Văn chương & Tư tưởng II-16.

Katê Chăm 2009 &
Tuần lễ Tagalau: 9-10 – 15-10-2009

Kính chúc Mik wa, adei xa-ai Cam kajap karo – thuk siam
Chúc Tagalau rak rok, lah dhan rak wan.
Kính chúc độc giả Inrasara.com mọi điều tốt lành.

*
Phân biệt sự lớn/ bé, cao/ thấp của nhà thơ là ở cái tầm. Tầm vóc đặt nền tảng trên một số yếu tố nhất định.
Dung lượng tác phẩm: không thể có nhà văn vĩ đại chỉ với một đầu sách. Có, nhưng rất ít. W. Whitman chẳng hạn. Nhưng ông này dồn cả đời cho Leaves of Grass, mỗi sáng tác mới chỉ là mỗi thêm vào, chứ không ý định làm tăng thêm đầu sách.
Khả năng sáng tạo ngôn ngữ dân tộc: dù muốn hay không, tác phẩm văn học như một bức tranh xã hội của thời đại. Bạn phải thiết lập ngôn ngữ mới để đáp ứng nhu cầu phản ánh hoàn cảnh khách quan và biểu hiện tâm tình con người thời đại. Ngôn ngữ là tài sản chung của cộng đồng, nhà thơ đặt dấu ấn của mình vào đó. Ariya Glơng Anak chứa lượng lớn vốn từ trước đó chưa hề có trong văn bản cổ Chăm. Thiếu khả năng sáng tạo ngôn ngữ riêng ông, ông chưa thực sự lớn.
Về thi pháp, bạn có khả năng mở hướng đi mới, một trào lưu mới ¬- trào lưu ảnh hưởng rộng lớn đến kẻ sáng tác cùng thế hệ, và nhất là các thế hệ tiếp sau.
Tư tưởng: một nhà văn không có tư tưởng mới, riêng (ở đây là tư tưởng thể hiện bằng phương tiện nghệ thuật) thì chưa thể gọi là lớn. Ảnh hưởng của nó không chỉ trong phạm vi văn học-nghệ thuật mà còn tác động lên các lĩnh vực khác, cả chính trị – xã hội nữa. Chúng ta hãy nghĩ đến Dostoievski hay Goethe.
Và cuối cùng, trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin liên mạng đã biến thế giới thành làng-toàn cầu, thì một nhà văn phải có phần góp vào phát triển nền văn học chung. Khía cạnh này, tác giả của ngôn ngữ “nhược tiểu” luôn ở thế lép. Sáng tác bằng tiếng Anh thì thuận lợi trong truyền bá hơn tiếng Việt rồi. Bên cạnh, yếu tố kinh tế – chính trị của đất nước nơi nhà văn sống cũng đóng vai trò không nhỏ trong khuếch trương tác phẩm. Cứ so thân phận nhà thơ Nhật với nhà thơ Tây Tạng, cũng đủ thấy. Đó là chưa nói nhà thơ dân tộc thiểu số. Ngay bản thân người viết bài này, dù học/viết tiếng Việt và Chăm song hành, vẫn luôn thấy khó nhọc trong chuyển dịch thơ mình từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, và ngược lại.
Là nhà thơ thì phải chấp nhận định mệnh ấy: canh giữ ngôn ngữ dân tộc.
Yêu mệnh để giải mệnh!
Inrasara, Song thoại với cái mới, 2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *