhưng chả vấn đề gì trầm trọng cả. Đơn giản, vì tôi là kẻ cá biệt. Khác đi: “thằng Trạm mát”…

Trước hết tôi vẫn là nhà văn, chứ không phải là nhà chính trị. Nhưng tôi vẫn cho rằng nhà văn phải có bổn phận tham gia vào các vấn đề xã hội, đặc biệt là những nước còn tồn tại nhiều điều bất ổn. Tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó nhà văn cần phải tham gia vào đời sống chính trị xã hội, cần phải phát biểu quan điểm của mình và bảo vệ nó đến cùng. Khi đã dùng đến ngôn ngữ chính trị thì phải hết sức sắc sảo và đanh thép. Song điều quan trọng nhất là phải giữ được sự độc đáo và tươi mới trong tâm hồn của mình. Chính những điều ấy sẽ giúp đỡ nhà văn rất nhiều.
Ở Pêru tôi bị cấm hoạt động chính trị. Đó là thời kỳ nền dân chủ bị bóp nghẹt. Chính vì vậy tôi phải lao vào hoạt động chính trị để bảo vệ dân chủ. Song tôi chỉ hoạt động với tư cách nhà văn mà thôi
”(2).

Dường M.V. Llosa đã nói thay tôi tất cả. Ông nói “lao vào”, nghĩa là nhập cuộc engagé, hàm nghĩa thái độ đầy ý thức và tự nguyện, tôi thì khác. “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”(3). Bị đẩy xuống tàu embarqué, nên hắn buộc can dự. Từ sự kiện trọng đại như Trường Sa – Hoàng sa, vấn đề Bauxite Tây Nguyên, Nhà máy điện hạt nhân đến chuyện vừa như “Sự cố Kiều Minh Vũ”, “Tranh chấp đất đai Văn Lâm” sang việc nhỏ như “Lao động Mã Lai”, Va chạm thanh niên Kinh – Chăm, An ninh địa phương cho tận mấy vụ nhí: mất gà, bẫy chó, uống rượu… Can dự không như nhập cuộc mà là, bị đẩy xuống.
Thời cuộc Việt Nam [và thế giới] hôm nay chằng chịt sự kiện chính trị. Lắm vụ tưởng không gì là chính trị chính em chi chi cả mà cứ đặc keo màu sắc chính trị. Nhà văn sống và viết trong môi trường đó, không thể đóng cửa nằm nhà hay chạy trốn.

“Sự cố Kiều Minh Vũ” tháng 3-2006, tôi giữ liên lạc điện thoại với hai người bạn địa phương dõi từng diễn biến. Cả khi có chuyện văn chương xa Sài Gòn, tôi không nửa lần để đứt mạch. Bốn bài viết nóng hổi post lên Chamyouth.com. Sự cố này, ngoài tôi với thầy Tỷ, và mức độ nào đó: Thành Phần, còn lại dường rất ít trí thức quan tâm. Hay có, nhưng họ suy nghĩ khác. Sự thể bấp bênh và mong manh đến vỡ lúc nào không lường được. Ra Hà Nội, tôi ghé Mã Điền Cư trao tận tay bức thư thầy Tỷ. Anh rất thật lòng hứa sẽ vào gặp bà con sớm nhất có thể, nhưng không. Nhắc, anh bảo: Chưa có ý kiến của Trung ương. Không thể trách. Anh trong cơ chế, đành vậy. Nếu là tôi, có lẽ khác.

“Vụ tranh chấp đất đai Văn Lâm”(4), chiều ngày xe công vụ bị chặn, ngẫu nhiên tôi có mặt. Vào Sài Gòn, tin bài vừa đăng lên Inrasara.com, đại diện cơ quan hữu trách gặp tôi tại nhà riêng: – Chúng tôi nhất trí với đề xuất của anh… – Đúng, anh ạ. Bà con kêu oan, oan kéo dài nhì nhằng; chính quyền địa phương thì dứt khoát đúng. Sao không thu xếp đại diện hai bên gặp nhau sớm, có cả trên về chứng giám…
Nhà văn lên tiếng, còn việc chính quyền giải quyết hay không và giải quyết tới đâu, là chuyện khác rồi. Tháng sau, về quê ngồi hiên nhà yut Xoài ngó thấy chiếc xe tải chất đầy bàn tủ mới toanh đi qua ngõ. – Tiền đền bù đất ấy mà, – Xoài nói, giọng buồn buồn.

Năm 1982, tiểu thuyết Fulro? của Ngôn Vĩnh ra đời làm tung bụi dư luận Chăm. Bà con lấm lét ngó nhau. Một dấu hỏi, rồi còn bao nhiêu là dấu hỏi (?) nữa xảy ra? Thầy Tỷ và tôi nghĩ cách giải trình. Cạnh thư riêng, thầy trò còn có bức thư chung lấy chữ kí mươi nhân sĩ. Về Nhà vãng lai Sắc tộc, về Trường Pô-Klong không phải Mỹ mà do Chăm góp tiền làm, về Trung tâm văn hóa Chàm, ngoài công lao Cha Moussay còn có công sức bà con Chăm. Thư được chép nhân bản gởi đi các nơi có thẩm quyền. Chuyện buồn cười, có vị kí chưa ráo mực đã vội chạy xin rút lại chữ kí. – Không sao đâu bác à, sự thật mà, tôi nói: – Chính quyền cần nghe sự thật, nếu ta thật lòng. Thời bao cấp, không sợ mới lạ. Tôi, thì không.
[Tháng 6-2010, VCT1 đang quay cảnh Sara “khám phá” tháp Chàm trên tháp Ppo Rome, thì trời đổ mưa. Mưa nặng hạt, khoanh vùng khoảng ba cây số vuông. – Hay mình lên mà chưa trình Ngài? – Anh chàng đạo diễn hỏi, ngờ ngợ. – Không bạn à, – Tôi nói. Mình thật lòng với Pô thì chớ có lo Pô hại. Phan Rang mưa là điềm lành. Hay ta quay cả nhân vật mưa luôn đi để tăng phần độc đáo cho phim…].

Henry Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là bi thảm hay kinh khủng”. Còn nếu không thể cười thì chớ có mà trầm trọng lên. Ở thế chẳng đặng đừng, tôi luôn bị đẩy xuống giữa con tàu vấn đề văn hóa – xã hội Chăm: Nỗi chênh vênh của Xakawi, vòng xoáy mù mịt của akhar thrah, niềm trắc trở của Tagalau cùng bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ khác… Ví hắn mà làm nghiêm trọng thêm, thì còn ra hồn vía gì nữa.
Vậy, hãy cười lên đi, và viết…

Kí vào “Bản kiến nghị về bauxite Tây Nguyên” ngày 9-10-2010(5); trước nữa, tháng 9-2009, ở “Thỉnh nguyện thư về vụ Tu viện Bát Nhã tại Lâm Đồng”. Thò tay kí, tôi ghi rõ ý kiến riêng. Tôi chỉ phản biện hay phản đối chính điểm đó. Như “Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, “tôi phản đối thái độ cá lớn hiếp cá bé”. Vậy thôi, hết. Bởi tôi không rành về thời cuộc cùng các vấn đề nhiêu khê của chính trị. Và nhất là, tôi không làm chính trị.
Tôi gọi đó chỉ là thái độ chính trị.
Thời đoạn nóng nhất của sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa, tôi góp công điểm cho hợp tác xã văn chương Việt bằng bài “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” đăng số chuyên đề dài kì trên website Tienve.org(6). Bài thơ được Đài Radio.sbs chọn vào mục đọc, bình và phỏng vấn nhân sự kiện, tháng 12-2007(7). Không khí chính trị và văn chương Sài Gòn bức bối, ở nhiều thời điểm khác nhau, các bạn văn “xuống đường” trong đó không ít người bị bắt. Tôi ngồi nhà nên, miễn. Không phải tôi “khôn” tìm lánh mặt, mà tôi hiểu mình chỉ là nhà văn. Nhà văn quan sát, suy nghĩ và viết, chứ không làm. Không thể làm vì, không biết làm. Nếu có làm thì sẽ rất kém.

Tỏ thái độ với mọi sự thể và vấn đề chính trị, tôi có [là] dũng cảm không? – Không biết! Vài bạn văn dạy rằng ở vị thế Inrasara, sao không quyết liệt hơn? Tôi có nhát gan không?- Không biết!
Tôi chỉ biết nhà văn viết, để lay đậy tinh thần tự thức self-consciousness nơi mỗi sinh thể trườn lướt qua mong manh mặt đất này. Viết với trách vụ một công dân trong ý hướng tìm phương sách khả thể nhất cho sự thể. Và không gì khác. Đố ai tìm thấy thái độ quá khích nơi tôi? Hay việc luôn thức nhận là nhà văn Chăm đã tạo cho tôi quán tính thế? – Không biết được!


* Với Sam – nhà nghiên cứu Ấn Độ và nhà văn tự do Sài Gòn tại Caklaing – 2007.

*
Tôi ý thức chính trị sớm, ngay lớp Nhì cấp Tiểu học. Bởi Jaya Mrang. Giờ ra chơi, ông khoái kể chuyện lịch sử và đọc thơ. Các bài thơ của ông đại loại:

Nhớ đồng ta dạo bộ đi
Nhớ rừng ta nhảy ngựa phi lên đồi
Cỏ xanh giòng ngựa lại ngồi
Nhìn non xanh thẳm nhìn trời bao la…

Ông đọc qua một lần, mọi người quên, tôi thì thuộc. Bảy năm sau, năm Đệ Nhị Trường Pô-Klong, ở trọ nhà bà chị họ tại thị xã Phan Rang, nơi ông thường xuyên ghé yaung hwak ăn nhờ, tôi lần nữa bị ông cuốn hút. Mấy ông anh của tôi, mấy đứa bạn học Caklaing mê tít ông. Bắt chước ông từ điệu bộ đến giọng hát, từ lối nói tục đến khí phách ngang tàng của ông. Thế mà sau ngày bộ đội tràn vào Ninh Thuận, khi hầu hết nghe lời hiệu triệu của ông, lên rừng Sông Pha nau ngap Ikan Krwak, tôi thì không.
Không đi, vậy mà ngay sáng hôm sau, giữa buổi học, tôi bị vời lên xe Jeep thẳng hướng đồn công an tỉnh và đẩy vào phòng biệt giam chẳn ba ngày đêm không thiếu. Mãi khi tất cả bị lùa xuống núi, tôi mới được thả về. Thả về, để bị đẩy tiếp vào “lớp học tập chính sách” ở Caklaing. 50-60 người cả thảy – tôi nhìn vào phòng, đông nghịt. Tất cả răm rắp chấp hành, tôi thì không. Tôi đứng khựng lại nơi bậc cửa: – Cháu chả tội lỗi gì làm sao phải học tập chứ? – Mày vào học với mọi người cho biết chính sách đi, – ông dượng DD Phó Chủ tịch xã nói. – Tư tưởng Marx Lenin cháu thuộc nằm lòng rồi… – Thôi kệ nó, – ông dượng nói.
Thế là tôi lí lịch… trắng. Trắng đúng chất “thằng Trạm mát”.

Chưa đầy ba tháng sau, tôi rủ đám bạn mở ngay khóa dạy chữ Chăm cho non bảy mươi học viên đủ lứa tuổi tại làng. Là chuyện to gan. Nhớ, đấy là thời quân quản, dân làng còn chưa hết hãi. Vậy mà tôi cứ vô tư, như chẳng có gì vừa xảy ra trên trần đời. Lạ! Chẳng cán bộ nào tới hỏi han, không anh Xã Đoàn nào đến gõ cửa… mãi khi tôi tập hợp thanh niên để lên chương trình khác, thấy ông anh họ lấy giấy ra làm biên bản, tôi mới ngớ ra. – Phải ghi biên bản à? – Phòng hờ chớ, trên hỏi đến mà thiếu biên bản có mà toi…
Nhưng tôi có toi đâu. Hết hè, vào lớp 12 Trường Nguyễn Trãi, tôi tiếp tục chương trình nâng cấp tiếng Chăm cho các bạn học tại thị xã Phan Rang. Vô tư. Ngoảnh lại kiểm kê, non hai trăm học viên Chăm rành chữ mẹ đẻ qua trường lớp “thằng Trạm mát”.
Cho đến khi vào làm sinh viên Đại học Sư phạm TPHCM năm 1977, tôi tuyên sẽ không làm thầy ai nữa. Dù bạn bè chí cốt như Đảo, Cẩn, Ngạt… còng lưng đạp xe khắp hẻm phố với nỗ lực thơ mộng của tuổi trẻ xóa mù chữ Chăm cho các bạn Chăm. Tôi thì không.
Tâm hồn tôi bị cả khối buồn vây bọc. Bỏ giảng đường lang thang. Nhìn mình già nhanh như gió.
Viết bài thơ “Jalan tơl Vijaya” để lại cho mấy bạn làm tập san, tôi nhảy xe lửa chui vào một ngôi chùa ở Nha Trang ăn chay niệm Phật. Mấy tháng sau, tin các bạn tổ chức vượt biên bị bắt bay đến. Họ hầu hết là khuôn mặt trẻ xuất sắc của Chăm lúc đó. Tôi nghe nản đến không thể tụng nổi trang Pháp Cú. Ông sư trụ trì bảo: – Nhìn vào mắt con thầy thấy con còn nặng nợ đời lắm. Con về đi…
Các bạn sinh viên ngày xưa bị bắt, cũng như các bạn văn nghệ hôm nay bị bắt. Tôi thì không. Không ít người cho tôi may mắn. Ừa, thì may. Cạnh đó, tôi là kẻ “trắng” và ngây thơ và vô tư với mọi nỗi chính trị. Tôi tự phơi trần tôi ra ánh sáng, không chừa một góc khuất nào bất kì. Chính trị đòi hỏi đầu óc tính toán khôn lanh ma mãnh, nhất là tuyệt bí mật, tôi thì không. Tôi đã từng kinh doanh, nhưng khác với người đời quan niệm “không biết nói dối không buôn bán được”, tôi thì không. Cho nên, cả khi tôi “làm” mấy chuyện tưởng như điên rồ nhất, tôi vẫn cứ là may mắn. “May mắn luôn có mặt kịp thời”(8).
Tôi như trẻ nhỏ trần truồng luôn vuột thoát khỏi mọi nanh vuốt chính trị.

Năm 2004, trong cuộc lai rai bạn bè, TH bất đồ đưa ra cái nhận định cắc cớ:
– Theo cháu thấy chú Sara mới là chính trị siêu.
– Có lẽ vụ này cháu hố rồi đó. – Tôi đùa cho qua chuyện.
Trà Vigia giơ cả hai tay phản bác ngay không suy nghĩ:
– Lầm to! Chàm mình kém nhất về chính trị phải là Sara. Nếu không nói là nhất thế giới…
Hai mươi năm trước, ghé Ban Biên soạn sách chữ Chăm, giáo sư toán Đại học Đà Lạt đang chuyện bao đồng bất ngờ đưa ra tuyên bố trước mặt tôi và thầy Tỷ:
– Tay này mới chính trị siêu hạng, còn bác – ông trỏ thầy Tỷ – bản chất nông dân lộ rõ lắm. Ông tự tin đến cả hai chúng tôi lúng túng không biết đàng mà rờ. Bởi dẫu sao tôi vừa là học trò cũ thầy Tỷ, vừa đương kim cấp dưới ông.

Thế nào là hiểu chính trị? – Chịu!
Lưu lạc Ninh Chữ rồi Nha Trang hết một năm, tôi quy hồi cố quận. Tóc rụng nhiều. Thân hình trẻ trai săn chắc đã trở nên rệu rã, phờ phạc. Tôi vô tình quá đỗi, đã không đến thăm gia đình các bạn dù chỉ để gọi là an ủi nhau trong cơn hoạn nạn. Tưởng mình muộn, nhưng không. Tôi là kẻ sớm nhất. Và hầu như là duy nhất. Tôi lên Hữu Đức để ngồi cả buổi nghe Huyền Hoa than vãn về khối “bạn cũ Jamok bỏ rơi nó”. Cơm trưa với anh xong, lại hối hả lội bộ xuống Cwah Patih ghé thăm mẹ Ngạt. Dì khóc. Tôi ngủ lại với dì tối đó. Sáng tinh mơ, tôi ngược lên Phước Nhơn thăm mẹ Thoảng… Dù gì thì gì, mỗi tháng tôi dành một buổi ngồi với các mẹ. Rồi khi Cẩn ra trại, tôi thường xuyên qua lại nhà yut ăn, ngủ. Thế thôi, cũng đủ rồi…

Không vỗ ngực, không tranh hơn
không trốn chạy trước phận đời thất bát
câu thơ buồn
luôn có mặt nơi khổ đau có mặt
.

Mọi người sợ liên lụy, tôi thì không. Làm kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Nghiệp, tôi dành được chút ít gởi anh Trung đưa thăm nuôi anh Trăng đang Trại cải tạo Mỹ Đức. Anh Trăng gia đình Fulro, hành vi kia thời buổi ấy, đi tù như bỡn. Tôi thì không. Tôi cả tin lời ông bà: Tapak ppo swak: Thật thà thì trời rút. Nghe anh cắt gân tay, tôi gởi thêm quà kèm lời nhắn: Hãy gắng mà sống.

Khôn chết, dại chết, biết sống. Ai hiểu thế nào là khôn, thế nào là dại?
Mùa hè 2005, ra Hà Nội nằm chung phòng với giáo sư kiêm nhà phê bình kì cựu TTĐ.
– Inrasara vào Đảng chưa nhỉ? – Đang nằm trên giường, đột ngột ông quay sang tôi, hỏi.
– Dạ, chưa thầy ạ.
– Em vào đi, tôi giới thiệu nhé.
– Thôi miễn cho Sara đi, thầy à.
– Vào Đảng cũng như lấy vợ vậy thôi. Để vợ giữ mình…

Tôi suýt bật cười thành tiếng. Ngài giáo sư khéo ví von.
Năm 1998, nhận tờ giấy có dấu tròn đỏ mời ra Hà Nội hiệp thương làm quan cấp Trung ương, tôi thử ướm hỏi ý kiến mươi người thân. Thầy Bá, thầy Tỷ… Mọi người không chừa trừ ai trăm phần trăm nhất trí. Sara ở vị trí đó sẽ giúp bà con Chăm mình được nhiều. Tôi ậm ừ cho qua. Vài tháng sau không rục rịch gì, có người hỏi, tôi nói: Sara sợ… họp. Tôi ngán nhất trần đời là sự nghiêm trọng. Chớ họp hành mà thiếu vắng trịnh trọng long trọng thì còn ra thể thống gì…

“Ramưwan năm 1978, các bạn kéo nhau xuống Thành Tín. Tôi lúc đó đang tu Oshawa, đã hành anh Ve chạy khắp ngõ palei tìm gạo lứt muối mè. Ai đời Tết Bàni bà con nhậu nhẹt linh đình, mình đi ăn chay, lại lối chay khác trần đời nữa chớ. Nhưng các bạn vẫn moi ra được. Rồi là cối, nồi đất, lò than. Tôi ngồi nhai gạo lứt hệt thiền sư khùng giữa đám bạn. Và tôi huyên thuyên về Damnưy Ppo Klaung Girai, Ariya Glơng Anak, về ngôn ngữ Chăm, về Royaume du Campa… Nhóm bạn cùng vài cụ ngẩng cổ nghe và dĩ nhiên, phục sát đất. Thấy không khí có mòi nghiêm túc, thế là tôi nổi mát lên. Khi một chú “xin hỏi cậu nó tuổi con gì nhỉ” [chú nghĩ tôi phải xém 40, không thì sao lại giỏi thế chứ], tôi trả lời liền theo: – Dạ em sinh con Krat Chàng hiu ạ! Mọi người khựng lại chục giây, chợt hiểu ra rồi cười ồ lên và giải tán”(9).
Hãy thử phát ra tiếng K R A T đúng âm Chăm mà xem, giữa cao trào nỗi nghiêm trang kia! Krat là biệt danh bạn học tặng cho tôi thuở Pô-Klong. Xa hơn nữa, dân làng Caklaing đã gán cho tôi: Thằng Trạm mát.
– Có người lớn nghe mà mi cũng bỡn được, – Sau đó thằng bạn tôi lên giọng cụ non trách tôi.
Tôi nói, định mệnh Chăm thảm rồi, sinh phận Chăm hôm nay cũng quá buồn rồi, vậy mà các vị đòi tui vác bộ mặt đưa đám ra kể chuyện nữa thì còn chi là sống. Hiểu, cho nó nằm yên đó, để còn lo sống chứ, không phải sao? Dù gì thì gì điều tối quan trọng, – nói như Llosa, là cần phải “giữ được sự tươi mới trong tâm hồn”.
K… r… a… t…

*
Chú thích:
(1) “Nhà thơ Inrasara: Tôi là người cá biệt”, Hồng Minh thực hiện, báo Tây Ninh, 25-7-2010.
(2) Mario Vargas Llosa trả lời phỏng vấn, Triệu Lam Châu dịch, Lethieunhon.com, 10-2010.
(3) “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu”, tạp chí Tia sáng, 5-9-2010.
(4) “Vấn đề tranh chấp ruộng, đất của bà con ở Văn Lâm”, Inrasara.com, 30-7-2008.
(5) “Kiến nghị về dự án bauxite ở Tây Nguyên”, Trannhuong.com, 10-2010.
(6) Tienve.org, 10-2007.
(7) Hoàng Ngọc-Tuấn và Phượng Hoàng bình, radio.sbs.com.au, (Australia) 19 giờ, 29-12-2007.
(8) Hoàng Ngọc Châu, “Inrasara, Tôi cũng là một người may mắn”, báo An ninh thủ đô, 21-8-2005; Văn Bẩy, “Inrasara, May mắn luôn đến kịp thời”, Vietnamnet, tháng 8-2005.

Xem tiếp kì 2. Thằng Trạm mát & anh em Chăm

6 thoughts on “Thằng Trạm mát

  1. Sự cảm thụ của người đọc bây giờ cũng rất tinh tế, chỉ cần đọc tác phẩm văn chương anh, người đọc cũng hiểu gần như mọi điều mà không cần phải giãi bày.

    Ở nhà thơ Inra có nhiều cái lạ nên tạo ra sự cuốn hút nhất định với người đọc cũng là điều dễ hiểu. Anh là một tính cách Chăm vừa thuần khiết, vừa mơ mộng, vừa sáng tạo, vừa nổi loạn, vừa khổ đau…

    Tính cách Chăm ấy thật kì lạ khi đưa người đọc đến những cung bậc tình cảm phức tạp, nhưng trên hết vẫn là tình yêu và sự thông hiểu giữa con người với con người.

  2. “Thằng Trạm Mát” cung cấp cho độc giả tư liệu quý về tác giả Inrasara ít ai biết nhưng có thể chứng minh qua các nhân vật còn sống.
    Không phải. Đúng hơn tư liệu sinh động và rất quý về xã hội người Chăm thời gian qua.
    Nếu không thế, độc giả hãy thưởng thức nó như một tác phẩm văn chương, một cách nhìn một cách sống của nhà văn.

  3. Không vỗ ngực, không tranh hơn
    không trốn chạy trước phận đời thất bát
    câu thơ buồn
    luôn có mặt nơi khổ đau có mặt.
    Hay wá.

  4. Khôn chết, dại chết, biết sống. Ai hiểu thế nào là khôn, thế nào là dại?
    ……………………
    Em thích ý câu này từ lâu, nhưng hiện nay có thể nghĩ “khôn chết, dại chết, may thì sống”?? Chữ sống cả nghĩa thực và thanh, chữ may thuộc duyên nghiệp (đạo Phật).

    Tính sáng tạo trong tác phẩm anh Inrasara là thể hiện trực giác vượt qua trí tuệ . Giữ được tâm hồn như trẻ thơ qua từng trải nhiều năm nhất là đang nổi tiếng và buộc phải lo nhiều việc xã hội theo lương tâm là cái khó đồng thời thể hiện công phu đạo học của Inrasara.

    Mong anh được nhiều tự do tinh thần để luôn tươi mới trong tác phẩm, để đàn em dõi theo và học hỏi (về nhiều mặt).

  5. Bạn Tamthuc2000 mới xuất hiện trên mạng này mà có nhiều phản hồi hay lạ. Bạn không khen khơi khơi chung chung mà có phân tích thấu tình. Bạn còn gợi mở vài ý khác nữa.
    Cám ơn bạn
    H

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *