Lữ: Phép lạ thường ngày

Lữ tên thật là Lữ Thế Cường, sinh năm 1968, hiện đang sống ở Hà Lan.
*
Giới thiệu Tôi ươm ánh mặt trời, tập tản văn của Lữ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2009.

Sáng dậy, theo quán tính, quờ tay bật computer. Trong lúc máy khởi động, ta bước vào phòng vệ sinh, làm vài thao tác qua loa quen thuộc. Rồi vội vã về ngồi trước màn hình, ta đưa hai mắt lướt nhanh thời sự trong nước và quốc tế. Dừng lại ở vài sự kiện và sự cố, cộm và lạ. Ta sống và chờ đợi những sự lạ xảy tới, ở một nơi rất xa. Lạ và xa. To lớn và trọng đại. Trong khi ta lãng quên những sự vật sát cạnh mình, quanh mình. Nhỏ vụn và thường ngày. Ánh trăng, hoa cúc, gương mặt người bạn, nỗi buồn của chị, cái lo của mẹ, con mèo, con bướm, chim sẻ, mùi hoa mộc lan, cây plataan, cánh đồng tuyết trắng, mùa trái cây, lò sưởi, hạt phong…
Sự vật nhỏ bé bình thường đến tầm thường kia vẫn khả năng tạo nên phép lạ – phép lạ thường ngày. Con người có thể làm ra phép lạ, Lữ nói.
Nhưng con người xu hướng chờ đợi phép lạ, phép lạ xa lạ; hay tham vọng tạo nên phép lạ to lớn và trọng đại. Phép lạ không bao giờ đến. Bởi ta không dành khoảng trống cho phép lạ đâm chồi, đơm hoa kết trái.
Chỉ cần thay đổi cách nhìn, tất cả sẽ khác.

Sáng dậy. Nuốt vội miếng bánh mì kẹp thịt, ực vài hớp cà phê pha sẵn, lao ra khỏi nhà đến bến xe buýt. Cho kịp giờ vào công xưởng, văn phòng, tòa soạn,… Bao nhiêu là công việc dang dở chờ giải quyết, ở đó. Luôn luôn là dang dở, chờ thanh lí, quyết toán. Rồi ngày mai sẽ tồn đọng bao công việc khác chờ thanh lí và quyết toán nữa. Mãi mãi là không có thời giờ. “Có những kẻ yêu nhau không có thì giờ” (thơ Nguyên Sa).

Đừng bận rộn, hãy cho mình có một ít thời gian để sống, để làm ra phép lạ
(“Phép lạ”).

Chỉ cần dành chút thời giờ cho nhau là tất cả thay đổi. Ở đây và bây giờ.

Tôi thức dậy bằng tiếng chim. Tôi thức dậy và cảm thấy rất yêu cuộc đời này
(“Chuyện tình dành cho những hạt phong”).

Thức dậy bằng tiếng chim, với tiếng động quen thuộc của thành phố, của âm thanh lạ lẫm nào bất kì, tôi vẫn cứ thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời này thật đáng yêu. Khi tôi có cả kho vô tận thời gian để lãng phí. Khác đi, khi tôi học biết sống phi thời gian. Ở đây và bây giờ.
Ít có nhà văn đương đại nào cảm nhận thế giới sự vật như Lữ đã cảm nhận. Sự vật chứ không là đồ vật và sự việc. Đồ vật trơ lì và vô cảm chỉ làm phương tiện phục vụ sinh hoạt; hay sự việc nặng chịch sẵn sàng xô đẩy con người ngập chìm trong âu lo và chộn rộn. Lữ đi vào trong sự vật để sống trong, qua và với sự vật – mỗi giây phút, mọi nơi chốn. Rong chơi trong sự vật. Trò chuyện cùng và khám phá sự mầu nhiệm của sự vật. Để sự vật giao cảm với con người. Lò sưởi đỏ, lò sưởi ấm, cái lò sưởi đang toả ra hơi nóng ấm áp; hay những hạt phong biết lắng nghe, trợn mắt, rụt rè, cùng trả lời, nói, nhận xét.
Camus viết đầy cảnh báo rằng, sau Dostoievski, chớ hòng tìm thấy thiên nhiên trong văn chương châu Âu. Lữ thì khác. Thiên nhiên có mặt khắp. Thiên nhiên có thể là một chậu cảnh, một góc sân vuông hay cánh đồng tuyết trắng hoặc ánh trăng giữa khoảng không bao la, chúng chưa bao giờ xuất hiện trước con người với bộ mặt đối kháng hay dọa nạt. Cảnh vật hòa trộn với tâm cảm, thiên nhiên đứng lẫn với sinh hoạt con người, đẹp và vô phân biệt. Giao cảm với thiên nhiên dạy ta cách tương giao với con người và tương liên cùng mặt đất.

Sáng dậy, khi vong bặt sợ hãi, khi mọi cuộc chiến được cởi bỏ lại sau lưng, niềm hân hoan vô bờ của ở đây và bây giờ quy hướng con người tiếp cận với cái đang là what is, that which is (Krishnamurti), với thế giới như là thế the world as such (Heidegger), ẩn giấu và phơi mở đồng thời – linh thánh và huyền nhiệm. Chỉ một lần, mặt đất và con người. Một lần, đầu tiên và cuối cùng. Niềm yêu thương vô hạn bày ra trước con người, kết liên con người với mặt đất. Cho đến khi con người rời bỏ mặt đất. Vĩnh viễn.
Cuộc đời như một chuyến buôn, Ariya Nau Ikak Chăm nghĩ thế. Chuyến buôn không có vốn ở khởi thủy cũng như không có lãi ở chung cục. Buôn, dù quyết liệt đến đâu ta vẫn giữ tâm khiêm hạ và bao dong; dù đau khổ thế nào, lòng ta cứ nhẹ tênh và rộng lượng; dù sự nghiệp to lớn tới đâu, trí ta cứ xem nó như đám mây vừa bay ngang bầu trời.
Như vậy mình sẽ có một chuyến đi thật nhẹ nhàng và thảnh thơi
(“Đến từ hành tinh xa”).

Sài Gòn, 28-5-2009.

2 thoughts on “Lữ: Phép lạ thường ngày

  1. “Cuộc đời như một chuyến buôn, Ariya Nau Ikak Chăm nghĩ thế. Chuyến buôn không có vốn ở khởi thủy cũng như không có lãi ở chung cục. Buôn, dù quyết liệt đến đâu ta vẫn giữ tâm khiêm hạ và bao dong; dù đau khổ thế nào, lòng ta cứ nhẹ tênh và rộng lượng; dù sự nghiệp to lớn tới đâu, trí ta cứ xem nó như đám mây vừa bay ngang bầu trời”.
    Viết như vậy có người sẽ thắc mắc là nếu con người có tư tưởng này thì .m ta bỏ đấu tranh chống điều sai quấy ư? Đúng lắm.
    Ta quyết liệt nhưng ta phải biết khiêm tốn: Biết đâu mình đã sai! Thì trí óc con người ta vẫn rất giới hạn mà.
    Ta vẫn xây dựng sự nghiệp, nhưng ta đừng quá quan trọng nó đến đỗi phải mất ăn mất ngủ hay mua thù chuốc oán để mà phải tố cáo nhau một cách ngu xuẩn, mất hết tình người.

  2. Tôi vừa đọc tập truyện này của Lữ. Đọc lại bài phê bình của nhà thơ Inrasara. Phê bình bộc lộ rất đúng tinh thần chủ đạo của Lữ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *