Tiểu Anh hỏi Câu hỏi tháng Ba

TIỂU ANH
Tên thật: Nguyễn Thanh Anh; bút danh: Tiểu Anh
Sinh năm: 1984; Nguyên quán: Sài Gòn; Cử nhân Văn chương Anh
Hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh
Đăng thơ ở Vanchuongviet.org.

*
TIỂU ANH HỎI CAU HỎI THÁNG BA

Tôi vẫn chiều lục cục, những câu thơ lục xục. Thơ không cứu nổi phận người. Tôi trốn vào căn phòng nhỏ nơi màn hình computer vô cảm tách biệt phố thị… Đôi khi ngủ quên đêm kéo tuột vào giấc mơ, đối thoại lừa phỉnh, những mặt nạ người nham nhở, những đồng Polymer xanh với cuộc bán mua nhân phẩm hiện hữu… Tôi gào lên, thức dậy. Vẫn chưa làm được gì cho một ngày đã hết. Đêm đã cạn, bình minh xanh len lét! (*)
(“Tôi 25 tuổi”)

Một người viết vừa xuất hiện đã chọn cho mình lối đi riêng, là một cá tính đọc lập. Càng bản lĩnh hơn, khi người đó lại chọn lối đi ngược dòng thơ đang thời thượng. Những cách tân thời thượng.
Đó là Tiểu Anh: chặt chẽ, rõ ràng, chắc nịch.
Từ chối làm thứ biểu tượng sex, cây bút này cũng không ý hướng trình diễn sex trong thơ. Do đó, nó hoàn toàn vắng bóng các thi ảnh tả dục hay gợi dục. Càng không có mảy may ngôn từ thường bị cho là húy kị.
Ở đó, thơ vượt khỏi quỹ đạo thân thể và cái giường, là chuyện đại đa số thơ nữ không tìm ra lối thoát, thời gian qua. Thi thoảng đây đó, Tiểu Anh cũng đề cập tới riêng tư, nhưng để nói chuyện khác – vấn đề là ở ngoài kia:

anh ra đi tháng ba
quẳng lại sau lưng lời chia tay cũ rích

(“Câu hỏi tháng 3”)

Tiểu Anh càng không ý hướng nỗ lực làm mới thơ mang tính hình thức. Vắt dòng – không, thơ con âm – không, đảo lộn trật tự thời gian trong kể hay gì gì khác – không, giễu nhại càng không. Khía cạnh này, thơ Tiểu Anh rất cổ điển. Một cổ điển mới, nếu có thể nói thế. Một lối viết được Shopenhauer coi như chuẩn mực của diễn đạt. “Hạnh phúc là/ hô vang khẩu hiệu” (“Hạnh phúc”). Đơn giản và chắc khừ. Không quanh quéo cầu kì, không son phấn cho ngôn ngữ, càng không ẩn dụ siêu thực bí bức.

*
Ngập chìm và cuộn xoáy trong thế giới ảo, con người cảm và nghĩ qua, với, cùng sự ảo; ảo từ ý tưởng, tuổi tên cho đến sự việc. Một computer trước mặt hay mỗi điện thoại di động, ta có thể “sống” với cả thế giới. Thế nhưng, chỉ cần tháo bỏ cái sim bé xíu thôi là tất cả danh tánh biến mất. Chỉ cần một “ngày virus” thôi, khi “chiếc computer ngắc ngứ” là cả thế giới đảo lộn tùng phèo tức khắc. Không biết đâu là ảo đâu là thực nữa. Trí óc nhảy tán loạn, linh hồn tá hỏa tam tinh. Nhưng dù gì thì gì, cái đau thì rất thực. Nó là lúc này, ở đây.
Làm thế nào để người thơ tự thức về hiện thực ảo đó?

… Chiều tháng 7 tả tơi
em đưa lòng tay xuyên suốt
mưa và mưa
invisible
cảm xúc không hình dạng
vỡ, rơi

G-talk invisible
Skype invisible
Y!M invisible
thế giới xám xịt
chỉ e rằng một mai trời sáng
ai nhận gánh trách nhiệm ngày sau

(“Tháng Bảy ngủ quên“)

Có thể Baudrillard đã vận dụng đủ mánh khóe nhà nghề để chứng minh cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 là chưa hề diễn ra, là ảo. Nó chỉ là thứ bản sao giả tạo simulation và không thực. Nhưng dù gì thì gì, nó vẫn để lại vết thương, để lại nỗi đau cho hàng ngàn sinh thể trải nghiệm và chịu đựng nó. Người Iraq và người Mỹ.
Nỗi đau của bà mẹ hiện hữu trong thế giới ảo ở một xứ sở xa xôi kia là thực, hoặc sát cạnh ta: Nỗi đau thân phận của bao em bé Khmer đang chịu đói chịu khát trước thừa mứa của bạt ngàn trận liên hoan ngay trong đất nước mình từ thu nhập qua khai thác thành quả văn hóa của tổ tiên mình. Làm sao thơ có thể làm cuộc kết nối đứt quãng giữa ý tưởng và hiện thực đó?

hãy khóc những phù điêu cường tráng
Khmer, Khmer thảng thốt khách du
đứa trẻ nghèo thanh cơm lam chia ba xẻ bảy
dưới bóng Bayon hoan ca, tiệc chảy

hãy khóc những cánh đồng khô cháy
lững thững thốt nốt chờ mưa rây
hoàng hôn ngậm tàn tích
ngợp bóng người tĩnh mịch rơi

(“Ơi Apsara”)

Hoặc một hiện thực lồ lộ trước mắt hằng ngày, nơi ta đang sống, hôm nay. Khi tất cả đều “đại hạ giá”, đại hạ giá từ quần áo, tivi, xe máy, bằng cấp, chức tước cho đến nhân phẩm hay lương tâm:

ta sống đểu, ăn đểu và uống toàn những thứ đểu đểu
dần quen mặt trở đực
nói năng lực xực

(“Vẫn đểu đểu”)

Khi “lòng tin khủng hoảng” – không phải lòng tin vào những đại tự sự của hậu hiện đại – mà là lòng tin vào cái gì thường nhật nhất, bé nhỏ nhất đã tiêu tan, thi sĩ làm gì? – Hắn vẫn sống, vẫn bày cuộc chơi và rủ rê mọi người cùng chơi:

Phải chăng
chúng mình chẳng bao giờ có thể
lớn lên
vì oằn trên lưng
cõng
dăm thằng khổng lồ và hàng vạn nỗi đau

chẳng thể chờ
khi loay hoay với cơm áo
không vui như trò đánh đáo
nhưng vẫn phải bày cuộc

(“Câu hỏi tháng 3”)

Chơi chính trò chơi mình bày ra. Trò chơi cá thể, cũng chính là trò chơi thế giới le Jeu du Monde – Heidegger. Không ai có thể chơi thay chúng ta. Vậy thì, có ai dám nhập cuộc chịu chơi không?

Sài Gòn, 28-7-2009.

____________________________

(*) Thơ Tiểu Anh đăng nhiều trên Website Vanchuongviet.org.

_____________________________

Thư cho Tiểu Anh
Sáng 30-7-2009
Tiểu Anh thân mến
Mình không đặt trọng tâm thơ nhiều hay ít, mà chỉ quan tâm đến chất lượng và chất giọng. Nên vấn đề chuyên nghiệp là ở cách nghĩ về và cách hành xử với thơ chứ không là việc sinh hoạt trong cộng đồng văn nghệ hay gì khác… Mình rất thích người làm nghề khác làm thơ, không cần thiết phải ở trong các cơ quan dính dáng đến chữ nghĩa. Mình chưa bao giờ nghĩ thơ bạn quá cũ, mà là nó đã đi qua thời kì hậu hiện đại (Việt Nam). Thơ của thời kì sau thời kì hậu hiện đại. Đây là điều mình thấy, và ghi nhận.
Về chất giễu nhại, giễu nhại theo đúng tinh thần hậu hiện đại, Tiểu Anh hoàn toàn chưa có. Mà cũng không cần phải có. Đôi lúc người làm thơ muốn làm vậy, nhưng quán tính hướng sang làm ra thế khác. Hãy để tác phẩm mình phát biểu về chính nó.
Với số lượng, và giọng thơ nhất quán như vậy, Tiểu Anh có thể cho in tập. Sau đó, chuyển giọng là được rồi. Hãy tạo phong cách tác phẩm. Ý mình là thế, chứ rất nhiều nhà thơ Việt Nam không biết chuyển giọng. Thế là tập này lặp lại tập khác…
Mình không xem nhà phê bình thì cao hay thấp hơn người sáng tác. Hai bộ phận này song hành, nên mới có “song thoại”. Do đó, chuyện ưu ái với quan tâm là hoàn toàn không đặt ra ở đây. Sau Nhóm Mở Miệng và hậu hiện đại, từ 2006, mình theo dõi khoảng 100 người làm thơ từ nhiều nguồn khác nhau, ghi nhận khoảng 30 người. Trong 30 này, mình chọn 15. Trong số 15 này, đến một nửa là còn rất vô danh.
Không có gì phải khiêm tốn cả. Không có “đàn anh đàn chị” trong văn chương. Dẫu sao, xin lưu ý thêm, nhập cuộc chơi thật thoải mái và vui vẻ, nếu không hay chưa thì thôi.
Vậy bạn nhé.
Mến, S.

3 thoughts on “Tiểu Anh hỏi Câu hỏi tháng Ba

  1. Mình chưa bao giờ nghĩ thơ bạn quá cũ, mà là nó đã đi qua thời kì hậu hiện đại (Việt Nam). Thơ của thời kì sau thời kì hậu hiện đại. Đây là điều mình thấy, và ghi nhận.
    —–
    Hình như Sara đang muốn nói đến “chủ nghĩa kinh điển tự nhiên” (natural classicism) của Frederic Turner mà tiêu chí chủ đạo là ” Tái hợp của cái đẹp và đạo đức – Tái hợp của nhiệt tình và trí tuệ” . LV hoàn toàn đồng ý về nhận xét này .
    Phải thừa nhận Sara có con mắt “xanh” đầy tiên cảm/ tuệ cảm
    Chúc nhà phê bình vui & khỏe yêu đời
    Mời vào trang nhà nghe khúc nhạc Hậu Hiện đại : Ngày chạm đồi mây trắng phổ thơ Mai Văn Phấn Hihi
    Lê Vũ

  2. Chị Tiểu Anh làm thơ hay đấy chứ. Nói nhiều ý trúng phóc tâm lí chị em, càng đọc càng thích. Chị trẻ thế, làm thơ thì chưa nhiều cũng chưa có báo chí nào lăng xê. Vậy mà ngài Sara lại mò ở đâu ra chị mà phê bình. Đúng là ngài này rất cá biệt. Ông LeVu bảo Inrasara là nhà phê bình có mắt xanh, tôi thì bảo cá biệt. Bởi ngài này viết về những cây bút còn chưa ai biết. Mà viết hay nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *