Ghi chép tháng 10-2009

1. Cuối tháng 9-2009, bay ra Hà Nội họp Ban chấp hành Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Một buổi làm việc. Rồi thôi. Không gì cả. Tiếp hai sinh viên viết văn. Lang thang khu Đô Thị Mới, Bắc Linh Đàm. Trời thu Hà Nội đẹp, nhưng mình nghe trống rỗng. Về khách sạn nằm ngó trần nhà. Hai ngày như thế. Rồi vào trung tâm thủ đô hai ngày đêm. Gặp vài khuôn mặt quen. Lại nằm và ngó trần phòng khách sạn.
Lần đầu tiên ra Hà Nội không nói chuyện văn chương, không gặp bạn văn chương.
Bạn bè trên Thái Nguyên phone bảo anh chị em đang chờ. Một chiếc xe con bạn văn chực đưa lên Hòa Bình. Từ chối khéo. Không phải chán nản hay gì gì khác. Mà trống rỗng. Hết cảm hứng với chuyện ngoài rìa văn chương. Lang thang Bờ Hồ rồi về.
Miền Trung đang báo bão. Không ghé Huế và Đà Nẵng như dự định.
Đợi chuyến bay thẳng vào Sài Gòn, trưa mai.

Cả khi nhận giấy mời họp BCH mở rộng của Hội Nhà văn sau đó cũng thế. Dự tính 19-10 lên xe đi Cam Ranh rồi bay ra Hà Nội dự, sau khi tổ chức Kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau và Katê ở quê. Nhưng rồi thôi. Gần năm nay mình như đã đánh mất cảm hứng với các sinh hoạt văn chương. Với văn chương thì vẫn tràn hứng khởi như cũ, riêng với mấy thứ sinh hoạt thì – không!

2. Nghe nói Nhà nước tài trợ đến 16 tỉ đồng cho Làng nghề dệt thổ cẩm Caklaing và sân vận động! Khang trang, cao ráo và đẹp. 300 diễn viên không chuyên múa tập thể ngoài sân bóng. Kate năm nay xôm tụ. Nhà trưng bày thổ cẩm của làng bày hơn chục gian hàng bán phục vụ khách Kate. Xe con đến đông, nhưng chỉ toàn nhà báo đài đưa tin là chính, chứ có bán buôn gì được đâu.
Hành trình 10 năm Tagalau, thiếu hai bạn văn Tây Nguyên: Trần Can và Lê Vĩnh Tài; thiếu cả anh Thắng Kiến Thức ở Hà Nội, Lê Hải ở Sài Gòn giờ chót xin kiếu, cùng vài vị khách quý nữa. Thay vào đó hai giáo sư Thái Lan làm khách đột xuất, vui đáo để. Tiếc là hôm sau xảy ra sự cố gây hố cả Ban tổ chức Kate Caklaing với cả dân làng. Tỉnh báo Trung ương sẽ xuống khai trương Nhà Trưng bày. Dân làng và cả chục “già làng” với đoàn ca múa chờ từ 1 giờ trưa mãi 4 tiếng đồng hồ chả thấy tăm hơi trung ương đâu. Chốc chốc có loa báo rằng đoàn đã đến Long Bình, rồi sắp đến Bình Quý… và cuối cùng 5 giờ chiều tất cả giải tán ai về nhà nấy, mặt khô héo như lá hatwa. Tội!

Hôm sau có sinh viên Trường Đại học Văn hóa: Nhung, Xuyên, Tuyền, Tuấn, Hữu, Nguyệt ghé nhà; rồi thầy Jay tạt qua rất bất ngờ. Thầy trò chụp ảnh, hàn huyên. Ông không ngờ Caklaing thay đổi nhanh thế, càng không ngờ học trò ông đã dựng nên Nhà trưng bày văn hóa Chăm chứa bao nhiêu sản phẩm văn hóa quý báu và oách thế. Ông còn kêu Sara là my great student nữa.
Mấy đoàn sinh viên liên tục ghé thăm và… phỏng vấn, hỏi han. Phen này mình quyết từ chối, “anh có trách nhiệm trả lới mấy câu hỏi đâu”. Nhưng thấy Hani xuống giọng trầm năn nỉ “họ đã đến với mình rồi, anh chịu khó xíu đi, nói nhè nhẹ vào”, thế là phải há họng ra mà trả lời. Một khi đã nói, thì mình có kể gì đến cái họng. Nghĩa là hết mình và hấp dẫn. Cổ họng đau như móc, đến nỗi tối đó Jaka tính bố trí mình nói chuyện về văn hóa Chăm cho nhóm bạn thập phương của con gồm 30 người, cũng chịu. Đành chối.

3. Hôm Lễ Rước Y trang, mình va Trà Vigia ghé nhà chú Nông. Chú lấy vợ Hữu Đức hơn mười năm trời, mãi hôm nay mới có dịp thăm gia đình chú. Rồi chú Quận lại réo phone sang nhà anh Trinh có Phú Văn Tình ở đó. Có cả ảnh thờ ông già Lưu Quý Tân nữa, Sara ghé thăm ông cụ đi. Bạn học cũ hơn 30 năm gặp lại. mừng hết biết. Vậy mà anh Trinh chủ nhà cứ một mực ca mình, bảo Sara được trời phú cho lắm tài năng vượt trội, nên anh cảm thấy “rất ghen tị”. Sara biết anh đùa yêu, nhưng vẫn nghe kì kì. Thôi nói qua chuyện khác đi anh. Nhưng anh có chịu đâu, lại cứ trở lại bổn cũ.
Kéo cả Mêlan sang nhà Trà Vigia, rồi Đàng Năng Hòa, vân vân nữa.
Chiều, cùng nhóm sinh viên bạn Mêlan sinh hoạt thâm tình và đột xuất tại nhà em gái. Đây là lần thứ hai mình dẫn sinh viên về nhà mẹ. Lần đầu cách nay hơn một giáp, cùng sinh viên nước ngoài. Hôm sau Kate Caklaing. Mình ăn Kate như chim nắt nước, mỗi nhà mỗi ít. Cũng vui.

4. Mêlan viết nhiều về Chăm. Mình nói đùa mấy bạn khi giới thiệu bạn thơ trẻ này rằng, chúng ta đích thị Chăm nhưng hiếm khi thấy tháp Chàm, trong khi Mêlan sinh ra đã thấy tháp, nằm ngửa trong nôi cũng thấy tháp, lớn lên chạy nhảy lò cò với hình bóng tháp sừng sững, làm thơ về tháp không hay mới là lạ. Mình thấy Mêlan cần hiểu thêm về Chăm, về tinh thần và tâm hồn Chăm. Để thông cảm và chia sẻ. Chiều trước ngày Kate cuối cùng, mình dẫn em đi Thổ mộ, Kut, Bblang Kadang, Hầm Mỹ (thấy mình ca ngợi, em cứ tưởng Hầm Mỹ là cái gì độc chiêu lắm ít nhiều liên quan đến sách lược chiến tranh của Mỹ)… Ờ, chúng đấy. Chăm hiểu mình sẽ chết, học hiểu cái chết trước khi học biết sống, sống cho ra hồn.
Mình luôn ý định dẫn văn nghệ sĩ thành phố thiếu thực tế [Chăm] về làng Chăm để biết Chăm. Năm ngoái, mình đã cung ứng bao nhiêu chuyện cho Thu Nguyệt, Nguyễn Hiệp,… suốt hai ngày trên chiếc xe con xuyên làng Chăm. Kate 1996, Đăng Bẩy khi về Phan Rang bảy ngày phát hành Văn nghệ Dân tộc & Miền núi số Kate, đã ca ngợi hết lời về cái vụ Chăm ăn Kate. Bảy năm trước, mình cũng đã dẫn thi sĩ Bùi Chát về quê; anh chàng này có cái lạ là quý ông Chăm rót li nào uống hết li nấy, được cái anh có đức tính im lặng để lắng nghe và thấu hiểu. Khác với nhà thơ HM cứ nhấp nhổm lên xe ôm chạy vào thị xã tìm Đại lí Internet, tối về thì mở phim sex mời em ruột Sara cùng coi cho có bạn!

5. Hani vội vã vào Sài Gòn để chuẩn bị chuyến đi Lào dài ngày, ngay khi tan đêm Văn nghệ nhà quê với Jaka làm MC. Jaka đón xe đò trước mẹ. Khi mình vào thành phố thì nàng đã ra bến.

6. Vào Sài Gòn xe đêm.
Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Spirit of ASIA – Thái Lan PBS tại Văn phòng Công ty Thổ cẩm Chăm INRAHANI, về văn hóa và ngôn ngữ Chăm, văn học Chăm cổ điển và các sáng tác hiện đại, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á của Inrasara nữa. Họ cố nán lại để hỏi nhiều nữa. “Chúng em có ra Kate Caklaing. Đã không biết anh mà ghé thì uổng quá xá!”. Ừ, uổng lắm đấy. Có vài người vì không ưa Sara, đã không muốn đọc Sara. Tôi nói: làm vậy là thiệt thòi cho họ chứ không phải cho tôi. Tội vậy chớ!
Tối, vào quận Một tiếp Shine. Luôn luôn có cái mới để nói và tán giữa mình và Shine đến nỗi một tiếng rưỡi thời gian trôi nhanh như gió thổi bay nước miếng
9 giờ mình đã có cuộc hẹn rồi, bạn à. Thế là đành chia tay anh bạn người Nhật nhiệt tình.

Sau mùa Kate nhộn nhịp và đầy cảm hứng, lại trở về với cuộc sống thường ngày: Đối mặt với các con chữ…

9 thoughts on “Ghi chép tháng 10-2009

  1. Sara kể chuyện có duyên hết biết.
    Tự nhiên và vui. Quý ông Trung ương làm vậy kẹt đạn quá nhỉ. Thà đừng hứa thì thôi. Hứa mà không đến thì… buồn lắm đó. Cứ bố trí vài ba ông là lạ kêu là trung ương cũng được thôi, cho bà con vui thôi mà. Kate mà, có ai trách móc ai đâu. Cho bà con vỗ tay rồi về ăn cỗ.
    Trà Man

  2. Vì bận công việc bất chợt, nên lỗi hẹn với Sara, một người mà mình quá thương mến.

    vậy là vẫn chưa hội ngộ được với Katê, buồn và tiếc…

    cuộc sống đôi khi là cả những chuyến ” nhỡ tàu “

  3. Đối mặt với trang giấy hay màn hình trắng: khốn khổ nhưng đầy hoan lạc, cực nhọc mà vẫn tràn đam mê, cuốn hút ta vào chốn không biết của sáng tạo. Hành động viết là một hành động khám phá. Khi nhà văn thấy mình hoan lạc trong hành động khám phá này, là hắn đã sống đúng nghĩa một nhà văn. Chứ không phải trong một thành tích đạt được, càng không trong mấy lời tụng ca, dù với tâm hồn đẹp nhất.

  4. Bo hop Ban chap hanh Hoi nha van VN voi o lai To chuc Ki niem 10 nam Tagalau cho that tot, sau do con tiep cac vi khach tu phuong xa nua, la hay. Nhung neu lam duoc ca hai khong hay hon u? Duoc ca doi dang. Chung to nha tho ta cung ham choi chan!

  5. Chào anh Inrasara! Tôi là một trong số những người rất yêu mến, khâm phục nền văn hóa Chăm – dù chỉ qua hai hình ảnh: Tháp Chàm và nhà văn hóa Inrasara. Tôi quê Hải Phòng, thưở nhỏ, có câu hát đồng dao cứ ám ảnh đến tận bây giờ, không hiểu có liên quan gì đến ngôn ngữ Chăm không? Nhờ anh giải đáp giúp. Câu hát như sau: xit cà lang tang cà -xít cà lác tùng bê-alê con sáo sang sông… Cảm ơn anh.
    Kính chúc anh sức khỏe.

  6. Bạn Nguyenthingot thân mến
    Cám ơn bạn về tình yêu mến và sự quan tâm.
    Riêng câu ca bạn nêu ra, bởi nó quá ngắn nên khó đoán được nó là của ai. Nếu bạn gởi luôn cả bài thì hay biết bao.
    Thân
    SARA

  7. Con mot chi tiet nua ma chu chua “ghi chep” do la trong dem don xe vao Sai Gon, da gap va tang sach cho Che Vi nua.Chau rat vinh du va da “nhai” ky roi 4 cuon ma chu tang cho. Hua voi chu, chau se co viet.
    …..
    Thuc ra, cham buon qua nhi!?
    Den noi trong ghi chep cua chu, cam thay cung man mac buon?

  8. Huutan thân mến
    Kate Cham thì mênh mông chuyện. Nhớ không hết mà có kể cũng không xuể. Cháu nhắc là hay rồi. Cháu còn quên nhắc 1 chuyện nữa là: Sara sẽ chuyển cây gậy tiếp sức cho thế hệ mới. Và các cháu sẵn sàng NHẬN. Hoan hô! Khi nào sẵn sàng nhớ cho Sara hay nhé.
    Thân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *